Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

9 thg 12, 2010

Kẻ thù quốc gia hay người hùng công chúng?


Lịch sử đã một lần nữa lặp lại: Nước Mỹ tiếp tục sục sôi trước câu chuyện của những “kẻ thù quốc gia”, cả gan tiết lộ hàng loạt thông tin tuyệt mật của một tổ chức chính quyền sừng sỏ nhất thể giới, nhưng cũng là những người hùng trong mắt công chúng…



Đầu năm 2010, bộ phim “Kẻ nguy hiểm nhất nước Mỹ” đã được công chiếu trên cả nước. Bộ phim kể về Daniel Ellsberg, cựu chuyên gia quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ, người đã đưa hơn 7.000 tài liệu tuyệt mật của Lầu Năm Góc về chiến tranh Việt Nam ra ánh sáng công luận.
Sự kiện này đã gợi lại cho người dân của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về thời kì sôi sục của phong trào phản chiến, cũng như người anh hùng của công chúng đã dũng cảm vạch trần những dối trá của chính phủ Mỹ về chiến tranh Việt Nam, cách họ sa lầy và làm mất đi hơn 58.000 thanh niên ưu tú như thế nào, và sự thật khủng khiếp là cuộc chiến vẫn tiếp diễn dù người Mỹ không hề có cơ hội chiến thắng.
Bộ phim càng trở nên giá trị hơn khi trong năm 2010, nước Mỹ lại thêm một lần rúng động vì ba vụ rò rỉ thông tin mật với số lượng khổng lồ từ Wikileaks. Hơn 391.000 tài liệu từ chiến tranh Irag, 77.000 nghìn tài liệu về cuộc chiến ở Afghanistan, và mới đây nhất, cũng là lần gây sốc nhất, hơn 250.000 tài liệu ngoại giao của nước Mỹ, đã được Wikileaks công bố rộng rãi.

Lịch sử đã một lần nữa lặp lại. Nước Mỹ tiếp tục sục sôi trước câu chuyện của những “kẻ thù quốc gia”, cả gan tiết lộ hàng loạt thông tin tuyệt mật của một tổ chức chính quyền sừng sỏ nhất thể giới, nhưng cũng là những người hùng trong mắt công chúng, vì đã phơi bày vô vàn chuyện thâm cung bí sử mà có lẽ nếu không có họ thì ngay cả lịch sử cũng không được ghi chép lại.

“Ngốc nghếch” vứt bỏ tiền đồ xán lạn
“Điên rồ” và “ngốc nghếch” là hai trong số ít những cụm từ nhẹ nhàng mà nhiều người Mỹ đã dành cho Daniel Ellsberg vào cái ngày họ biết ai là “kẻ nguy hiểm nhất nước Mỹ” (nguyên văn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Robert McNamara) vào năm 1971.


Ellsberg khi ấy đang là một sỹ quan cao cấp trong RAND, viện nghiên cứu chiến lược danh tiếng nhất của quân đội Mỹ, chỉ làm việc dưới quyền của Thứ trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng. Ellsberg từng tham chiến trong chiến tranh Việt Nam, có bằng tiến sĩ kinh tế của ĐH Harvard, và có hai con nhỏ.
Tất cả những gì rộng mở trước mắt ông là tiền đồ xán lạn, và với một trí tuệ siêu việt như Ellsberg, ông thừa biết phải làm gì để tận dụng được những lợi thế đó của mình, nhằm leo cao hơn nữa trong bộ máy công quyền đầy danh vọng.
Thế nhưng Ellsberg đã gạt bỏ tất cả để công bố những báo cáo “chân thực và chi tiết nhất” về cuộc chiến ở Việt Nam. Để rồi toàn thể người dân Mỹ sau đó đã bàng hoàng trước những sự thật trần trụi đến khủng khiếp: hai chính phủ dưới nhiệm kì của J.F.Kennedy và Lyndon Johnson đã dối trá với binh lính, với người dân, và với cả Quốc hội Mỹ về tình hình chiến tranh Việt Nam; Sự kiện vịnh Bắc Bộ hoàn toàn là bịa đặt nhằm leo thang chiến tranh ra Bắc Việt Nam; Và rằng các quan chức Mỹ vẫn có ý định tiếp tục cuộc chiến dù cơ hội giành chiến thắng là bằng không.



Những thông tin này chẳng khác nào những cú đánh trời giánh đối với niềm tin đang ngày càng lung lay của người dân Mỹ vào chính phủ lúc bấy giờ. Phong trào phản chiến ở Mỹ sau đó đã diễn ra mãnh liệt hơn bao giờ hết, trở thành một yếu tố quan trọng khiến cho Mỹ phải kí hiệp định Paris rút toàn bộ quân đội về nước vào đầu năm 1973.
“Sự ra đi bẽ bàng” của quân đội Mỹ là một thắng lợi lớn của chính công chúng: không còn những thanh niên trẻ tuổi bỏ phí tuổi xuân và tính mạng vào một cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa; không còn những khoản chi phí tài trợ khổng lồ (lên tới gần 1.000 tỷ USD tính tới thời điểm kết thúc chiến tranh), và cả những bất đồng sâu sắc trong xã hội Mỹ do cuộc chiến tại Việt Nam gây nên.
Nhưng người hùng Daniel Ellsberg đứng ở đâu sau những vinh quang đó? Ông phải đối mặt với một bản án gồm năm tội danh và tổng mức hình phạt lên tới 115 năm tù (sau đó được xử trắng án), một sự nghiệp kết thúc hoàn toàn, bạn bè cũ xa lánh ông vì sợ liên lụy,… Và đau đớn hơn cả, ông bị đồng đội, lãnh đạo, và cả một số người Mỹ gọi là “kẻ phản quốc”.
Biết trước tất cả những nguy cơ đó, ông vẫn dám vén màn cho dư luận Mỹ thấy cái ung nhọt trong cuộc chiến tại Việt Nam đã tệ hại đến mức nào. Và từ đó, chính người dân Mỹ chứ không phải là những chóp bu ở Lầu Năm Góc và tòa Bạch Ốc được quyền đưa ra quyết định có nên chấm dứt chiến tranh hay không.
Một chính quyền đại diện cho nhân dân, nhân danh quốc gia, rõ ràng phải phục vụ lợi ích của nhân dân nước đó, do vậy, có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin để những người chủ thực sự quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước. Đó chính là suy nghĩ của Daniel Ellsberg khi phát tán hơn 7.000 tài liệu mật cho 18 tờ báo và một số cơ quan nghiên cứu của Mỹ.


“Hãy giúp chúng tôi khiến chính quyền luôn mở!”
Đó là khẩu hiệu chính của Wikileaks, và cũng là mục tiêu số một của tổ chức này: kiểm soát thông tin để đảm bảo mức độ minh bạch hóa cao nhất có thể từ chính phủ, kể cả bằng cách lấy trộm nó. Và làm thế nào để họ lấy được các thông tin đó?
Julian Assange dù có là một hacker phi thường đến đâu đi chăng nữa cũng khó có thể phá vỡ hệ thống máy tính siêu việt của Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để lấy đi những thông tin tuyệt mật, nếu không có sự giúp đỡ của các “tay trong”, những người bất mãn với hành động của chính phủ như Daniel Ellsberg trước kia.

Và thế hệ người Mỹ thứ hai sau “kẻ nguy hiểm nhất nước Mỹ” dám làm điều đó là Bradley Manning, chuyên gia tình báo của Bộ Quốc Phòng Mỹ. Chỉ mới 22 tuổi đời (anh sẽ mừng ngày sinh nhật thứ 23 của mình tại một nhà tù ở Virginia vào ngày 17/12 tới), nhưng Manning đã dám làm một việc “tày đình”: tiết lộ tài liệu mật của chính quyền Mỹ về hai cuộc chiến xâm lược ở Iraq và Afghanistan, và (theo nhiều nhận định) toàn bộ 250.000 tài liệu ngoại giao của Mỹ.
Đã 195 ngày Bradley Manning ở tù, không được tiếp xúc với bất cứ ai bên ngoài, và không được nhận phần lớn những bức e-mail gửi cho mình. Người ta nói nhiều tới Wikileaks và Julian Assange trong thời gian qua, nhưng xét về mặt nào đó, người cần nhận được sự chú ý và bảo vệ nhiều hơn là Manning. Bởi vì, Wikileaks và Assange có thể thoát được sự truy cứu của luật pháp Mỹ (nếu chứng minh được mình là một cơ quan báo chí và do vậy có quyền tự do ngôn luận; ngoài ra, Assange không mang quốc tịch Mỹ), thì trường hợp của Manning gay go hơn nhiều.
Anh là quân nhân, là người Mỹ, và bị buộc tội “một cách chính đáng”: chuyển dữ liệu mật của Bộ Quốc Phòng vào máy tính cá nhân và chuyển thông tin quốc phòng cho tổ chức không có quyền tiếp nhận. Nếu bị buộc tội, Manning có thể sẽ phải lĩnh mức án lên tới 52 năm tù.

Đâu là chủ nghĩa cá nhân, đâu là văn hóa tập thể?
Ở một nền văn hóa mà chủ nghĩa tự do cá nhân được đề cao như nước Mỹ, thật khó tưởng tượng được con người ta lại chịu hi sinh mọi quyền lợi của bản thân vì cộng đồng. Thế nhưng đó là sự thật, điều mà ở những nền văn hóa mang tính “cộng đồng” như một số nước phương Đông, người ta lại núp dưới bóng của “tập thể” để che giấu đi tính cá nhân ích kỉ và hèn nhát của mình.
Người thanh niên trẻ tuổi Bradley Manning, thật sự thấy ghê tởm vì cuốn băng video quay cảnh lính Mỹ giết hại dân thường Iraq và hai phóng viên Reuters không mang vũ khí vào ngày 12/7/2007, đã nảy sinh ý định cho nước Mỹ và cả thế giới biết quân đội Mỹ đã thực sự làm gì tại quốc gia vùng Vịnh này. Động cơ của anh là “Tôi muốn cho tất cả mọi người, bất kể là ai, biết được sự thật. Vì không có thông tin, công chúng sẽ không thể đưa ra được những quyết định chuẩn xác,” anh tuyên bố.
Daniel Ellsberg, sau khi được gán cho cái tên mới “kẻ nguy hiểm nhất nước Mỹ” đã có “vinh dự” hơn 70 lần nữa được đi tù và ngồi hầu tòa, do những cáo buộc trong những cuộc biểu tình phản chiến mà ông gây ra. Điều mà ông đấu tranh cho suốt cuộc đời mình chính là để “bảo vệ nền dân chủ Mỹ.”
Và trên hết, nếu nói về độ hy sinh tuyệt vời để mang những thông tin “chết người” cho công chúng, người ta không thể không nhắc đến cựu nhân viên FBI Mark Felt, người mà ba năm trước khi qua đời mới tiết lộ mình là nhân vật “Deep Throat” huyền thoại, “kẻ chỉ điểm” để đánh đổ cả Nixon – đương kim tổng thống bấy giờ – trong vụ Watergate.
Cũng như Ellsberg và Manning, ông làm việc này không phải vì danh vọng hay tiền bạc, mà là để “cứu tổ quốc tôi” (save the country – nguyên văn lời Mark Felt). Ông đã sống những năm cuối đời thầm lặng, và luôn không biết việc mình làm đúng hay sai, vì dù sao theo ông “một nhân viên FBI thì không làm những việc như vậy”.

Vì chúng ta là một đất nước dân chủ
Tất cả những hành động của họ, dù được diễn giải theo cách nào đi nữa, cũng là hành động của những người vì dân chủ. Theo họ, dân chủ nghĩa là người dân được quyền tham gia vào bộ máy chính quyền, được quyền kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của nó, như là tài sản của mình.
Và khi mọi thứ đã là của dân, do dân, và vì dân, thì không thể có thông tin nào gọi là “bí mật” đối với công chúng được. Vì mọi thông tin liên quan tới chính quyền đều thuộc sở hữu của nhân dân, và họ có quyền tiếp cận với các thông tin đó.
Đó chính là lý do vì sao những “leakers”, “whistle-blowers”, (người tiết lộ thông tin ra bên ngoài hệ thống chính quyền) như Ellsberg, Mark Felt, Manning được rất nhiều người dân Mỹ coi là “anh hùng của công chúng”, những người cứu “nền dân chủ của nước Mỹ”. Vì dù ở bất kì xã hội nào đi nữa, minh bạch hóa thông tin đã và luôn là yếu tố sống còn quyết định tính dân chủ của một chế độ.
Nguồn: TVN

P/S của NTT: Kẻ thù và Người hùng là hai hay là hai trong một?
Đọc bài này bỗng tôi nghĩ về Cù Huy Hà Vũ. Tôi cho rằng, Cù Huy Hà Vũ đã khai sáng cho dân Việt ở một thời kỳ mới, rằng, công dân có thể kiện Thủ tướng theo luật định. Công dân có thể kiện Chính phủ. Công dân có thể làm những gì theo luật định!
Ở một đất nước mà luật đèn xanh đèn đỏ cũng chưa thực sự hiểu rõ, thì, việc khai sáng kiểu Cù Huy Hà Vũ là đáng khen. Cũng như Julian Assange đối với tôi, ông đang mở ra cánh cửa công khai của các Chính phủ với người dân.
Dù luật Mỹ bưng bít đến đâu về “bí mật quốc gia”, thì, với dân, đó là những gì mà họ cần phải được biết và được phán xét.
Dân là tối cao chứ không phải là ông vua.


Nguồn :http://nguyentrongtao.org/2010/12/08/k%e1%ba%bb-thu-qu%e1%bb%91c-gia-hay-ng%c6%b0%e1%bb%9di-hung-cong-chung/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét