Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

9 thg 9, 2012

LUẬT PHÁP NƯỚC CHXHCN VỆT NAM

Ai sẽ làm hiệp sĩ?
Ai sẽ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng?
Đây là câu hỏi, từ ngày hôm nay sẽ không có câu trả lời.
Cuối năm ngoái, sau hàng loạt những quy định, nào là CSGT không được mang kính đen, không được “anh hùng Núp”, CA TP đặt ra một quy định nghe rất tức cười: CSGT không mang theo quá 100 ngàn đồng tiền mặt lúc làm nhiệm vụ. Thậm chí, một lãnh đạo CSGT còn nói: Trong trường hợp, CSGT muốn mang theo tiền để sau khi hoàn thành nhiệm vụ đi xử lí việc cá nhân thì số tiền đó phải niêm phong và có chữ kí của lãnh đạo Đội CSGT.
Quy định này đã lâu rồi mà giờ nhắc đến không thể nhịn cười vì sự ngộ nghĩnh, nhảm nhí và ngớ ngẩn của nó. Liệu cần có một lực lượng “Cảnh sát ví” để thực thi mệnh lệnh này? Và liệu sẽ phải có thêm quy định “Cảnh sát ví” không mang theo quá 100 ngàn khi kiểm soát ví?

Hồi HĐND TP Hà Nội tổ chức kỳ họp thứ 3, PGĐ CA TP Hà Nội Lưu Quang Hợi bình luận về tính hiệu quả của “quy định 100 ngàn” này như sau: Chúng tôi không khám người nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện có sự giám sát giữa đồng chí, đồng đội với nhau và có quy trình trong công tác được duyệt qua các Tiểu đội. Chúng tôi theo dõi, nói chung là có hiệu quả, ngăn chặn được nhiều hiện tượng tiêu cực. Chúng tôi chưa thống kê những trường hợp vi phạm nhưng, nói chung là có hiệu quả, chưa có trường hợp nào vi phạm.
Câu trả lời đá đấm nhau loạn xạ, quả thực cũng hồn nhiên và hài hước y như quy định 100 ngàn.

Nói đi nói lại, tiêu cực trong lực lượng CSGT bị phát hiện hầu hết là từ báo chí với “nghiệp vụ” rất đơn giản: Giả người vi phạm đưa tiền. Sau đó đưa lên báo.
Đến hôm qua, không ít các phóng viên điều tra đã tái mặt sau khi án văn tuyên ra con số 4 (năm tù) cho Hoàng Khương, một trong vô số các nhà báo, rất đơn giản: “Đưa tiền, sau đó đưa lên báo”.

Vụ án Hoàng Khương, dưới giác độ kinh tế, có thể nói là xoay xung quanh con số 15 triệu đồng. Cấu thành vật chất của tội nhận hối lộ là (của đưa hối lộ) có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên. Chẳng hạn, nếu Hoàng Khương chỉ đưa 1,9 triệu, thì anh không đến nỗi phải ra tòa. Nhưng với lạm phát liên tục ở mức 2 con số, 2 triệu đồng giờ chỉ “đủ” cho lỗi đèn đỏ, sai làn, vượt tốc. Chẳng hạn Hoàng Khương có ý định “cứu xe” vi phạm với chỉ 1,9 triệu, không khéo anh đã bị viên cảnh sát lập biên bản, còng tay ngay lập tức vì tội…đưa hối lộ.

Bởi vậy, 15 triệu là số tiền cần và đủ, theo yêu cầu của viên cảnh sát, để có thể “cứu xe”, và dù không phải tiền túi của Khương, cũng là đắt đối với nhuận bút của hai bài điều tra. Nhưng cái giá đắt nhất cho 15 triệu và 2 bài điều tra chống tiêu cực mà Hoàng Khương phải trả là một kết cục không thể tồi tệ hơn: Gần 1.500 ngày tù, chính xác là 1460 ngày.
Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Có lẽ nếu được chọn lại, tôi tin Hoàng Khương sẽ không bao giờ chọn làm PV điều tra, thậm chí, không bao giờ làm nghề báo.

Cái giá mà Hoàng Khương phải trả cho sự ngây thơ vào “niềm tin công lý” của anh hôm nay, có lẽ cũng là một gáo nước lạnh cho những đồng nghiệp còn mơ ngủ của anh, bởi rất đơn giản là hầu như tất cả các nhà báo từng điều tra về mãi lộ đều đã “phạm tội”, chỉ là “chưa bị lộ”, bởi ai cũng từng phải “tay phải đưa tiền, tay trái thủ máy ghi âm”. Không đưa tiền thì làm sao chống được tiêu cực? Làm sao trả lời “cơ quan chức năng” câu hỏi to đùng “Bằng chứng đâu?”.

7 năm trước, sau buổi nói chuyện “hậu sự” về vụ PMU18 tại trụ sở Hội nhà báo, nhất là sau Hội nghị báo chí toàn quốc ở Quảng Ninh, những nhà báo điều tra kinh nghiệm nhất, lành nghề nhất, thiện chiến nhất (và có cái mũi thính nhất) ở hầu hết các tòa báo đã “quăng bút”, chuyển mảng công việc. Có khi chỉ bởi cái giá phải trả là quá đắt, so với đồng tiền cơm áo vẫn lĩnh ở tòa soạn, hoặc đơn giản hơn, trong khi nhuận bút ngày càng bèo thì tiền tiêu cực, để thực hiện điều tra- ngày càng cao.
 
Vậy thì ai sẽ làm hiệp sĩ? Ai sẽ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng?
Đây là câu hỏi, từ ngày hôm nay sẽ không có câu trả lời.
Một án văn nhân danh nhà nước không thể không xem xét đến cái lợi, cái hại. 1.500 ngày tù, về tội đưa hối lộ- cho một nhà báo điều tra chống tiêu cực, sẽ được cái lợi gì?
Cái lợi, thực ra là rất khó nhìn thấy, trừ phi sự trả đũa, đòn rằn mặt sự thật và những ai có ý định công bố sự thật- cũng “nhân danh nước cộng hòa”- được coi là một cái lợi.


Nguồn : DAOTUAN 


  ĐỌC THÊM :

SỰ THẬT GIÁ RẺ? 

 

Cả ngày hôm nay mình ám ảnh nụ cười của Khương trong tòa án mà phóng viên chụp được. Nụ cười rất hiền, dịu dàng và quyến rũ. Nụ cười của người biết mình đang ở đâu, đã làm gì và cái gì đang chờ đợi bạn. Không chứa đựng một tia hy vọng nhưng cũng không hề thấy một sự thất vọng trong nụ cười và gương mặt ấy…Với mình bạn đã chiến thắng. 

Những người dấn thân đi tìm sự thật ở một đất nước có quá ít sự thật và sự thật luôn bị che dấu đã tự nhận về mình những nguy cơ đầy tiềm ẩn cho an nguy của mình. Chính thế nghề báo tự thân đã hàm chứa lòng can đảm, dấn thân, hy sinh vì khao khát tìm ra sự thật và nói lên sự thật. Khương là số ít nhà báo đã làm được điều đó, dám làm điều đó. Bạn đã đổi tự do của mình để vạch mặt ít nhất được một kẻ sâu mọt – một cái giá không hề rẻ. Nhưng sự thật có bao giờ là giá rẻ? 
Mới đây thôi dân cư mạng sôi sục vì cái án 4 năm tù cho trung tá Nguyễn Văn Ninh do tội đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng chỉ vì cái mũ bảo hiểm. Một mạng người chỉ đổi bằng cái án 4 năm. Sự thật vụ án hiển nhiên như thể ban ngày thì không cần thắp đèn đọc sách. Nhưng Kim Tiến, con gái ông Tùng, đơn độc một mình chiến đấu lại cả bộ máy hành pháp, tư pháp đồ sộ để chỉ nói lại sự thật, và cô đã không thể chiến thắng. Sự thật trong vụ án này đã bị chà đạp, đã bị làm nhục. Kẻ chiến thắng có tên là tội ác. 

Cách đây chưa lâu, một cô gái đã bị chín tháng tù vì tát cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Cô bé còn rất trẻ, nông nổi, nóng nảy, thiếu suy nghĩ. Cô bị đưa ra tòa và bị kết án dù khóc như mưa, rồi xin lỗi, ân hận…Một cái tát đổi 9 tháng tù giam so với một mạng người là 4 năm. Mạng người quá rẻ so với cái má anh cảnh sát. Sự thật đã bị phóng đại lên quá lớn.
Cách đây mấy năm, anh Nguyễn Công Nhật cũng đến trụ sở công an rồi không trở về. Gần đây đã có kết luận của cơ quan điều tra: Anh Nhựt treo cổ chết vì ân hận? Một người đang làm việc bình thường, có một người vợ để yêu thương, một gia đình ấm cúng, cớ sao ân hận đến mức treo cổ, mà lại treo cổ trong cơ quan công an? Sự thật này mãi mãi được bao che chôn vùi trong bóng tối, trừ khi có phép màu khiến anh Nhựt tái sinh và kể lại.
Gần đây nhất, một người dân vào trụ sơ công an xã đã bị đánh chết chỉ vì mâu thuẫn nho nhỏ với hàng xóm. Bốn công an xã đã bị bắt. Sắp tới hãy chờ xem bản án dành cho bốn người này. Để xem sự thật có đúng là sự thật?
Khi kết án Khương, nhà giam mất 4 năm để cầm giữ bạn. Khương cũng mất ngần ấy năm tự do. Nhưng chính thể sẽ mất rất nhiều năm để xóa đi vết nhơ đã tự gây ra như các vụ án trước đây. 
Bốn năm án tù cho Khương nghe thì dài nhưng cũng nhanh thôi để bạn trở lại với nghề cầm bút. Thời gian đó đủ để bạn chiêm nghiệm về một thời khốn khổ, tang thương của lũ cầm bút chúng ta. Hãy ngẩng cao đầu đi Khương. Hãy giữ nụ cười hiền và tĩnh tại như khi bạn đến tòa án. Và quan trọng khi trở về, bạn có còn nhuệ khí, dũng cảm để cầm lại cán bút mà lúc đó sẽ trở nên quá nặng nếu bạn không vượt qua được nỗi ám ảnh?
Và bản án này có phải là thông điệp của chính quyền đưa ra cho những người cầm bút không chịu cúi đầu - những người muốn tìm hiểu sự thật, đi đến cùng sự thật? Họ muốn những người cầm bút nên mua sự thật với cái giá rẻ mạt do họ chào mời?
Và, bạn bè của tôi…Các bạn coi đây là tấm gương nên tránh hay là lúc trầm tĩnh lại, chuẩn bị cho mình tư thế để chấp nhận cuộc chơi với thứ “quyền lực thứ tư” đầy mạo hiểm với rất ít sự bảo hiểm cho an toàn cá nhân và gia đình? 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét