Đôi khi tôi nghĩ những phiên tòa cũng giống như … peer review không khoa học.
Peer review là hệ thống bình duyệt.
Một công trình khoa học thường được 3 hay 4 chuyên gia bình duyệt và phản biện, và tác giả phản biện ngược lại. Những phản biện và tái phản biện thường xảy ra 3 lần, nhưng có trường hợp 6 lần, và kéo dài đến 1 năm.
Khi kết quả bình duyệt tốt thì tổng biên tập quyết định cho công bố; nếu kết quả bình duyệt không tốt thì xem như thất bại.
Ở đây, các chuyên gia bình duyệt là bồi thẩm đoàn (chắc là tương đương với “hội đồng xét xử” bên VN), tổng biên tập là chánh án, tác giả bài báo là bị cáo.
Tất cả họ đều được đào tạo bài bản, và có trình độ chuyên môn cao hay rất cao. Trong hệ thống bình duyệt này, tác giả, chuyên gia phản biện và tổng biên tập hoàn toàn độc lập.
Trong hệ thống tòa án và hành pháp ở các nước tiên tiến cũng thế: công an, công tố viện (giống như viện kiểm sát bên VN), và tòa án hoàn toàn độc lập.
Chúng ta đã thấy công tố viện Mĩ còn “lôi” cả tổng thống Clinton ra tòa, và tổng thống phải hầu tòa như mọi người.
Đó là chuyện thiên hạ, còn chuyện Việt Nam thì sao? Theo dõi “vụ án mua dâm” ở tỉnh Hà Giang và so sánh với vụ án “âm mưu lật đổ chính quyền Nhân dân” ai cũng có thể thấy một khác biệt thú vị.
Cái khác biệt hiển nhiên nhất là thời gian. Vụ án chính trị kia chỉ kéo dài vài giờ, còn vụ án mua dâm thì kéo dài nhiều ngày và nay thì sự việc hình như phải … làm lại từ đầu.
Không biết cái khác biệt này có nói lên rằng tòa án Hà Giang xét xử vụ mua dâm cẩn thận hơn là xét xử những bất đồng về chính kiến. Những sự cẩn thận của Hà Giang chắc làm cho các ông Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, và Nguyễn Tiến Trung tiếc rằng mình không được ra tòa ở Hà Giang.
Quay lại vụ án mua dâm, còn nhớ khi vụ án bắt đầu thu hút chú ý của dư luận và khi hiệu trưởng Sầm Đức Xương bị tố cáo là mua dâm, thì ông chủ tịch UBND tỉnh tuyên bố rằng việc này là việc “động trời”, không thể chấp nhận được.
Nhưng đến khi các “bị cáo” ghi rõ chính ông chủ tịch cũng là người mua dâm thì không thấy ông lên tiếng bình luận gì. Có lẽ cũng hơi khó cho ông bình luận.
Hai người phụ nữ trẻ “bán dâm” (mà có lẽ chính xác hơn là bị cưỡng dâm) lại bị bỏ tù, còn người bị tố cáo (ông chủ tịch UBND) mua dâm thì không hề hấn gì!
Đúng là công lí ngược đời! Hai nạn nhân đi tù vì (trích): “Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vị Xuyên cũng mắc một số sai phạm: Việc lấy lời khai của các bị can về hình thức, thủ tục không đúng pháp luật. Kiểm sát viên kí văn bản khi chưa có quyết định phân công của Viện trưởng VKSND huyện Vị Xuyên. Theo trình bày của bị cáo và người giám hộ, Biên bản phiên tòa sơ thẩm (của TAND huyện Vị Xuyên) là tạo dựng, không đúng với nội dung, diễn biến phiên tòa. […]
Tại phiên tòa phúc thẩm (TAND tỉnh Hà Giang ngày 20/1/2020): Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không tuyên bố lí do, không công bố Hội đồng xét xử, không cần hội ý hoặc nghị án đã đơn phương tuyên bố hoãn phiên tòa.
Cả hai cấp toà đều xử kín, các nhà báo không được tham dự trực tiếp mặc dù vụ án cần phải được xét xử công khai, thể hiện có sự khuất tất trong hoạt động tư pháp ở Hà Giang trong vụ án này.”
Mà, tỉnh Hà Giang này xem ra rất đặc biệt. Năm ngoái, trước những sai phạm của chính quyền địa phương có ảnh hưởng đến doanh nghiệp Sông Lô, Thủ tướng đã có 5 công văn yêu cầu giải quyết, nhưng UBND tỉnh không làm theo yêu cầu của Thủ tướng.
Hà Giang đúng là đặc biệt! Báo chí gọi hiện tượng Hà Giang bất tuân lệnh trên bằng bệnh danh “Trên bảo dưới không nghe”. Tôi thì thấy nên đặt bệnh danh là “Hội chứng Hà Giang”.
Đặc điểm chính của Hội chứng Hà Giang là địa phương không làm theo chỉ thị của trung ương, pháp luật thì áp dụng “linh động” vào bối cảnh địa phương (như vụ án mua dâm chẳng hạn).
Thật ra, nhìn chung những khuất tất trong phiên tòa vừa kể trên có lẽ là tín hiệu chung về hệ thống hành pháp, tòa án, và Đảng ở Việt Nam.
Chẳng hạn như Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao không xuất phát từ trường luật, mà là từ trường Bách Khoa và An Ninh, từng là trung tướng công an.
Theo tôi biết, ở các nước ngoài khối XHCH không có quan tòa nào xuất thân từ công an; tất cả đều phải học luật khoa. Cả Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đều là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương của Đảng. Nói cách khác, cả hai cơ quan và công an đều chịu sự chi phối của Đảng. Mà, Đảng thì lãnh đạo Nhà nước. Chẳng có cơ quan nào độc lập với cơ quan nào cả.
Cấp trung ương mà còn vậy thì chắc địa phương cấp tỉnh còn liên hệ chằng chịt hơn nữa. Với những mối liên hệ chằng chịt như thế thì khó mà có một sự độc lập đúng nghĩa.
Cũng như trong khoa học, nếu các chuyên gia bình duyệt, tổng biên tập và tác giả không độc lập nhau thì quyết định của tổng biên tập sẽ bị chất vấn, không có độc lập đúng nghĩa giữa Nhà nước, viện kiểm sát, và tòa án và thì kết quả của những phiên tòa vẫn còn tồn tại nhiều câu hỏi.
NVT
Nguồn :http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/02/tan-man-ve-oc-lap-giua-quan-toa-va-nha.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét