14 thg 9, 2010
3,2 triệu giờ chổng mông gõ gúc gồ và Hội tàn sát phụ huynh
3,2 triệu giờ chổng mông gõ gúc gồ
Hôm qua báo Nhân dân đăng 1 cái tin ngắn về việc các loại cơ sở đoàn gửi tặng 1000 lá cờ cho bộ đội Trường sa “nhân 1000 năm Thăng Long”. Thế những lá cờ này sẽ dung làm gì nhỉ? Đề chào, để treo- đương nhiên rồi. Nhưng mà lấy đâu ra lắm đảo, lắm cột để treo hết cả ngàn lá cờ? À, nghĩ ra rồi, có khi vài hôm nữa bộ đội hải quân lại bắt chước Công ty 74 Binh đoàn 15 Gia Lai đem tặng lại những lá cờ này cho học sinh nghèo vượt khó. Gì chứ học sinh nghèo vượt khó thì đông lắm Ngàn lá cờ có khi chả đủ. Học sinh, góp tiền mua cờ tặng bộ đội rồi bộ đội lại tặng cờ cho học sinh để rồi, nhân một cuộc phát động nào đó, học sinh lại đem cờ tặng bộ đội. Hơi tội cho là quốc kỳ cứ bị đùn đùn đẩy đẩy với danh nghĩa món quà chẳng ai muốn nhận dù ý nghĩa của việc cho tặng này cao đẹp và thiết thực đến nối đã trao thì có muốn cũng cấm thằng nào có thể từ chối.
Sáng nay đi qua “hàng xóm” Trung ương Đoàn, bắt quả tang được con số hơn 3,2 triệu Bài thi tìm hiểu “Thăng Long – Hà Nội nghìn năm Văn hiến và Anh hùng” mà TƯ Đoàn đã “thu” được. Lại mừng đại lễ ngàn năm đây mà. “
Năm 1010, Hoàng đế Lý Thái Tổ đã cho xây Tòa chính điện Càn Nguyên của Kinh đô Thăng Long ở trên cao điểm nào?”.
Đây là một trong 13 câu đề trong bài thi tìm hiểu mà học sinh tiểu học ở Nghĩa Tân phải trả lời.
“Trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long có những giá trị nổi bật toàn cầu nào?”
Nếu bác nào mà còn đủ kiên nhẫn đọc đến đây thì làm ơn trả lời dùm câu hỏi này và trả lời chính xác giúp là mình có thực biết hay không. (Các phương án “ai là triệu phú” như sau:
A- Có tầng văn hóa khảo cổ học dầy và rộng nhất.
B-Là nơi diễn ra sự giao thoa văn hóa của phương Đông và thế giới.
C-Là trung tâm chính trị, văn hóa, trung tâm quyền lực quốc gia trong suốt thời kỳ dài.
D-Liên quan chặt chẽ với những sự kiện quan trọng và các giá trị biểu đạt văn hóa nghệ thuật của quá trình hình thành và phát triển quốc gia độc lập gần một thiên niên kỷ).
Cũng may là GS Ngô được giải Fi-ét sau khi cuộc thi này được tổ chức chứ nếu không thế nào cũng có câu “Hãy phân tích ý nghĩa của việc giải bổ đề cơ bản”.
Với 13 câu thi, chưa kể đến phần tự luận 1000 chữ (nếu tính nhuận bút còi nhất cũng phải 200 ngàn) nói thật, đến bố mẹ ông bà cô gì chú bác than bằng cố hữu nội ngoại xa gần của học sinh cũng phải chổng mông mà gõ gúc gồ cả tiếng mới thi hết 13 câu cho con cháu chứ sức mấy sinh viên đại học đã có trình độ sử học đủ để trả lời nổi những câu thế này.
Nhìn cuộc thi “mừng đại lễ” chỉ thấy đó đúng chỉ là cơ hội giải ngân một cách không thương tiếc tiền đại lễ ngàn năm, chỉ thấy đó đúng là sự lãng phí đến vô lý. 3,2 triệu tờ giấy. 3,2 triệu giờ chổng mông gõ gúc gồ, tra sách lịch sử và 3,2 triệu nỗi bức xúc, phiên toái.
Cũng vẫn hội chứng ngàn năm, 2 hôm trước trang thong tin chính thức của Chính phủ đăng một “từ lạ”: Bát man tấn công. Theo tinh thần của bản tin thì đây là bản nhạc sẽ được dùng trong đại lễ ngàn năm. Người dơi tấn công? Không phải. Các blogger đối chiếu chán chê mới phát hiện hóa ra đó là bản “Bát man tấn cống”.
Bản nhạc có cái tên này hiểm quá. Theo GS Trần Văn Khê: Bát man tấn cống thuộc “Bát ngự”, gồm 8 bài được sáng tác để nghinh giá lúc vua Thành Thái vào Nam . 8 bài đó là: Đường Thái Tôn, Vọng phu, Chiêu quân, Ái tử kê, Bắc Man tấn cống, Tương tư, Quả phụ hàm oan, Duyên kỳ ngộ.
Về bài Bắc Man tấn cống có chút dị biệt trong cách gọi. GS Lê Văn Tiếng trog quyền Cầm ca Tân điệu và Trần Hữu Trang gọi là Bát man tấn cống. Theo thiển ý thì bát man đúng hơn vì đó là chỉ 8 người thuộc về dân tộc man dị mọi dợ phía Nam, người Trung Quốc hay dung chữ Nam man. Wikipedia giải thích “ Nam man”, tức người man dợ ở phương nam, là từ miệt thị để chỉ các bộ lạc nổi loạn phía tây nam Trung Quốc. Chúng ta đã từng biết đến tứ di từ tư tưởng "bá quyền" trong nho học, coi khinh các dân tộc khác, coi mình là trung tâm còn "tứ di" xung quanh đều là "bỉ lậu" cả. Sách Tam quốc cũng đã có một hồi đặt tên “Thất cầm Mạnh Hoạch”, vua của người Miêu, được mô tả như lũ người man dợ chưa được khai hóa. Trong truyện “Trạng Lợn” cũng kể lại chuyện “Trạng” đối thoại với “Viên quan Tàu” bằng cách giơ tám ngón tay "Bát man tiến cống" (tám man dâng cống) để đối vế bốn ngón tay “Tứ di lai tân" (Bốn rợ khách đến). Đại ý trình “tra gúc” của Tại hạ cũng chỉ biết đến có thế. Còn vì sao bản nhạc này lại được biểu diễn trong dịp đại lễ, vì sao lại nói chuyện bát man trong dịp Thăng Long ngàn tuổi thì chịu. Tại hạ xin được các cao nhân chỉ giáo.
8 dợ dâng cống mà lại nhầm sang người dơi tấn công thì đúng là không còn cái lỗ nẻ nào để chui. Đau một cái là sự nhầm lẫn này lại được đăng trên website của Chính phủ. Đâu them cái nữa là không có “cô đánh máy” nào để mà đổ lỗi.
Còn hai chục ngày nữa là đến lễ thượng thọ cho Thăng Long ngàn tuổi. Không biết khi 1000 chiếc trống đồng cùng được gõ thì dân tình sẽ ngơ ngác náo loạn thế nào. Chả phải là trống ngũ liên chỉ được gõ đập khi thủy hỏa đạo tặc xảy ra đó sao. Hay là những nhà tổ chức đang chứng tỏ sự “rợ” của mình cho hòa hợp khi bản “bát man tấn cống” cất lên hoan hỉ trong dịp đại lễ.
Hội tàn sát phụ huynh
Nếu hội phụ huynh mà nhiều người giờ gọi là "Hội thu tiền phụ huynh" bảo rằng bạn phải đóng tiền mua "đồ chơi" và 100 triệu đồng tiền đồ chơi đó đã chi rồi, đã mang về để sẵn ở sân trường, thì bạn sẽ từ chối đóng vì "những khoản tự nguyện thì có quyền từ chối"? Nếu con bạn ngày nào cũng nhắc đi nhắc lại đề nghị đóng "quỹ lớp" 350 ngàn vì "chỉ còn mình con chưa đóng" thì bạn có thể lắc đầu vì "đây là những khoản không bắt buộc"? Nếu bạn được đề nghị đóng thêm "dăm chục mỗi tháng" tiền vệ sinh thì bạn sẽ từ chối để bỗng một ngày phát hiện con mình từ lâu đã có thói quen "nhịn vệ sinh" khi tới trường vì cứ nhìn thấy hai chữ WC là nôn mửa?
http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1434&chitiet=17124&Style=1
Rõ ràng khi hầu hết tất cả các trường, hoặc công khai nói ra, hoặc ngấm ngầm khuyến khích quan niệm xã hội hóa giáo dục "là tự nguyện, là có sự thỏa thuận", khi mà các sở giáo dục chỉ nghiêm cấm mức thu "quá sức", khi mà đương kim Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận vẫn loanh quanh rằng: "việc chống lạm thu trong nhà trường cũng như việc đấu tranh chống tiêu cực không thể đạt kết quả nếu hành động đơn phương", thì bạn, với tư cách là cha mẹ học sinh sẽ còn bị buộc phải tự nguyện dài dài, sẽ còn phải chấp nhận, không biết khi nào chấm dứt, tình trạng thu bao nhiêu cũng là chưa "quá sức" và sẽ còn phải dẫm chân đấm ngực, vì chống lạm thu là việc của bạn, là vì bạn tiếp tay, bạn tự nguyện, là chính bạn tiêu cực, chứ đâu phải tại bộ trưởng.
Vấn đề mới nhất, hot nhất, thể hiện sự chuyển biến nhất của ngành giáo dục năm nay sau khi Bộ trưởng mới nhậm chức là các trường đã không dại gì "bắt buộc" phụ huynh phải nộp mà thay vào đó, đã có hội cha mẹ học sinh đứng ra vận động sự tự nguyện, không tự nguyện thì "bắt phải tự nguyện". Và các phụ huynh học sinh hoặc tự nguyện, hoặc bị bắt phải tự nguyện, cuối cùng, rốt cục, cũng phải thọc sâu tay vào túi. Không thay đổi được đâu. Nói nhiều thiệt con mình. Không có gì khác đâu, dù đó đây các vị giám đốc sở giáo dục vẫn nhắc đi nhắc lại rằng đã chấn chỉnh, sẽ cương quyết "Nói Không với lạm thu".
Năm ngoái, dư luận choáng váng sau một kỷ lục được lập bởi trường Tiểu học Phú Minh, Phú Xuyên, Hà Nội. Choáng váng bởi con số 23 khoản thu. Kinh ngạc trước sự sáng tạo tuyệt vời của những khoản thu mang những cái tên cần thiết đến không thể lắc đầu nào là “hao mòn đồ dùng”, nào là phí “vật kỷ niệm”, rồi thì “quỹ chăm sóc cây”, rồi “bảo hiểm điện”...Thật không thể không sững sờ trước sự chịu đựng, sự nhẫn nhục, sự cao cả của các vị phụ huynh học sinh nơi đây.
Năm nay, tình trạng lạm thu không có gì thay đổi. Nếu có thay thì chỉ là việc nêu cao vai trò của Hội phụ huynh để "bắt buộc phải tự nguyện" đóng tiền, thay cho những tờ thông báo bắt buộc mang tính chất mệnh lệnh hành chính như mọi năm.
Tiếng trống trong ngày tựu trường còn chưa dứt thì báo chí đã kịp liệt kê hàng chục "khoản tự nguyện" vô lý vô lẽ gạch đầu dòng đủ hai trang giấy.
Ở Hà Nội, ngoài chuyện lạm thu, phụ huynh còn đang sởn tóc gáy trước tuyên bố của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Hữu Độ rằng: Sở sẽ đề xuất, học kỳ 2 sẽ tăng học phí, nhưng phải đảm bảo không quá 1,5 đến 2 lần so với hiện tại, đồng thời tăng định mức ngân sách đề xuất lên trên 2 triệu đồng/học sinh. "Ngân sách và khoản thu học phí sẽ là nguồn thu đủ để chi cho các hoạt động tại các nhà trường, hướng đến việc dần dần giảm việc "lạm thu" ngoài học phí của các trường".
Thưa ngài giám đốc, với tình trạng "bị bắt buộc phải tự nguyện" như hiện nay thì tại sao phụ huynh phải tin vào lời hứa tăng học phí sẽ giảm được lạm thu?
Một sáng kiến mới đã xuất hiện trong những ngày khai giảng: Thay vì góp bằng tiền thì nhiều trường khuyến khích phụ huynh có thể góp bằng hiện vật. Không nói đâu xa, ngay chính tại Đà Nẵng, địa phương được tiếng là làm tốt và cương quyết chấn chỉnh tình trạng lạm thu, ngay trong những ngày đầu tháng 9 đã xảy ra hai vụ làm thu gây phản ứng gay gắt trong dư luận. Đó là việc Chi hội Khuyến học trường tiểu học Trần Văn Ơn vận động cha mẹ học sinh gây quỹ khuyến học trái phép. Vụ thứ hai, còn gây bức xúc hơn, xảy ra tại trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ. Ban đại diện cha mẹ học sinh vận động phụ huynh trong lớp đóng góp mua tivi màn hình tinh thể lỏng thay cho tivi đã có sẵn trong phòng học và một số trang thiết bị khác với tổng kinh phí dự chi hơn 20 triệu đồng, bình quân mỗi phụ huynh phải đóng góp tối thiểu 500.000 đồng. Có người nói những vụ lạm thu lòi ra khỏi miếng giẻ là bởi Đà Nẵng đã làm cương quyết, đến mức Bí thư Thành ủy còn nói đến độ “không phụ huynh nào dám há miệng phản ứng”.
Nếu như đương kim Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận, trước câu hỏi "có dự định sẽ chọn vấn đề gì để ưu tiên giải quyết" đã trả lời "Tôi không nghĩ đến việc tạo dấu ấn cá nhân cho mình". Và rằng: "Có khi nhiều người, với tư cách công dân thì phản ứng nhưng với tư cách phụ huynh lại tiếp tay cho việc nộp tiền" thì rõ ràng việc lạm thu nếu xảy ra là tại phụ huynh chứ đâu phải tại bộ, tại sở, tại trường.
Còn đây là hình ảnh của "Hội phụ huynh" qua con mắt của những phụ huynh khốn khổ ở Đà Nẵng: Chính Ban đại diện Hội phụ huynh của lớp vận động quyên góp mỗi người tối thiểu đến 500.000 đồng để mua ti-vi mới và một số trang thiết bị khác cho lớp học. Khi tất cả các phụ huynh trong lớp chưa quyên góp hết và không phải ai cũng đồng tình với mức thu này thì Ban đại diện Hội phụ huynh đã tự ứng tiền trang bị ngay một ti-vi mới cho lớp ngay khi vừa kết thúc cuộc họp đầu năm.
Một vị trong Hội phụ huynh của lớp còn hô hào mọi người đóng góp đầy đủ và đánh động đến lòng tự trọng của các phụ huynh khác khi lên tiếng: “Ai không đủ điều kiện thì cứ liên hệ gặp riêng tôi”.Nói chung, trong những trường hợp như thế này thì đúng là một vài phụ huynh ngộ độc tinh thần bắc cầu Kiều đã làm hại vô số các vị phụ huynh khác. Và Hội phụ huynh, không còn chỉ là "Hội thu tiền" nữa mà chính xác phải gọi là Hội thu tiền phụ huynh
Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=4069
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét