Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

9 thg 4, 2010

TKV lãng phí mỗi năm 5.000 tỷ đồng?

TP - Ngày 5-1-2010, ông Nguyễn Thành Sơn, GĐ Cty Năng lượng Sông Hồng (thành viên TKV) có văn bản nói về thực trạng quản lý kỹ thuật cơ bản của ngành gây lãng phí, mỗi năm có thể tới 5.000 tỷ đồng. Xin gửi tới bạn đọc bài viết của TS Nguyễn Thành Sơn


Bài 1: Chạy theo sản lượng = phá sản
Trước đây, những nhận định của tôi (về việc kể từ sau khi được thành lập, TKV đã buông lỏng quản lý kỹ thuật cơ bản) có thể chỉ là định tính

Gần đây, tôi có liên hệ với Trưởng ban Kỹ thuật Công nghệ mỏ TKV để “xin” những chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu nhưng chưa được (hình như TKV vẫn không muốn minh bạch vấn đề không nên che giấu này).

Tuy nhiên, với những số liệu chính thức hiện có, tôi cũng xin nêu ra để chứng minh một số nhận định ban đầu.
Cho đến nay, tôi vẫn tin rằng, nếu TKV vẫn tiếp tục quản lý kỹ thuật ngành than như trong 15 năm qua theo tư duy trước đây thì ngành than VN sẽ sớm bị đổ bể và nền kinh tế sẽ phải gánh chịu những tổn thất lớn. Biết mà không nói thì tôi có tội, vì tôi là cán bộ kỹ thuật.

Tôi không phản đối việc TKV đang “đấu” với nhà nước để tăng giá bán than cho điện. Nhưng, tôi nghĩ, trước hết, TKV cần tăng cường khâu quản lý kỹ thuật cơ bản để hạ giá thành và các chi phí sản xuất than đang ngày càng tăng lên.

TKV vẫn giải trình với các cơ quan chức năng của nhà nước việc phải tăng giá bán than là do điều kiện tự nhiên phải “xuống sâu, đi xa” (hệ số bốc đất tăng, cung độ vận tải tăng), nhưng chúng ta lại “quên” những yếu tố chủ quan (những tổn thất rất lớn do buông lỏng quản lý kỹ thuật cơ bản).

Nếu cứ tiếp tục chạy theo sản lượng như hiện nay, nhưng vẫn buông lỏng công tác quản lý kỹ thuật cơ bản, ngành than sẽ sớm bị phá sản. Không phải cứ bốc nhiều đất, đào nhiều lò là tốt, trong khi chất lượng than khai thác và tình trạng kỹ thuật của các mỏ ngày càng xuống cấp.
Giá thành than bình quân toàn ngành hiện đã lên tới hơn
800.000đồng/tấn là một con số cần xem xét và có thể giảm được (ít nhất là 15% - tương đương với hơn 5.000 tỷ đồng/năm, xấp xỉ bằng số nộp ngân sách của các mỏ) nếu chúng ta quản lý tốt công tác kỹ thuật cơ bản như tôi sẽ đưa ra trong các ví dụ trình bầy dưới đây dựa trên những số liệu pháp lý của TKV.

Lợi dụng cơ giới hóa để tiêu tiền chùa
Năm 2009 cho thấy, lĩnh vực khai thác than hầm lò đã bị một số người lợi dụng chiêu bài “cơ giới hóa” khai thác than để tiêu tiền của TKV.
Chỉ 2 dự án về cơ giới hóa khấu than lò chợ bằng giàn chống KDT-1 (“Kiển Đắc Tuấn”) và VINAALTA đã tốn tới hơn 15 triệu đô la - đắt chưa từng có trong lịch sử ngành than thế giới, nhưng mang lại hiệu quả thấp chưa từng thấy trong lịch sử ngành than VN.

Trong cả năm 2009, KDT-1 chỉ khấu được 55 nghìn tấn và VINAALTA chỉ khấu được 160 nghìn tấn ở mỏ Vàng Danh (còn ít hơn cả lò chợ thủ công).

Tôi không tin TKV đã giàu đến mức có thể “phóng tay” trong việc chi tiền vào hai dự án cơ giới hóa ấu trĩ này (năm 2010, TKV còn tiếp tục “trợ giá” cho dự án cơ giới hóa này).
Chúng ta cần cơ giới hoá, nhưng không phải theo kiểu “tiêu tiền chùa” như vậy.

TKV sẽ đưa vào hạch toán trong giá thành than năm 2009 hơn 257.331 mét lò chuẩn bị sản xuất đào mới. Trong đó, có tới 47.135m lò đào trong đá với tiết diện bình quân lên tới 10,45 m2; và 210.196m lò đào trong than với tiết diện bình quân 7,79m2. Như vậy, lò chuẩn bị sản xuất phải đào trong đá chiếm hơn 23% về khối lượng (nếu tính về giá trị, sẽ chiếm hơn 50%).

Ai cũng biết lò đào trong đá đắt hơn nhiều lần lò đào trong than. Nhưng, hầu hết các mỏ hầm lò (trừ TCty Đông Bắc và Cty than Nam Mẫu) đều có số lượng lò chuẩn bị sản xuất phải đào trong đá còn cao hơn lò xây dựng cơ bản (XDCB) phải đào trong đá. Điều này là vô lý và không thể chấp nhận được về kỹ thuật và kinh tế.

Trong tổng số hơn 257 km đường lò chuẩn bị sản xuất nói trên có tới 184 km lò được chống bằng sắt. Nếu là lò XDCB chống sắt còn có thể chấp nhận được, nhưng lò chuẩn bị sản xuất (có thời gian phục vụ chỉ dưới 1 năm) được chống bằng sắt mà tỷ lệ thu hồi vì sắt để sử dụng lại chỉ có 34% thì rõ ràng gây lãng phí rất đáng kể (bình quân chi phí không dưới 5 triệu đồng/m).

Chúng ta cần phải xem lại công nghệ một cách toàn diện: kỹ thuật đào chống lò, hộ chiếu chống lò, vị trí đặt đường lò? kỹ thuật thu hồi? v.v.
TKV cũng sẽ đưa vào hạch toán trong giá thành năm 2009 tới 72.908m lò chống xén, trong đó có tới hơn 54.350m lò chống sắt. Số mét lò phải chống xén (sửa chữa lại) gần bằng 30% số mét lò đào mới, trong đó lại chủ yếu là những lò chống bằng sắt cũng là điều không thể chấp nhận được.

Đào và chống lò là kỹ thuật sơ đẳng nhất của nghề mỏ. Tỷ lệ lò đào trong đá đã rất cao, tỷ lệ lò chống sắt rất cao (giá thành than đã phải chịu chi phí cao hơn nhiều lần), nhưng tỷ lệ lò phải chống xén (sửa chữa lại) cũng cao (giá thành than lại bị đội lên một lần nữa).
Điều này cũng cho thấy: hoặc là có sự gian lận hoặc là do việc quản lý kỹ thuật cơ bản trong đào-chống lò còn kém.


Trong công nghệ khai thác than hầm lò, và thực tế trước đây (khi ngành than trực thuộc bộ và tôi đã được giao trực tiếp chuyên quản các mỏ hầm lò ở Vụ Kế hoạch), số mét lò chuẩn bị sản xuất phải đào trong đá chỉ chiếm tối đa 10%, và số mét lò chống sắt phải chống xén chỉ dưới 5%.
Đây là hai “lỗ hổng” rất lớn về cả kinh tế và kỹ thuật cơ bản cần được khắc phục. Có lẽ trên thế giới không đâu “chơi sang” như ngành than VN.

Ngành than cho rằng, đào sâu, cung đường vận chuyển xa đang đẩy chi phí khai thác than lên cao - Ảnh: Minh Duy

Vì sao than chất lượng cao giảm?
Hệ số mét lò chuẩn bị sản xuất (CBSX) hiện nay của TKV là 14,5m/1.000 tấn. Về nguyên tắc, hệ số mét lò chuẩn bị sản xuất này càng giảm càng tốt. Đào nhiều lò mà không quản lý chặt về kỹ thuật chỉ dẫn tới tổn thất cả về kinh tế cả về trữ lượng than.

Hiện nay, việc quản lý đào lò đối với các mỏ hầm lò còn sơ hở. Trong năm 2009, với tổng số mét lò đào trong than (cả CBSX và xây dựng cơ bản) là 230.337m, có thể thu hồi được ít nhất 2,91 triệu tấn than, nhưng theo số liệu của TKV, chỉ thu hồi được 2,52 triệu tấn, như vậy nền kinh tế đã bị mất tới hơn 380 ngàn tấn than. Đây là con số không nhỏ. Nếu tính giá thành bình quân của than hầm lò là 600.000đồng/tấn, giá trị tổn thất đã lên tới hơn 220 tỷ đồng/năm.


Chất lượng than nguyên khai ngày càng giảm. Điều này đi ngược với quy luật càng “xuống sâu” tỷ lệ than nguyên khai càng tăng. Độ tro bình quân của than nguyên khai lên tới 36,18% là con số hoàn toàn không bình thường.
Thậm chí có những mỏ (như Mạo Khê, hay Cty than Uông Bí) độ tro than nguyên khai gần 42%- cao hơn cả độ tro tối đa của than “trong cân đối” (dưới 40%).
Điều này cho thấy: hoặc là công tác làm sạch mặt tầng, công nghệ xử lý (khoan nổ mìn và bốc xúc) các tam giác vách và trụ (ở các mỏ lộ thiên) và công nghệ đào lò chuẩn bị và khấu than (ở các mỏ hầm lò) không đúng kỹ thuật đã làm cho hệ số “làm bẩn” tăng lên, hoặc là có sự gian lận pha trộn cả than xấu và đất đá vào than nguyên khai để tăng sản lượng và để được tính vào giá thành làm tăng chi phí sản xuất.

Phẩm cấp than sạch ngày càng xấu: Tỷ lệ than có chất lượng cao (đặc biệt là than cục) ngày càng giảm và tỷ lệ than có chất lượng thấp (đặc biệt là than cám số 6, than bùn tuyển và than “tiêu chuẩn cơ sở”) ngày càng tăng.
Trong năm 2009, chỉ tính riêng các loại than có chất lượng thấp từ cám số 6 trở xuống đã lên tới gần 17,87 triệu tấn, chiếm 45% sản lượng than sạch của TKV (những loại than này trong thời bao cấp không được tính là than sạch và không được hạch toán đủ chi phí như than chính phẩm). Trong khi đó, tỷ lệ than cục (kể cả các loại cục 7b có độ tro tới 45%) cũng chỉ chiếm 5,7%.
Đây là một bất cập vì không chỉ làm giảm hiệu quả kinh tế của chính bản thân TKV (giảm giá bán bình quân), mà còn làm tăng chi phí sử dụng than của nền kinh tế quốc dân (tăng chi phí vận tải một lượng đất đá khổng lồ bị pha lẫn trong than).

Lập luận cho rằng tỷ lệ than cục thấp là do công nghệ (cơ giới hóa khấu than cao) là không có cơ sở vì tỷ lệ khấu than bằng cơ giới hóa thực tế chỉ chiếm 2,34% (không đáng kể) đối với các mỏ hầm lò, còn đối với các mỏ lộ thiên thì công nghệ vẫn như cách đây 30 năm. Phẩm cấp than sạch ngày càng xấu là do chạy theo thành tích sản lượng.
Trong khi đó, TKV hiện đang rất tích cực đầu tư xây dựng mới các nhà máy sàng tuyển than tập trung, mà đã từ lâu chúng tôi cho rằng vừa không cần thiết, vừa quá đắt, vừa không có hiệu quả.
Trong giá thành than khai thác bằng công nghệ lộ thiên, chi phí lớn nhất là vận chuyển đất đá (chiếm hơn 70%). Cung độ vận chuyển đất đá bình quân hiện nay (2009) chỉ có 2,67km, lý do mà TKV giải trình giá thành than tăng cao so với trước đây vì phải “đi xa” là không đứng vững. Hệ số bóc đất tăng lên tới 8,17m3/tấn là con số đáng kể ảnh hưởng tới giá thành than lộ thiên.
Tuy nhiên, hệ số bóc đất càng cao thì tình trạng kỹ thuật của mỏ lộ thiên phải càng tốt, và với điều kiện đất đá bốc phải trong biên giới kết thúc mỏ.
Điều không kém phần quan trọng là bãi thải đất đá hiện nay của các mỏ không cho phép quản lý được khối lượng đổ thải. Việc TKV áp dụng GPS để quản lý đất đá thải trong điều kiện của VN là không hiệu quả, vì sai số kỹ thuật (theo tọa độ Z) của GPS rất cao.
Chúng ta hiện đang bỏ qua các chỉ tiêu kỹ thuật công nghệ quan trọng khác như: năng suất thiết bị khoan, xúc, vận tải, tiêu hao diesel, tiêu hao săm lốp... đối với các mỏ lộ thiên; công suất lò chợ, tiến độ thực hiện chu kỳ, tiến độ đào lò, chiều dài lò chợ bình quân... đối với các mỏ hầm lò.
Các chỉ tiêu này cho phép quản lý được “đơn giá” (hay giá thành) của các công đoạn sản xuất than như: vận chuyển đất đá và vận chuyển than (tính bằng đ/t.km); khoan+nổ mìn+ bốc xúc (đ/m3) đối với mỏ lộ thiên; đào lò trong than và trong đá (đ/m3) đối với các mỏ hầm lò; và giá thành sàng tuyển than đối với các nhà máy tuyển.

Trong thiếu việc nhưng vẫn thuê ngoài
Cuối cùng, liên quan đến kế hoạch phối hợp kinh doanh năm 2010, chúng tôi thấy kế hoạch thuê ngoài là quá lớn và không cần thiết. Trong đó, khối lượng phải thuê ngoài lên tới hơn 67 triệu m3 đất đá bóc (chiếm tới 30% trong tổng số 226 triệu m3 đất lộ thiên) và 11 triệu tấn than (chiếm tới 41% trong tổng số 26,7 triệu tấn than lộ thiên).

Đặc biệt đối với mỏ than Núi Béo, để đạt sản lượng 5 triệu tấn than/năm, khối lượng thuê ngoài lên tới 11 triệu m3 đất đá bóc (50% khối lượng) trong khi nguy cơ không có việc làm của hàng ngàn CBCNV đang cận kề.
Đặc biệt, xét về mặt kỹ thuật công nghệ, nếu sản lượng của mỏ này được duy trì ở mức 2-2,5 triệu tấn/năm, chúng ta hoàn toàn có thể sớm thực hiện việc đổ đất đá thải vào bãi thải trong.

Việc sớm đổ bãi thải trong không chỉ giảm chi phí khai thác hàng ngàn tỷ đồng, mà điều quan trọng hơn là hạn chế được nguy cơ bục nước từ bãi thải trong vào mỏ hầm lò Núi Béo trong tương lai mà chúng ta đang triển khai xây dựng. Ngoài ra, việc sớm thực hiện đổ bãi thải trong sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường của vùng Hòn Gai, đáp ứng yêu cầu của tỉnh.


TS. Nguyễn Thành Sơn

Nguồn :http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=190872&ChannelID=3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét