Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

20 thg 3, 2011

“LUẬT BẤT THÀNH VĂN” VÀ NHỮNG HỆ LỤY


CON NGƯỜI vốn có cuộc sống riêng, nhưng sự tồn tại và phát triển của mỗi người lại luôn gắn bó chặt chẽ với cộng đồng xã hội.
Trong sự ràng buộc tự nhiên đó, mọi người đều chịu sự điều chỉnh và chi phối của hệ thống văn bản luật lệ chính thống, nhằm dung hòa và cùng phát triển. Đó là lẽ tự nhiên, cần thiết, mà bất kì xã hội văn minh nào cũng phải có.
Tuy vậy, ở những nước mà vấn đề “sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật” chưa thật sự phổ cập như đất nước ta, thì thực tế vẫn vẫn tồn tại một dạng xử thế nằm ngoài pháp luật, thường được gọi là “LUẬT BẤT THÀNH VĂN”.

“Luật bất thành văn” có mặt ở khắp nơi, luồn lách vào mọi ngóc ngách cuộc sống. Đôi khi nó “vô thưởng vô phạt”, có thể không hoàn toàn hài lòng, nhưng người ta vẫn vui vẻ chấp nhận. Nhưng phần lớn, nó đóng vai trò CÁI MỘC che chắn cho nhiều tệ nạn xã hội, làm điêu đứng cuộc sống người dân vốn “thấp cổ bé họng” – trong trường hợp như vậy, bản thân cái gọi là “LUẬT BẤT THÀNH VĂN” tự nó đã là MỘT TỆ NẠN. Có lẽ điều nhận định này quá hiển nhiên, không cần mất thì giờ dẫn chứng.

Điều muốn bàn là, vậy thì NGUỒN GỐC của cái tệ nạn “luật bất thành văn” này là gì?
Cái đầu tiên muốn kể đến, có lẽ là nạn GIA TRƯỞNG, CÁT CỨ, CỤC BỘ ĐỊA PHƯƠNG, XƯNG HÙNG XƯNG BÁ…
Điển hình là vấn nạn “Phép vua thua lệ làng”. Nói thế không có ý “vơ đũa cả nắm”, cho rằng “lệ làng” đều xấu cả. Bởi thực tế có nhiều “lệ làng” cũng được “văn bản hóa” thành “quy chế”, thành “hương ước” và không vượt ra khỏi khuôn khổ của luật pháp quốc gia.
Nhưng một khi “Phép vua” phải chịu thua “Lệ làng”, thì “Lệ” ấy phải được coi là bất hợp pháp, phải bị xóa bỏ. “Luật pháp là tối thượng” (Lời nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An). Không một tổ chức, cá nhân nào đứng trên, đứng ngoài luật pháp. Một khi cá nhân hoặc tổ chức nào đó đã đứng ngoài, đứng trên luật pháp, thì nạn “lãnh chúa” xuất hiện, tự do bị bóp nghẹt, dân chủ trở thành lời nói suông!

Tiếp đến, phải kể đến hệ tư tưởng “CON ÔNG CHÁU CHA”. Không một văn bản nào quy định phải ưu tiên tuyển dụng, đào tạo, đưa vào “quy hoạch”, đề bạt, tăng lương,.. cho đối tượng “con ông cháu cha“. Cũng không bao giờ có loại văn bản quy định phải nương nhẹ, phải cho qua, thậm chí không được “đụng” đến những sai phạm mắc phải của đám “vương tôn công tử” ấy. Nhưng trong thực tế thì luôn luôn là như vậy. Đấy chính là những quy định “bất thành văn” và những quy định này đã và đang tồn tại ở không ít các cơ quan công quyền từ cao xuống thấp…

Ai cũng thấy bất công, ai cũng không đồng tình, nhưng ai cũng không dám phản bác ra mặt, vì sao? – Vì… sợ! Hậu quả là người NGAY sợ KẺ GIAN, người hiền tài – nguyên khí của quốc gia, không được trọng dụng; kẻ bất tài kém đức sẽ “ghế trên ngồi tót sỗ sàng” (Kiều, Nguyễn Du).
SỢ” lại là hệ quả của nạn TRÙ ÚM. Không chỉ trù úm bản thân người đó, mà trù úm luôn cả vợ (hoặc chồng), anh chị em, con cái cháu chắt người đó – tạm đặt cho cái tên là “TRÙ ÚM BA ĐỜI”. Một cá nhân bị trù úm đã điêu đứng lắm rồi, nhưng ba đời con cháu bị trù úm theo thì còn khốn cùng đến đâu! Chúng ta thường nghe họ nói: “Cái thằng (hoặc con) ấy, bố (hay mẹ) nó có “vấn đề” (một định danh cũng không thành văn, mơ hồ nhưng nguy hiểm, nguy hiểm từ chính sự mơ hồ đó), làm sao đề bạt (hay cho đi du học) được!“.
Nạn “trù úm ba đời” nói trên lại có xuất xứ của cái luật lệ mông muội, dã man thời phong kiến: Luật “TRU DI TAM TỘC”. Nó không chém giết ai bằng gươm súng như thời Nguyễn Trãi và trước đó; nhưng lại dã man hơn cả bị “tru di”. Người bị trù úm nhiều khi suốt đời không được sống làm người với ý nghĩa cao cả của CON NGƯỜI – ĐỘNG VẬT CAO CẤP. Nhiều người muốn chết đi, mà không chết được.
Có người chết đến nơi rồi vẫn “SỢ” – Không phải sợ cho bản thân mình mà sợ cho “ba đời” con cháu! Sợ lâu thành HÈN. Một ít người hèn thì không sao, nhưng nhiều, rất nhiều người chọn lối sống hèn để bảo toàn cuộc sống bản thân và gia tộc, thì Dân chủ, Tự do tất phải nhường chỗ cho ĐỘC TÀI ngự trị.

Ôi!.. CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN thối nát, lạc hậu, dã man đã bị Cách Mạng Tháng Tám xóa bỏ đến tận gốc rễ, đến nay đã qua quá quá nửa thế kỷ, mà đạo luật cùng tư duy của nó vẫn ngự trị ở nơi này, nơi kia bằng phương thức “RỈ TAI“, truyền miệng, vỗ vai hoặc phổ biến truyền lệnh bằng lời - trở thành một thứ VĂN HÓA “bất thành văn”; gây ra biết bao thảm cảnh xã hội, làm điêu đứng bao cuộc sống con người!

Đã có thời người ta đưa ra khẩu hiệu: “Người nói (phê phán) không có tội, người nghe sửa mình“. Thế là kẻ xấu lợi dụng QUYỀN NÓI để hạ nhục, để vu cáo, để triệt hạ đối thủ; bởi người bị hại chỉ có QUYỀN SỬA MÌNH chứ không có quyền BÀO CHỮA, THANH MINH. Tự bào chữa, thanh minh sẽ bị “chụp mũ” NGOAN CỐ, KHÔNG THÀNH KHẨN TIẾP THU, . Nó cực kì nguy hại và phản động như thế, nhưng nó cứ ngang nhiên tồn tại, đương nhiên là tồn tại “NGOÀI VÒNG PHÁP LUẬT”. Không ai làm gì được nó, vì nó vốn BẤT THÀNH VĂN Không để lại chứng cứ!
Đúng thế: Không ai làm gì được nó, vì nó vốn BẤT THÀNH VĂN – Không để lại chứng cứ

Trần Đại Can
Nguồn :
http://nguyentrongtao.org/2011/03/14/lu%e1%ba%adt-b%e1%ba%a5t-thanh-van-va-nh%e1%bb%afng-h%e1%bb%87-l%e1%bb%a5y/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét