Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

9 thg 3, 2011

Franklin! Giơ tay lên


Buổi trưa ngày 7-3, phố Hà Trung, trung tâm chợ đen Hà Nội “cửa đóng then cài”.
“Đổi đô à? Đô là cái gì vậy. Ra Ngân hàng mà đổi”.
Cái lắc đầu kiểu “không biết, không nghe, không thấy” xuất hiện khắp thành phố.
Đến đám con buôn táo tợn hàng ngày vẫn sán ra mời “đổi đô” đầu Đinh Tiên Hoàng trưa ngày 7-3 cũng trốn biệt.
Không khí căng như dây đàn. Thị trường chợ đen ngoại tệ ghi nhận một ngày “tung cờ trắng”.

Câu chuyện rất đơn giản, bác Ngọ, thứ trưởng Bộ Công an, tân trung ương uỷ viên vừa có lệnh cho lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm “Tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để thu thập thông tin về hoạt động của các cơ sở giao dịch vàng, đô la, cửa hàng xăng dầu…”. Tờ Công an nhân dân, nơi có tuyên bố này bỗng nhiên tăng tia-ra khi nó được tất cả các cửa hàng vàng nháo nhác tìm mua, thì thào chuyền tay nhau đọc và lấm lét đồn đoán.
Rồi thì Tướng công an Nguyễn Tiến Lực, cũng khẳng định: Việc găm giữ ngoại tệ đang diễn biến phức tạp. Tình trạng này làm xuất hiện đô la hai giá, phá giá niêm yết của thị trường. Và: Nếu hạn chế được việc này thì sẽ kiềm chế được lạm phát.
Bác Ngọ nói dứt khoát là hơn bác Giàu. Rất đơn giản là bác Ngọ… có súng.

Công an có bất thần xông tới kiểm tra các cửa hàng “chợ đen” thì cũng không có gì mới khi cuối tháng 2 năm ngoái, các cuộc “kiểm tra bất thần” cũng đã được tiến hành. Khối tay mơ đã sa lưới. Hơn nữa, đây được cho là hoạt động hợp pháp. Tuy nhiên, chưa năm nào thị trường tự do phản ứng kiểu “co vòi tuỵêt đối” như năm nay.

Động thái “vào cuộc” của ngành CA cho thấy quyết tâm của Chính phủ quyết ra tay “dẹp loạn” thị trường. Nhưng thực ra CA càng vào cuộc, càng cho thấy bác Giàu đang bất lực trước mấy cái chợ cóc bất hợp pháp.
Có hai điểm rất dễ nhận thấy là đợt phá giá vnd kỷ lục vừa qua thực chất là việc tỷ giá bàn giấy của bác Giàu, phải chạy theo tỷ giá thực tế, được quyết định một phần nhờ thị trường tự do.
Thứ hai, dù việc kinh doanh ngoại tệ của thị trường tự do là bất hợp pháp nhưng đó là việc kinh doanh phục vụ những nhu cầu hợp pháp của dân chúng.

Theo quy định, các Ngân hàng có trách nhiệm và nghĩa vụ cung cấp ngoại tệ cho các doanh nghiệp, các tập thể, cá nhân có nhu cầu ngoại tệ- hợp pháp. Nhưng có lẽ cả bác Giàu, trước đó là bác Thuý, trước trước trước đó nữa là bác Dũng- Thủ tướng bây giờ- chắc không đủ tự tin để cam kết trước dân chúng sẽ cung cấp đủ ngoại tệ cho nhu cầu- nhấn mạnh là hợp pháp- của họ.

Dân có nhu cầu hợp pháp mà không tìm mua được ở những cái chợ hợp pháp là ngân hàng thì đương nhiên họ phải tìm mua của nhau, và đương nhiên những cái chợ dân sinh sẽ ra đời, và còn tồn tại, dù chợ dân sinh, hay chợ đen, hay thị trường tự do- bị coi là bất hợp pháp.
Vì sao người dân, và cả các DN không thể mua nổi ngoại tệ từ những cái chợ của bác Giàu? Lý do thì có nhiều nhưng đại khái là chỉ có hai lý do chính: Ngân hàng cũng chả có đô để bán. Và có, cũng là bán “có điều kiện”, tức là muốn mua phải trả “phí”, tức là tỷ giá của bác Giàu, ngôn ngữ giấy tờ vẫn gọi là cái gì “liên ngân hàng”- chỉ là tỷ giá ảo, áp dụng trong các báo cáo. Và quan trọng hơn, chính những cái chợ hợp pháp này lại chứa trong nó những cái chợ bất hợp pháp, mà chợ này là chợ đầu mối kiểu Đồng Xuân chứ không phải chợ cóc vỉa hè như Hà Trung, Trần Nhân Tông.
Năm 2009, lần đầu tiên “những cái chợ đen trong lòng các ngân hàng thương mại” được nói đến công khai trên diễn đàn Quốc hội. Người phát biểu là ĐBQH, đồng thời là một chủ doanh nghiệp, bà Phạm Thị Loan. “Doanh nghiệp muốn mua 1 triệu USD hiện nay sẽ phải mất phí tới 400-500 triệu đồng và số chênh lệch sẽ được trả thông qua một cá nhân hay tài khoản nào đó, tất nhiên không có hóa đơn hay biên nhận…”. Bà Loan nói.Câu trả lời sau đó là sự im lặng. Và im lặng cho đến giờ.

Bởi vậy, ngành CA trước khi “vào cuộc” ở mấy cái chợ cóc dân sinh thì hãy dẹp mấy cái chợ đầu mối khoác áo ngân hàng trước đi đã bởi nếu chỉ dẹp chợ cóc thì có khác việc tỉa cành bấm lá.
Sáng nay, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc trong một bài trả lời phỏng vấn Thời báo Kinh tế Việt Nam , đã khẳng định: “tôi tin rằng những nỗ lực (đó) của Chính phủ sẽ tạo được niềm tin vững chắc cho nhân dân”.Nhưng lòng tin là thứ mà công an có “vào cuộc” cũng không thể lấy ra, hay nhồi vào được.


Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=5183

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét