20 thg 9, 2012
NHỮNG CÂU HỎI DÀNH CHO THỦ TƯỚNG
1. NỢ NHƯ CHÚA CHỔM
Đến cuối năm 2011 Doanh nghiệp nhà nước Nợ gấp nhiều lần Vốn Điều lệ:Cũng theo đề án, có đến 30/85 tập đoàn và tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao hơn 3 lần. Đặc biệt có 7 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ này trên 10 lần. Trong đó đặc biệt là những Quả đấm con cưng của Thủ Tướng như Tổng Cty như Tập đoàn Dầu khí VN, Tập đoàn Điện lực VN, Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản VN, Vinashin, Vinaline, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Xi măng… Như vậy vai trò Quản lý của Chính Phủ đã bị bỏ mặc cho các Tập đoàn tự do đầu tư ngoài ngành mà Chính Thủ Tướng đã cho phép và đó là nguyên nhân đã đẩy các DNNN từ chỗ phải đóng vai trò ‘những Quả đấm thép’ thì lại tự đẩy mình rơi vào tình trạng rủi ro lớn gây đổ vỡ bất cứ lúc nào.
Hiện nay, cả nước có trên 1.200 DNNN là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Trong năm 2009, theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 1-11-2010 thì nợ của 81/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (chưa tính Vinashin) là 813.435 tỷ đồng. Nếu tính cả nợ của Vinashin, theo báo cáo của Bộ Tài chính là 86.000 tỷ đồng thì nợ của khu vực DNNN đến 2009 không kể 9 tập đoàn, tổng công ty chưa có số liệu đã lên tới 54,2% GDP năm 2009.
Xin hỏi:
- Thủ Tướng nói gì về thực trạng này có trách nhiệm của Thủ Tướng hay chỉ do các Bộ yếu kém?
- Tại sao các Tập đoàn nhà nước có thể đi vay một cách thoải mái gấp 3 – 10 lần vốn điều lệ như vậy? Phải chăng mỗi lần đi vay thì nhiều người lại được ăn chia?
- Hậu quả này có phải do chính từ chủ trương cho đầu tư đa ngành của Thủ Tướng?
2. ĐẦU TƯ NGOÀI NGÀNH:
Một nguyên lý đơn giản của cuộc sống: Không ai có thể tài giỏi mọi thứ, do vậy tất yếu của việc đầu tư trái ngành dẫn đến hiệu quả thấp. Đó là nguyên nhân tại sao trong Báo cáo của UBKT Quốc Hội đã chỉ rõ: Trong giai đoạn 2000 – 2005chỉ số ICOR là 4.89 và từ 2006 – 2010 là 7.43 và đến 2011-2012 là 7 đến 9.68. Rõ ràng chỉ số này gia tăng đột biến gấp 2 lần trong giai đoạn Thủ Tướng điều hành và sau khi Chủ trương cho các Tập đoàn con cưng được phát triển đa ngành. Trong 02năm khủng hoảng vừa qua đã bộc lộ rõ bản chất của nó: Tất cả những đầu tư trái ngành của các Tập đoàn đều thua lỗ, thất thoát và tham nhũng nặng nề.
BC của UBKT QH trang 134 chỉ ra: Petrovietnam đầu tư ngoài ngành 5.600 tỷ đồng, tương tự EVN, Tập đoàn Sông Đà … đều thua lỗ!
Xin hỏi:
- Thủ Tướng có tin rằng vừa làm Thủ Tướng giỏi vừa làm con trâu cày ruộng tốt mà lại vừa làm anh lái xe thồ được không? Tại sao một thực tiễn quá đơn giản như vậy mà Thủ Tướng ‘không nhận thức được’ hay vì lý do nào khác?
- Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Vì có chủ trương cho đầu tư đa ngành, nên các Tập đoàn mới được tăng vốn đầu tư, được thêm dự án, được ngân sách rót vốn, được đi vay và được ‘lại quả’ nhiều hơn nếu chỉ kinh doanh đúng ngành và đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự thua lỗ và kiệt quệ của các Tập đoàn Nhà Nước. Thủ Tướng trả lời thế nào về điều này?
3.ĐẦU TƯ KHU VỰC NN VÀ HIỆU QUẢ
“Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tính đến tháng 10/2011, cả nước còn 1.309 DNNN. Tính đến cuối năm 2011, tổng tài sản của các DNNN là 1,76 triệu tỷ đồng – tăng hơn gấp đôi so với con số tương ứng năm 2005 là 740.000 tỷ đồng. Phần lớn trong số này tập trung tại các TĐ-TCT. Cũng tính đến thời điểm cuối năm 2011, vốn chủ sở hữu của DNNN gần 700.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2005 (298.174 tỷ đồng). Vốn lớn, tài sản nhiều lại được hưởng khá nhiều ưu đãi từ Nhà nước về đất đai, tiếp cận tín dụng; thậm chí nhiều DNNN kinh doanh gần như độc quyền, thế nhưng hiệu quả kinh doanh của khối DNNN là khá thấp. Điều đó phản ánh rõ trong chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của khối DNNN. Theo thống kê, tổng lợi nhuận của khối DNNN năm 2011 chỉ đạt 117.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với con số 63.100 tỷ đồng của năm 2005; kéo tỷ suất lợi nhuận trên vốn giảm mạnh từ mức 20,5% tại năm 2005 xuống chỉ còn 16,7% vào năm 2011.
Những con số thua lỗ kinh hoàng: “Các DNNN chiếm đến 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư Nhà nước ,(Riêng Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2001-2010 chiếm 52,2% tổng vốn đầu tư khu vực Nhà nước,), 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chỉ đóng góp khoảng 37%-38% GDP. Có đến 31% DNNN bị lỗ trong sản xuất kinh doanh, 29% hoạt động không hiệu quả, lỗ lãi tượng trưng.“
Theo Bảng 1.7 trong báo cáo của UBKT Quốc Hội trang 62, chương 1 cho thây tổng đầu tư của khu vực nhà nước trong 05 năm từ 2007 đến 2011 là: 1,352,276 tỷ đồng và với chỉ số ICOR bình quân là 8 thì khu vực nhà nước chỉ làm ra khoảng 169.037 tỷ đồng, trong khi khu vực tư nhân không được ưu đãi mà hiệu quả ICOR là 3, như vậy nếu với số vốn đầu tư này được giao cho các DN ngoài Quốc doanh sẽ làm ra 450.759 tỷ đồng lợi nhuận.
Xin hỏi:
- Rõ ràng một học sinh phổ thông cũng thấy ngay được cái lợi chung cho dân cho nước. Với cương vị của một Người Thủ Tướng, việc cần phải làm là: Ngoài những ngành, những lĩnh vực CẤM, được dành riêng cho các DNNN, còn lại đầu tư vào các lĩnh vực khác,Thủ Tướng phải tạo sân chơi bình đẳng, cho công khai thực hiện đấu thầu nguồn vốn đầu tư, qua đó cho phép mọi thành phần kinh tế được tham gia tiếp cận nguồn đầu tư của Nhà nước. Hiệu quả thu được Chính Phủ có thể điều phối cho những lĩnh vực công ích xã hội, tại sao Thủ Tướng đã không làm như trách nhiệm của một Thủ Tướng vì dân, vì nước như vậy?
- Phải chăng các DNNN ít bị để ý và ‘lại quả’ nhiều hơn hay Thủ Tướng phân biệt đối xử dù trước Quốc dân đồng bào, trước các nhà đầu tư Thủ Tướng vẫn nói mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng?
- Thủ Tướng có thấy trách nhiệm của mình đã làm thiệt hại ít nhất 200.000 tỷ đồng vì giao độc quyền cho DNNN đầu tư và làm nghèo đất nước không?
- Xin hỏi Thủ Tướng: Giả sử nếu toàn bộ tiền vốn đổ vào cho các DNNN là của riêng Thủ Tướng thì liệu Thủ Tướng có hành động như vậy không?
4. NỢ XẤU
Nợ xấu của DNNN đến cuối năm 2011 đã lên tới 415.000 tỷ đồng . . “Theo ông Deepak Mishra – kinh tế trưởng ngân hàng Thế giới cho rằng thực tế các DNNN đang chiếm tới 60% tín dụng của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Theo đó, mức nợ của các DNNN đang chiếm tới 70% nợ xấu của các ngân hàng. Trong tổng số nợ 415.000 tỉ đồng này, chiếm hơn một nửa số tiền là khoản vay của các tập đoàn, tổng Cty như Tập đoàn Dầu khí VN: 72.300 tỉ đồng, Tập đoàn Điện lực VN: 62.800 tỉ đồng, Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản VN: 20.500 tỉ đồng, Vinashin: 19.600 tỉ đồng (Con số thực trên 86.000 tỷ đồng). Và theo Bộ Tài chính thì có đến 30/85 tập đoàn và tổng Cty có tỉ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu trên ba lần, đặc biệt có 7 tập đoàn và tổng Cty có tỉ số D/E (Dept Equity Ratio) trên 10 lần. Một tỷ số nợ… ngoài sức tưởng tượng bởi nếu tính theo nguyên lý thông thường thì cần D/E lớn hơn 1 là DN đã phải đối mặt với những rủi ro tín dụng khó lường.”
Xin hỏi Thủ Tướng:
- Nguyên nhân nào dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao bất ngờ trong các DNNN? Thủ Tướng là người trực tiếp bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc của các Tập đoàn Nhà nước, vậy Thủ Tướng có nắm được rõ 415.000 tỷ đồng nợ xấu là do đầu tư vào lĩnh vực gì? Hiện nay theo thông tin đánh giá của chúng tôi có đến 80% số nợ xấu thể hiện trên sổ sách này đã hoàn toàn mất trắng do tham nhũng, do lãng phí, làm ăn kém hiệu quả, vậy Thủ Tướng có trả lời thế nào điều này?
5. TRÁCH NHIỆM VỀ CÁC THUA LỖ ; PHÁ SẢN CỦA CÁC TẬP ĐOÀN THUỘC VỀ AI?
Theo BBC ” Sự cố Vinashin và Vinalines trong năm 2010, 2011 với tổng nợ lên đến 6,5 tỷ đôla đã buộc chính phủ phải tăng nỗ lực cải cách các doanh nghiệp nhà nước, chiếm một phần ba nền kinh tế và chiếm hết vốn đầu tư vào tư doanh. Trong cuối năm 2010, trong lúc nợ của Vinashin chạm mốc 80 nghìn tỷ thì nợ của EVN đã chạm mốc 240 nghìn tỷ, gấp ba lần Vinashin, theo tờ Saigon Times.”
Xin hỏi:
- Thủ Tướng có thể cho biết còn bao nhiêu Tập đoàn cũng đang trên bờ vực phá sản, đối mặt với nợ nần chồng chất như EVN, như Tổng công ty Sông Đà, như Tổng công ty Xi măng, Vinaconex… không có tiền trả lương, trả lãi vay…
- Trách nhiệm của Thủ Tướng trong điều hành đối với Vinashin, Vinaline, EVN, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Xi măng? Thủ Tướng có dám tự tin trả lời rằng: Thủ Tướng có khả năng điều hành, còn việc thua lỗ là do ‘các Tập đoàn ‘lừa dối’ Thủ Tướng như đã trả lời về Vinashin không? Nếu Thủ Tướng bị không phải 01 Tập đoàn mà hàng loạt tập đoàn ‘lừa dối’ như vậy thì theo Thủ Tướng thấy bản thân mình có đủ năng lực và hành vi để tiếp tục ngồi tại vị trí Thủ Tướng của đất nước?
6. VINASHIN:
Trang 133, chương 2 BC của UBKT QH chỉ rõ: tháng 12/2010 Vinashin chính thức mất khả năng thanh toán 60 triệu USD nợ gốc trong một phần 600 triệu USD phát hành năm 2007 cho chủ nợ Quốc tế. Chính Phủ đã bị kiện, sau đó có một công ty trong nước đứng ra mua nợ nên Công ty này đã rút đơn kiện.
XIN HỎI:
- Công ty nào là công ty trong nước đã ‘ có nghĩa cử phi thường’ như một Chính Phủ cha mẹ “Con dại cái mang”vậy?
- Dư luận tố cáo chính Tập đoàn Masan và Techcombank đã đứng ra mua nợ và Thủ Tướng đã trả công lại bằng ‘đuổi khéo’ nhà đầu tư nước ngoài cho Masan ‘mua rẻ’ dự án mỏ Núi Pháo và chỉ đạo NH Phát triển Việt Nam cho vay trên 2348 tỷ đồng. Đây có phải một dạng “Bánh ít đi, bánh quy lại” – Cũng là một dạng trá hình của tham nhũng giúp Thủ Tướng xoá nợ cho Vinashin cũng là để xoá dấu vết ‘tội lỗi’ của Thủ Tướng và rồi Thủ Tướng đã trở thành ‘con tin’ phục vụ riêng cho lợi ích của các bố già Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh?
- Việc thiếu trách nhiệm giải quyết không trả 60 triệu của Vinashin kéo dài là nguyên nhân dẫn đến việc Việt Nam bị hạ 03 bậc tín nhiệm làm cho chi phí vốn vay Quốc Tế tăng cao gây thiệt hại trong năm 2011 và 06 tháng đầu năm 2012 do phải chịu chi phí vay vốn Quốc Tế đắt, lãi vay cao ước tính khoảng 3-5 tỷ USD, tuy nhiên đã nằm ẩn trong giá thành sản phẩm mà người dân và nền kinh tế Việt Nam phải gánh chịu. Việc chậm trễ giải quyết là do năng lực hạn chế khiến Thủ Tướng lúng túng không ra được Quyết định hay có nguyên nhân nào khác mà dư luận cho rằng vì Thủ Tướng có những dính líu ở Vinashin nên không dám công khai đứn ra xử lý, vì vậy đã ‘ngó lơ’ để ‘chứng minh’ sự vô can của mình mặc cho nền kinh tế đất nước gánh chịu hậu quả nặng nề: không những chi phí vốn vay Quốc Tế cao mà Trái Phiếu Chính Phủ 2 tỷ đô phát hành không thành công vào đầu năm 2011 là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát tăng cao trong năm 2011 ở Việt Nam.
7. VINALINE:
“Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, các khoản nợ khó có khả năng thu hồi của Vinalines lên đến 23.063 tỉ đồng. Tổng công ty đã mua 73 tàu biển từ nước ngoài tổng trị giá gần 23.000 tỉ đồng, trong đó 17 tàu đã qua sử dụng trên 15 năm, thậm chí trên 30 năm; và 34 tàu bị lỗ nặng, có tàu phải bán. Bên cạnh đó, rất nhiều dự án đầu tư của Vinalines có sai phạm, chẳng hạn dự án mua ụ nổi No83M đã qua sử dụng 43 năm, vượt 28 năm so với quy định. Tổng giá mua và chi phí sửa chữa của ụ nổi này lên tới gần 490 tỉ đồng, tương đương 70% giá đóng ụ nổi mới… “
Xin hỏi:
- Hàng loạt những sai phạm của Vinaline Thủ Tướng có biết không?
- Nếu không biết thì rõ ràng có thể kết luận Thủ Tướng là một nhà Điều hành tồi tệ, Thủ Tướng có đồng ý như vậy hay lại ‘bị lừa’ như Vinashin đã ‘lừa’ Thủ Tướng?
8. TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ
Đầu tiên Thanh tra công bố PVN thất thoát 18.500 tỷ, sau đó lại công bố đã được khắc phục. Song thực chất PVN hiện nay đã đẩy con số thất thoát này xuống cho các công ty con nhận nợ thay. Do vậy thực chất số thất thoát có thể còn lớn hơn con số thanh tra đã phát hiện.
- Thủ Tướng đã tiến hành cho kiểm tra các công ty con của PVN và cho định giá tài sản, cho kiểm toán Quốc Tế để tìm ra sự thật của việc thất thoát này hay tiếp tục bưng bít cho PVN?
- Chúng tôi đã tố cáo đường dây ăn cắp dầu thô có tổ chức ngay tại dàn khai thác ngoài khơi. Thủ Tướng đã cho điều tra ngay chưa?
9. NHÂN SỰ CỦA CÁC TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC:
“Giữ vị trí quán quân về khó khăn hiện tại không ai khác là tập đoàn Điện lực (EVN), mà nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Đào Văn Hưng, đã bị miễn nhiệm đầy nhẹ nhàng. Báo cáo chính thức của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, cho đến cuối năm 2010 nợ phải trả của EVN là 239.761 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 65.493 tỉ đồng, chiếm 27,31%, và nợ dài hạn là 174.268 tỉ đồng, chiếm 72,69%. Cơ quan này cho thấy, tỷ lệ nợ phải trả/tổng nguồn vốn là hơn 79% và tỷ lệ nợ phải trả lên đến 4,22 lần vốn chủ sở hữu.”
- Vinashin nợ nần 86.000 tỷ đồng, Phạm Thanh Bình bị bắt, nhưng lại được ưu ái trong phòng nghỉ đặc biệt và đã ‘than với Tướng Nguyễn Văn Hưởng ”Anh ơi cho em làm cái gì chứ em ở đây mãi thế này béo ra mất… “
-Dương Chí Dũng sau hàng loạt sai phạm bị điều tra thì được trực tiếp Thủ Tướng có Quyết định yêu cầu Bộ GTVT phải bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng Cục Hàng Hải. Đào Văn Hưng thì được hạ cánh an toàn và Phạm Thanh Bình bị bắt giam mà như đi nghỉ an dưỡng. Còn bao nhiêu công ty thua lỗ, thất thoát, tham nhũng nhưng lãnh đạo đã được Thủ Tướng ‘thăng chức’ như Dương Chí Dũng và ‘hạ cánh an toàn’ như Đào Văn Hưng?
- Nếu tất cả những tập đoàn này tiền vốn do cá nhân Thủ Tướng bỏ ra hoặc của con gái Nguyễn Thanh Phượng thì Thủ Tướng có hành xử như vậy không? Thủ Tướng có sử dụng nhân sự như vậy không?
10.70% Doanh nghiệp tư nhân thua lỗ trong Quý 1 tháng đầu năm 2012, vậy do đâu?
“Tổng cục Thuế cho biết, theo khảo sát trên hơn 256.000 tờ khai của doanh nghiệp (trong tổng số 446.000 doanh nghiệp) tại quý I năm 2012 cho thấy 70% trong số này báo không có lãi và tổng số lỗ lên tới 40.000 tỷ đồng. “
“Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế – Bùi Văn Nam cho biết thêm, tổng doanh thu của các doanh nghiệp, theo khảo sát là 7,5 triệu tỷ đồng, nhưng tổng chi phí cũng lên tới 7,2 triệu tỷ đồng. “
Xin hỏi Thủ Tướng: Tại sao từ năm 2010 trở về trước đóng góp của Doanh nghiệp ngoài Quốc doanh vào sự phát triển của đất nước là rất to lớn, tạo trên 46.5 triệu công ăn việc làm, đóng góp 48-49% GDP của cả nước. Vậy tại sao gần như có thể nói qua đêm sang 2011 và 06 tháng đầu năm 2012 bỗng nhiên 70% doanh nghiệp thua lỗ, hơn 200.000 doanh nghiệp phá sản, đóng cửa, hàng triệu người mất việc. Trong khi đó chỉ có nhóm thâu tóm và doanh nghiệp của con gái Thủ Tướng thì tăng trưởng 30-40%?
Nguồn : Trần Hưng Quốc
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét