Vớ Vẩn
Theo blog Quê Choa
Bên dưới, bác Người Làng Cốm đã đặt ra câu hỏi này, câu hỏi tưởng dễ mà không dễ chút nào!
Tuy nhiên tôi không thấy hài lòng với lời giải đáp của bác Người làng Cốm rằng “từ cụ già không biết chữ nhưng tai chưa điếc đến đứa trẻ mới biết đọc và được xem TV đều có thể trả lời được ngay, thậm chí còn vanh vách nêu từng tên “giặc nội xâm” đã bị bắt“.
Trả lời như thế thì bác Người Làng Cốm chỉ mới có một cái nhìn phiến diện. Ngày nay mỗi lần xem ti vi, nghe các quan phát biểu người dân cứ vẩn vơ câu hỏi rằng: ai là kẻ đã bị lộ, đang bị lộ, và sẽ bị lộ đây? Có nghĩa rằng tham nhũng không phải chỉ là những “tên “giặc nội xâm” đã bị bắt.
Ai là kẻ tham nhũng?
Cũng câu hỏi như thế nhưng Bùi Minh Quốc đã trả lời vô cùng xác đáng và thuyết phục hơn. Ông rằng: Mọi người đều biết giặc nội xâm nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm vì nó sinh ra từ chủ nghĩa cá nhân của những cán bộ có chức quyền. Hồ Chủ tịch đã nhiều lần nhấn mạnh: “chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm nhất”. Và là siêu nguy hiểm khi chủ nghĩa cá nhân nằm ngay trong một số cán bộ giữ trọng trách ở cơ quan quyền lực tối cao, nhất là ở người nắm giữ công tác tổ chức, công tác cán bộ. Bao nhiêu năm ròng, công tác cán bộ, nhất là việc chọn cán bộ vào Trung ương, vào Bộ Chính trị lại thâu tóm trong tay một vài cá nhân ở cấp tối cao. Các cuộc bỏ phiếu ở mỗi kỳ đại hội chỉ là hình thức để hợp thức hoá sự sắp đặt rất cá nhân chủ nghĩa, rất bè phái của mấy người ấy. Thế là đẻ ra một tình trạng bè phái tham nhũng quyền lực có hệ thống, một Đảng Đen đã xuất hiện và lộng hành trong lòng Đảng Đỏ.
Cái Đảng Đen này chỉ gồm một số ít những phần tử thẻ-đỏ-tim-đen lợi dụng tình trạng mất dân chủ và sinh hoạt khép kín trong Đảng để cố kết với nhau nắm giữ nhiều vị trí quyền lực trọng yếu, thao túng công tác nhân sự của Đảng. Vị trí công tác, chức vụ, cấp bậc của mỗi cán bộ không còn tuỳ thuộc vào năng lực phẩm chất của họ với sự tín nhiệm đích thực của nhân dân mà tuỳ thuộc vào sự sắp đặt bí mật từ bên trên, và thế tất không thể tránh khỏi đẻ ra một cái chợ đen âm thầm mua bán chức quyền.
Nhiều năm ròng, nhất là từ sau 1975, trong Đảng đã diễn ra một hoạt động rất nham hiểm, rất xảo quyệt là hoạt động vu tội cướp công, cướp quyền. Biết bao đồng chí tài năng và đức độ, một đời tận tuỵ dày công vì dân vì nước đã là nạn nhân rất thảm khốc của thủ đoạn đó. Một bi kịch lớn trong lòng Đảng đang ngày đêm huỷ hoại những gì lành mạnh nhất, tốt đẹp nhất, quí giá nhất của Đảng kết tinh từ sự hy sinh xương máu của hàng triệu nhân dân và đảng viên: công thần thì bị vu tội cướp công, còn gian nịnh thì leo lên vùn vụt dùng xảo thuật pháp lý tạo ra cả những tổ chức siêu Đảng siêu Nhà nước tiến hành hoạt động phá hoại kéo dài có hệ thống, như đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ rõ, kèm theo quá trình đó là sự tê liệt sức chiến đấu ở hầu hết tổ chức Đảng. Đại đa số đảng viên đã tự buông mất quyền làm chủ của mình trong Đảng, sinh hoạt Đảng trở nên hình thức, ở các Đảng bộ hưu trí thì nội dung vụn vặt, vô hồn, ở các Đảng bộ cơ quan thì cũng vô hồn không kém hoặc chỉ “có hồn” theo những cuộc đấu đá sặc mùi xôi thịt. Ở cơ sở là thế mà huyện tỉnh trung ương cũng thế…
Năm 2007, theo lời mời của Đảng ta, ông Lý Quang Diệu, chủ tịch Đảng Nhân dân hành động Singapore (nguyên thủ tướng Sing) viếng thăm VN. Chỉ cần nhìn sơ quan hệ thống chính trị CHXHCNVN thôi, Khi về lại Sing, ngài phát biểu một câu nghe đau đớn lòng dân Việt: “Việt Nam phải mất 10, 20, 30 năm nữa mới có thể bắt kịp Malaysia”. Ngài chẳng thèm đề cập gì đến Việt Nam bắt kịp Singapore cả! Nghe câu này dân Việt bẻ mặt quá chừng chỉ có các ngài lãnh đạo thì vẫn an nhiên, tự tại vì cho rằng trách nhiệm đó không phải do sự lãnh đạo của các ngài, mà do điều kiện lịch sử và khách quan của đất Việt. Để lý giải cho sự tụt hậu của đất nước, các quan lãnh đạo viện dẫn hoài lý do: “khởi điểm thấp” hay “mới thoát khỏi chiến tranh”, mặc dù đất nước của chúng ta đã độc lập, thống nhất được hơn 32 năm. Thời gian đã đủ dài để chúng ta xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…
Ngày Cụ Hồ còn sống, câu nói nổi tiếng “Đất nước độc lập, nhưng dân chưa có được tự do, thì sự độc lập đó chẳng có ý nghĩa gì” đã được ghi vào sử sách. Ngày nay, các quan học trò của cụ thì sao? Có nhiều dự án kinh tế, trong khi Chủ doanh nghiệp đầu tư cố gắng tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, tạo ra của cải vật chất, tạo ra lợi nhuận cao, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, nhưng đành phải xếp lại chỉ vì câu hỏi “Tớ được bao nhiêu tỷ lệ % trong dự án đó?” của các quan từ cỡ “tép riêu” đến “cỡ bự” cũng đáng ghi vào sử sách trong mục “những vết đen”. Người ta cũng dễ dàng nhận ra sự giàu có bất thường của nhiều quan không hề tỷ lệ thuận với sự ăn nên làm ra của dân và sự thịnh vượng của đất nước! Cho nên lời phán về sự tụt hậu của VN của ngài Lý quả không trách cứ được!
GIẤC MƠ BÀI TRỪ THAM NHŨNG
Chống tham nhũng ở ta đã và đang bế tắc, không phải vì ta thiếu cái tâm trong sáng, thiếu cái kiến thức uyên bác, hay thiếu cái lý thuyết về chống tham nhũng…, mà đến từ thiếu một công cụ hiệu quả. Công cụ hiệu quả ở đây là một cơ chế xã hội hợp lý và đủ mạnh để chống lại “giặc nội xâm”.
Hay nói một cách cụ thể hơn là để đối đầu với tham nhũng, chúng ta cần có một thể chế xã hội với tam quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp phân lập, kết hợp với việc tự do ngôn luận giúp làm sạch xã hội.
Hệ thống chính trị song trùng ở nước ta hiện nay đã tạo ra những nghịch lý buồn cười mà chẳng quốc gia nào có, kể cả Singapore; nghịch lý là Đảng có quyền quyết định song lại không chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn người đứng đầu cơ quan nhà nước không có quyền quyết định lại phải chịu trách nhiệm trước nhân dân theo pháp luật. Cho nên khi dân cần truy cứu trách nhiệm cá nhân thì chẳng biết đường đâu mà lần. Thể chế song trùng này làm cho hệ thống chính trị ngày càng cồng kềnh và rối loạn.
Bức tranh chống tham nhũng hôm nay của Việt Nam là sáng lạng? Không đúng! Đen tối? Không đúng! Vậy thì… Lờ Mờ, không rõ ràng... Đúng và... Không ! (xin mời các bác trong chiếu rượu này tham gia cho vui!) Nhưng bây giờ chúng ta hãy thử cùng nhau đặt vài câu hỏi nhỏ liên quan đến “Sự thật đau lòng nhưng không thể tránh né” xem sao nhé:
1/ Kêu gọi xây dựng một thể chế chính trị tam quyền phân lập, công bằng, tự do dân chủ để chống “giặc nội xâm” và nhiều vấn nạn xã hội khác, nghĩa là kêu gọi Đảng cầm quyền từ bỏ bớt quyền lực và quyền lợi. Một Đảng cầm quyền có bao giờ tự nguyện, tự giác từ bỏ quyền lực không?
Câu trả lời thực sự trong lòng của mỗi người chúng ta sẽ là “Không bao giờ”. Tự giác từ bỏ quyền lực (cho dù là vì… ”một Cái gì đó”, ví dụ, vì sự phát triển của đất nước chẳng hạn)? Sorry, never!
Một khi đã có cơ hội nắm quyền, hãy công bằng mở rộng câu hỏi này đến khắp các đảng phái Chính trị trên tòan thế giới xem sao? Trước đây, hiện tại và mãi sau này thì cũng vậy thôi. Lịch sử thế giới cho thấy: Cho đến khi “nội bộ” nát bét, hoặc cho đến khi, do sự bất công xã hội được duy trì và tăng dần… thì lực lượng đối kháng sẽ tự nhiên được hình thành, lớn mạnh dần nếu bất công được duy trì liên tục. Đến lúc ấy việc từ bỏ quyền lực mới xảy ra, diễn biến đôi khi chỉ là linh họat chuyển đổi, đôi khi ôn hòa, nhưng rất thông thường là phải đổ nhiều máu, thận chí có đôi khi tan thương kiểu ”diệt chủng” v.v... Rất hiếm những” nhà cầm quyền” đủ sáng suốt để lái sự mâu thuẫn này theo một tiến trình tự nhiên và ôn hòa. Đội khi một cá nhân có thể “công thành thân thoái” nhưng một thể chế thì… ”không bao giờ”. Khi đã có quyền lực trong tay, hầu hết đều mê mờ vì quyền lợi các nhân được ẩn nắp sau quyền lợi của “nhóm”, thậm chí quyền lợi quốc gia v.v... Thông thường, họ sẽ tiến hành cũng cố lực lượng và thanh trừng đối kháng, để cố gắng duy trì sự nắm quyền càng lâu càng tốt…, đêm trước của thất bại thường là những “quyết định tàn nhẫn”… Tuy nhiên ,đây cũng là những gì bình thường trong tâm khảm một con người, chẳng có gì lạ. Thế giới đều như vậy và Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không ngọai lệ đối với “sự thật” nói trên. Do đó, có lẽ chúng ta không nên tiếp tục “mơ” và tranh cãi về điều ấy! Hoặc ít nhất là tôi sẽ không bao giờ để mình “vớ vẩn” với “giất mơ” nói trên. Tốn thời gian!
Nếu bộ phận nắm quyền… lỡ vì ngu dốt và tham lam, coi nhẹ sức mạnh đối kháng của “số đông thầm lặng” ấy, thì như thường lệ ngoài kết thúc thảm thương sẽ đến với họ cùng gia đình dòng tộc, họ còn có nguy cơ trở thành tội đồ trong lịch sử của dân tộc.
2/ Còn nếu đã thống nhất như câu hỏi số một, ta hãy sang câu hỏi thứ hai. Ở một người, có bao giờ dùng tay phải (hoặc tay trái) tự tát vào mặt mình không? (Trừ các hành vi của một người Khùng!)
Ở một người, có bao giờ tay phải (hoặc tay trái) đưa ra để “ăn cắp” mà tay kia lại “chặn giữ “ lại không? (Trừ các “động tác” của một nghệ sĩ “kịch câm” và nhân vật hư cấu Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung). Dĩ nhiên câu trả lời cũng sẽ là “không bao giờ”. Một Đảng duy nhất, đã thống nhất quyền lực vào tay mình thì tình trạng cũng tương tự như vậy, đối với những cải cách có lợi cho xã hội, có lợi cho phần động dân chúng, không có một tiếng nói phản diện thì sẽ không bao giờ tự giác “tự tát mình” hoặc “tự giữ tay mình” lại để khỏi… tham nhũng… vì Đảng không phải thằng Khùng! Ai đang mơ về điều đó, xin hãy thức tỉnh!
Người Làng Cốm: Ai tham nhũng? Và, Ai chống tham nhũng?
Câu hỏi 1 thì từ cụ già không biết chữ nhưng tai chưa điếc đến đứa trẻ mới biết đọc và được xem TV đều có thể trả lời được ngay, thậm chí còn vanh vách nêu từng tên “giặc nội xâm” đã bị bắt.
Nhưng câu hỏi 2 thật khó trả lời.
Ông Nguyễn Minh Thuyết nói: “Nếu chúng ta không chống được tham nhũng, không quyết tâm chống tham nhũng, để nhân dân giảm lòng tin thì lúc đó các thế lực bên ngoài sẽ có điều kiện thuận lợi để kết hợp với những người bất mãn bên trong âm mưu chống phá chế độ.”
“Chúng ta” ở đây hiển nhiên không phải là người dân chúng ta rồi. Có thể “Chúng ta” là Quốc hội, trong đó có ông Thuyết là một đại biểu của Lạng Sơn. Nhưng ông Thuyết cũng không chống tham nhũng được, vì chính ông đã phải mong:
“Tôi mong rằng tất cả nhận thức ấy được các cơ quan tư pháp thể hiện trong thực tế, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đáp ứng yêu cầu của nhân dân.”
Khổ nỗi “các cơ quan tư pháp” mà ông Thuyết mong mỏi vừa qua cứ động đến tên “giặc nội xâm nào” cũng bảo Nhân Thân nó tốt, rất tốt.
Vì vậy chẳng lấy gì mà phải “ngạc nhiên khi đọc báo cáo Chính phủ, bản báo cáo dài hơn 15 trang này chỉ dành vẻn vẹn 7,5 dòng cho cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Đó là báo cáo đầy đủ, còn báo cáo tóm tắt và bổ sung thì đã cắt toàn bộ 7,5!
------------
Nếu mình đoán không lầm thì có lẽ chính vì bài viết này mà có tin đồn rằng nhà văn Quang Lập "bị alô". Vì thế càng có hứng thú để post, để tích phân thêm ..
Nguồn: http://anhbasg.multiply.com/journal/item/807
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét