Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

9 thg 7, 2011

Kích động lòng yêu nước, tại sao không?






Những thước phim tự quay ngắn ngủi về hình ảnh Sinh viên Việt tại Bỉ biểu tình phản đối Trung Quốc khiến tôi xúc động. Xem xong tôi đã bật hỏi: Tại sao các cuộc biểu tình ở trong nước lại không biết tự "nhuộm đỏ" mình như cái sắc đỏ ngợp trời Âu này nhỉ ?
         
Tất cả các cuộc biểu tình phản ứng ở trong nước dường như vắng bóng sinh viên. Tại sao vậy? Hay câu chuyện biển Đông không đủ nóng, không cuốn hút bằng những “bước nhảy hoàn vũ”, “Việt Nam idol”…? Sẽ không quá khi cho rằng lớp trẻ ngày nay đa phần đều chọn cách xa lánh, né tránh chính trị. Một lớp trẻ chỉ thích… văng tục, luôn tỏ thái độ thờ ơ, dửng dưng, xa lánh các vấn đề quốc sự.
         
Sẽ trông chờ gì ở một lớp trẻ như thế? Cái hào khí sinh viên sục sôi chẳng lẽ chỉ còn là câu chuyện cổ tích của ngày xưa? Hay sinh viên bây giờ chỉ biết nhảy tưng tửng nhố nhăng trên các chương trình rẻ tiền kiểu Lại Văn Sâm, vỗ tay hò hét xưng tôn Lại Văn Sâm làm “thủ lĩnh” cho  mình?
         
Năm 1996, khi thấy VTV làm chương trình SV96 tôi đã hoảng hồn. Một chương trình trò chơi truyền hình nhố nhăng, vô bổ làm tầm thường hóa sinh viên. Vậy mà không hiểu sao nó lại tạo nên một làn sóng cuốn hút lớp trẻ kinh hoàng đến vậy? Sinh viên khắp nơi đâu đâu cũng nhảy tưng tửng và coi Lại Văn Sâm như thần tượng. Ngoài quán nhậu cũng ăn theo thành một làn sóng chỗ nào cũng “xin cảm ơn và xin cảm ơn” nghe phát… ngứa lỗ tai! Thú thật hồi đó mấy lần tôi suýt tát sưng má mấy đứa cháu khi trợn mặt quát rằng: lo mà học, cấm có Lại Văn Sâm văn séo gì hết!
         
Sinh viên cần sân chơi, nhưng phải là sân chơi trí tuệ, chứ không phải dồn tâm sức vào mấy trò nhảy tưng tửng trên truyền hình rồi nhai nhải “xin cảm ơn, xin cảm ơn” xong cười… hố hố như thế.
Đến mức trong một cuộc họp báo, có chị nhà báo đem chất vấn ông Giám đốc Đại học Huế rằng: truyền thống và tên tuổi như Huế mà răng sinh viên Huế không lọt vào nổi vòng chung kết SV? Tội ông Giáo sư- Giám đốc cứ lóng ngóng ngọng nghịu không biết trả lời sao. Tôi đỡ lời: Cái đó cũng chỉ là trò chơi, nhiều khi sa vào chẳng những không lợi gì mà làm hại sinh viên, một đại học tiếng tăm như Huế nên hướng cho sinh viên vào các chương trình nghiên cứu khoa học hữu ích, hoặc có chơi cũng nên biết lựa trò mà chơi.
         
Vậy mà lại vừa nghe VTV đang định tái suất chương trình SV này trong năm 2012. Nếu không có gì khác, nếu vẫn là bản sao của trò SV 96 đậm “mùi” Lại Văn Sâm thì nói nhại theo lời giáo sư Ngô Bảo Châu: có cố tình làm mất thể diện sinh viên chắc cũng khó mà làm hơn cái trò SV này.
        
Nếu SV từng diễn trò cho lớp trẻ trong các trường đại học, thì có một chương trình khác đang diễn trò cho lớp trẻ trong quân đội: “Chúng tôi là chiến sỹ”- Nghe đâu cũng được dàn dựng, khởi xướng từ ý tưởng của… Lại Văn Sâm.
Như thế là chiến sỹ? Nhiều lần tôi cứ tự hỏi vậy khi xem chương trình này. Chẳng lẽ lý tưởng và “thần tượng” của người chiến sỹ ngày nay lại là… Lại Văn Sâm? Chẳng lẽ hình tượng người chiến sỹ lại là những anh chàng chúi đầu vào mấy trò chơi rẻ tiền, vô bổ, nhố nhăng đến vậy? Chẳng lẽ những anh chàng khoác áo lính kia lại là chiến sỹ và chẳng lẽ hình tượng người chiến sỹ trẻ hôm nay là những chàng trai phô diễn “sức trẻ” của mình bằng mấy trò nhảy tưng tửng hố hố trên truyền hình?
Như thế là… chiến sỹ? Một “sức trẻ” của quân đội là như vậy sao? Thật không có gì mỉa mai bằng!
         
Biển Đông đang dậy sóng. Và đâu chỉ biển Đông, còn bao “mật trận” khác đang trông chờ tiếng nói và thái độ của các bạn, chứ không phải là những “mật trận” như “SV96”, “bước nhảy hoàn vũ”, “Việt Nam idol”, “chúng tôi là chiến sỹ”…
         
Có thể sẽ không ít những bạn trẻ cảm thấy bị “xúc phạm” khi đọc những dòng này. Tôi chờ mong điều đó. Tôi hi vọng cái hào khí tuổi trẻ trong bất cứ thời khắc nào vẫn luôn háo hức, hừng hực, sục sôi, và sẵn sàng bùng cháy. Chứ không phải là một lớp trẻ chỉ suốt ngày văng tục, thờ ơ, dửng dưng trước các vấn đề quốc sự.
         
Có thể ai đó sẽ qui chụp những dòng trên là sự “kích động”. Nhưng kích động lòng yêu nước thì tại sao lại không?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét