Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

7 thg 8, 2012

BI VÀ HÙNG CỦA LỊCH SỬ

Lịch sử thế giới là một chuỗi những sự kiện bi kịch của loài người. Hùng có, bi có, lụy có, v.v... không thiếu những mùi vị cay, đắng, ngọt, bùi, mặn nồng nào trên thế gian trần tục này. Hầu như tất cả đều bắt đầu từ những đúng đắn hoặc sai lầm của tầng lớp tinh hoa - chính khách - của các dân tộc mà ra. Đặc biệt, là tầng lớp Quốc phụ khai quốc công thần của các dân tộc mà nên.

Lịch sử hùng cường, ngọt bùi và mặn nồng nhiều, nhưng nhược tiểu, bi ai và cay đắng thì ít, thường đi với những vùng đất có tầng lớp Quốc phụ có tầm tư tưởng đi trước thời đại, hợp với với quy luật xã hội học, để tạo ra một xã hội do dân, của dân và vì dân.

Ngược lại, lịch sử của một vùng đất nhược tiểu, bi ai và cay đắng chiếm phần lớn, trong khi đó hùng cường, ngọt bùi và mặn nồng thì hầu như khó thấy. Cũng vì ở dân tộc và vùng đất đó không có những Quốc phụ có tầm nhìn xa trông rộng vì dân tộc và tổ quốc, mà chỉ vì danh lợi của cá nhân. Họ - những Quốc phụ - sẵn sàng làm thân tôi mọi cho ngoại bang, sẵn sàng bán rẻ xương máu dân tộc và giang sơn xã tắc ông cha để lại, để cung phụng cho lợi ích riêng tư.

Điều này dễ dàng kiểm chứng ở các nhược tiểu và cường quốc trên khắp năm châu, bốn bể. Song, lịch sử là của kẻ chiến thắng viết cho mình, nên lịch sử "dễ bị lãng quên" những cái cần nhớ rõ, vì mục đích của kẻ cầm quyền. Nó di hại đến các thế hệ mai hậu.


Nhìn lại nước Việt, trong một tác phẩm
Phan Châu Trinh qua tài liệu mới của tác giả Lê Thị Kinh, do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2001, có đoạn mà viện sĩ De Brieux nhận định khi đi thăm Ấn Độ và Đông Dương như sau:
"...Phải nghĩ và làm quen với ý nghĩ là dù chúng ta (người Pháp) có làm gì đi nữa cũng không thể mãi mãi giữ Đông Dương được.

Nếu chúng ta không trả cho người An nam thì có kẻ sẽ giành lấy.

Và kẻ đó chính là nước Trung Hoa.

Và ngày mà ở châu Âu chúng ta phải đương đầu với một cường quốc thì ngày đó người Trung Hoa sẽ nhẹ nhàng chiếm Đông Dương như người Ý năm 1870 đã chiếm lấy đất đai của Giáo hoàng. Nếu người Sài Gòn muốn chống lại thì với 100 nghìn người Trung Hoa ở chợ Lớn họ không cần súng ống cũng trị được. Ở đâu trên đất Đông Dương cũng vậy, cứ 1 người Pháp thì đã có 20 người Trung Hoa..."

Phần còn lại của nhận định này mọi người có thể đọc nó trong bài báo với cái tựa Người Pháp đã nhận ra toan tính của Trung Quốc đối với Việt Nam từ năm 1909.

Thế thì, lịch sử cận đại của nước ta nó đã diễn ra trong 60 năm qua là một bi kịch hơn là hùng ca. Có những chữ nếu mà, không thể xảy ra như chăm ngôn:
"Có 3 điều không thể lấy lại được là, thời gian, lời nói và cơ hội khi chúng đã xảy ra, dù đúng hay sai". Nước Việt của chúng ta đã nằm trong bi kịch đắng cay ở thời gian và cơ hội khi thực dân Phú Lang Sa - Pháp - muốn giao lại cái Đông Dương gồm 3 nước, Việt Miên Lào cho người An Nam cai trị, vì mục đích chống đỡ lại Trung Hoa. Nhưng cũng cứ hãy nhìn lại để ôn cố tri tân bằng một chữ nếu xem sao?
Cú thỏa hiệp lịch sử giữa Nixon và Mao thông qua cuộc đi đêm của Kissinger với Chu Ân Lai thành công bằng Hiệp định Paris 1973 và bi kịch của dân tộc và đất nước Việt kéo dài từ đó đến nay khi Mỹ bán Đông Dương cho Trung Hoa, đổi lại Trung Hoa phải quay đầu thân Mỹ để chống lại Liên Xô. Cuối cùng mọi bi thương đều đổ lên đầu lên dân tộc Việt, nhưng tất cả rất dễ bị quên.

Nếu ngày ấy, các Quốc phụ của hai miền Nam Bắc có đủ tầm nhìn xa, trông rộng. Họ sẽ không vì cái gì đó, mà phải làm thân tôi, mọi cho hai phe tả hữu, hắc bạch đang thực hiện trò chiến tranh lạnh, bằng cách lấy xứ Đông Dương nói chung và  Việt Nam nói riêng ra là nơi thử bom đạn, và vùng tranh bá đồ vương, thì với cái Liên Bang Đông Dương như Pháp đã để lại, liệu Trung Hoa có hùng hổ gây hấn và bắt nạt chúng ta như đã diễn ra từ sau 30/4/1975 hay không?

Chữ nếu này thì không thể lấy lại được. Và nó đã thể hiện lịch sử hiện đại của ta trong hơn 60 năm qua là bi, cay, đắng và ly tán, để có hôm nay đầy rẫy những tha hoá cả văn hoá đến đạo dức toàn dân tộc, mà nếu - lại nếu - muốn sửa sai lầm này đòi hỏi thời gian tính bằng thế kỷ!


Gần đây, để chống chọi một cách yếu ớt với trò gây hấn kiểu cá lớn nuốt cá bé của Trung Hoa, chúng ta lại không có lực, có trí và có tầm cho đại sự, mà lại có những hành động rất cạn nghĩ như việc "làm ra" chứng cứ
tấm bản đồ cổ của Trung Hoa, mà tấm bản đồ này không nói Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Hoa và cũng không thuộc cả của Việt Nam. Lại có thêm thông tin một bạn trẻ đang du học Mỹ sưu tầm nhiều tấm bản đồ chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa không là của Trung Hoa mà là của Việt Nam. Dẫu biết rằng lịch sử là vậy, và những tấm bản đồ là cứ liệu khoa học, nhưng liệu nó có giúp ích gì với kiểu xâm lược mạnh thắng yếu thua của Trung Hoa?

Thế thì, liệu có thể xảy ra trong vài tháng tới, Trung Hoa lại diễn trò như ta, họ đưa ra một tấm bảng đồ cổ hơn của ta rằng thời đại nào đó cách nay hơn vài thế kỷ đã có tấm bản đồ cổ có ghi nhận Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc Trung Hoa không?


Hơn thế nữa, dù cả thế giới lên án, nhưng Trung Hoa ngày càng lấn tới bằng hành động xua tàu đánh cá đến
23 ngàn chiếc xâm lấn biển Đông như thông tin chính thống đã đưa, thì liệu cái chứng cứ tấm bản đồ cổ có giá trị gì? Khi họ đã tự vẽ bản đồ lưỡi bò 9 khúc một cách ngang ngược, chẳng coi công luận thế giới ra gì.

Sao lịch sử rõ ràng, năm 1974 Trung Hoa cướp Hoàng Sa từ tay nhân dân miền Nam Việt Nam như lời
ông thủ tướng đã nói trước quốc hội và toàn thế giới, và 1988 Trung Hoa cướp một số đảo đá ngầm Trường Sa của ta không là chứng cứ hùng hồn, mà lại dựa lên tấm bản đồ cổ bỏ quên, của một ông làm ở cái viện Hán Nôm sực nhớ là mình có?

Liệu lịch sử có lập lại khúc bi thảm thời mà Kissinger đi đêm với Chu Ân Lai để thương thuyết với Mao Trạch Đông để bán lại Đông Dương cho Trung Hoa, để Trung Hoa quay đầu thân Mỹ, chống lại Liên Xô, trong khi chúng ta vẫn cứ ngụp lặn trong cảnh nồi da xáo thịt để mất Hoàng Sa vào tháng Giêng 1974. Kế đến lại mất thêm một số đảo chìm ở Trường Sa vào năm 1988, mà cả Liên Xô và Mỹ đều làm ngơ.


Thế giới nhị nguyên luận trong triết học đã chỉ ra rằng, hoặc tả hoặc hữu, không có chuyện cả tả và hữu ở hai chân. Tuỳ thời mà chọn đúng tả hay đúng hữu để thành công. Ngay cả Hoa Kỳ - nơi được cho là thế giới tự do - có rất nhiều đảng phái, nhưng lãnh đạo đất nước Mỹ cũng chỉ có hai. Lúc tả, lúc hữu cho hợp thời, thì Hoa Kỳ mới có được hùng cường như hôm nay.


Thế thì, tả hay hữu cho một Việt Nam trong thời kỳ khó khăn này - khi mà trong không ấm, mà ngoài chẳng yên. Đó là câu hỏi rất quan trọng, nó quyết định lịch sử đất nước và dân tộc Việt sẽ bi hay hùng, sẽ ngọt bùi hay cay đắng?


Vận mệnh quốc gia dân tộc đặt nặng lên trên mệnh của các tinh hoa trào đình. Mệnh tinh hoa yếu đất nước ngã nghiêng. Mệnh tinh hoa mạnh dân tộc hùng cường. Năm Nhâm Thìn 2012, như tôi đã viết cực dương, hành thủy, về mặt tứ tượng đã đánh vào cái xung khắc của hai nhân vật nắm đầu hành pháp lắm chuyện đau đầu. Năm tới 2013, cái tứ tượng cực âm, hành hỏa sẽ xung khắc với người đứng đầu trong mọi người hứa hẹn nhiều khác lạ, mà không thể dự báo trước. Vậy bi hay hùng cho một trang sử mới của dân tộc Việt?

Câu hỏi lớn này nó còn tùy thuộc vào sự chọn lựa của các tinh hoa trong cách dẫn dắt cộng đồng Việt đi về hướng nào, chứ không phải lần khần theo cách đu dây.

Nguồn : BACSIHOHAI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét