Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

1 thg 12, 2010

Những doanh nhân họ “hứa”

Năm nào cũng vậy, ở nước ta thiên tai, dịch bệnh, tai nạn, … thường xuyên xảy ra, nhất là đối với đồng bào miền trung. Do đó, như thể đến hẹn lại lên, việc vận động quyên góp thường xuyên xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là ở các thành phố lớn.
Cứ mỗi lần như vậy, tấm lòng hảo tâm, sự chia sẻ, động viên của mọi người lại có dịp được thể hiện. Trong nhiều tầng lớp nhân dân cả trong và ngoài nước, thì đối tượng doanh nhân có đóng góp rất lớn cho ngân sách các quỹ từ thiện.
Công bằng mà nói thì đối tượng những người giàu có, đa phần họ là những doanh nhân thành đạt, thường xuyên là những người đi tiên phong trong công tác từ thiện. Sự đóng góp bằng tiền bạc hoặc vật chất của họ thường rất lớn, đã và đang làm giảm bớt gánh nặng về ngân sách quốc gia mỗi khi có sự việc hệ trọng xảy ra.

Thời gian gần đây, hình thước quyên góp phổ biến nhất là thông qua một chương trình văn nghệ hay một buổi đấu giá một số hiện vật nào đó, số tiền thu được sẽ được chuyển cho các quỹ từ thiện. Thông qua các chương trình này, ngoài sự đóng góp cho xã hội, cho những người bất hạnh thì các doanh nghiệp cũng có cơ hội khuếch trương thương hiệu, đánh bóng tên tuổi của mình. Công việc này có thể nói là nhất cữ lưỡng tiện và cũng là xu hướng chung trong công tác vận động quyên góp của các hội từ thiện hiện nay.

Ngoài một số người có tấm lòng hảo tâm thực sự thì hiện nay hình thức này đang bị lạm dụng và biến tướng, một số người đã tận dụng sự quan tâm của nhiều người thông qua các chương trình truyền thanh, truyền hình để đánh bóng tên tuổi một cách thô thiển, đáng lên án, làm hoen ố hình ảnh những người làm từ thiện chân chính.

Đỉnh điểm của hiện tượng trên là sự việc các nhà hảo tâm đã hứa mà không giữ lời trong một chương trình đấu giá bên lề sự kiện Hoa hậu Trái đất vừa diễn ra tại Việt Nam. Theo báo Tiền Phong thì trong chương trình “Đêm hội Hoa hậu Trái đất và Doanh nhân hướng về miền Trung” diễn ra tại TP HCM đêm 11-11 với việc đấu giá các hiện vật để lấy tiền ủng hộ cho đồng bào miền trung trong các đợt mưa lũ vừa qua, với số tiền “hứa hẹn” lên đến … 74 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay qua nhiều lần liên lạc với các “mạnh thường quân” này thì mới biết rằng đó chỉ là những lời … hứa “ảo”.

Theo bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM cho biết thì trong số hàng chục doanh nghiệp “hứa” đóng góp cho đêm hội từ thiện này đến ngày 25/11/2010 mới chỉ có duy nhất một doanh nghiệp đóng góp 100 triệu đồng!

Một trường hợp khác cũng tương tự. Theo VnExpress thì một doanh nhân ở Long An sau khi gọi điện đến Hội chử thập đỏ của tỉnh đăng ký ủng hộ cho đồng bào bị thiên tai ở miền trung 2 tỷ đồng, nhân viên của hội đã lặn lội đến nơi nhận tiền thì vị doanh nhân này trả lời là đã “suy nghĩ lại”. Tuy nhiên sau đó vị doanh nhân ấy cũng đã đồng ý ủng hộ nhưng không phải 2 tỷ như đã hứa mà là 200.000 đồng kèm với yêu cầu tên mình phải được xướng lên trong chương trình văn nghệ gây quỹ từ thiện sau đó!?

Điều đáng nói là những mạnh thường quân “dỏm” này ngày một nhiều, đa phần họ thường xuất hiện trước công chúng, trước ống kính truyền hình, trước các cơ quan thông tấn báo chí đang theo dõi, đưa tin. Một số đặc điểm thường thấy ở những vị doanh nhân này là tác phong bảnh bao, đỉnh đạc, sang trọng, … và tất nhiên họ … “hứa”. Sau khi đạt được mục đích của mình, đa phần họ đều có cách cư xử thường giống nhau, đó là giả vờ làm … lơ hoặc là để “suy nghĩ lại”!

Thật là trớ trêu thay, những sự việc trên đây không phải là cá biệt mà nó đã và đang phát triển một cách một cách nhanh chóng. Theo một cán bộ ở Hội chữ thập đỏ TP.HCM khẳng định rằng, 100% các đợt quyên góp đều xảy ra tình trạng hứa “ảo” này. Điều này cho thấy rằng hiện có rất nhiều người đang lạm dụng các diễn đàn từ thiện, các chương trình từ thiện để tư lợi cá nhân một cách vô liêm sỉ.

Những lời hứa “ảo” này không những làm đổ vỡ các chương trình từ thiện vối được tổ chức công phu, tốn kém mà còn làm cho những người làm công tác từ thiện ở các đoàn, hội và người dân mất niềm tin vào sự thanh cao của công việc nhân đạo và còn lành ảnh hưởng đến uy tín của những mạnh thường quân chân chính.

Theo bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội Chữ thệp đỏ TP HCM thì bà đã không còn lòng tin vào những lời hứa tiền tỷ. Chính những người đã có một thời gian dài làm công tác từ thiện như bà Huệ cũng thốt lên sự mất niềm tin thì còn ai dám tin vào những tấm lòng nhân đạo “bạc tỷ” mà chúng ta thường hay thấy trên các phương tiện báo, đài?

Từ thiện là một việc làm cao cả, thể hiện tình yêu thương của con người với con người trong lúc khó khăn hoạn nạn. Công việc từ thiện luôn luôn được xã hội tôn vinh và ghi nhận. Người làm từ thiện thể hiện tinh thần lá lành đùm lá rách, của ít lòng nhiều. Đóng góp cho các quỹ từ thiện hay ủng hộ người khác dưới bất cứ hình thức nào, dù ít hay nhiều cũng đều đáng quý.

Tuy nhiên lợi dụng tấm lòng tốt của nhiều người, lợi dụng các diễn đàn, các chương trình từ thiện để được báo chí nhắc đến nhằm đánh bóng tên tuổi của mình rồi phủi tay chối bỏ trách nhiệm với lời hứa của mình là sự đùa cợt trên nỗi đau của người khác, hành động này đáng bị lên án và cần ngăn chặn kịp thời.

Thời gian gần đây người dân đã quá quen với những lời hứa. Bất kỳ ai cũng có quyền hứa và thường thì lời hứa bị chìm vào lãng quên. Và lần này cũng vậy, những người dân miền trung đang đối mặt với sự tàn phá nặng nề của thiên tai đang cần sự giúp đỡ của cộng đồng, của xã hội cũng đang dài cổ chờ đợi câu trả lời của những doanh nhân … họ “hứa”!

Nguồn : http://tranminhquan.wordpress.com/2010/11/30/nh%E1%BB%AFng-doanh-nhan-h%E1%BB%8D-%E2%80%9Ch%E1%BB%A9a%E2%80%9D/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét