Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

11 thg 12, 2010

Đồng tiền có... chân


Khi đồng tiền có chân đi vào nhà cán bộ, thì niềm tin cũng có chân từ nhà dân đi ra. Khi niềm tin đi ra, sự hoài nghi sẽ ở lại


Tác giả Thảo Dân vừa có bài viết: "Tại sao, Hàn Quốc?", đặt những câu hỏi so sánh về sự phát triển của xứ sở kim chi. Còn trên báo Tiền Phong online mới đây, có một bài viết nhỏ: "Tiền hỗ trợ lạc vào...nhà cán bộ". Nhưng suy ngẫm kỹ, nó mang thông điệp một vấn đề xã hội đang nhức nhối.

Câu chuyện rất đơn giản: Xã Phú Điền (huyện Tân Phú - tỉnh Đồng Nai), vào tháng 12/2007, có 23 chủ xe công nông, xe ba gác, xe thô sơ được công an xã thống kê trong diện bị cấm lưu hành (theo Nghị quyết 32/2007 của CP) được nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước.
Tuy nhiên, gần 2 năm sau, con số này do UBND xã lập, đề nghị huyện Tân Phú xét duyệt thì đã lên tới 39 chủ phương tiện. Trong số này, có rất nhiều chủ phương tiện là cán bộ xã, cán bộ huyện... không liên quan gì đến xe công nông, nhưng lại được hưởng chính sách.

Tỷ như ông Đinh Công Khánh, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng (đại biểu HĐND xã) và vợ là Nguyễn Thị Phượng, mỗi người nhận 9 triệu đồng. Không chỉ ông chủ, mà có 4 người làm công cho cửa hàng ông chủ này, chưa bao giờ có xe ba gác cũng được nhận 5 triệu đồng/người.
Tiếp theo là gia đình ông Năm Luông, cán bộ phụ trách thủy nông, không ở trong diện hỗ trợ, nhưng lại có 3 người con gái, trai, rể đều được hỗ trợ 5 triệu đồng/ người, theo cái cách dân gian thường nói: "Một người làm quan cả (họ) nhà được nhờ".

Ông Phạm Văn Vũ, cán bộ Thủy nông (nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Điền), cũng vậy, chưa bao giờ làm nghề liên quan xe công nông, cũng được nhận 5 triệu đồng.
Nam cán bộ có, thì nữ cán bộ cũng phải có cho bình đẳng: Bà Nguyễn Thị Mai Hương, cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện được nhận 5 triệu. Chồng cũ của bà Hương - ông Nguyễn Văn Trích, đã bán xe trước khi có chủ trương, cũng được nhận 5 triệu đồng. Đúng là tình cũ, không rủ tiền cũng tới.

Đáng nói hơn nữa, một số vị, tiền thì đã được trao, nhưng xe đã xập xệ vẫn chạy túc tắc, vi phạm quy định. Nghĩa là pháp luật luôn nằm dưới... bánh xe.
Mới thấy hóa ra, không phải chỉ "ông Trời có chân" như trong truyện tiếu lâm dân gian, mà đồng tiền về tới xã Phú Điền này, cũng có chân. Có điều, những đồng tiền này có đi lạc như bài báo viết đâu. Mà những đồng tiền này thật ra rất khôn ngoan, không thích vào nhà khó, chỉ toàn đi... vào nhà không khó - tức nhà các cán bộ xã, có tí chức tí quyền, có của ăn của để cả.


Chỉ khác, "ông Trời có chân" thì đem lại nụ cười sảng khoái cho người dân sau những giờ lao động vất vả. Còn "đồng tiền có chân" trong câu chuyện này thì khiến dân chúng đã vất vả, lại thêm bất bình, vì sự bất công, thiếu công bằng từ những lợi ích nhỏ nhất. Thế là đâm ra khiếu nại.
Chuyện vỡ lở, ông Lê Quang Vinh, cán bộ phụ trách giao thông - thủy lợi xã, người lập danh sách cho 39 người được hỗ trợ mới xì ra: "Tôi chỉ phát biểu mẫu cho người có phương tiện tự kê khai, còn xác minh có đúng đối tượng hay không thì công an làm".

Không biết đúng, sai do ai, khâu nào vì bây giờ xã, huyện sẽ phải "truy cập" tiếp. Tuy nhiên, điều đáng nói là ở chỗ này, số tiền hỗ trợ cho mỗi hộ, hay mỗi nhân khẩu thật ra không lớn, không cán bộ nào giầu lên từ mấy triệu này. Nhưng cái sự khuất tất và bất công, tư lợi của người cán bộ cơ sở nó lại làm các vị mất rất lớn. Đó là lòng tin của người dân vào chính tư cách họ.

Quốc gia vững mạnh được quyết định không phải chỉ ở chính sách đúng đắn, phù hợp thực tiễn, mà còn bởi chất lượng trong sạch về phẩm cách của đội ngũ cán bộ cốt cán. Cán bộ cốt cán, từ cơ sở là diện mạo của bộ máy nhà nước gần dân nhất. Họ giống như những cái cây làm nên sự bạt ngàn, sự vĩ đại của cánh rừng. Thế nhưng với việc những người cán bộ có chức có quyền "dụ" những đồng tiền có chân vào nhà mình, thì người dân rất dễ không nhìn thấy cánh rừng, mà chỉ nhìn thấy cái cây bị đồng tiền nó ăn ruỗng.Mà đồng tiền có chân đi vào nhà cán bộ cơ sở, hay người có thẩm quyền thì nhiều lắm, nhất là lĩnh vực đất đai.

Kết quả ban đầu của khảo sát trực tuyến về cải cách hành chính do UNDP phối hợp với VietNamNet thực hiện gần đây cho thấy, gần 70% người dân khi được hỏi, trả lời rằng họ phải đưa thêm tiền- tức là họ phải chia tay, để đồng tiền một nắng hai sương của họ về chốn ấm êm với người cán bộ có thẩm quyền giải quyết, trong đó, có tới 45% trường hợp thuộc quyền sử dụng đất của người dân.

Và liệu có phải ngày nào cũng vậy, ở các cơ quan công quyền, các bệnh viện, các trường hoc...bất cứ nơi nào dính dáng tới thủ tục hành chính, tới chữa bệnh, tới học hành người dân cũng đều phải làm "cuộc chia ly mùi đồng" để đồng tiền tìm đến ở nhà các vị cán bộ có thẩm quyền, dưới muôn hình vạn trạng, đóng vai trò "ông chủ" điều hành lại phẩm cách, hành vi cán bộ?
Cải cách hành chính là công cuộc trường kỳ, chủ trương tung ra đã 10 năm, nhưng mới triển khai được 2 năm nay, và hiệu quả chưa rõ, đủ biết cuộc cải cách này nó gian nan đến độ nào. Nhưng cải cách là một chuyện, việc nâng cao phẩm chất đội ngũ cán bộ quản lý cốt cán từ dưới lên trên là một chuyện cần không kém, mà câu chuyện đồng tiền có chân ở xã Phú Điền nói trên là một ví dụ cụ thể.
Vì khi đồng tiền có chân đi vào nhà cán bộ, thì niềm tin cũng có chân từ nhà dân đi ra. Khi niềm tin đi ra, sự hoài nghi sẽ ở lại.
Liệu có phải họ - những cán bộ cốt cán tư lợi ở tất cả các lĩnh vực, góc độ nào đó, vô tình trả lời cho Thảo Dân: "Tại sao, Việt Nam?"

Nguồn :http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-09-dong-tien-co-chan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét