Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

27 thg 4, 2010

Tôi mơ về một chiếc tàu nho nhỏ…

Ông André Menras, công dân Việt Nam từ cuối năm 2009 với tên Việt Hồ Cương Quyết vừa gửi đến chúng tôi bài tạp luận chứa chan cảm xúc nói lên những nỗi phẫn khích của ông khi nghe tin 9 dân chài miền Trung vừa bị Trung quốc bắt đòi tiền chuộc một cách phi lý.

Ông liên tưởng đến một nước Trung Quốc với hai bộ mặt, một bộ mặt là cái mặt có vẻ mỹ miều có đầy đô-la để quyến rũ thế giới vào những luận điệu về một chủ nghĩa xã hội đẹp đẽ mà phía sau nó vừa là những câu chuyện tốt lành về giữ gìn sinh thái, khảo cổ, thiên văn, du lịch trên biển đảo.
Khi được tin chính quyền Đà Nẵng đã không cho phép ngư dân nghèo giữ lại chỗ neo đậu mà mình vẫn có để lấy bờ biển bán cho các doanh nhân nước ngoài giàu có làm resort, trong đó có doanh nhân Trung Quốc, ông càng đau uất, liên tưởng đến số phận những ngư dân người Việt đang vừa phải phấn đấu gian nan trên biển cả như chàng Ulysse trong thần thoại Hy Lạp xông pha qua không biết bao nhiêu hiểm trở sau khi đi đánh thành Troie trở về, trong khi ở nhà thì trang trại của người vợ yêu dấu – nàng Pénélope quyết tâm chờ chồng, đã bị bọn hào mục dọn dẹp sạch sanh mất cả.Nhưng ông André Menras không hề bi quan.
......................

......................
Xin trân trọng Trích giới thiệu bài viết tâm huyết của ông André Menras Hồ Cương Quyết - cả bản tiếng Việt và bản tiếng Pháp đều do tác giả chấp bút – với bạn đọc.

Nguyễn Huệ Chi




Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt hồi năm 2009. Photo courtesy of forumlyson.

...... Miên man trong dòng suy tưởng, tôi chợt quay về Biển Đông, nơi tôi tưởng tượng như mình đang chìm vào không gian vào thời Trung Cổ, thậm chí Cổ đại. Với một đế quốc Trung Hoa tự cho mình là kẻ thống trị, với một luật lệ duy nhất của sức mạnh kinh tế đương thời và sức mạnh quân sự.
Một đế quốc có hai bộ mặt. Một mặt lấn chiếm, giết chóc, bóc lột, gây ô nhiễm, bắt bớ và cầm tù, rượt đuổi, làm đắm tàu và chém giết. Mặt khác, với vô số đồng đô-la bỏ ra, nó khoác lên vẻ hiện đại của cuộc chiến tranh lấn chiếm với những luận điệu về sinh thái, khảo cổ, thiên văn, du lịch kẻ cả về chủ nghĩa xã hội.

Đầy mưu toan chước quỷ với những mánh khoé thật khó tưởng tượng. Tầm như cái lưỡi khổng lồ thè ra trước mặt thế giới, như một thằng bé cao lớn ích kỷ đến béo phì, vừa trẻ con, vừa nguy hiểm bởi vì nó chỉ dựa vào thói phàm ăn và sở thích độc đoán!
Hiển nhiên là các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhầm thời đại, không rút ra được một bài học nào của lịch sử khi có tư duy chiến tranh lỗi thời này.Bởi vì, quả thật cuộc chiến thầm lặng ấy là phi nghĩa, phi lý, tàn nhẫn.
Một cuộc chiến tranh tiêu hao mà các nhà lãnh đạo trung Quốc đã tiến hành từ nhiều năm nay nhằm vào những người dân chài nghèo khổ của Việt Nam. Đằng khác, lại là cuộc chiến tranh mà những người David Việt (1) , không có khí giới và yêu chuộng hòa bình chống lại Goliath Han (1) trang bị vũ khí đến tận răng. Họ đã trở thành những anh hùng sau mỗi lần ra khơi, những người mang vinh quang về cho Tổ quốc, những người bảo vệ ngư trường của tổ tiên và khẳng định quyền chủ quyền của Việt Nam trên những vùng biển rộng ấy và trên các hòn đảo bao quanh.

Hôm nay, khi đọc tờ nhật báo, tôi được biết có thêm 9 người dân chài ở đảo Lý Sơn bị bọn cướp biển bắt cóc ngày 14 tháng Tư và giam giữ tại Hoàng Sa mà TQ đã chiếm đóng của VN, để đòi tiền chuộc 70.000 NDT.
Họ đã gặp 12 anh em đang bị cầm tù hồi tháng Ba.


Hình ảnh ở làng Bình Châu, một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Bưởi và các chị em bạn gái cứ luôn trông ngóng những người chồng của mình khiến tôi liên tưởng đến nàng Pénélope (2) mong chờ Ulysse (2) trở về từ cuộc chiến tranh Troie (2).

Có cái gì đó đang âm thầm xảy ra trên vùng biển tưởng chừng như đang bình yên ấy, một chiếc ngư lôi nặng mấy tấn có những chữ của nước Trung Hoa lại trôi «vô tư» trên vùng biển Quảng Trị như đang ngầm báo, hay đe dọa đều gì đó không ?

Đọc được tin này, tôi không muốn tin vào hai chữ «hữu nghị» mà họ đang cố ý áp đặt và nói đãi bôi với quê hương thứ hai của mình nữa. Tôi nghi ngờ!Trong đau đớn và giận dữ, tôi được biết những ngư dân nghèo ở Đà Nẵng, thành phố mà tôi biết bao nhiều yêu mến, thành phố anh hùng xưa kia, mới bị đuổi khỏi cảng neo đậu bởi một dự án đô thị nhằm ưu đãi cho doanh nghiệp lớn mà không nhận được sự gíup đỡ của chính quyền để tìm một nơi trú mới cho những chiếc thuyèn nghèo nàn của họ.

Vậy, chiến tranh đốí với họ không chỉ ở ngoài khơi, bờ biẻn cũng có nhiều nơi cấm những người đánh cá vì thỉnh thoảng nó bị bán cho các nhà tư bản , trong đó có tư bản Trung Quốc. Chẳng hạn như trong cùng mợt thành phố Đà Nẵng mà lại có những Resort mênh mông tráng lệ, một Casino xa hoa…

Nàng Pénélope sắp sửa không còn nhà ở cảng hoặc ở bờ biển để trông chờ Ulysse. Và Ulysse, biển bị mất, đất bị cấm, chỉ còn có nước kêu trời…

Những công hàm ngoại giao, những cuộc gặp gỡ, những tuyên bố được lặp đi lặp lại khẳng định quyền chủ quyền, những kháng nghị chính thức, những toan tính toàn cầu hóa thảm kịch này thông qua các cuộc hội thảo…

Đến nay, sự hữu hiệu của các bước tiến hành chỉ đến mức đó không thuyết phục được các lãnh đạo Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền của VN trên vùng biển và hải đạo.
Từ lâu VN đã có đầy đủ luận chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh rõ ràng chủ quyền của mình. VN đã thuyết trình đầy đủ và sẽ phải tiếp tục việc làm đó.

Thiết nghĩ, có nên cứ chờ mãi sự xúc động không chắc có của giới ngoại giao quốc tế trước những ăn thua về kinh tế với TQ?
Có nên cứ để cho thời gian củng cố sự lấn chiếm để biến sự xâm chiếm thành chính thức «de facto» khi ta càng lùi họ càng tiến tới? Có nên cứ để cho nỗi sợ hãi và sự cô lập làm mất đi lòng dũng cảm của các «chiến sĩ» ngư dân trước mặt kẻ cướp?

Dường như đang đáp lại những nỗ lực ôn hòa, hữu nghị từ phía Việt Nam là sự khiêu khích thường xuyên của TQ bằng một cuộc đối đầu vũ trang. Họ đang muốn nếu VN phản đối bằng vũ trang, dù là động thái nhỏ nhất, sẽ là cái cớ mà TQ chờ để vận hành cỗ máy chiến tranh xâm lược mà họ đang công khai chuẩn bị?
Thực tế, họ đã chứng tỏ điều đó nhiều lần trong quá khứ. Lòng nhân đạo và tôn trọng các dân tộc đối với họ rất xa lạ. Chúng ta cũng đã biết họ đã tạo điều kiện, đã làm mù quáng dân tộc họ qua một chủ nghĩa quốc gia mang tính chất xâm lược hiếu chiến, cấm đoán những phản kháng… đến độ nào.

Vậy nên, tôi có một đề nghị khiêm tốn (cũng có thể ai đó cho rằng hơi lãng mạn và thiếu thực tế) nhưng kiên quyết đối với những ngư dân VN mà tôi biết rất rõ họ không muốn từ bỏ nghề đánh cá. Một đề nghị chứng tỏ sự đoàn kết, tinh thần bất khuất, yêu chuộng hòa bình của người Việt.
Nên chăng, dưới sự lãnh đạo của Hội Nghề cá quốc gia, chúng ta có thể kêu gọi và tổ chức một đoàn tàu đánh cá gồm 500 chiếc hoặc nhiều hơn nữa, đến từ nhiều tỉnh duyên hải khác nhau như Quảng Trị, T. Thiên Huế, Q. Nam, Q Ngãi, Quy Nhơn v.v. tổ chức một chuyến cùng nhau ra khơi hướng về Hoàng Sa.
Đoàn ngư dân ày sẽ đi chung với nhau cùng với đông đảo đại diện các phương tiện truyền thông quốc gia và quốc tế, không có quân đội, hải quân, chỉ là những ngư dân bình thường, thẳng tiến đến quần đảo Hoàng Sa của VN và đảo Phú Lâm để đòi những tên cai ngục trả tự do cho đồng bào, đồng nghiệp vô tội của mình ?

Những kẻ lấn chiếm TQ trên quần đảo Hoàng Sa liệu có dám bắn vào các ngư dân tay không vũ khí trước các ống kính camera như những tên thực dân Israel đã làm đối với những người dân palestine không?
Liệu họ có dám cầm tù, bắt làm con tin hàng trăm dân chài không ?
Họ có dám chường bộ mặt bị lột trần của mình trước toàn thế giới không ?
Tôi cho chắc là không.
Đó là một hành động kiên định, hợp lý, mang tính hòa bình và hợp pháp, chắc chắn sẽ góp phần quóc té hóa một cách tích cực các vấn đề Biển Đông.
Rất nhiều kênh đài truyền hình thế giới sẽ đưa ra những hình ảnh đó như những lời tố cáo xác thực, như bộ mặt thật của lãnh đạo Bắc Kinh và gương mặt thật và xứng đáng của nhân dân VN.
Dư luận sẽ phán xét.

Có thể, khi đọc đến đây, bạn sẽ cho rằng, tôi đang đưa ra giả thuyết «đánh cược» trên sinh mạng của những ngư dân vô tội? Tôi nói nghiêm túc và thành ý. Bởi khi đứng trước hiện trang bị o ép và gây áp lực, đôi khi, những hành vi có vẻ là ngu xuẩn và thiếu thực tế, lại vô cùng lợi hại.
Rồi, tôi suy nghĩ thêm, nếu Hội Nghề cá làm được điều này, tôi, nhân danh một công dân mới của Việt Nam, sẽ bằng cách nào đó, sắm cho mình một chiếc tàu, như một thủy thủ đoàn, cùng các bạn yêu mến Việt Nam và trăn trở với biển đảo quê hương, giong thuyền ra khơi vói 500 tàu đánh cá đó.

Một chuyến đi hướng tới quyền lợi của con người và dân tộc vì phẩm giá và công lý. Và đó sẽ là sự đóng góp cụ thể của tôi vào cuộc thảo luận về «Quốc tế hóa Biển Đông», nhằm bảo vệ đất nước thứ hai của tôi.

A.M. HCQ

Chú thích :(1) (2) Trong Kinh Cựu ước, có một người anh hùng mang tên David. Quê hương của họ bị láng giềng xâm lược. Trước khi hai quân đội đụng đầu mỗi phía đồng ý việc thắng/thua do một cuộc đấu quyết định giữa hai anh hùng đại diện hai quân đội. David người chăn cừu nhỏ con chỉ có một cái ná bắn đá trong tay đã thắng kẻ xâm lược khổng lồ Goliath vũ trang đến tận răng…(3) (4) (5) Trong huyền thoại Hy lạp có một chuyện nổi tiếng về một phụ nữ tên Pénélope đã chung thủy chờ suốt hai thập kỷ người chồng của mình, một anh hùng tên Ulysse đã đi xa trên biển tham gia vào cuộc chiến tranh tại một xứ tên Troie.

André Menras Hồ Cương Quyết
Nguồn :
http://boxitvn.blogspot.com/2010/04/toi-mo-ve-mot-chiec-tau-nho-nho.html#more

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét