30 thg 11, 2010
CÁC NHÀ VĂN VIỆT NAM BẮT ĐẦU LÊN TIẾNG VỀ CHUYỆN… THẾ SỰ
Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách “ cái “định đề” này từng trở thành tiêu chí hành động của không ít người làm báo, làm văn; nhưng thời gian gần đây báo chí lại bắt đầu dè dặt hơn, nhất là sau vụ 2 nhà báo của báo Thanh Niên và Tuổi trẻ bị bắt do vụ đưa tin về vụ án PMU 18.
Sau vụ này, 2 tờ báo này có vẻ nhụt, xìu hẳn. Nếu quan sát báo “ lề phải “, 4 tờ báo Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Tiền phong…thì diện mạo của các tờ báo có bề dày và chỗ đứng trong lòng bạn đọc đã thay đổi một cách ghê gớm trong vài năm gần đây…
Tuổi trẻ, Thanh Niên hình như chọn cách tránh xa những vấn đề thế sự nóng hổi, thỉnh thoảng đá gà đá vịt đôi chút cho đỡ ngứa nghề còn phần lớn là thúc thủ, “ rửa tay gác kiếm “;
Tiền phong thì vẫn tỉnh thoảng tạt ngang, tạct dọc vài đường nhưng cũng chỉ dám chơi bóng ở khu “ trung tuyến “, ít khi dám đẩy tiền đạo lao sâu vào khu vực 16,5 để trổ “ chân nghề ”…
Báo Lao động thì “ sớm vác ô đi, tối vác ô về “ trong cái cách đưa bài vở liên quan tới thế sự…Thế nhưng một vài nhà báo Tiền phong gần đây đã thấy có dấu hiệu là đã bị “ dằn mặt “…
Báo lề phải bây giờ chỉ còn Vietnamnet là vẫn “máu” chiến đấu, gần như ngày nào cũng có bài viết đụng đến chuyện nọ chuyện kia, rất nhiều bài người đọc cũng cảm thấy lo cho Tổng Biên tập.
Vietnamnet có lẽ là tờ báo điện tử có tỷ lệ bài đưa lên và hạ xuống nhanh và nhiều. Song trong cái thời buổi thông tin điện tử thì chỉ cần đưa được lên mạng dăm phút là “xong việc ”.
Rất nhiều độc giả cho rằng: trong tình hình thúc thủ của báo “ lề phải “ hiện nay, kể làm báo được như Vietnamnet, như Nguyễn Anh Tuấn là giỏi, là can đảm, là có tâm với nghề với thế sự. Nếu người đọc được quyền bình chọn, vinh danh những anh hùng trong lĩnh vực thông tin truyền thông, ( lúc này nhân dân rất cầnm các anh hùng xả thân trong lĩnh vực này ) nhiều cư dân mạng chắc sẽ bầu chọn cho Tổng Biên tập Nguyễn Anh Tuấn: anh hùng của cái thời thông tin đang có nhiều vấn đề.
Một tổng biên tập đã thở dài buồn chán khi bị chủ blog thỉnh thoảng lại gọi điện hỏi ông về tình hình báo chí dạo này có bài nào bị nhắc trong giao ban không, cò bị xử phạt, tuýt còi nhiều không?
Ông cho biết, bào chí lề phải dạo này có gì mà phải nhắc tuýt còi, an phận thúc thủ hết cả rồi. Mặt khác các cơ quan chức năng quản lý báo chí cũng bắt đầu tinh tế hơn, khôn ngoan hơn, nhã nhặn hơn, lịch duyệt hơn; báo nào có bài vở nào đó cần nhắc, cần lưu ý thì không đem công khai ra giao ban mà nhắc qua cơ quan chủ quản. Giám sát, nhắc nhở báo chí cách này vừa mang lại hiệu quả, lại kín tiếng, kín võ, một kiểu “ ném đá giấu tay “…Đố Tổng Biên tập nào dám ho he với chủ quản của mình…
Đối với giới nhà văn thì sao, hiện nay trên thế giới mạng có vài trang mạng rất được bạn đọc chú ý, hàng ngày có số lượng bạn đọc truy cập khá đông, nghiêng ngửa với các tờ báo lề phải, đó là trang mạng của 2 nhà văn Nguyễn Quang Lập, của Trần Nhương và thỉnh thoảng có cả Nguyễn Trọng Tạo; đó là những trang do các nhà văn làm và cập nhật thông tin về những chuyện thế sự mà báo lề phải ngại ngần, né tránh…
Trở lại hiện tượng, ( chuyện đáng lẽ phải là bản chất ) đó là giới nhà văn trong những tuần, tháng gần đây bắt đầu chú ý viết về các vấn đề thế sự, những vấn đề mà thường họ hay bàn tán nhiều, mạnh ở những quán trà, quán nhậu.
Đáng chú ý đó là tờ báo Văn Nghệ, một cơ quan nổi tiếng về sự cẩn trọng, “đi sau, về sau” trong các chuyện thời thế mà chỉ chăm chăm vào các vấn đề văn chương chữ nghĩa thuần túy, viển vông. Phải chăng vì thế mà Văn Nghệ bị bạn đọc xa lánh dần và rơi vào thảm cảnh chợ chiều.
Báo Văn Nghệ số 45 ra ngày 6/10/2010 đăng bài: Bô-xít-Những điều được và mất đã đưa được lên báo giấy những ý kiến sau đây kể cũng đáng quý:”Tạm dừng dự án bô xít như kiến nghị của đại đa số nhân dân, có thể sẽ là giải pháp không mấy dễ chịu. Sẽ có nhiều thiệt hại, mất mát. Tuy nhiên nếu biết coi những mất mát đó là những bài học kinh nghiệm trước ngưỡng cửa của hội nhập thì chúng ta sẽ không chỉ sẽ giữ được tài nguyên cho đất nước, mà thêm vào đó lại được rất nhiều. Được sự từng trải, được cách tư duy, được sự minh bạch, được cách ứng xử… Và cái được lớn hơn tất cả chính là được lòng tin của nhân dân, điều mà bất kỳ người lãnh đạo nào cũng cần phải có…”
Tiếp tục bám theo giòng thế sự, Văn Nghệ số 46 có 4 bài, đó là bài: Ai có lương tâm hãy lên tiếng… của nhà thơ Dương Thuấn in trên trang nhất trong mục Tiếng nói nhà văn. Dương Thuấn đã lên tiếng:” Ai sẽ chịu trách nhiệm về Tập đoàn Vinashin sụp đổ. Người nào có lương tâm đều không thể không lên tiếng…”
Không chỉ đề cập tới vụ Vinashin, nhà thơ Dương Thuấn, một người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên với rừng bức xúc trước việc Chính phủ cho nước ngoài thuê rừng với giá rẻ mạt, ông viết:” Vậy tại sao Chính phủ không tăng cường đầu tư cho việc trồng rừng để hàng năm giảm bớt lũ lụt mà lại đầu tư cho đóng tàu thải ra nhiều rác thải độc hại…
Nếu Chính phủ đầu tư cho các chủ rừng được vay vốn trồng rừng thì đâu có chuyện cho nước ngoài thuê rẻ như vậy. Bản thân tôi cũng có 11 ha đất rừng nhưng cũng giống như bao người có đất rừng khác đều rất thiếu vốn để đầu tư trồng rừng…” Nhà thơ Dương Thuấn kiến nghị:” Tôi xin đề nghị các đại biểu hãy phát huy vai trò của Quốc hội để làm rõ vai trò của Chính phủ đối với vụ Vinashin”.
Bài Lỗi tại ai của Bồng Lai…đề cập tới những nghịch lý, phi lý trong các chủ trương chính sách đầu tư phát triển công nghiệp của nước ta. Với những dự án sực nức “phẩm màu” bánh vẽ như Vinashin, như ngành công nghiệp ôtô…Nếu Vinashin đã sụp đổ thì ngành công nghiệp ôtô đang có nguy cơ cao vì đang phát triển giống như chiếc xe phải chạy trên những cua đường gấp khúc, đèo dốc, hiểm nghèo nhưng người cầm lái ( Các doanh nghiệp phần lớn là của nhà nước ) vừa chưa thuộc đường lại chưa thạo tay lái nhưng lại liều lĩnh và bất chấp…
Trong bài Góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Nguyễn Đăng Phúc có tiêu đề: Thực thi dân chủ đã đề cập đến vai trò dân chủ, phải đảm bảo cho người dân được có tiếng nói của mình bởi “nâng thuyền và lật thuyền cũng là dân”.
Tiếp tục với chủ đề dân chủ, nhà thơ Thạch Quỳ trong bài Nên học tập Bác như thế nào, ông có nhắc đến bài báo của nhà văn Vũ Tú Nam viết trên Văn Nghệ đề nghị in hàng vạn, hàng triệu bản cuốn sách Sửa đổi lề lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để giao tận tay cho các cán bộ từ trung ương đến địa phương…
Khi đề cập tới chuyện này, Thạch Quỳ đã nhắc tới một câu chuyện thú vị có thật mà ông biết:” Báo Tiền phong, Lao động và một số tờ báo khác viết bài vạch tội một kẻ lừa đảo chuyên móc nối với quan chức làm các dự án ma. Khi tên lừa đảo này về tỉnh nọ, nghe tin lập tức có nhà văn rất sốt sắng, sợ quan chức địa phương chưa đọc báo liền ôm cả mấy chồng báo đến trình với đồng chí quan chức có trách nhiệm nhất “ trong việc duyệt dự án…Nhà văn được đón tiếp chu đáo, được bắt tay, được khe ngợi, được đồng chí quan trọng đó cho xe đưa về tận nhà. Một tuần sau, “ dự án ma “ Đasuko được ký kết …” Xong việc ký kết, anh thư ký của đồng chí quan trọng đó bắn tiếng qua một nhà văn khác với nhà văn kia rằng:” Nhà văn các cậu thật là hồn nhiên”…
Nhân chuyện nhà văn Vũ Tú Nam đề xuất in sách, nhà thơ Thạch Quỳ nhắc đến ý kiến của Đại biểu Quốc hội Lê Duy Nguyên:” Cha ông ta nói “ chó treo, mèo đậy “, ta cần thử xem của cải của ta treo đã cao chưa, đã kỹ chưa ? Nếu treo chưa cao, đậy chưa kỹ thì phải sửa ở cách treo và cách đậy. Nếu treo cao rồi, đậy kỹ rồi mà vẫn bị chó mèo quấy nhiễu thì phải có cái dùi”… Tóm lại, trong bài viết của mình, Thạch Quý đã đúc kết ra 2 bài thuốc canh, trị “ chó, mèo”:
Cách 1 của nhà văn Vũ Tũ Nam: Cho in nhiều sách của Bác Hồ;
Cách 2 của Đại biểu Quốc hội Lê Duy Nguyên: Sắm cái dùi to…
Kết thúc bài viết ngắn của mình, Ông đồ Nghệ Thạch Quỳ chuyển tới nhà văn Vũ Tú Nam ý kiến sau đây:” Tôi luôn coi nhà văn Vũ Tú Nam như bậc đàn anh cả trong làng văn. Nhà văn đọc nhiều trước tác của Bác, mong nhà văn chọn cho một câu nói tiêu biểu để đề xuất với Đảng làm khẩu hiệu trung tâm của giai đoạn cách mạng hiện nay. Tôi mạo muội hỏi riêng ý kiến nhà văn Vũ Tú Nam, nếu chọn câu:” Nước độc lập mà dân không có tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng nghĩa lý gì… có được không ???”
Hoan nghênh Văn nghệ đã bắt đầu nhúc nhắc làm cái việc của những kẻ thất phu.Cũng đề cập tới vấn đề dân chủ, một vấn đề bức xúc hiện nay, nhà thơ, đồng thời là PGS-TS Vũ Duy Thông trong bài không rõ thể loại gì đăng trên báo điện tử Chính phủ. Đây là một bài phỏng vấn hay là những ý kiến nhặt nhạnh, bài viết của phóng viên Việt Hải và ghép tên PGSTS VDT vào để cho có thương hiệu, nhãn mác, đó là bài:” Chất vấn và trả lời chất vấn phải có tình, có lý…
Khi đề cập tới vấn đề dân chủ, ý kiến mang tên PGS-TS Vũ Duy Thông ( PGS-TSVDT ) rào đón:”Thực hiện quyền dân chủ là một quá trình vận động gian khó và lâu dài, cả hệ thống chính trị và từng người dân phải góp công sức, trí tuệ từ nhận thức về quyền dân chủ, nâng cao trình độ để có thể thực hiện đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện quyền dân chủ.
Thực hiện quyền dân chủ (bao gồm cả mở rộng dân chủ và nâng cao quyền dân chủ) là một tồn tại xã hội, phải biết đòi hỏi nhưng cũng phải biết chờ đợi; vừa thể chế hóa nhưng cũng rất cần vận động, thuyết phục.
Cần khắc phục khuynh hướng không sử dụng đầy đủ quyền dân chủ và cả khuynh hướng lợi dụng hoặc tùy tiện sử dụng quyền dân chủ…”Theo PGS-TSVDT thì phạm trù “mở rộng thực thi quyền dân chủ” và phạm trù “tránh khuynh hướng lợi dụng và tùy tiện sử dụng quyền dân chủ…” phải song hành với nhau.Từ điểm xuất phát này, PGS-TSVDT đã lên tiếng về một thực trạng tại diễn đàn Quốc hội:”Tuy nhiên, những ý kiến hỏi và trả lời đó không cùng chất lượng như nhau, còn có một số ý kiến mới dừng lại ở cảm tính, chưa được xác minh. Vậy có cách nào để những thông tin đó khi vượt ra khỏi Hội trường QH, không ảnh hưởng đến cử tri, cả ở mặt tích cực và tiêu cực…” PGS-TSVDT tiếp tục đẩy xa vấn đề mà mình đặt ra:”Có đại biểu cả khóa không một lần phát biểu nhưng có đại biểu kỳ họp nào cũng phát biểu, thậm chí thảo luận về vấn đề gì cũng phát biểu, đi rất sâu vào chuyên môn dù chuyên môn đó rất xa với chuyên môn gốc của họ. Không rõ những đại biểu này có phải "cái gì cũng biết" không, nhưng qua phát biểu của họ, nhiều khi cử tri rất băn khoăn.
Trong khi phát biểu, một vài người còn đưa ra những sự kiện, số liệu chưa được kiểm chứng, có tính cảm tính, suy diễn chủ quan, hiểu biết về luật không thật đầy đủ…”Sau khi phân tích dẫn giải những ý tứ trên PGS-TSVDT, khóa trái vấn đề:”Việc đưa ra những nhận xét, chất vấn trong các kỳ họp QH là quyền của các đại biểu QH, nhưng khi những ý kiến ấy đến công chúng thì hiệu ứng của nó không còn theo ý chủ quan của người nói nữa. Nói cho đủ, còn để dành thời gian cho người khác. Nói cho khách quan, không né tránh nhưng với một thái độ xây dựng. Dân mình có câu: "Lời nói không mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”. “Vừa lòng nhau”, tức là giữa những người đối thoại với nhau phải rõ cái tình (có tính trách nhiệm, xây dựng), cái lý (khoa học, hiểu biết, rõ ràng); “Vừa lòng nhau”, còn có nghĩa là phải có tác dụng tích cực đối với những người thứ ba, là đông đảo công chúng nghe mà thấy thẳng thắn, thuyết phục, nghe xong không còn u mê, chán nản, hoài nghi, càng vững tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống…”
Xin làm rõ thêm ý kiến của PGS-TS VDT: Phương đông có 2 mô hình quản trị nhà nước, đó là Pháp trị và Đức trị…Trong ý kiến của PGS-TS VDT đã đưa thêm một mô hình quản trị nhà nước đó là mô hình “ Tình trị “…Phải đặt cái Tình đi trước, cái Lý là cái cuối cùng chăng?
Đề nghị các trường, các viện chuyên nghiên cứu về chính trị về kinh tế học và cả PGS-TS VDT nên làm rõ thêm khái niệm, mô hình quản trị mới này.
Còn người viết bài này hiểu cái mô hình tình trước, lý sau là phương thức xử lý trong các giòng tộc, cùng huyết thống, tại những thôn bản làng xã mà kinh tế chưa phát triển, xung đột và cách bức về quyền lợi chưa sâu sắc.
Còn ý kiến của PGS-TS Vũ Duy Thông nếu đem áp dụng cái mô hình này cho cái xã hội mà có kẻ ngồi mát ăn bát vàng, kẻ ăn không hết, người lần không ra là một sự cố súy cho phản tiến hóa, là hợp thức các hành vi trộm cướp, tham nhũng…Có thể nói đây là cái mũ khá bài bàn được PGS-TSVDT đưa ra để chụp cho những ý kiến của các đại biểu có các ý kiến:” đưa ra những sự kiện, số liệu chưa được kiểm chứng, có tính cảm tính, suy diễn chủ quan, hiểu biết về luật không thật đầy đủ…
Người đọc bắt đầu nhận ra cái khẩu khì hình sự hóa vấn đề trong ý kiến phát biểu của ông nhà thơ mang danh Phó Giáo sư-Tiến sĩ…Tại sao khi có ý kiến nào đó phát biểu trên diễn đãn Quốc hội, những vị phải trả chất vấn họ có ngô ngọng gì, họ phần lớn đều là ủy viên trung ương Đảng, là các Bộ trưởng sao không chứng minh công khai trước toàn dân rằng cái ý kiến chất vấn kia là sai là “đưa ra những sự kiện, số liệu chưa được kiểm chứng, có tính cảm tính, suy diễn chủ quan, hiểu biết về luật không thật đầy đủ” như PSSTS VDT nói…Cứ cho là họ ngại va chạm,sợ mất mặt người chất vấn, sao không cho các chuyên gia như PGSTS VDT viết bài, chứng minh, đập lại bằng các luận chứng rằng đó là các ý kiên, số liệu cụ thể chứ quy chụp như ý kiến trong bài trên thì chụp cho ai mà chẳng được ?!
Xin lứ ý, PGS-TSVDT là một nhà thơ, một nhà báo, các học hàm học vị của ông gắn với cái nghề này chứ ông không phải là một nhà làm luật chuyên thiết kế các mô hình quản trị xã hội…Người đọc đồ răng những ý kiến trên do ai đó viết hộ ông rồi ông chỉ ký tên điểm chỉ vào để hợp thức nó hoặc có thể ông phát biều những vấn đề mà thực chất ông không biết, không hiểu, một dạng “ ăn theo nói leo “…
Chỉ xin lưu ý một điều, nếu ông là người làm báo cẩn trọng, có trách nhiệm thì ông đã ngăn không để cái tin tàu Trung Quốc vào tập trận trên vùng biển Việt Nam lọt vào Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, khi ông nắm trọng trách Phó Tổng Biên tập. Cùng thì ông Đào Duy Quát và tay đánh máy chịu trận.
Một nhà văn cũng chịu khó bám theo các chuyện thế sự đó là Giáo sư-Tiến sĩ, nhà văn Mai Quốc Liên mà vừa qua blog Phamvietdaonv có dẫn ra vài bài đăng trên Tạp chí Hồn Việt do ông làm Tổng Biên tập…
GS-TS Mai Quốc Liên người vẫn luôn vỗ ngực tự xưng mình là “vệ binh cuối cùng” của chế độ đã cho đăng trên Tạp chí Hồn Việt 2 bài mà theo như thanh mình thì đây là việc giống như cái việc mở cửa cho kẻ cướp vào nhà để bắt và trị sau. Dư luận chờ xem trong số tới Hồn Việt sẽ tung cái miếng võ đà đao, tóm bắt cái đám “ âm binh “ do Hồn Việt tung ra như thế nào? Hay chẳng qua đây là cách nói trí trá ngụy trang cho hành vi “ trở cờ “ bị bắt quả tang của gã vệ binh cuối mùa !
P.V.Đ
Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=6856
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét