Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

31 thg 3, 2011

" QUỐC HỘI CHÍ " TÂN BIÊN

HỒI THỨ 78. Quốc hội chất vấn Chính phủ nổ thăng thiên
Phiên họp chất vấn của các đại biểu Quốc hội đối với Chính phủ diễn ra ngày 26/3 vừa quan sao mà giống với trận quân Tào kéo vào chiếm Kinh Châu, đuổi đánh Lưu Bị thời Tam Quốc…

Lưu Bị mất Kinh Châu khác chi Chính phủ thua bại trọng vụ Vinashin?
Có điểm khác, Lưu Bị khi xưa do binh mọn, tướng ít, thành Tân Dã tạm bợ nhưng với sự quân sư của Gia Cát Lượng, Lưu Bị cũng đã tạo được một vài cuộc giao chiến oai hùng.

Đó là trận hỏa công đốt thành Tân Dã, trận rút lui chiến lược, bảo toàn lực lượng với cái kết cục Đương Dương-Tràng Bản…Trong trận chiến đó: một Triệu Tử Long xông pha trong đám trăm vạn quân Tào như vào chỗ không người; một Quan Vũ xuất hiện ứng cứu đúng lúc; Một Trương Dực Đức quát một tiếng khiến cho quân Tào khiếp vía, tán loạn…


Trong trận 26/3 vừa qua, khí thế của đội quân Quốc hội ào ạt xông lên khác chi trăm vạn quân Tào năm xưa; còn về phía đội quân Chính phủ với sự xuất tướng tới 7 vị nhưng xem chừng chỉ có được nữ tướng Kim Ngân cũng tung ra được vài đường gươm hao hao Triệu Tử Long năm xưa…Còn các vị tướng ông là hèn, bỏ trốn, tránh đòn, mạnh ai nấy chạy thục mạng nhưng lại “ nổ “ rất kêu…
Các vị chủ yếu vẫn “ nổ “ chỉ thiên, nổ vu vơ cốt có tiếng súng, còn trúng vào đâu không cần biết và cũng chả ai đi kiểm tra…Về trận ra quân này,
 
........
HỒI 89. Một lời khen của Phú Trọng cả Quốc hội xì hơi
 
Lại nói, Triệu Tử Long khi xưa, sau khi xông pha trong vòng vây của trăm vạn quân Tào để tìm cứu ấu chúa A Đẩu;
Câu chuyện thật cảm động khi mà Cam phu nhân tự gieo mình xuống giếng chết, để cho Triệu Vân rảnh tay mang mang “ấu chúa” về, kể đây cũng là một tấm gương liệt nữ hy sinh cho chồng, cho con, cho sự nghiệp lớn của nhà Thục Hán về sau…
Sở dĩ Triệu Vân phải xông pha tên đạn đi cứu ấu chúa là do Lưu Bị khôn, đã bỏ của, bỏ dân, bỏ vợ con… mà chạy thoát thân một mình..



Còn ngày nay nhá, vụ Vinashin đổ bể rầm trời như thế mà chả có đứa đếch nào chịu giơ đầu ra chịu báng ? Nếu Triệu Tử Long chạy đến cầu Tràng Bản, bị quân Tào đuổi riết sau lưng xem chừng nguy cấp lắm. May thay lúc đó Triệu Tử Long thì Trương Dực Đức xuất hiện, Triệu Tử Long sung sướng như chết đuối vớ được cọc khẩn khoản: Dực Đức cứu ta với. Dực Đức quát lớn: Tử Long cứ việc qua cầu, để quân Tào đấy cho ta chống cự…


Tử Long mang ấu chúa qua cầu rồi thì quân Tào ập đến thấy Trương Dực Đức râu hùm, hàm én, mắt tròn xoe tay lăm lăm bát xà mâu cưỡi ngựa đứng trên cầu một mình; thấy lạ, quân Tào không tướng nào dám xông lên, đành dừng lại dàn hàng chữ nhất chờ chủ tướng Tào Tháo đến để quyết định: tiếp tục xông lên truy kích Lưu Bị hay thôi…
Thấy quân tướng dừng lại trước cầu Tràng Bản, Tào Tháo cùng tả hữu xông đến hỏi nguyên cớ làm sao mà dừng lại ? Quân tướng chỉ Trương Phi đang đứng trên cầu. Thấy Tào Tháo đến, Trương Dực Đức trợn mắt quát to: Ta là Trương Dực Đức người nước Yên đây, có ai dám quyết sống mái với ta không ?
Trương Dực Đức quát to ba lần, tiếng quát của Dực Đức vang động làm cho 2 tướng Tào hoảng quá đứt ruột mà rơi xuống ngựa chết; thấy thế Tào Tháo cũng hoảng liền quay ngựa tháo chạy…Thấy Tào Tháo bỏ chạy, quân Tào cũng tán loạn chạy theo. Thấy Tào Tháo và quân Tào bỏ chạy, do thân cô thế cô nên Dực Đức không dám đuổi theo mà chỉ lấy gươm chặt phá cầu Trường Bản để ngăn không cho quân Tào đuổi theo. Hành động này của Dực Đức sau đó đã bị Lưu Bị chê là “ vũ dũng vô mưu”; nếu chặt cầu tức là chứng tỏ sợ, thấy sợ tất nhiên quân Tào sẽ quay lại đuổi…


Chuyện Trương Dực Đức đứng trên cầu Tràng Bản thời Tam Quốc, chỉ quát một tiếng mà làm đứt ruột mấy tỳ tướng yếu bóng vía của Tào Tháo, khiến cho quân Tào tán loạn chạy sao giống với tình thế đã xảy ra tại phiên họp bế mạc của Quốc hội vừa qua…Trong phiên họp ngày 26/3 hàng chục ý kiến của các đại biểu Quốc hội ào ạt tấn công, truy vấn Chính phủ gay gắt khiến cho các tướng của Chính phủ chạy dày, “nổ” loạn xạ, “nổ” rất hăng nhưng chỉ là “ nổ “ vu vơ, chỉ thiên để lấy le là chính chứ có chống trả được gì đâu, phản công được gì đâu


Chính vào lúc nguy cấp đó, vị thống soái tối cao, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng mới ra chiêu, ông tuyên bố một câu xanh rờn: Thủ tướng điều hành công việc rất năng động, quyết liệt; Câu nói này của Chủ tịch sao giống với câu quát làm rụng rời trăm vạn quân Tào của Trương Dực Đức tại cầu Tràng Bản khi xưa


Nếu quân Tào khi xưa tưởng chỉ gắng lên một chút là có thể tóm được cha con Lưu Bị, thế nhưng nào ngờ gặp phải tay Trương Dực Đức, chỉ quát một tiếng khiến cho quân Tào tán loạn. Còn trong kỳ học Quốc hội vừa qua, chỉ một nhận xét của Chủ tịch Quốc hội như trên về Thủ tướng là ngay lập tức hóa giải, vô hiệu toàn bộ nộ khí cũng như những đòn tiến công vũ bão của đội quân Quốc hội…


Khi xưa, khi bỏ chạy được mấy chục dặm rồi, Tào Tháo còn lấy tay sờ lên đầu hỏi tả hữu: Đầu ta còn không ? Còn trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, bế mạc ra về, nghe nói cũng có vị đại biểu, bắt đầu tỉnh đòn, đã vò đầu bứt tai phàn nàn với vợ con: Mình hăng máu tấn công Chính phủ như thế, không biết sắp tới cái ghế của mình còn không ???


Khi xưa bằng uy lực cá nhân của một danh tướng, Trương Phi đã quát lui được trăm vạn quân Tào; Còn ngày nay thì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng với uy quyền Chủ tịch cộng uy quyền của Tân Tổng Bí thư nên không cần phải quát, ông chỉ cần một câu nói nhẹ nhàng thôi mà đã lập tức làm thúc thủ bao nhiêu “ võ tướng “ của độ quân Quốc hội…Có thể nói đây là một độc chiêu, một đòn cao thủ của Chủ tịch Quốc hội, của Tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng…


Bởi theo dư luận vỉa hè thì: trước khi tiến hành Đại hội Đảng, trong Ban chấp hành Trung ương khóa X có 2 ứng cử viên sáng giá chạy đua vào chức Tổng Bí thư, nghe nói có những cuộc bỏ phiếu ông Nguyễn Tấn Dũng còn cao phiếu hơn ông Nguyễn Phú Trọng; Chuyện này không biết thực hư ra làm sao…Thành ra việc đắc cử vào vị trí Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng đã chắc gì tâm phục khẩu phục được ông Nguyễn Tấn Dũng…


Khi xưa trong cuộc đấu tranh giành quyền lực thời phong kiến, bên ta cũng như bên Tàu thường có các miếng võ sau đây: ném vào đất chết để mà sống… Khi thấy đối thủ chưa chịu thần phục mình, lập tức lừa miếng cho quân đẩy đối thủ xuống bùn; đợi cho đối thủ ngắc ngứ lúc đó mới tự giơ tay vớt lên, lấy khăn lau mặt mũi cho đối thủ và ném cho cái quần, cái áo gì đó đễ đỡ bất phần trơ…Thế là đối thủ tâm phục, khẩu phục nhận là đại ca ngay lập tức…


Nhớ trận Tào Tháo bắt sống Lã Bố, Trương Liêu, biết Trương Liêu là một dũng tướng lại là người trung nghĩa, Tào Tháo muốn dụ hàng. Tào Tháo cho cả Vân Trường, một bạn chí cốt của Trương Liêu ra dụ nhưng Liêu đâu có chịu hàng, thậm chí còn chửi Tào Tháo như tát nước vào mặt. Đợi đến khi Tháo quát tả hữu lôi Trương Liêu ra chém, chuẩn bị khai đao, lúc đó Tháo mới tự tay ra cởi trói cho Trương Liêu, lúc đó Liêu mới chịu hàng ?!


Lời phủ dụ của Chủ tịch Quốc hội kiêm Tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua trong phiên bế mạc, (sau phiên họp ngày 26/3 ngày các đại biểu chất vấn sát ván Chính phủ), câu: Thủ tướng điều hành năng động và quyết liệt…sao mà giống với việc Tào Tháo tự tay cởi trói để dụ hàng Trương Liêu ?


Như vậy, hành động này của chủ soái Nguyễn Phú Trọng đã lợi dụng thế quân để tăng uy quyền và vị thế của mình vừa mới giành được quả là cao thủ.


Trong chính trường đôi khi cũng phải sử dụng tới mẹo vặt để tranh đoạt quyền uy cũng là lẽ đời. Chỉ lưu ý các vị: sát cánh với nhau, tăng vây cánh cho nhau để rồi cho chìm xuồng cái vụ Vinashin là điều mà lòng dân oán giận lắm đấy.

Với cái lối cơ cấu uy quyền như thế, rất dễ đẻ ra thêm nhiều vụ Vinashin nữa ?! Thật lấy làm lo cho tiền hàng, xã tắc lắm ru…


Nguồn :http://phamvietdaonv.blogspot.com/2011/03/bai-4-ct-quoc-hoi-nguyen-phu-trong-co.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét