Với mong muốn về một sự hoà hợp cho tất cả những ai dù đang ở phía nào của hệ tư tưởng, những ai có thể còn mang nặng sự hận thù, những ai đang tiếp tay cho cái ác chỉ vì cuộc sống bản thân. Tác giả cũng xin được gửi đến tất cả những ai đang mang nhiều trăn trở với đất nước thân yêu của mình.
1. … Khi bắt đầu viết về những bài này thì tôi nghĩ nhiều đến ông Lưu Hiếu Ba, con người có nụ cười hiền hậu, một người Trung Quốc nhận giải Nobel Hoà Bình 2010.
Điều làm tôi suy nghĩ nhiều không phải ở giá trị của cái giải thưởng hay là việc mình có dám làm như ông Lưu hay không mà chính từ câu nói không thể dịu dàng hơn thế nữa “tôi không có kẻ thù” (*).
Vâng, ông không có kẻ thù ngay chính những kẻ đã kết tội ông, những kẻ theo dõi ông như hình với bóng, những kẻ cùm tay và ném ông lên xe chở tù… Đó chính là sự cao cả lớn lao, lòng nhân ái và sự khoan dung nơi ông đã thắng sự hận thù. Không ai khác xứng đáng hơn ông nhận giải thưởng đó vì cái chân lý thuộc về nơi ông, đó là cái chân lý của LÒNG NHÂN ÁI VÀ SỰ BAO DUNG.
2. Chúng ta thường nghe hai chữ “yêu nước” đi cùng với việc bạn cất lên tiếng nói từ lòng mình với những ước mong đất nước sớm trở nên giàu có, văn minh. Hai chữ yêu nước thật là lớn lao và có lúc bạn sẽ cảm thấy mình không xứng với hai chữ đó. Điều này thật dễ hiểu vì khi chúng ta đã có thêm hiểu biết thì chúng ta sẽ càng cảm thấy mình còn chưa làm được gì nhiều cho đất nước.
Cho dù bạn có nghĩ rằng, bạn là người yêu nước hay không thì chắc hẳn bạn cũng không muốn mình là một người bị cho là thờ ơ với những điều diễn ra xung quanh khi mà có ai đó hoặc rất nhiều, những ai đang phải sống trong cảnh nghèo hèn, cùng cực. Khi đó, hai chữ yêu nước trở thành một cái gì đó quá to tát, không hiện thực trong tâm trí thoáng qua bởi những sự kiện mà bạn gặp phải. Đó là lúc bạn thấy mình cần phải làm một điều gì đó, nó giống như một phản xạ tự nhiên, ví như bạn gặp một người đi trên đường bị té ngã, bạn sẽ thấy họ cần giúp đỡ và điều đó không cho phép bạn chần chừ.
Đất nước của chúng ta đang trải qua một thời kỳ đen tối nếu hiểu đầy đủ ý nghĩa của từ này. Đất nước đã hoà bình được 35 năm nhưng nhìn lại, chúng ta thấy tương lai thật mờ mịt. Nếu bạn là người thật sự nắm rõ thông tin và tìm cách so sánh chúng mà không bị lệ thuộc vào những con số thống kê vốn không cho phép kiểm chứng đầy đủ thì mới thấy được nhiều điều còn làm cho ta hoài nghi, khi mà đời sống thực của bạn và đại đa số những người xung quanh đang thụt lùi trông thấy.
Khi mà có những người công nhân chưa từng dám ăn một tô phở 20 nghìn đồng vì chừng đó là công lao động tới gần nửa ngày của họ.
Khi mà những người nông dân đội nắng đội mưa, bì bõm sớm hôm trên mảnh ruộng khoán mà không đủ nuôi một đứa con học đại học.
Khi mà thành tích xoá đói giảm nghèo cứ ngày càng tốt lên như con số thống kê.
Khi mà những khoản tiền thất thoát khổng lồ trở thành chuyện bình thường và không một ai phải liên đới chịu trách nhiệm…
3. Tất cả, tất cả những điều tưởng chừng như là một phần của một quốc gia đang phát triển đó sẽ làm nhiều người dằn vặt, xót xa. Điều này bạn nghĩ có là chuyện bình thường?
Khi bạn suy nghĩ trăn trở mà không dám viết ra.
Khi mà bạn muốn tìm thông tin trên mạng nhưng bị tường lửa ngăn cản.
Khi mà trang mạng hay blog cá nhân của bạn bị kẻ nào lẻn vào phá phách hay đánh sập.
Khi mà những lời phản biện hay góp ý đầy tâm huyết của bạn với chính quyền lại bị coi là phản động, là tuyên truyền lật đổ chính quyền, bạn có nghĩ là chuyện bình thường không? …
Có lẽ những điều mà tôi vừa liệt kê ra, dù chỉ một phần nhỏ, đã làm nhiều bạn nghĩ rằng tôi đang phê phán những người lãnh đạo đang điều hành đất nước? Tôi xin thưa với bạn rằng, bạn chỉ đúng một phần thôi.
Nếu bạn theo dõi diễn đàn Quốc hội vừa qua, việc đổ lỗi cho cái ông cơ chế không rõ hình hài đã làm cho khá nhiều người thất vọng vì cái “văn hoá chịu trách nhiệm” hay “văn hoá từ chức” vốn phổ biến ở các nước dân chủ văn minh lại chưa hề có ở nước ta. Điều này họ (những vị đại biểu) không sai một tí tì ti nào cả, thưa bạn. Nhưng tại sao tôi nói như vậy? Nghĩa là chỉ phê phán một phần nào thôi, tôi xin thưa với bạn rằng, cái lỗi nằm ở hệ thống mà chúng ta thường gọi là thể chế chính trị mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Chính cái cụ giàthể chế này là cha đẻ của cái ông cơ chế kia.
Tôi không phản đối việc nhiều người cho rằng có rất nhiều vị lãnh đạo còn quá ít cái tâm và quá thấp cái tầm nhưng lại đang nắm mọi yết hầu của đất nước và như Gs. Trần Phương nói “Đảng(1) quyết mọi thứ mà không chịu trách nhiệm gì, mới chết!”. Vâng, Đảng chẳng những đã quyết mọi thứ, không thèm nghe ai, không chịu trách nhiệm và thêm nữa, Đảng là những người không nằm trong vùng phủ sóng của luật pháp, Đảng đã ngồi trên đó thì Đảng không muốn và không có ai (dám) có lý do gì bắt Đảng phải xuống cả. Cái câu chuyện xô nước của anh Hồ Cương Quyết thật là chí lý: “chỉ có kẻ ở dưới lãnh đủ” dù bạn hiểu theo chiều hướng nào.
Hãy nhìn lại vụ “đường sắt cao tốc” bạn sẽ thấy thất vọng rất nhiều (mặc dù nó bị Quốc Hội bác bỏ) vì hầu hết các vị (Tổng tư lệnh – Bộ trưởng) (theo cách nói của Phó Thủ tướng Vũ Khoan) và khá nhiều vị chức còn cao hơn các vị Tổng tư lệnh kia đã nói “yes” với nó khi dự án khổng lồ này (gần 60 tỷ USD) thậm chí còn chưa được nghiên cứu đầy đủ ở các giai đoạn đầu với sự thẩm định và đánh giá một cách thật sự nghiêm túc và khoa học. Điều này có bình thường không?
Nếu bạn biết về đoàn tàu “chất lượng cao” Thành Phố Hồ Chí Minh – Nha Trang vắng khách và sắp phải cho dừng thì bạn sẽ có câu trả lời sát thực ở gần bên bạn chứ chưa nói đến những chuyến tàu Cao Tốc “vắng hoe” trên tuyến Berlin-Hamburg(2)
4. Như vậy, chúng ta mới thấy một sự thật không thể thật hơn qua câu nói nổi tiếng của một người xứ Nghệ, vốn thật thà chất phác – Phó Thủ Tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: “Cách chức hết thì lấy ai làm việc?”.
Có lẽ câu nói này đã bao quát cái lý do tạo nên một sự thật khiến chúng ta đau lòng, đó là cái cụ đã đẻ ra cái ông cơ chế làm cản đường cản lối, làm các vị lãnh đạo của chúng ta không còn biết điều hay, lẽ thiệt để mà dẫn dắt, chỉ lối cho con tàu VINA (từ viết tắt Việt Nam, không phải con tàu Vinashin hay nói theo giọng Miền Tây Nam bộ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phạm Thanh Bình(3) – VinaSink(4). Hay nói đúng ra, cái ông cơ chế đó là bố đẻ của nhiều thế hệ lãnh đạo như ông Nguyễn Sinh Hùng đã nói ở trên.
Vậy thì hà cớ gì tôi, chúng ta lại đi chỉ trích những con người bằng xương bằng thịt được và nếu chỉ trích từng người thì có mà nói cả… 65 năm (1945-2010).
Vậy, vì sao một cái thể chế đầy khuyết tật ấy đã vận hành suốt bao nhiêu năm nay lại không thể tự nó sửa chữa được mặc dù các đời Tổng bí thư đã dùng hết nội công và đã giở hết tất cả các chiêu? Nào là sửa sai, chỉnh huấn, nhìn nhận khuyết điểm để sửa chữa, nào là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vân vân mà vẫn không ăn thua gì?
Hãy quay trở lại chuyện về người phương Bắc vừa nói ở trên một chút sẽ thấy được điều này. Việc làm của Lưu Hiếu Ba là đòi hỏi quyền lợi bình đẳng cho tất cả người dân. Người dân được cầm lá phiếu đi bầu chọn người thay mình lãnh đạo, đòi được tụ tập để biểu lộ một sự đòi hỏi, ví như đòi Mỹ không được xâm lược Irak chẳng hạn, đòi được viết và nhận mọi thông tin, đòi phải đổi mới chính trị để loại bỏ sự độc đoán…
Bỏ ra ngoài chuyện dân chủ Phương Tây hay Phương Đông khác nhau thế nào đi thì các quyền mà ông đòi hỏi là hoàn toàn chính đáng và nhân bản, nó chính đáng như những gì mà người dân ở một mỏm đất ở gần ngày xưa nghèo xác xơ – Hàn Quốc hay người dân ở vùng đảo ngoài khơi động đất liên miên – Nhật Bản đang hưởng. Chính quyền có thể nói với ông (ví dụ) là mặc dù ông đúng nhưng chúng ta chưa thể thực hiện ngay thì đó mới là một phần của sự thật cần có (nếu sòng phẳng và luật pháp được tôn trọng).
Nếu hỏi một tỉ người Trung Quốc rằng Lưu Hiếu Ba là ai? Bạn sẽ có câu trả lời của gần một tỉ rằng không biết hoặc là một tên phản động. Vậy thì khi mà cái đúng được cho là vật cản đường thì cái sai được mặc nhiên thừa nhận là cái đúng vì nó áp đảo và nó dựa vào sức mạnh không cân sức, nó bịt tai, che mắt người dân để họ không thể biết được sự thật. Vậy thì một thể chế phải dùng sự giả dối để áp đặt lên tất cả thì nó có thể tự sửa chữa được chăng?
« Chúng ta không có kẻ thù! Cho dù người đó đang run sợ mất Đảng – mất mình mà đi ngược lại lợi ích của Tổ quốc. Đó chính là điều mà chúng ta cần xây đắp cho sự vĩnh hằng của tình người. »
Tại sao tôi lại đưa chuyện người láng giềng để nói chuyện nhà? Xin thưa với bạn là hai người láng giềng này đều có hai cụ thể chế da vàng khá giống nhau và những chuyện tương tự ở Việt Nam thì chắc bạn đã nằm lòng (ở đây, xin bạn đừng vội hỏi tôi là tại sao Trung Quốc vẫn phát triển nhanh, xin khất bạn).
5. Chúng ta không có kẻ thù bằng xương bằng thịt, kẻ thù của chúng ta chính là cái guồng máy khổng lồ mà chính bản thân người đã mang nó vào áp dụng thành công khi dành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhiều lần tỏ ra bất lực với dòng nước mắt lăn dài trên má. Cái guồng máy này không khác gì một cỗ máy thông minh nhân tạo được một nhà khoa học muốn thống trị kẻ khác sản sinh ra để rồi nó phản lại chính chủ nhân của nó. Những Cải Cách Ruộng Đất, Cải Tạo Công Thương, Nhân Văn Giai Phẩm, Xét Lại Chống Đảng… và chính bản thân chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã bị cô lập trong một thời gian là những minh chứng cho nhận định không thể khác hơn.
Chúng ta không có kẻ thù dù chỉ là những người đang phải vì miếng cơm manh áo của gia đình mà trở thành một chi tiết nhỏ của guồng máy này.
Chúng ta không có kẻ thù, dù người thân của chính chúng ta đã bị chết oan do cái guồng máy đó gây nên.
Đó chính là cái đạo lý mà khi chúng ta hiểu thấu mọi điều mới có thể ngộ ra được.
Tôi đã từng nghe nhiều ông sếp công an nói về những người lãnh đạo, họ biết một cách rõ ràng những ông quan đó tham nhũng trắng trợn mà vẫn tại vị với phiếu bầu cao.
Tôi đã nghe phong thanh về những câu nói xanh rờn là “dưới bầu trời này, không có điều gì là an ninh không dám làm”.
Tôi biết chắc một điều là với công an, một khi đã được chỉ định bắt thì: không có tội cũng phải làm cho ra tội.
Tôi thấy một điều thật lạ đã được treo cao “Công An Nhân Dân, chỉ biết còn Đảng – còn mình”.
Những chiến sĩ quân đội và công an, với chế độ nào cũng cần tới họ, tại sao lại phải cố sống cố chết để bảo vệ những cái sai? Hàng ngày các anh, các chị có khuyên răn con cái mình phải ngoan ngoãn thật thà hay không mà lại giúp cho sự dối trá bịp bợp tồn tại, giúp cho những kẻ ăn trên ngồi trốc vơ vét của đồng bào cùng dòng máu với mình. Tại sao các anh chị không thể sống để phúc lại cho con cháu? Tại sao các anh chị lại không thể hiểu cái quan hệ mang tính nhân quả nó luôn hiển hiện quanh ta?
Trong luật pháp sở tại quy định: khi thấy người gặp nạn mà không cứu thì anh đã có tội rồi huống chi chuyện biết họ không có tội rành rành cũng tìm cách vu oan cho họ. Khi làm việc này không biết các chiến sĩ công an có đọc trước 6 điều răn của Hồ chủ tịch hay không?
Người Việt Nam chúng ta là những người có tấm lòng bao dung và vị tha “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”. Hãy nhìn vào hình ảnh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một người cộng sản thời kỳ tiền khởi nghĩa, sẽ thấy sự nhìn nhận của mọi người dù ở phía bên nào với một thái độ tôn trọng và bao dung. Công An Nhân Dân – chỉ biết còn Đảng – còn mình thôi ư? Thế thì họ hàng con cái và gần 90 triệu người Việt Nam thì sao hở các anh, các chị? Với câu đó, chúng ta có thể hiểu là sự bất chấp đúng sai, nó không gì hơn một sự ích kỷ đến tột cùng!
Chúng ta không có kẻ thù! Cho dù người đó đang run sợ mất Đảng – mất mình mà đi ngược lại lợi ích của Tổ quốc. Đó chính là điều mà chúng ta cần xây đắp cho sự vĩnh hằng của tình người. Những đứa con sai đường rồi sẽ quay trở về với ngôi nhà mà bố mẹ và người thân của họ đang sống.
Kẻ thù của chúng ta, của cả những ai đang làm những điều sai trái vì không thể vượt qua chính bản thân mình để chiến thắng cái ác, không vượt qua được ranh giới giữa cuộc sống của bản thân và trách nhiệm với đất nước, đó chính là cái thể chế chính trị độc đảng đã tồn tại 65 năm nay.
Cái vòng luân hồi khi dùng cái ác trị “cái ác” để tưởng chừng như đem lại điều tốt cho xã hội đã được các vị tiền bối nói cách đây gần nửa thể kỷ:
Những mơ xoá ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
Ngỡ ác xoá rồi thay cực thiện
Ai hay, biến đổi, ác luân hồi
(Trung tướng Trần Độ)
Tôi từng đọc rất nhiều những bài viết của những giáo sư tiến sĩ khoa học xã hội, của các nhà báo chính trị – xã hội bên Quân đội và Công an có lon nhiều sao trên vai và những bài viết và phản hồi của nhiều người, nhiều blog mà đa số đều cho rằng họ ngốc nghếch đến mức con trâu cũng nói là con bò. Tôi thì luôn tôn trọng họ và cố giữ một sự trung dung để nhìn được trong sâu thẳm tâm hồn họ: Họ đang làm việc một cách có tổ chức, có kỷ luật hẳn hoi đấy thôi. Họ có thể làm khác không (?) vì như vậy, là có thể họ vi phạm kỷ luật và gia đình của họ có thể sẽ phải đối mặt với muôn vàn sự khó khăn trong cuộc sống hoặc là họ đang muốn tiến thân nhanh?
Có thể nhiều người nghĩ rằng tôi đang bao biện cho những sai phạm của những người làm công tác “luật pháp” mà thực chất chỉ đúng một nửa của từ này – cái PHÁP (còn luật thì còn phải xem). Tôi xin thưa với bạn rằng, nếu mai đây họ đến bắt tôi thì tôi sẽ giơ hai tay ra và cố nở một nụ cười, có thể nó không được tươi lắm (tôi sẽ tự đưa máy tính cho họ để họ đỡ phải mất công lục soát, tôi không lo lắng gì cả vì tất cả đều nằm ở trong đầu mình, đó là lý do để chúng ta có thể chiến thắng cái ác), tôi không ghen ghét và sỉ mắng họ (dù chỉ trong ý nghĩ), những người đến bắt tôi, vì tôi hiểu công việc của họ và hiểu cái thể chế độc tài toàn trị này như hiểu chính bản thân mình.
Lý do để họ có thể bắt tôi không phải là kích động kẻ xấu mà là khích lệ “kẻ tốt” và chỉ cho mọi người biết cái nguyên nhân sâu xa của những vấn nạn xã hội, những điều mà họ còn bán tín bán nghi. Mặc dù vậy, tôi vẫn còn có chút niềm tin về những gì thuộc về CON NGƯỜI và cả trí thông minh ít nhiều nơi họ. Trong thâm tâm, tôi cũng khâm phục một số người đã nhìn ra cái nghề của mình nó thật sự thế nào qua tâm sự của họ hoặc qua những người thân.
Tôi xin kể một mẩu chuyện nhỏ để kết thúc bài viết khá dài làm người đọc mỏi mệt, chuyện như sau: Trên đường hành đạo, Đức Thế Tôn gặp một người, người đó chửi mắng Ngài thậm tệ vì cho rằng Ngài rao giảng những điều sằng bậy. Đức Thế Tôn dừng bước và hỏi: “Nếu ngươi cho ai một đồng tiền mà người đó không nhận thì đồng tiền đó thuộc về ai?”. Người đó trả lời rằng, “Nó vẫn là của tôi”. Đức Thế Tôn ân cần nói: “Như vậy đấy, nếu lời nói của ngươi không thuộc về người mà ngươi muốn nói họ thì lời nói đó vẫn thuộc về ngươi”. Người kia từ đó mới thấy mình đã gặp một bậc hiền nhân thông tuệ, đúng như lời mọi người đồn đại, từ đó trở nên thay đổi tính nết, trở thành con người nhân từ.
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy một điều là những gì mà chúng ta không muốn có thì đừng bắt người khác phải có nó, vì hậu quả thì người cho cũng phải nhận lấy
Nguồn :http://doilap.wordpress.com/2010/12/03/chung-ta-khong-co-k%e1%ba%bb-thu/#more-4543
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét