Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

8 thg 2, 2010

BIDV: Rút 17 tỷ, mất 1 tỷ cho Luật rừng

Sự việc Phó TGĐ BIDV bị bắt về hành vi nhận hối lộ đang gây sự chú ý trong công luận. Chú ý nhưng dường như không mấy ai bất ngờ bởi đây chỉ là cái kiểu mà dân gian vẫn nói: Đi đêm lắm có ngày gặp ma.
Bởi cái thế ôm tiền và phân phát một cách độc quyền của BIDV nói chung và hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng từ lâu đã sinh ra "kính thưa các kiểu đồng chí Dũng" mà sự việc "đồng chí" Đào Tiến Dũng chỉ là một, trong vô số "các đồng chí chưa bị lộ" khác.

Đồng chí Đào Tiến Dũng bị bắt khi đang nhận một túi ni-lông bên trong có một tỷ đồng. Đây là số tiền do đồng chí Hoàng Văn Khánh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần dệt may xuất khẩu Hải Phòng đưa “lót tay” cho đồng chí Dũng để được làm nhanh các thủ tục rút hơn 17 tỷ đồng tại Chi nhánh Hải Phòng thuộc BIDV. Thông tin trên được đưa ra trên báo Nhân dân khiến dư luận bán tín bán nghi. Không có nhẽ muốn rút nhanh 17 tỷ tiền của mình, DN phải "lót" đến cả tỷ?

Sau sự vụ, ông Vũ Tiến Chiến, nguyên Bí thư tỉnh ủy Yên Bái, (địa danh gắn liền với cái tên Nguyễn Văn Soàng, GĐ Công ty XNK Yên Bái, nổi tiếng với vụ "bản danh sách quà cáp dài 2 trang A4 với số tiền 5 tỷ đồng và 40 ngàn USD") chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng tuyên bố: Ban sẽ đưa vụ án Phó TGĐ BIDV nhận hối lộ vào danh sách các vụ án lớn để theo dõi, chỉ đạo.

Theo báo Tuổi trẻ, ông Chiến đánh giá: Đây là sai phạm rất nghiêm trọng. Trước đây chống tham nhũng mới nói có dấu hiệu này dấu hiệu khác nhưng giờ phải hành động cụ thể như thế, phải bắt quả tang mới thuyết phục. Ông cũng nói thêm rằng: Công an quyết tâm phát hiện nhiều vụ việc như vậy mới có sức răn đe các đối tượng tham nhũng.


Những đánh giá của Chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng cho thấy vụ này sẽ chỉ dừng ở hành vi "sai phạm rất nghiêm trọng" mang tính chất cá nhân đồng chí Dũng, chứ không được phép điều tra lây lan sang nguyên nhân tạo điều kiện cho đồng chí Dũng có thể thực hiện được hành vi này, tức là không điều tra, không bình luận gì về các vấn đề của hệ thống ngân hàng, thậm chí là cả hệ thống tài chính.

Dù đánh giá cách nào cũng không thể phủ nhận đây không chỉ là một vụ án đưa và nhận hối lộ thông thường, hành vi mà hình luật định nghĩa với mục đích để "làm hay không làm" điều gì đó. Bởi vụ này chỉ là cái nhọt đầu tiên bị vỡ trên cơ thể một nền tài chính tồn tại và vận hành bởi cơ chế xin cho, nơi mà quan hệ, sự thân quen, một cú điện thoại có thể giúp các DN cực mạnh có thể vay trót lọt những khoản tiền chính sách, nơi mà "đồng tiền đi trước" có thể biến những thủ tục pháp luật, hoặc những ngăn trở bởi những cái lệ làng trong ngành ngân hàng biến thành hành động bắt tay và cười xòa.
Vụ này cũng là câu trả lời cho câu hỏi bằng chứng đâu, là dấu chấm than cho dấu chấm hỏi về những nghi ngờ xung quanh cái lệ được gọi là “bôi trơn”, “lót tay”, “chi hoa hồng” trong các hoạt động tín dụng.

Cách đây ít tuần, sau khi chính sách tiền tệ thắt chặt được thực hiện, đã có hai luồng dư luận được đưa ra: Ngân hàng Nhà nước tuyên bố Ngân hàng không hề thiếu tiền. Và thực tế lại là câu chuyện khác: Các DN không thể tiếp cận nguồn vốn do các Ngân hàng đã cạn tiền. Thậm chí lãi suất qua đêm của giữa các ngân hàng với nhau quả thực đã chứng minh lãi suất cơ bản, không rõ tồn tại để làm gì, đang là một thứ quái thai của chính sách tài chính.
Những quái thái về chính sách và những tuyên bố mang tính chất lừa dối chính là cha mẹ đẻ của những hành vi vòi tiền trắng trợn mà hành vi đòi "có 1 tỷ" của đồng chí Dũng chỉ là việc ăn non chạy tết, là phần nổi của tảng băng mafia tín dụng. Việc thiếu hụt tiền tệ, khoác ngoài bởi những tuyên bố cứng rắn của Thống đốc cùng với hệ thống thủ tục nhằng nhịt với người này, thông thoáng với người kia đang là một môi trường lý tưởng để những hành vi nhũng nhiễu, hành xử theo lối mãi lộ đang trở thành những cái lệ quen, đến mức thành một thứ tâm lý: Không làm luật mới là bất bình thường.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, đại biểu QH Phạm Thị Loan, Chủ tịch Tập đoàn Việt A đã công khai nói đến những cái "chợ trời" trong lòng hệ thống ngân hàng. Nơi mà ở đó, những DN muốn mua được ngoại tệ, phải làm luật với mức chung chi 500 triệu đồng cho 1 triệu USD. Sau này, bà Loan nói bà có tang chứng vật chứng đàng hoàng, bởi vì chuyện "nói ra công đường không thể nói chơi".

Nhưng đáng ngạc nhiên là những tuyên bố chứa đầy thuốc nổ như vậy lại không hề gây được sự chú ý của bất cứ ai. Ngân hàng nhà nước, trước lời của một nghị sĩ quốc hội như vậy cũng không hề có hồi đáp.
Sự bỏ qua một cách bình thản là do tâm lý "đó là chuyện quá đỗi bình thường" vẫn đang ngày ngày và từ lâu đã tồn tại trong hệ thống tài chính hay là một cách hành xử mũ ni che tai của những người có trách nhiệm?
Muốn vay được tiền thì phải "chung chi". Mua ngoại tệ cũng phải "làm luật". Rút tiền của mình gửi Ngân hàng cũng phải "lót tay".

Phải chăng đây là những tín hiệu cho thấy sẽ có bom nổ khi Kiểm toán nhà nước công bố kết quả kiểm toán việc sử dụng gói hỗ trợ lãi suất 17 ngàn tỷ đồng trong vài tháng tới đây? Nhất là khi có rất nhiều tiếng nói khẳng định có tới 80% của gói hỗ trợ này không đến được tới nhân dân cũng như các DN.
Nhưng từ thực tế mà nói thì: Câu trả lời là chưa chắc.

Mấy hôm trước, Tuổi trẻ đưa một tin rất ấn tượng: Ở Ấn Độ, một tổ chức phi chính phủ đã phát hành một loại tiền có giá trị 0 rupee như một cách để giúp ngăn chặn hối lộ, một căn bệnh trầm kha ở nước này. Tờ tiền mệnh giá 0 rupee in hình Mahatma Gandhi. Trên tờ tiền có dòng chữ: “Tôi cam kết không đưa hoặc nhận hối lộ” và “bài trừ tham nhũng ở mọi cấp độ”. Tổ chức Fifth Pillar, đơn vị phát hành khuyến cáo: “Nếu ai đó đòi tiền hối lộ, hãy đưa tờ tiền có giá trị bằng 0 này cho họ. Người đó sẽ hiểu rằng bạn từ chối đưa hoặc nhận tiền để thực hiện những điều được quy định bởi pháp luật”.
Câu chuyện này có lẽ chỉ dừng lại ở Ấn Độ, bởi lẽ ở Việt Nam không một giám đốc DN nào có lá gan để thực hiện việc đưa tờ tiền này, trừ phi họ chuẩn bị tự dí súng vào đầu tự tử vì phá sản.


Nguồn : http://vn.myblog.yahoo.com/tuanddk

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét