Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

15 thg 8, 2012

Hun Sen & câu chuyện ý thức nguyên thủ

Ta luôn đòi hỏi và kêu gào quá nhiều ở ý thức công dân, nhưng đã khi nào giật mình hỏi ngược ở ý thức lãnh tụ?
          hunsen1











Hôm thứ năm 9/8/2012, Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen vừa có một bài diễn thuyết kỷ lục suốt 5 giờ 20 phút trước Hạ viện và được truyền hình trực tiếp cho toàn dân nghe.
Phát ngôn viên chính phủ Khieu Kanharith nói: đây là bài diễn văn dài nhất của ông Hun Sen trong 27 năm làm Thủ tướng.
Nội dung gần như duy nhất chỉ nói về những khúc mắc trong phân định ranh giới với Việt Nam. Ông nói liên tục và không hề bị ngắt quãng với một chất giọng hào sảng hiếm thấy ở một vị Thủ tướng đã qua tuổi 61.
         
Nói đúng, đây là bản điều trần sau hàng loạt những tấn công cáo buộc từ các đảng phái đối lập nhằm vào chính phủ của Thủ tướng Hun Sen trong việc nhượng bộ để mất đất cho Việt Nam. Nhưng Hun Sen đã biến bản điều trần thành một tuyên ngôn hào hùng của người đứng đầu chính phủ trước dân chúng.
         
Không bàn kỹ đến nội dung, không biết liệu có làm vừa lòng Hạ viện và dân chúng, nhưng rõ ràng đã cho thấy một thái độ dứt khoát từ ý thức trách nhiệm người đứng đầu chính phủ- công khai, không tránh né, cho dù nhạy cảm đến đâu.
         
Sức ép và cáo buộc từ các đảng phái đối lập là có, nhưng không nóng và căng như những đòi hỏi bức bách từ dư luận dân chúng Việt. Câu chuyện tranh chấp, phân định biên giới Việt Nam- Campuchia cho dù nhạy cảm đến mấy cũng không nóng và căng như tranh chấp Việt- Trung.
         
Biển Đông sục sôi. Hoàng Sa và một phần Trường Sa bị nuốt chửng.
Trung Quốc ngang ngược thành lập chính quyền Tam Sa, đưa quân đồn trú và thành lập Bộ tư lệnh Tam Sa.
Trên 2 vạn tàu cá Trung Quốc cùng với 100 máy bay chiến đấu ùn ùn tràn xuống biển Đông.
Trên mặt trận ngoại giao, vừa thò tay phá hỏng hội nghị Asean Phnom Penh,
Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì lại đang tiếp tục chuyến ngoại giao con thoi đến Indonesia, Brunei và Malaysia với mục tiêu không gì khác ngoài câu chuyện biển Đông.
         
Trong nước, dân tình nổi giận. Nhân sĩ trí thức đệ đơn đòi nhà nước cho phép tổ chức biểu tình. Nhưng đảng, nhà nước, chính phủ, quốc hội tất thảy đều im lặng, chưa nghe ai nói gì.
        
Hay tại cái cơ chế mình không phân rạch được ai là người đứng đầu? Nếu thế thì cũng phải đại diện một ông thay mặt đứng lên nói rõ thái độ hành động trước dân chứ?
Chẳng lẽ từ Tổng Bí thư đến Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng, không ông nào được như Hun Sen? (Tôi cũng không ưa gì Hun Sen bởi nhiều lúc lão chống Việt ra mặt, nhưng cái ý thức nguyên thủ trong lối điều trần và tỏ bày thái độ trước những sự thể quốc gia của vị Thủ tướng này thì đáng để người Việt học). Thôi thì quốc hội cũng là một, không điều trần chi thì ít ra cũng đứng lên… ti vi nói cho đồng bào biết các ông đang nghĩ gì làm gì chứ?
         
Lâu nay ta luôn đòi hỏi và kêu gào quá nhiều ở ý thức công dân, nhưng đã khi nào giật mình hỏi ngược ở ý thức lãnh tụ? Trước những thời khắc hiểm nguy, trước những tình huống khẩn cấp, trước những sự thể nóng bỏng, người lãnh tụ cần biết mình phải làm gì.
         
Chưa dám nhìn đâu xa. Một động thái như cái lão láng giềng Hun Sen kia cũng không thấy được sao? Hay thật sự cái đảng này, nhà nước này, chính phủ này không có người đứng đầu?
Nguồn : TRUONG DUY NHAT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét