9 thg 4, 2010
Ai ‘được’ hàng trăm tỷ đồng từ việc mua áo phao, nhà bạt
Được giao mua áo phao, nhà bạt phục vụ công tác chống bão lũ, Tổng Cục dự trữ Nhà nước đã để một doanh nghiệp “vô tư, móc túi” tiền tỷ…
Những chiếc nhà bạt này giúp nhân dân thoát khỏi cảnh màn trời chiếu đất đã vô tình gây ra những miếng mồi ngon cho những kẻ cơ hội.
Đánh tráo hóa đơn, hợp thức đầu ra
Số tiền bị “bớt xén” ước chừng lên tới hàng trăm tỷ đồng, thông qua việc nâng giá nguyên liệu và sản phẩm áo phao cao gấp nhiều lần so với thị trường.
Cái kim trong bọc, lâu ngày lộ ra
Những thông tin này được Tổng cục Dự trữ Nhà nước “giữ kín” từ năm 2003. Cho đến năm 2006, từ việc mua sắm, đấu thầu không thành công, khiến một số đơn vị, cá nhân đã gửi đơn tố giác tới Tổng cục An ninh, Bộ Công an.
Sau khi xác minh, thấy có dấu hiệu của tội phạm, Tổng cục An ninh đã báo cáo kết quả lên lãnh đạo Bộ Công an và Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau đó, toàn bộ hồ sơ được chuyển cho Tổng cục Cảnh sát tổ chức điều tra theo thẩm quyền và việc mua sắm, dàn xếp đấu thầu mặt hàng chiến lược này dần bị “lộ tẩy”. Vì đơn tố giác, 70.000 chiếc áo phao cứu sinh đã mua trong năm 2006, không thể về kho để phục vụ nhiệm vụ dự trữ Nhà nước theo kế hoạch.
Tuy nhiên, các năm trước đó, hàng trăm nghìn chiếc áo phao đã được Tổng cục này mua về với giá cao gấp nhiều lần giá thị trường. Đáng tiếc, nhiều chiếc áo phao được mua để dự trữ lại có chất lượng kém hơn so với hàng rẻ hơn nhiều ngoài thị trường.
Kết quả điều tra, xác minh bước đầu cho thấy, việc cung cấp hàng cho Tổng Cục dự trữ các năm trước 2006 chủ yếu do Công ty cổ phần Thanh Sơn của ông Trần Văn Tân làm giám đốc, trụ sở tại phố Hàng Chuối, Hà Nội. Nhiều năm liền, công ty này trúng thầu với mức giá đúng bằng mức giá mà Tổng cục dự trữ duyệt thầu.
Đáng chú ý, mức giá các mặt hàng ấy cao hơn nhiều lần so với giá của hàng cùng loại ngoài thị trường.
Mua hóa đơn của “doanh nghiệp ma”
\Cách đây ít lâu, bức chân dung và quá trình mua bán áo phao cứu sinh của Công ty Thanh Sơn với Tổng Cục dự trữ Nhà nước đã được “dựng lại” khá hoàn chỉnh. Theo nhận định ban đầu, Nhà nước đã phải chịu thiệt hại hàng trăm tỷ đồng trong các thương vụ đấu thầu áo phao, nhà bạt cứu sinh này
Năm 2005, khi trúng thầu cung cấp áo phao cho Tổng cục dự trữ nhà nước, Công ty Thanh Sơn tiến hành mua 173.000 mét vải polyeste loại màu vàng cam của Công ty HuaLon ở Bình Dương với giá 11.000 đồng một mét, thế nhưng khi kê khai hóa đơn, Công ty Thanh Sơn sử dụng 22 hóa đơn mua vải với giá 70.000 đồng của 11 doanh nghiệp khác.
Sở dĩ họ khai giá mua cao như vậy là để nâng cao chi phí đầu vào nhằm hợp lý hóa mức giá đã trúng thầu là 595.000 đồng, trong khi vào thời điểm ấy, giá một chiếc áo phao loại tốt nhất ngoài thị trường không quá 300.000 đồng.
Theo cơ quan công an, việc Thanh Sơn đánh tráo hóa đơn này là hành vi trốn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều đáng nói là cả 11 doanh nghiệp mà Thanh Sơn sử dụng hóa đơn đều là “doanh nghiệp ma”, đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Thực tế, các doanh nghiệp này được thành lập để mua bán hóa đơn VAT, không có sản xuất, kinh doanh gì.
Cụ thể, trong hai năm 2003 và 2004, sau khi trúng thầu bán áo phao cho Nhà nước, Công ty Thanh Sơn sử dụng gần 400 hóa đơn GTGT của 36 doanh nghiệp “ma” khác. Tài liệu của Cục thuế Hà Nội cũng xác định năm 2004, Công ty Thanh Sơn sử dụng 139 hóa đơn của 14 doanh nghiệp đã bỏ trốn; năm 2005, tiếp tục sử dụng 262 hóa đơn của 22 doanh nghiệp khác, tất cả đều bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh.
Theo nhận định của cơ quan điều tra, bản chất của vụ án là tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng và cơ quan này mới chỉ xác minh mặt hàng áo phao thì giá đã cao hơn so với thị trường là 41 tỷ đồng (41/83 tỷ đồng), cao hơn gấp hai lần giá thị trường. Nếu xác minh cả nhà bạt (khoảng 350 tỷ đồng), thì số tiền chênh lệch sẽ cao hơn nhiều (hàng trăm tỷ). Như vậy, Nhà nước đã bị “móc túi” hàng trăm tỷ đồng
Trong khoảng 10 vật liệu làm áo phao, vải polyeste là vật liệu chính
Dùng "quân xanh", "quân đỏ" để thắng thầu
Lý giải về việc tại sao Công ty Thanh Sơn thắng thầu và trở thành đơn vị “độc quyền” bán áo phao, nhà bạt cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước suốt 5 năm, cơ quan điều tra cho rằng có sự dàn dựng “quân xanh”, “quân đỏ”, trong tiến trình mở thầu.
"Hết" tư cách pháp nhân, vẫn tham gia đấu thầu
Cơ quan chức năng cho rằng có sự không bình thường trong việc tổ chức đấu thầu, thẩm định giá…
Cụ thể, tham gia đấu thầu với Công ty Thanh Sơn có hai doanh nghiệp “người nhà” là Công ty TNHH Lan Bình và HTX Liên hiệp công nghiệp do bà Phạm Thị Lan và chồng là ông Phùng Văn Bình, em cùng cha khác mẹ với ông Trần Văn Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Sơn.
Điều khác thường là thời điểm đó, HTX liên hiệp công nghiệp đã ngừng hoạt động, bị đóng mã số thuế nhưng vẫn được Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho tham gia đấu thầu.
Khi dự thầu, Công ty Thanh Sơn bỏ thầu giá 595.000 đồng (đúng bằng giá mà Tổng cục dự trữ duyệt thầu), còn hai doanh nghiệp “người nhà”, được ông Tân dùng làm “quân xanh”, bỏ thầu giá cao hơn 5.000 đồng. Với kết quả này, đương nhiên Công ty Thanh Sơn thắng thầu và dù sau đó, việc đấu thầu tổ chức công khai nhưng Thanh Sơn luôn là “thương hiệu” độc quyền để Cục dự trữ quốc gia tin tưởng.
Áo phao giá "trên trời" vẫn lơ?!
Điều khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi là tại sao trong khi trên thị trường giá bán một chiếc áo phao ngay tại thời điểm miền Trung xảy ra mưa lũ, cũng khoảng trên dưới 200.000 đồng thì từ năm 2003, Cục Dự trữ quốc gia đã đồng ý mua của Công ty Thanh Sơn với giá 595.000 đồng. Còn hiện nay, trên trang các trang web rao bán mặt hàng này, giá phao chỉ dao động từ 80.000 đến 160.000 đồng.
Theo khảo sát của Đất Việt, một số công ty trang thiết bị bảo hộ lao động có giá bán áo phao cũng dao động từ 40.000 đến 150.000 đồng. Cá biệt, có nơi treo giá 220.000 đồng một chiếc; áo bơm hơi có thể cứu được hai người cũng chưa tới 300.000 đồng.
Với mức giá bán “trên trời” như này, hiển nhiên Công ty Thanh Sơn không thể trình hóa đơn mua vải polyester của công ty Hualon bởi mức giá nguyên liệu đầu vào quá thấp (chỉ có 11.000 đồng một mét vải). Và để hợp lý sản phẩm bán ra, đương nhiên họ phải dùng hóa đơn của những công ty “ma”, cho rằng mình mua nguyên liệu giá cao.
Cơ quan công an đã xác minh rằng, mặc dù giám đốc công ty Thanh Sơn cho biết đã hủy mua vải của công ty Hualon, lấy lại số tiền cọc là 50 triệu đồng. Nhưng séc chuyển tiền, lời khai của giám đốc và một số nhân viên như: cán bộ tiếp thị, kế toán, thủ quỹ, thủ kho của công ty Hualon lại chứng minh công ty này đã mua 173.000 m vải polyester của Hualon với giá 11.000 đồng một mét.
Nhiều sai phạm tiếp tục được "phanh phui"
Trong quá trình xác minh sau này, một số nghi vấn liên quan đến sai phạm của Công ty TNHH Thanh Sơn tiếp tục được cơ quan điều tra làm rõ. Trong số này, Công an Hải Phòng đang khẩn trương xác minh mối quan hệ “thực sự” của Thanh Sơn với một doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hải Phòng.
Điều này cho thấy công ty này thực sự có “năng lực” để tham gia vào các cuộc đấu thầu cung cấp áo phao, nhà bạt tiếp theo của Tổng cục Dự trữ Nhà nước?
Các tài liệu này cho thấy, ngày 24/11/2008, Công ty Thanh Sơn bán cho Công ty cổ phần Phúc Trường ở thành phố Hải Phòng 300 bộ nhà bạt với tổng giá trị gần 8,2 tỷ đồng.
Tiếp đến, ngày 1/12/2008, công ty này lại bán cho Phúc Trường hơn 7,6 tỷ đồng với mặt hàng tương tự.
Một ngày sau, Thanh Sơn tiếp tục xuất bán cho đối tác Hải Phòng gần bốn tỷ đồng tiền áo phao, nhà bạt. Cả ba lần bán hàng này là 19 tỷ đồng. Theo quy định của pháp luật về thuế GTGT, Công ty Phúc Trường được hưởng 1,9 tỷ đồng tiền thuế VAT (tức 10% tổng giá trị hàng hóa đã mua).
Việc có hay không hành vi gian lận thuế trong “hợp tác” mua bán của hai công ty này đang được cơ quan chức năng xác minh, tuy nhiên, điều đáng nói là quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, cơ quan điều tra thấy không có việc vận chuyển hàng hóa đã được mua bán giữa hai doanh nghiệp này. Hàng hóa thực chất vẫn nằm ở kho của Công ty Thanh Sơn, chưa từng về đến kho của Phúc Trường.
Xét trên logic của hoạt động kinh tế, đây là một hoạt động bất thường!Hiện, Thanh tra Chính phủ lập đoàn thanh tra về quá trình thực hiện chính sách pháp luật tại Cục Dự trữ quốc gia (nay là Tổng cục Dự trữ Nhà nước) thuộc Bộ Tài chính. Nội dung đấu thầu, mua sắm áo phao, nhà bạt dự trữ quốc gia là một "điểm nhấn" của lần thanh tra này
Một số doanh nghiệp cho rằng, nếu trúng thầu từ 7 đến 10 triệu đồng cho loại nhà bạt 16,5m2 thì doanh nghiệp đã có lời. Thế nhưng, không hiểu sao Phúc Trường lại nhập về loại nhà bạt này với giá trên 17 triệu đồng, cao nhất là nhà bạt loại 60m2 với giá 34,9 triệu đồng. Phải chăng việc làm này chỉ là “động tác giả” để lý giải không chỉ Cục Dự trữ mua áo phao, nhà bạt của công ty Thanh Sơn với giá cao ngất, mà nhiều doanh nghiệp cũng chấp nhận giá này.
Nguồn :http://www.baodatviet.vn/Home/phapluat/Ai-duoc-hang-tram-ty-dong-tu-viec-mua-ao-phao-nha-bat-ky-2/20104/87366.datviet
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét