Đừng để "sâu" nhiều hơn rau
Hôm 28 tháng 2, lực lượng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt quả tang một sới bạc lớn ngay cạnh trụ sở Công an phường Trưng Trắc (Thị xã Phúc Yên), thu giữ hơn 40 triệu đồng và nhiều loại tài sản khác. Các con bạc bị bắt quả tang phần lớn là những cán bộ trong các cơ quan công quyền của tỉnh Vĩnh Phúc: ông Nguyễn Văn Bình, Phó giám đốc Sở Công thương, nguyên Bí thư Thị ủy Phúc Yên; Trần Hồng Điệp, cán bộ Thị ủy Phúc Yên...
Nhiều cán bộ ở Phúc Yên đã từng nghe ông Nguyễn Văn Bình khi còn là Bí thư Thị ủy Phúc Yên lên tiếng rao giảng về đạo đức cách mạng của những đảng viên. Ông nói khá hay, khá hùng hồn. Và rồi sau những bài diễn thuyết ấy, ông bước đến sới bạc và mặt mũi "lúc đỏ lúc xanh" với cơn khát bạc của mình.
Các con bạc bị bắt quả tang phần lớn là những cán bộ trong các cơ quan công quyền của tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh minh họa nguồn: baomoi.com)
Không ít cán bộ cấp dưới ông Bình biết chuyện ông đánh bạc nhưng đố họ dám nói ra. Nếu không có việc công an bắt quả tang ông nguyên Bí thứ Thị ủy này đang đánh bạc mà một người dân hay cán bộ cấp dưới của ông gặp những người có trách nhiệm báo cáo rằng ông ấy có biểu hiện tiêu cực thì có lẽ ... "xong đời" luôn. Người dân kia hay cán bộ kia sẽ bị quy vào tội vu khống cán bộ. Bởi một đồng chí Bí thư Thị ủy không thể là một kẻ hư hỏng. Nhưng sự thật vẫn là sự thật.
Thế mà khi tôi nói về điều này thì một ông bạn tôi bây giờ cũng làm cán bộ lãnh đạo cấp Vụ tỏ ra rất khó chịu. Anh ấy nói với tôi rằng "Vì ông là bạn nên tôi nhắc ông hãy cẩn thận không rơi vào cái bẫy của kẻ xấu". Rồi ông bảo tôi đó chỉ là "con sâu bỏ rầu nồi canh".
Tôi cũng nổi giận nói với bạn mình rằng: "Sao đến lúc này mà những người có trách nhiệm lớn đối với đất nước như ông vẫn nói cái bài "con sâu bỏ rầu nồi canh" hay là "trường hợp cá biệt". Thưa ông bạn Vụ trưởng, đúng là con sâu bỏ rầu nồi canh nhưng bây giờ nhiều sâu quá. Đừng để đến lúc sâu nhiều hơn rau thì không cứu nổi đâu".
"Đầy tớ" đấm nhân dân và chỉ mình nhà "đầy tớ" có điện
Một "đầy tớ" cấp Phó chủ tịch huyện "xuống tấn" đấm vào mặt một nhân dân đã... già
Bạn có tin không? Không muốn tin.
Bạn có muốn nghe không? Nghe nhiều rồi mệt lắm.
Bạn có muốn lên tiếng không? Phải lên tiếng.
Nhân dân ấy có tên trong chứng minh thư là Nguyễn Thị Chiến, 61 tuổi, ở khu phố 9, thị trấn Mộc Hóa, Long An. Một hôm, nhân dân đưa hai cháu nhỏ đi chơi đến gian hàng đu quay của gia đình ông Phó chủ tịch Trần Hoài Bảo. Vì hai tay bế hai cháu nhỏ khó mua vé nên bà rất mừng khi nhìn thấy một người đàn ông mặt mày phương phi, trang phục chỉnh tề nghĩ đó là người có học và nhân hậu bèn nhờ mua giúp vé. Nhưng cái ông có vẻ có học và nhân hậu này hất hàm hỏi "Bà biết tôi là ai không?".
Than ôi, nhân dân đã không nhận ra đó là "đầy tớ" của mình. Họa lớn, họa lớn. Bà đã mắc một sai lầm chết người là dám nhờ "đầy tớ" mua giúp vé cho hai cháu nhỏ, những mần non của đất nước, những công dân tương lai của đất nước như nhiều "đầy tớ" vẫn thường lên tiếng. Bà đã không thể sửa chữa được lỗi lầm của mình nữa. Bà đã xúc phạm "đầy tớ" . Hậu quả đến ngay lập tức từ sai lầm của nhân dân: một quả đấm thoi đúng mặt nhân dân 61 tuổi như phim cao bồi Mỹ. (Đất Việt)
"Có biết ta là ai không?". Đấy là câu hỏi có thể thành lời hoặc thể hiện bằng nhiều động tác khác nhau mà chúng ta thường gặp ở không ít "đầy tớ" tại nơi công sở của "đầy tớ". Đó là thói hồng hách, cửa quyền, đè nén nhân dân của không ít "đầy tớ" mà chúng ta đã, đang và tiếp tục lên tiếng.
Rồi sau đó, "đầy tớ" mang 5 triệu đến và xin lỗi nhân dân. Nhân dân 61 tuổi này đã xin rút đơn khiếu lại "đầy tớ" đấm vào mặt mình. Lại là tiền hay nói cách tế nhị hơn lại phong bì.
Ha ha ha...
Xin đừng ai nghĩ rằng nhân dân vì tiền mà bỏ qua việc đó. Nhân dân bỏ qua là vì lời xin lỗi của "đầy tớ". Nhân dân đã từng tha thứ cho những "đầy tớ" chỉ bởi một lời xin lỗi không thôi.
Thưa ông bạn Vụ trưởng của tôi, lại thêm một "con sâu" nữa nhé. Tôi không có ý vạch lá tìm sâu mà là sâu cứ bò ngang nhiên trên mặt lá rau đấy chứ. Ông nhìn thấy, tôi nhìn thấy và muôn người đều nhìn thấy.
Và đây lại thêm một chuyện nữa. Một ngày cả thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang bị cắt điện. Thế nhưng có một nơi điện vẫn sáng tưng bừng mà không phải do dùng máy phát cá nhân. Nơi nào vậy ?
Chắc đó là trụ sở công an hay doanh trại quân đội, những lực lượng phải thường trực chiến đấu? Không phải.
Chắc đó là bệnh viện nơi có những bệnh nhân nếu thiếu điện cho các phương tiện hô hấp hay phẫu thuật hoạt động thì có thể cướp đi trong chớp mắt sinh mệnh con người? Không phải.
Chắc đó là trường học, nơi những chủ nhân tương lai của đất nước đang dùi mài kinh sử? Không phải.
Nơi sáng điện trong khi tất cả mất hết là nhà của một cá nhân. Nhà của cá nhân nào mà được ưu tiên như đối với Hoàng Đế vậy? Xin thưa, là nhà một "đầy tớ" của nhân dân, nhà ông Lưu Thanh Nam, Giám đốc Điện lực Tiền Giang. Và một số gia đình nhân dân xung quanh nhà ông "đầy tớ" này có điện vì được "ăn theo" trong khi đó thì những cơ quan vô cùng quan trọng kể trên lẽ ra không thể thiếu điện. (Tuổi Trẻ)
Nhà của ông "đầy tớ" Lưu Thanh Nam cũng như nhà của muôn người dân khác. Vì vậy có mất điện trong vài giờ đồng hồ cũng chưa có gì nguy cấp. Thôi thì, những "đầy tớ" như ông Nam kia làm gì thì làm dân đâu dám nói. Nhưng sao ông không gương mẫu một chút cho ra vẻ "đầy tớ" đồng cam cộng khổ với nhân dân. Nhưng kiểu "quan cách" của nhiều ông bà "đầy tớ" nhân dân đã quen rồi nên mới ngang nhiên như thế. Hình ảnh ấy giống như một người lớn trong gia đình cứ ngồi ăn tì tì những sơn hào hải vị trong khi đó các thành viên khác thì đói lả ngồi nhìn.
Liệu nhân dân có tin một "đầy tớ" của mình không chịu chia sẻ một chút khó khăn hay chỉ giả vờ chia sẻ một chút khó khăn ấy thôi với nhân dân là một "đầy tớ" thực sự hay chỉ là một "ông chủ" ? Lại nhớ đến truyện ngắn Vỡ đê mà chúng ta vẫn giảng dạy cho học sinh hết thế hệ này đến thế hệ khác.
Chuyện kể về một ông quan phụ mẫu ngồi chơi tổ tôm trong khi nước dâng lên và nguy cơ đê vỡ. Lính chạy vào bẩm báo nhưng ông quan ấy chẳng mảy may xúc động và cũng chẳng chỉ đạo hộ đê hay giúp dân sơ tán khỏi vùng nước nguy hiểm mà đang chúi cái bộ mặt đầy mỡ để ù này... ù này. Và trong khi ông quan phụ mẫu đang say sưa với những quân bài tổ tôm thì muôn dân đang kêu khóc và bị nước cuốn đi trong đêm mưa gió tối tăm ở ngoài kia.
Ban Tuyên giáo Trung ương ơi, bênh tụi em với!
Sáng ngày 8 tháng 4, trong cuộc họp báo định kỳ của thành phố Cần Thơ, Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ Phạm Thanh Vận phát biểu: "Vụ án Nông trường Sông Hậu không phải của Cần Thơ. Vụ án này, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương cho rằng là một trong 17 vụ tham nhũng nghiêm trọng, cần tập trung giải quyết..."
Sao vụ án này lại không phải của Cần Thơ khi chính các cơ quan luật pháp tiến hành điều tra và xét xử vụ này là thuộc quyền quản lý của Cần Thơ. Việc chỉ đạo từ Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, theo tôi, là việc đương nhiên. Bởi đây là vụ án phức tạp chứ chưa hẳn là vụ án nghiêm trọng. Nhưng chuyện đó ta hãy tạm gác sang một bên.
Việc mà dư luận quan tâm là sau khi Cần Thơ xử vụ án này thì Viện KSNDTC đánh giá là có nhiều sai lầm, thiếu sót nghiêm trọng. Từ "nghiêm trọng" có lẽ dùng ở đây mới là đúng. Nếu sự việc đúng như Viện KSNDTC đánh giá thì các cơ quan chức năng của Cần Thơ phải trả lời rành mạch trước pháp luật và dư luận.
Trong cuộc họp báo này, Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ nói một câu làm nhiều người ngơ ngác : "Chúng tôi cũng đang đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo định hướng dư luận về vụ Nông trường Sông Hậu". Xin thưa đồng chí Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ, một trong những yêu cầu của Đảng đối với báo chí là phải phản ánh đúng sự thật cho dù người ấy là ai và không được bao che, bôi nhọ hay xuyên tạc.
Về việc phản ánh vụ án Nông trường Sông Hậu, báo chí đang đưa tin đúng sự thật theo công bố của các cơ quan luật pháp. Lúc đầu, cơ quan luật pháp ở Cần Thơ xử bà Ba Sương ra sao báo chí đã đưa đúng vậy. Rồi đến khi Viện KSNDTC phát hiện ra những sai lầm nghiêm trọng trong việc xét xử vụ án thì báo chí cũng đưa tin theo đúng những gì mà Viện KSNDTC cung cấp. Mà việc phát hiện ra những điều bất ổn trong điều tra và xử án ở Cần Thơ có một phần công của báo chí.
Vậy đồng chí Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ muốn ban Tuyên giáo Trung ương định hướng báo chí theo hướng nào? Chẳng lẽ ban Tuyên giáo Trung ương lại định hướng báo chí bao che sự thật sao?
Với nhiều người dự cuộc họp báo đó, thì câu nói của đồng chí Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ mà tôi vừa trích ở trên giống như câu : "Ban Tuyên giáo Trung ương ơi, bênh tụi em với !
"Điều bất thường" phải được dịch ra là "rất bình thường"
Cầu Thăng Long vừa khánh thành thì xuất hiện những vết nứt có thể đủ cho một con gà chui xuống làm ổ đẻ. Và những người có trách nhiệm dửng dưng trả lời là do "thời tiết thất thường". Chuyện này phải đưa vào tuyển tập tiếu lâm hiện đại thế giới.
Còn bây giờ đến con đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương) mới đưa vào xử dụng được hai tháng lại bị lún. Và những người có trách nhiệm lại trả lời là " hoàn toàn bình thường".
Trong khi đó, ông Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM - nhận xét : việc đường cao tốc mới đưa vào khai thác hơn 2 tháng mà đã lún, chứng tỏ việc thiết kế, thi công có thiếu sót.
Vậy thiếu sót ở đây là thiếu sót gì? Giá con đường cao tốc ấy hay những công trình khác đã được xây dựng giống như một chiếc bánh để bóc ra cho mọi người thấu hiểu bên trong. Cho dù sai sót ở thiết kế hay thi công thì cũng là những nguy hiểm quá lớn trong nhiều nghĩa.
Bà cũng tỏ rõ băn khoăn trước thực tế nhiều xã càng khó khăn tỷ lệ giảm nghèo càng nhanh, nhưng giảm nhanh thì tái cũng nhanh. Và Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đặt câu hỏi liệu có bệnh thành tích đằng sau các con số báo cáo hay không?
Tại kỳ họp Quốc hội thứ sáu (cuối năm 2009) tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2009 còn khoảng 11% (theo báo cáo của Chính phủ) cũng là con số được nhắc đến rất nhiều lần tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, dường như không có mấy vị đại biểu của dân tin vào tính xác thực của nó. Thậm chí, một số ý kiến đã thẳng thừng bác bỏ và cho rằng trên thực tế tỷ lệ hộ nghèo chắc chắn cao hơn. (VnEconomy).
Không thể phủ nhận công cuộc xóa đói giảm nghèo của chúng ta đã đạt được những thành tựu rất ấn tượng. Việt Nam luôn được quốc tế ngợi ca như một điển hình đi đầu trong công cuộc giảm nghèo của các nước dang phát triển.
Những băn khoăn và nghi vấn của những người có trách nhiệm cao nói trên đã đặt ra câu hỏi phải chăng công cuộc xoá đói giảm nghèo ở một số địa phương đang bị làm "ảo thuật" ở một mức độ nào đấy?
Một trong những trò "ảo thuật" là chủ nghĩa thành tích. Mà bản chất của chủ nghĩa thành tích chính là sự nói dối. Tôi nhớ cách dây hai năm, tỉnh Bạc Liêu đã phải ra quyết định rút danh hiệu Gia đình văn hoá của 597 gia đình. Việc đó có cùng bản chất với hành động sau một đêm ngủ tỉnh dậy, hàng trăm gia đình ở quận Hà Đông thấy nhà mình đã "bị" đóng biển bắt làm Gia đình văn hoá.
Thế rồi, khi chúng ta áp dụng các nguyên tắc thi tốt nghiệp THPT thì phát hiện ra tỷ lệ tốt nghiệp thấp đến mức kinh hoàng. Những hành động đó phải gọi đúng tên thì chính là trò dối trá.
Nay chuyện xoá đói giảm nghèo cũng đang có những vấn nạn tương tự. Trung ương rót tiền về một địa phương. Địa phương đó mang tiền chia cho mỗi gia đình một tí. Thế là địa phương ghi ngay vào sổ những gia đình đã được xoá đói giảm nghèo và báo cáo lên trên. Bản chất của việc xoá đói giảm nghèo kiểu đó chẳng khác gì "phát chẩn" thời hiện đại. Nghĩa là phát cho dân ít tiền để đong gạo và quét vôi làm mới ngôi nhà ọp ẹp của mình.
Bản chất thực sự của xoá đói giảm nghèo là sự hỗ trợ ban đầu như những điều kiện cần để người dân từ đó phát triển kinh tế. Điều cốt yếu của xoá đói giảm nghèo là phải có một hoạch định mang tính chiến lược cho những gia đình, cho những địa phương từng bước phát triển kinh tế. Lãnh đạo các địa phương đó phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng tiềm năng và những lợi thế của của địa phương và quyết định một cách sáng suốt hướng đi cho địa phương đó.
Nếu không làm được như thế, thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể xoá đói giảm nghèo một cách thực sự. Vì như bà Trương Thị Mai nói xoá đói giảm nghèo rất nhanh nhưng tái đói nghèo cũng nhanh không kém. Để sau đó một vài năm, địa phương lại lên một danh sách những hộ nghèo cần xoá và đòi hỏi Trung ương rót tiền xuống để xoá, rồi lại rót tiền và lại rót....
Và như thế, biết bao giờ chúng ta thoát ra được khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét