9 thg 3, 2011
I . Vây bắt "Cụ" Rùa vào "Viện" bất thành
Sáng qua hàng ngàn người hiếu kỳ ra Hồ Hoàn Kiếm chứng kiến vây bắt cụ rùa, nhìn xuống hồ không khỏi chạnh lòng, xót thương cho cụ khi sống ở môi trường ô nhiễm nặng. Việc nhỏ như thế này mà bao năm nay Thành phố không để ý tới thật đáng trách, sao các lãnh đạo lại vô cảm đến thế. Ở nước ngoài cũng có nhiều hồ trong thành phố đâu có như vậy! ……….
Cụ Rùa hôm nay đâu có phải là Rùa mà truyền thuyết gọi là Thần Kim Quy dâng kiếm cho Lê Lợi ngày xưa đâu?
Nguồn : http://dangnba.blogspot.com/2011/03/vay-bat-cu-rua-vao-vien.html
II. Vài ghi nhận và đề xuất về việc Cụ Rùa
Suốt một năm qua, nghe, nhìn và đọc những thông tin và hình ảnh về Cụ Rùa Hồ Gươm, tôi có ghi nhận được những điều như sau.
1) Cụ Rùa Hồ Gươm là biểu tượng của sự trường tồn của nhà nước Đại Việt, từ thời vua Lê Cao Tổ tới giờ. (Có một thằng cha người Tây nào đó bảo Cụ chỉ khoảng từ 80 đến 100 tuổi. Y thật chẳng hiểu chi lịch sử nước ta!) Vì vậy cho nên sự sống của Cụ là vô cùng quan trọng. Nếu chẳng may mà Cụ chầu giời thì hổng biết có nguy khốn cho sơn hà hay không, nhưng chắc chắn là xã tắc sẽ thành “đoản tồn” vậy.
2) Nước Hồ Gươm nếu nhìn và ngửi bằng các cơ quan thị giác và khứu giác của kẻ phàm trần thì có vẻ bẩn, nhưng với Cụ Rùa thiêng thì lại có vẻ rất phù hợp. Bằng chứng là sau khi lọc nước bằng công nghệ của bọn tư bản nước Đức thì Cụ có vẻ ốm yếu thêm. Bây giờ, sau khi nước đã trở lại màu xanh nhơn nhớt và lại bốc mùi thì Cụ lại khỏe lên. Thỉnh thoảng Cụ có ngoi lên mặt nước thì không phải vì sự ô nhiễm mà vì Cụ đói. Cụ ngoi lên để xơi cái món khoái khẩu: xác mèo chết. (Có băng video quay cảnh Cụ xơi món đó.)
3) Trong hồ có bọn thích khách của “các lực lượng thù địch” với Cụ, trong đó có bọn rùa tai đỏ. Chúng đã gây ra cho Cụ nhiều vết thương đáng sợ. Tuy nhiên, vì sức sống của Cụ “zất chi nà mãnh niệt” nên Cụ hầu như không hề hấn gì. Việc Cụ thoát khỏi mấy lớp lưới của bọn người hỗn hào dám vây bắt Cụ chứng tỏ Cụ rất khỏe và rất thiêng. Chắc sẽ có nhiều đứa bị Cụ phạt về tội bất kính.
4) Các ban ngành từ trung ương đến địa phương (Hà Nội) đã có những cố gắng nhớn để chăm sóc và cải tạo điều kiện sống cho Cụ (mặc dù có thể là không đúng cách hoặc thậm chí làm ngược). Đã có nhiều đề án, dự án với sự tham gia của nhiều giáo sư và những lượng tiền khá lớn đã được chi. Hàng ngàn bài báo về Cụ đã được công bố. Mọi người, từ các giáo sư đến các nhà báo, đều rất kính trọng và cảm thương Cụ; nhiều vị khi nói đến Cụ, đặc biệt khi phát âm từ “Cụ”, đều tỏ ra xúc động. Không có ai dám gọi Cụ là “con rùa”. Trong dân chúng có nhiều người thường xuyên cầu nguyện chỉ để được thấy Cụ một lần.
Đề xuất
1) Cần nâng cấp các dự án về việc phục vụ Cụ để giữ cho Cụ trường sinh bất lão. Nếu cần thì chi mỗi năm vài chục triệu “đô” và thu hút vài ngàn người tài để chăm sóc Cụ. Để phục vụ việc ẩm thực của Cụ, cần nuôi và vỗ béo thật nhiều mèo để giết dần cho Cụ xơi. (Nhớ là Cụ không thích ăn tươi mà phải để mèo chết vài ngày mới đem dâng Cụ).
2) Thành lập một Viện và một Hội nghiên cứu Cụ, cùng một chuyên ngành “Cụ học”.
3) Đưa những câu chuyện và kiến thức về Cụ vào chương trình giáo dục phổ thông và đại học. Hàng năm nên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Cụ.
MICHAEL LANG
III. PHIM DÀI NHIỀU TẬP: “CHUYỆN RÙA HỒ GƯƠM”
Những ngày này, nếu ai theo dõi báo chí Việt Nam sẽ nhận thấy, bên cạnh những thông tin dày đặc về tình hình lạm phát, đồng tiền VN bị phá giá, vật giá leo thang khiến đời sống của người dân trở nên khó khăn hơn rất nhiều…là những thông tin xoay quanh vấn đề sức khỏe, chẩn đoán bệnh tật và cứu chữa cho rùa hồ Gươm mà từ báo chí cho tới người dân đều gọi bằng “cụ” và viết hoa: “Cụ Rùa”.
Phải nói là có đến hàng chục thậm chí cả trăm bài báo về vấn đề này. Nhiều bài báo giật tít đọc cứ tưởng như đang nói đến chuyện một con người, một nhân vật nào đó đang bị ốm và cần phải cứu chữa: “Độ tuổi cao của rùa sẽ ảnh hưởng đến công tác chữa trị “(báo Đời Sống&Pháp Luật), “Tâm tình với cụ rùa Hồ Gươm” (Tuần Việt Nam), “Cụ Rùa cũng tuân theo quy luật “Sinh – Lão – Bệnh – Tử” (VTCNews), “Sức khỏe của cụ rùa hồ Gươm thật đáng lo ngại” (VTCNews), “Nhiều sở, ban ngành, giáo sư, tiến sĩ… khẩn cấp cứu rùa” (báo SGTT), “Cụ rùa” chưa thể lên bờ vì “phòng khám” dở dang” (TTXVN). ..Báo Thể thao và văn hóa còn viết mạnh hơn “Cứu một huyền thoại”!
Chuyện bệnh tật cho “Cụ Rùa” thì càng rắc rối hơn, nhà nghiên cứu này thì bảo “cụ” bị viêm phổi, nhà nghiên cứu khác lại bảo “bị nhiễm trùng da”, bị nấm mốc…Việc cứu chữa được bàn thảo họp hành tới lui ròng rã, đủ phương án được đặt ra. Chỉ tính riêng trong năm 2011 việc họp hành lên kế hoạch, phương án tới nay là cả tháng trời, đến lúc tiến hành thì có đến cả chục ban , ngành khác nhau phối hợp, nào sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chi cục Thuỷ sản, sở Xây dựng, công ty Thoát nước, công ty Công viên cây xanh, sở Khoa học và công nghệ, sở NN&PTNT, hội đồng chữa trị rùa hồ Gươm (do một lãnh đạo sở tại Hà Nội làm chủ tịch)… Phải “Lập Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ Rùa Hồ Gươm” trong đó Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi được giao làm Trưởng ban chỉ đạo. Đã lập xong rồi lại phải “Thay Chủ tịch Hội đồng cứu Rùa Hồ Gươm “(Bee.net.vn ngày 1.3): “Bác sĩ thú y Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội sẽ là chủ tịch Hội đồng chữa trị Rùa Hồ Gươm thay cho Giám đốc Sở Y tế Lê Anh Tuấn. Ông Tuấn giải thích, ngành y tế chỉ có thể xử lý những vấn đề liên quan tới sức khỏe con người. Việc chữa trị cho Cụ Rùa các bác sĩ thú ý đảm nhận là đúng chuyên môn nhất.”
Rồi lập một Hội đồng chữa trị, rồi thì một đội dẫn dắt cụ rùa với “Lưới sử dụng để dẫn dắt rùa Hồ Gươm là lưới đặc chủng, có một hệ thống phao nổi trên mặt nước. Trong trường hợp cụ rùa phản ứng mạnh gây khó khăn cho việc lai dẫn, những người thực hiện nhiệm vụ này sẽ sử dụng các công cụ nói trên để hoàn thành nhiệm vụ.” (“Đội dẫn dắt cụ rùa’ bắt đầu làm việc”, báo VNN ngày 6.3) v.v…Thật là long trọng, nhiêu khê và tất nhiên là tốn kém thời gian, nhất là tiền bạc!
Còn người dân? Mỗi lần rùa nổi hàng trăm người, thậm chí hàng ngàn người vây kín hồ để…chiêm ngưỡng. Nhiều bức hình chụp trên báo cho thấy khu vực chung quanh bờ hồ người người chen chúc, không còn một chỗ trống, leo cả lên cây để có thể trông thấy “Cụ”.
Con Rùa ấy như thế nào mà quan trọng vậy? Đã là người VN thì ai cũng thuộc lòng những câu chuyện truyền thuyết về rùa gắn với lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc như Rùa Kim Quy tức sứ giả Thanh Giang đã giúp vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa và chế tạo nỏ thần đánh giặc, Rùa Vàng cho Lê Lợi mượn kiếm đánh thắng giặc Minh…Con Rùa vì vậy đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng, gợi nhớ đến lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc. Rùa lại là một trong bốn linh vật “long, ly, quy, phụng” theo văn hóa của nhiều nước phương Đông, nhất là những nước ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc.
Riêng rùa hồ Gươm, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng đây là một giống rùa quý hiếm “Theo tài liệu của chương trình bảo tồn rùa châu Á (Asia Turtle Propram), thế giới ghi nhận còn bốn con rùa Hoàn Kiếm (tên khoa học là Rafetus swinhoei). Trong đó, ở Việt Nam có hai cá thể, một sống ở hồ Gươm và một ở hồ Đồng Mô, hai con còn lại ở Trung Quốc.” (Bài “Tìm hậu duệ cho Rùa Hồ Gươm”, báo Vnexpress ngày 4.3, hoặc trong bài “25 loài rùa nguy cấp nhất”, trang Thiennhien.net ngày 4.3)…
Thế thì chuyện từ chính quyền cho tới người dân VN quý con rùa Hồ Gươm đến thế cũng là dễ hiểu. Rùa Hồ Gươm không chỉ là một biểu tượng văn hóa, biểu tượng tâm linh mà còn là một phần không thể thiếu của Hà Nội. Hà Nội mà không có Hồ Gươm, Hồ Gươm mà không có tháp Rùa và con rùa thật đang sống thì…đúng là mất đi ý nghĩa nhiều lắm.
Tuy nhiên, trong cái cách mà cả nhà nước, giới truyền thông báo chí cho tới người dân làm quá lên về chuyện tình trạng sức khỏe và các biện pháp cứu chữa cho rùa Hồ Gươm, thật tình nó có cái gì đó không ổn. Báo chí viết đến hàng chục, hàng trăm bài, theo sát từng diễn biến chung quanh sự việc, như nói về một con người. Chẳng hạn “Bất ngờ, đến cuối buổi sáng, dưới cơn mưa lất phất, “cụ” rùa lại nổi và tìm cách lên bờ. Như rất nhiều lần trước, toàn thân chằng chịt vết thương của cụ lại phơi hẳn lên mặt nước trước sự xót xa, lo lắng của rất nhiều du khách.” ( “Độ tuổi cao của rùa sẽ ảnh hưởng đến công tác chữa trị”, báo Đời sống và Pháp luật ngày 5.3)
Người dân thì theo dõi từng động tác của rùa, cả khi rùa ăn mèo chết “Chen chân xem cụ Rùa ăn mèo chết” (báo Tiền phong ngày 6.3), cả quá trình tìm cách cứu chữa cho rùa.
Cái sự “xôn xao, um sùm” ấy khiến báo chí nước ngoài cũng phải viết về đề tài này, bài “Sacred turtle’s final lesson” (“Bài học cuối cùng của rùa thiêng”, trên trang Yumasun.com), hay “Vietnam scrambles to save Hanoi’s sacred turtle” mà Anh Ba Sảm dịch là “Việt Nam lăn lê bò càng ra để cứu chú rùa thiêng”, tin của AP và được đăng lại trên khoảng hai chục trang báo ngoại quốc!
Không những thế, người ta đã huyền thoại hóa rùa Hồ Gươm, nhiều người còn “đánh đồng” rùa truyền thuyết trong lịch sử và rùa Hồ Gươm hiện nay khi tin rằng đây chính là con Rùa đã cho Vua Lê Thái Tổ mượn kiếm ngày xưa tức là rùa đã tồn tại khoảng 600 năm nay, rồi thì mỗi lần rùa xuất hiện là một điềm báo, điềm lành, gắn với một sự kiện có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, lịch sử, gắn với vận mệnh đất nước. Còn nhớ dịp khai mạc đại lễ 1000 năm Thăng Long chẳng hạn, hàng chục tờ báo đưa tin về sự kiện “linh thiêng rùa nổi đúng ngày đại lễ”, rồi bàn luận vì sao, có gì thần bí trong hiện tượng này v.v…
Ngay cả những người trí thức, quan chức cũng có những suy nghĩ rất lạ lùng. Một giáo sư mà theo báo chí “được nhiều người đặt cho các biệt danh “nhà rùa học”, “GS rùa”, thậm chí là “con trai của Thần Rùa”…. 20 năm qua, không ngày nào không theo dõi sát sao tình hình “cụ” rùa hồ Gươm, đã nói: “Tôi chiêm bao gặp “cụ” rồi khi ăn, khi làm việc cũng nghĩ đến cụ”. Từ đó, tôi biết đời mình sẽ gắn chặt cùng “cụ” rùa hồ Gươm” – ông tâm sự. (“Nỗi lòng “giáo sư rùa”, báo Lao Động ngày 26.2), một nhà nghiên cứu văn hóa thì nói rằng “Mỗi lần có nguyên thủ các nước đến, “cụ” đều xuất hiện; có nước là bạn của ta, có nước không phải là bạn của ta, “cụ” nổi lên là muốn nhắn nhủ chúng ta một điều gì đó. Tôi cũng thống kê, ngay cả Đại hội Đảng 10, khai mạc “cụ” lên, bế mạc “cụ” lên. Trước đại hội 10, Dạ Cách Lâm sang “cụ” lên, Hồ Cẩm Đào sang “cụ” lên, năm 2002 Giang Trạch Dân sang “cụ” lên”. (“Cụ” rùa già, cụ chết là chuyện bình thường!”, báo SGTT ngày 4.3)
Người trí thức còn nói thế, chả trách gì người dân bình thường. Phía dưới một số bài báo về vấn đề chuyện cụ rùa Hồ Gươm, người ta thấy có nhiều người đọc viết trách mắng quan chức, chính quyền làm ăn chậm chạp, tắc trách thậm chí thiếu ý thức, vô cảm, “lỡ cụ có mệnh hệ gì”, có người còn bảo “Chữa được cụ rùa cũng là chữa được phần nào cách sống của bản thân mỗi người chúng ta.”
Cũng qua báo chí đưa tin, có những người phụ nữ đã khóc lóc, tình nguyện đi quyên tiền để cứu cụ rùa.
Và không còn là chuyện bình thường nữa khi báo Đại Đoàn Kết ngày 25.2 đưa tin một người phụ nữ đã “Nhảy xuống hồ Hoàn Kiếm mong làm sạch nước hồ”, gào khóc thảm thiết “Khi được hỏi vì sao lại nhảy xuống hồ bà Thưởng cho biết: Bà muốn mọi người cải tạo hồ Hoàn Kiếm để nước hồ được trong sạch…”để đảm bảo sức khỏe cho cụ rùa! Dù trong bài báo có cho biết, theo lời người con trai của bà thì bà có vấn đề bất ồn về tâm thần, nhưng đây quả là một sự kiện cần phải suy nghĩ. Không phải chính báo chí, truyền thông đã thông tin, thậm chí qua cách đưa tin, đã tác động đến những suy nghĩ của người phụ nữ này về tình trạng sức khỏe của rùa Hồ Gươm đó sao?
Nói dại, lỡ cụ rùa Hồ Gươm mà “có mệnh hệ nào”, chắc người ta sẽ kéo đến bên hồ khóc lóc ầm ỹ, quan chức thì đương nhiên là không dám xẻ thịt rùa đã chết mà chắc là phải làm tang lễ, kèn hoa đèn trống đàng hoàng và chắc là phải ướp xác đưa vào viện bảo tàng!
Cứu chữa rùa Hồ Gươm là chuyện cần thiết. Và quan trọng hơn là qua chuyện này, các cơ quan chức năng đã làm luôn một việc mà nếu không có chuyện rùa đau yếu chắc là họ vẫn chưa làm, đó là chuyện làm sạch Hồ Gươm! Một cái hồ ở ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội mà bẩn và ô nhiễm đến kinh khủng mà từ lâu nay người ta vẫn mặc kệ. Bởi “Ông Phạm Quang Nghị, bí thư Thành uỷ Hà Nội, trong một cuộc trả lời phỏng vấn đầu năm ngoái, có nói: “Nước hồ Gươm có dấu hiệu ô nhiễm đã lâu nhưng có nạo vét hồ Gươm hay không, qua nhiều năm thảo luận, nâng lên đặt xuống, cuối cùng vẫn tồn tại hai ý kiến: nạo vét và không nạo vét”.
Theo ông Nghị: “Sở dĩ như vậy là vì hồ Gươm được nhìn nhận không chỉ là cảnh quan du lịch, sinh thái bình thường mà là hồ gắn liền với truyền thuyết, lịch sử, tín ngưỡng, tâm linh… nên làm hay không làm đều có nhiều ý kiến và đều hết sức đắn đo”. (“Hồ Gươm sẽ được cứu nhờ rùa?”, báo SGTT ngày 4.3)
Thật hết ý kiến!
Nói gì đến bao nhiêu con sông, con kênh bị ô nhiễm khác ở Sài Gòn và ở khắp nơi trên đất nước, nhưng vì không có rùa thiêng nên có ai nghĩ đến chuyện làm sạch đâu?
Người Hà Nội xót xa khóc lóc vì rùa Hồ Gươm đau yếu, bệnh tật, nhưng vẫn cứ thản nhiên xả rác thải các loại xuống lòng hồ. Nói về chuyện “văn hóa xả rác” của người Hà Nội thì mất lòng nhưng đó là sự thật, cứ mỗi lần hội hè tại Hà Nội là sau đó cả một bãi chiến trường tan hoang, rác quẳng bừa bãi khắp nơi, chưa kể nạn bẻ cành, vặt hoa, bê cả chậu hoa cảnh về nhà trong những lần tổ chức hội hoa xuân mà báo chí đã phản ánh!
Chưa sửa được thói quen xấu này thì có tốn bao nhiêu tiền, thời gian để làm sạch Hồ Gươm xong, một thời gian sau lại bẩn thỉu như cũ!
Nghĩ cũng lạ. Có mỗi một chuyện cứu chữa con rùa mà bao nhiêu ban bệ, bao nhiêu con người họp tới họp lui, bàn tính mãi hàng tháng trời, chả trách gì những chuyện to lớn như điều hành, quản lý nền kinh tế vĩ mô chẳng hạn mới nát bét ra, khiến người dân phải quay cuồng giữa cơn bão giá, bữa cơm ngày thường của tầng lớp nông dân, công nhân, sinh viên, dân nghèo thành thị cho tới viên chức chỉ còn lại rau và đậu, họa hoằn lắm mới dám…chạy qua hàng thịt cá!
Chuyện làm sạch hồ, bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sống trong lành cho con người, chuyện xây dựng một nếp sống văn minh, có ý thức giữ gìn cái sạch, đẹp chung cho mọi người mới là cái chính, thì người ta lại quá quan trọng chuyện rùa thiêng và những yếu tố đầy mê tín chung quanh con vật. Lại nhớ đến chuyện lá ấn đền Trần, hàng ngàn con người chen lấn nhau, giành giật xô đẩy kinh hoàng để có được lá ấn hầu may mắn về đường công danh trong lễ hội khai ấn đền Trần, Nam Định vào đêm 14 rạng ngày rằm tháng Giêng âm lịch vừa qua. Cũng lại các quan chức bày ra trò khai ấn, in, phát, ấn…Chả phải nhà nước này đang cổ xúy cho những trò mê tín dị đoan là gì. Một đất nước mà ông Thủ tướng thì có sáng kiến đúc tim cho tượng Thánh Gióng, quan chức từ trên xuống dưới chăm chỉ đi lễ chùa cúng bái cầu cho thăng quan tiến chức , lộc vô đều đều, báo chí và người dân thì bấn loạn cả lên về chuyện rùa bệnh …thì đừng mong có cách mạng hoa nhài, hoa mai, hoa sen hay hoa súng!
Ôi, Việt Nam, đất nước tôi, dân tộc tôi!
Mon, 03/07/2011 – 11:12 — songchi
SONG CHI
Nguồn :http://daohieu.wordpress.com/2011/03/09/phim-dai-nhi%e1%bb%81u-t%e1%ba%adp-%e2%80%9cchuy%e1%bb%87n-rua-h%e1%bb%93-g%c6%b0%c6%a1m%e2%80%9d/
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét