Ngày 5-9, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm thuộc Bộ Công
an cho biết đã bắt được bị can Dương Chí Dũng (55 tuổi, trú tại phường
Thành Công, Hà Nội - nguyên cục trưởng Cục Hàng hải VN). |
Ông Dương Chí Dũng - Ảnh: Tuấn Phùng |
Được biết, ông Dương Chí Dũng bị bắt theo lệnh truy nã quốc tế của Ban tổng thư ký Tổ chức Interpol khi đang lẩn trốn tại một nước trong khối ASEAN. Ngay sau khi bị bắt giữ, ông đã bị dẫn độ về Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế và Việt Nam.
Ông Dương Chí Dũng bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công
an khởi tố và ra lệnh bắt tạm giam về hành vi “Cố ý làm trái các quy
định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ
án tham nhũng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Tuy nhiên, trước khi cơ quan điều tra thực hiện các thủ
tục tố tụng, ông Dũng đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Sau đó cơ quan điều
tra đã ra quyết định truy nã đặc biệt đối với bị can này. Tiếp đó, cơ
quan điều tra đã đề nghị Interpol Việt Nam thực hiện các thủ tục tiến
hành truy nã quốc tế ông này.
Theo lệnh truy nã đỏ của Ban tổng thư ký Tổ chức
Interpol, từ năm 2008 đến nay, ông Dương Chí Dũng với tư cách là Chủ
tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã có hành vi cố ý
làm trái quy định của Nhà nước trong việc đầu tư và lựa chọn nhà thầu
cung cấp ụ nổi gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, cơ quan cảnh sát điều
tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can về hành vi “Cố ý làm trái các quy định
của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Hình phạt cao nhất có thể áp dụng đối với tội danh này là mức án tù chung thân.
Interpol yêu cầu nếu bắt được ông Dũng, việc dẫn độ
phải phù hợp với luật của nước được hiêu cầu, hiệp định song phương và
hiệp định đa phương về tạm giữ để dẫn độ giữa nước ban hành lệnh truy nã
và nước được yêu cầu dẫn độ.
Trong vụ án xảy ra tại Vinalines liên quan đến hành vi
của ông Dương Chí Dũng, cơ quan điều tra xác định bị can này và các đồng
phạm có sai phạm trong dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển
Vinalines phía Nam của Công ty sửa chữa tàu biển Vinalines (thuộc
Vinalines), làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, theo đề nghị của Vinalines, Thủ tướng Chính phủ
đã đồng ý về nguyên tắc cho phép triển khai lập Dự án đầu tư xây dựng
một nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam bằng nguồn vốn tự huy động theo
đúng các quy định hiện hành.
Thủ tướng giao Bộ GTVT cập nhật dự án này vào quy hoạch
điều chỉnh phát triển ngành Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, trình Thủ
tướng xem xét, quyết định. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có văn bản nào
quyết định bổ sung xây dựng nhà máy này vào quy hoạch phát triển tổng
thể ngành công nghiệp tàu thủy.
Mặc dù vậy, sau khi có ý kiến Thủ tướng, ngày
27-6-2007, Chủ tịch HĐQT Vinalines đã ký quyết định số 687 phê duyệt chủ
trương lập Nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với
tổng mức đầu tư 3.854 tỉ đồng. Sau đó, Vinalines tiếp tục điều chỉnh dự
án lên đến hơn 6.488 tỉ đồng. Sau đó, Vinalines giao cho công ty TNHH
sửa chữa tàu biển Vinalines làm Chủ đầu tư.
Đến ngày 19-7-2011, Vinalines đã tổ chức lễ khởi công
xây dựng nhà máy nhưng chưa có tổ chức tài chính hoặc ngân hàng nào cam
kết tài trợ cho nhà máy. Đến thời điểm khởi công nhà máy này, phần vốn
đầu tư của các bên liên quan chỉ có hơn 616 tỉ đồng.
Phần lớn số tiền này được sử dụng để mua ụ nổi No83M từ
Liên bang Nga về phục vụ cho dự án và gây lãng phí gần 514 tỉ đồng. Các
bị can trong vụ án đã tham ô trong quá trình sửa chữa ụ nổi No83M do ty
TNHH sửa chữa tàu biển Việt Nam nhập về.
Cụ thể, các bị can tại công ty TNHH sửa chữa tàu biển
Việt Nam đã gửi giá nguyên vật liệu sửa chữa nhằm chiếm đoạt tiền của
nhà nước, chiếm đoạt nhiều tỉ đồng.
Nguồn : MINH QUANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét