Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, dân làm chủ là cơ chế gồm ba chủ thể có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn riêng, không ai làm thay ai, không ai quyết thay ai. Nếu Đảng làm thay, quyết thay thì Nhà nước và dân sẽ trở thành hình thức, hữu danh vô thực, người ta sẽ có cảm giác Đảng là vua. Không phải là một ông vua như thời phong kiến mà là vua tập thể thời CH XHCN".
Tính dân chủ của MT DTTN Việt Nam còn rất yếu so với tính dân tộc
Dân chủ là mục tiêu nền tảng, là quốc hiệu của Việt Nam: "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", song tính dân chủ còn yếu hơn rất nhiều so với tính dân tộc.
....
Nhiều ý kiến cho rằng Mặt trận Dân tộc Thống nhất nước ta có hai tính chất cơ bản là tính dân tộc và tính dân chủ. Trong đó, tính dân tộc xuyên suốt, nổi trội và trở thành một đặc trưng cơ bản của Mặt trận, nó là truyền thống yêu nước thương nòi của dân tộc Việt Nam ta đã được rèn luyện trong đấu tranh chống địch họa và thiên tai. Thế còn tính dân chủ thì sao? Nó còn quá mới mẻ với Việt Nam? Có lẽ đây là ý kiến cần được xem xét, nghiên cứu nghiêm túc, vì nó mang ý nghĩa sâu sắc, quan trọng cả về lý luận và thực tiễn.
Để làm rõ vấn đề này, hãy trả lời câu hỏi: Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng gì? Ai cũng có thể trả lời dễ dàng: Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nên Mặt trận phải có cả hai tính chất vừa là dân tộc, vừa là dân chủ. Đương nhiên Đảng ta cũng có cả hai tính chất đó và Nhà nước ta cũng không thể thiếu hai tính chất này.
Nếu xem xét tính dân tộc và tính dân chủ ở cả hai giai đoạn Cách mạng dân tộc dân chủ và Cách mạng XHCN thì chúng ta dễ nhận thấy rằng, tính dân tộc ở cả hai giai đoạn đó đều nổi trội hơn tính dân chủ. Tính dân chủ ở Việt Nam còn mới mẻ vì dân tộc ta bị sống trong đêm dài phong kiến, nô lệ quá lâu so với nhiều nước ở phương Tây.
Khi chuyển lên hình thái Cách mạng XHCN, cũng có ý kiến băn khoăn cho rằng chúng ta có hơi vội quá chăng? Vì Cách mạng dân tộc dân chủ của ta chưa hoàn thành cơ bản, mới làm được cách mạng dân tộc, còn cách mạng dân chủ thì vừa bắt đầu. Điều đó có nghĩa, trong giai đoạn cách mạng XHCN tới đây, cần làm sao cho tính dân chủ cũng trở thành nổi trội, xuyên suốt, dần trở thành chủ đạo và truyền thống như tính dân tộc. Làm được như vậy thì thành quả của cách mạng, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội sẽ được giữ vững.
Phải chăng, Cách mạng XHCN chính là cách mạng dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ thực sự cho dân, có thêm tính từ XHCN cũng nhằm làm rõ cuộc cách mạng của chúng ta dân chủ thực sự chứ không phải dân chủ giả hiệu. Tính dân chủ càng sâu rộng thì tính dân tộc càng được nâng cao. Hai tính chất này trong mỗi giai đoạn có khác nhau, nhưng ở giai đoạn phát triển XHCN chúng ta phải nâng cả tính dân tộc và cả tính dân chủ lên rất nhiều. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực, song dân chủ phải là mục tiêu nền tảng. Mệnh đề công bằng - văn minh phải trên nền tảng dân chủ cộng hoà; tự do, hạnh phúc cũng phải trên nền tảng dân chủ cộng hoà. Không có dân chủ thì không có công bằng, văn minh, không có tự do, hạnh phúc đích thực đối với mỗi người dân.
"Dân quyết" là thực chất của tính Dân chủ
Cách đây bốn năm, trong bài viết "Dân làm chủ", "Đảng lãnh đạo" tôi (ông Nguyễn Văn An ) đã đề cập đến vấn đề "dân quyết". Dân làm chủ thì dân phải quyết, quyết trực tiếp và quyết gián tiếp thông qua cơ quan đại diện. Song về bản chất là dân quyết chứ không phải vua quyết, cũng không phải đảng quyết. Đảng lãnh đạo, dân quyết.
...
Đảng quyết theo chức năng của cơ quan lãnh đạo, dân quyết theo chức năng của người làm chủ, còn nhà nước quyết theo chức năng của người quản lý. Ba chủ thể đó đều có quyền quyết, nhưng quyết theo chức năng của mình, không ai quyết thay ai. Vì nếu "hăng hái" quyết thay người khác thì người bị quyết thay sẽ trở thành bù nhìn, hữu danh vô thực.
Trong một gia đình cũng vậy, người chủ của gia đình mà không có quyền quyết định công việc của gia đình mình mà lại do người khác quyết, thì người chủ gia đình đó chỉ là bù nhìn, không phải chủ đích thực.
Đời sống chính trị ở nhiều nước phân vai rất mạch lạc. Như ở Anh, trước khi quyết định chọn sử dụng đồng Euro, Thủ tướng phải đưa ra trưng cầu dân ý để dân phúc quyết. Dân Anh không chịu dùng Euro và Thủ tướng buộc phải theo. Pháp cũng vậy, khi Tổng thống Pháp trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp liên minh châu Âu, dân Pháp trả lời không tán thành, và đương nhiên Tổng thống phải chấp hành theo ý dân.
Quyền lực Nhà nước thống nhất ở nơi Dân là bản chất của nhà nước dân chủ
Khi nhận trọng trách Chủ tịch QH, tôi từng hỏi ý kiến của nhiều vị gần gũi và có trọng trách rằng: Quyền lực nhà nước "thống nhất" ở đâu? Ý kiến trả lời là rất khác nhau. Người thì bảo thống nhất ở Đảng, người thì bảo thống nhất ở QH, người khác lại nói thống nhất ở nơi dân.
Theo tôi, quyền lực Nhà nước là của dân, là thống nhất ở nơi dân chứ không phải thống nhất ở QH, cũng không phải thống nhất ở Đảng (nhưng mà thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng thể hiện ở Hiến pháp và pháp luật).
Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, dân làm chủ là cơ chế gồm ba chủ thể có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn riêng, không ai làm thay ai, không ai quyết thay ai. Nếu Đảng làm thay, quyết thay thì Nhà nước và dân sẽ trở thành hình thức, hữu danh vô thực, người ta có cảm giác Đảng là vua. Không phải là một ông vua như thời phong kiến mà là vua tập thể thời CH XHCN. Nếu vậy thì còn gì là dân chủ nữa mà là Đảng chủ, là Đảng bao biện, làm thay. Và như vậy là mất dân chủ. Dân chủ thì quyền lực nhà nước phải thống nhất ở nơi dân.
Phải có Luật về Đảng để khắc phục tình trạng Đảng bao biện, làm thay và buông lỏng lãnh đạo để đảm bảo tính dân chủ được thực hiện trong thực tiễn
Trong dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội lần thứ XI của Đảng cũng có đề cập đến vấn đề bao biện làm thay, buông lỏng lãnh đạo. Khi chúng ta nói bao biện làm thay thì thấy nó nhẹ nhàng, nó đã trở thành thói quen và thậm chí có người nói rằng nó là chai lì, nó trở thành đương nhiên, nó đã trở thành bình thường rồi. Nhưng khi hỏi rằng bao biện và làm thay là đúng hay sai so với Hiến pháp, so với Pháp luật, so với Cương lĩnh, so với Điều lệ thì nó lại là vấn đề lớn.
Mà muốn khắc phục, không cách gì khác cần phải có Luật về Đảng. Đảng sẽ hoạt động theo luật về đảng, sẽ khắc phục được cả tình trạng bao biện làm thay, cả tình trạng buông lỏng lãnh đạo, đảng sẽ không vi phạm pháp luật và Điều lệ đảng nữa.
Đảng đã chính thức cầm quyền 65 năm, song cho đến giờ vẫn chưa có Luật về Đảng. Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể,... đều có luật do Quốc hội ban hành để điều chỉnh hành vi hoạt động, để nhân dân giám sát, để Nhà nước quản lý theo pháp luật.
Giai đoạn Đảng cầm quyền phải khác với giai đoạn Đảng còn đang đấu tranh hợp pháp và bất hợp pháp để giành chính quyền về tay nhân dân, vì khi đó chính quyền thực dân, phong kiến không cho phép đảng ta hoạt động hợp pháp, đặt đảng cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Ngày nay, Đảng cầm quyền hợp hiến (trong Hiến pháp điều 4 đã ghi), càng cần phải có Luật để tránh bao biện, làm thay, buông lỏng lãnh đạo; và cũng để dân có cơ sở giám sát, xây dựng Đảng; để nhà nước có cơ sở kiểm soát các tổ chức và đảng viên, cán bộ của Đảng làm theo Hiến pháp và Pháp luật.
Xem lại phương thức cầm quyền, phương thức lãnh đạo của Đảng để tránh bao biện làm thay và buông lỏng lãnh đạo
Trong Dự thảo văn kiện đảng trình Đại hội XI cũng có đề cập đến hiện tượng bao biện làm thay và buông lỏng lãnh đạo. Tôi cũng như các đồng chí khác đều cho rằng, để khắc chế hiện tượng này, không có cách gì khác ngoài việc phải có luật về đảng, đồng thời chúng ta phải xem xét lại phương thức cầm quyền và phương thức lãnh đạo của Đảng. Nếu người đứng đầu của Đảng ứng cử chức danh đứng đầu nhà nước ở các cấp sẽ khắc phục được hiện tượng bao biện làm thay và buông lỏng lãnh đạo.
Khác với hồi mới lập quốc, ngày nay các đồng chí Tổng bí thư và Bí thư cấp ủy không phải đảm nhiệm chức vụ gì của cơ quan hành pháp cùng cấp, nhưng mà quyền lực của các đồng chí đó thì lại rất lớn. Mô hình tổ chức tách biệt giữa người đứng đầu Đảng với người đứng đầu Nhà nước như vậy nên không ít trường hợp nảy sinh mâu thuẫn giữa đồng chí Bí thư với đồng chí Chủ tịch. Bởi vậy, mới có tình trạng nơi nào đồng chí Bí thư yếu thì hình như là buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Nhưng quan niệm như vậy là chưa chính xác, vì đồng chí Chủ tịch cũng là Phó bí thư, cũng là người trong cấp ủy. Tại sao nói chỉ đồng chí Bí thư mới là người của Đảng, còn đồng chí Chủ tịch không phải là người của Đảng. Đây là quan hệ giữa hai cá nhân với nhau chứ không phải quan hệ giữa Đảng và Nhà nước.
Cần phân biệt rất mạch lạc rằng: đây là mâu thuẫn giữa hai cá nhân mà do cơ chế của chúng ta tạo ra, do phương thức cầm quyền và phương thức lãnh đạo tạo ra, chứ không thể nói là mâu thuẫn giữa Đảng với Nhà nước, hoặc nói Nhà nước coi thường sự lãnh đạo của Đảng.
Thực tiễn cho thấy, bao biện làm thay cũng như buông lỏng lãnh đạo là do phương thức cầm quyền, phương thức thức lãnh đạo tạo ra. Trên thế giới hình như cũng không có nước nào tách riêng người đứng đầu Đảng cầm quyền với người đứng đầu Nhà nước. Lúc mới lập quốc, Bác Hồ đã chọn mô hình thống nhất giữa người đứng đầu Đảng với người đứng đầu nhà nước. Lúc đó Bác là người đứng đầu Đảng (Đại hội II đã bầu Bác làm Chủ tịch Đảng) kiêm Chủ tịch nước. Đây cũng là mô hình phổ quát trong nhiều chính thể cộng hòa trên thế giới từ trước tới nay.
Vi Hiến mà coi là bình thường thì rất đáng phải báo động
Trong bài trò chuyện gần đây với Tuần Việt Nam, bàn về việc sửa đổi Hiến pháp sắp tới, tôi cũng đã đề cập vấn đề này. Người đứng đầu Đảng, Tổng bí thư hay Chủ tịch Đảng sẽ được dân lựa chọn làm người đứng đầu Nhà nước, là Chủ tịch nước, ở các nước thì họ gọi là Tổng thống hoặc Thủ tướng. Như vậy sẽ không còn bao biện làm thay cũng như buông lỏng lãnh đạo nữa. Xin nói thêm, Tổng bí thư của chúng ta còn là Bí thư Quân ủy trung ương, tức là người thống lĩnh lực lượng vũ trang. Trong khi đó, Hiến pháp lại ghi Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang. Như vậy là phân công trong Đảng và trong Nhà nước có sự chưa ăn khớp. Trong Hiến pháp của chúng ta vẫn ghi Chủ tịch Nước thống lĩnh lực lượng vũ trang, song không thực quyền trong thực tế, nếu nói theo pháp luật là chúng ta vi phạm Hiến pháp. Chỉ khi nào Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nước thì chúng ta sẽ khắc phục được hiện tượng chưa ăn khớp đó, sự vi hiến đó. Vi hiến mà chúng ta coi là thói quen, coi là bình thường thì rất đáng phải báo động.
Mặt trận phải có tiếng nói tới nơi, tới chốn để đảm bảo tính dân chủ của mình
Đây cũng là vấn đề về quyền dân chủ của nhân dân. Và Mặt trận phải có tiếng nói tới nơi, tới chốn để Tổng bí thư, Bí thư cấp ủy các cấp, người có quyền lực chính trị lớn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, muốn vậy thì các đồng chí đó phải đồng thời đứng đầu cơ quan hành pháp. Quyền lực mà không gắn liền với trách nhiệm là điều tối kỵ vì nó không được kiểm soát, chẳng khác gì nhà vua, nhà vua thì không ai kiểm soát được.
Bàn về Mặt trận mà lại nói nhiều về Đảng vì tôi cho rằng, nói đến Mặt trận là nói đến dân vận, là nói đến đại đoàn kết, mà dân vận, đại đoàn kết là phải từ mục tiêu lý tưởng của Đảng, của dân tộc, là độc lập, tự do, hạnh phúc trên nền tảng dân chủ cộng hòa, nay là cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tức là chỉ có trên nền tảng dân chủ, chỉ có trên nền tảng đường lối chính sách đúng đắn của Đảng và năng lực lãnh đạo ngang tầm của Đảng thì Mặt trận mới làm tốt được chức năng dân vận, mới làm tốt được chức năng đại đoàn kết dân tộc.
Nếu đường lối của Đảng không đáp ứng, năng lực lãnh đạo của Đảng không đáp ứng thì Mặt trận không tài nào làm tốt được chức năng dân vận, không tài nào làm tốt được chức năng đại đoàn kết dân tộc. Chính vì vậy, tôi nói nhiều về Đảng, vì không thể tách rời Đảng ra khỏi Mặt trận, không thể tách Đảng ra khỏi Nhà nước trong điều kiện Đảng cầm quyền. Không trên nền tảng dân chủ thì Mặt trận sẽ không làm được những chức năng đó. Mà nền tảng dân chủ phải từ đường lối, chính sách của Đảng. Cho nên, nói về tính dân chủ của Mặt trận, không thể tách rời tính dân chủ của Đảng và Nhà nước được.
Để bảo đảm cho Mặt trận và các đoàn thể, cho Nhà nước và cho Nhân dân phát huy dân chủ, Đảng có nên tự coi mình là lực lượng lãnh đạo đương nhiên không?
Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng là Đảng phải tự xác định vị trí của mình trong Mặt trận như thế nào? Đảng vừa là thành viên của Mặt trận, vừa là lực lượng chính trị lãnh đạo Mặt trận. Vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng có phải là đương nhiên và mãi mãi không?
Tôi xin trích lời của Bác Hồ: "Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo" (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, NXB Sự Thật 1983, Trang 115). Đây là Đảng giành địa vị lãnh đạo chứ không phải là Đảng bắt người ta thừa nhận vị trí lãnh đạo. Bác Hồ nói về địa vị lãnh đạo của đảng đối với Mặt trận cũng tức là nói với các đoàn thể khác, cả với nhà nước và xã hội.
Tư tưởng của Bác Hồ là tư tưởng lấy dân là gốc, dân là chủ. Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận, đòi hỏi dân phải thừa nhận quyền lãnh đạo của mình mà phải qua hoạt động thực tiễn, phải được Mặt trận và nhân dân suy tôn, lựa chọn. Lựa chọn đây là lựa chọn Cương lĩnh và người đứng đầu đất nước thông qua tổng tuyển cử.
Dân suy tôn và lựa chọn bằng cách nào. Dân suy tôn và lựa chọn Cương lĩnh phát triển của Đảng, lựa chọn người đứng đầu Đảng trở thành người đứng đầu đất nước thông qua tổng tuyển cử. Bây giờ Cương lĩnh của Đảng chưa được dân lựa chọn, chưa được dân bỏ phiếu, người đứng đầu Đảng chưa sang ứng cử chức danh người đứng đầu đất nước. Dân chưa được lựa chọn như vậy cho nên dân chưa được làm chủ thật sự.
Nếu Đảng coi mình đương nhiên là lực lượng lãnh đạo thì chẳng khác gì nhà vua cha truyền con nối. Từ một nhà vua cá nhân thời quân chủ, nay trở thành một nhà vua tập thể thời cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Như vậy là Đảng chủ chứ không phải dân chủ.
Tính dân chủ phải là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và nổi trội trong cách mạng Xã hội chủ nghĩa mà chúng ta, cả Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể và cả xã hội ta còn yếu, chưa quen, chưa có truyền thống nên chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Chúng ta phê phán, phân tích để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm chứ không được phủ định sạch trơn. Tính dân chủ hiện nay còn yếu hơn tính dân tộc, song nó sẽ lớn dần, nổi trội và trở thành truyền thống như tính dân tộc. Mặt trận và các đoàn thể chúng ta cũng sẽ lớn lên cùng với cả hai tính chất đó. Phải chăng Đảng, Nhà nước và cả Xã hội chúng ta cũng sẽ lớn lên với cả hai tính chất đó, cả tính dân tộc và tính dân chủ chứ không phải chỉ riêng Mặt trận.
Nói đến Mặt trận là nói đến dân tộc, dân chủ, nói đến đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại đoàn kết vẫn có đấu tranh nhưng đấu tranh để đại đoàn kết. Đấu tranh là quy luật của sự phát triển, song đại đoàn kết lại là lực lượng vô địch cho sự phát triển. "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công" là để cân bằng lại với đấu tranh giai cấp cực đoan, với chuyên chính vô sản cực đoan, để tạo sức mạnh tổng hợp của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại nhằm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng xã hội nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Đấu tranh và tình thương, trong đó tình thương phải vượt lên trên đấu tranh, tình thương phải vượt lên trên hận thù, vì lấy oán báo oán thì oán không bao giờ vơi, Đức Thích ca dạy chúng ta từ bi, Đức Giê su dạy chúng ta bác ái, Đức Khổng Tử dạy chúng ta nhân nghĩa. Bác Hồ của chúng ta đã tiếp thu những tinh hoa trí tuệ của nhân loại, những tư tưởng tiến bộ của cách mạng tư sản phương tây, của chủ nghĩa Marx - Lenin, của các nhà minh triết phương Đông, của các vị cách mạng tiền bối Việt Nam, cho nên Tư tưởng - Minh triết Hồ Chí Minh cũng chính là Lý luận - Hành động Hồ Chí Minh, ngọn đuốc soi đường làm nên phong trào cách mạng Việt Nam. Bác nói: "Dân chủ là dân làm chủ". Dân chủ là chìa khóa đi tới tự do hạnh phúc. Điều đó cũng nói lên tầm quan trọng của tính dân chủ của Mặt trận và các đoàn thể, của cả Đảng, Nhà nước và Xã hội ta trong công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta phấn đấu sao cho tính dân chủ ngày càng nổi trội và cũng trở thành truyền thống như tính dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét