Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

3 thg 9, 2010

Khi sự giả dối xâm nhập...

Đã quá hạn định (31-8) mà vụ một công ty thủy sản ở Cần Thơ nhập về 40 tấn rùa tai đỏ chưa được giải quyết rốt ráo.
Doanh nghiệp đáng bị phê phán một phần thì Cục Nuôi trồng thủy sản (đơn vị cấp phép nhập khẩu lô hàng) đáng bị phê phán mười phần. Bởi vì đó là loài rùa độc, bị Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đưa vào danh sách 206 loài xâm hại toàn cầu và 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới.
Thế mà Cục Nuôi trồng thủy sản lại “không biết”, lại phân trần rằng khi cấp phép không biết rùa nhập về loại nào, có độc hay không!?

Tương tự thế, sau cuộc tọa đàm hôm 31-8 về chuyện những cây lúa mọc từ những hạt thóc lấy từ hố khai quật tại di chỉ Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội) mới rõ: “Lúa cổ” thực chất là giống lúa hiện đại!
GS-TS Trần Duy Quý, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp, cho rằng quá trình lấy mẫu và bảo quản còn sơ suất, hố khai quật không được bảo vệ nghiêm ngặt bằng hàng rào, phía trên không có mái che nên rất có khả năng chim hoặc chuột tha đến. Hơn thế, kiến thức khoa học bình thường cũng biết trong điều kiện tự nhiên thì sau 4-5 năm là thóc mất sức nảy mầm hoàn toàn và dù bảo quản trong điều kiện nitơ lỏng thì tuổi nảy mầm tối đa là 50-60 năm. Cho nên nói lúa 3.000 năm tuổi hoặc hơn thế “nảy mầm” là rất khó xảy ra.

Thế mà vài ý kiến khoa học cực đoan từng khăng khăng về “phát hiện lớn” này vẫn cố biện bạch, “cổ” hay không vẫn quý (!). Thậm chí bất chấp ý kiến can ngăn “nên dừng lại ở đây”, có người vẫn đề nghị “tiếp tục cấp kinh phí để tiếp tục nghiên cứu...”.

Xét kỹ, rùa tai đỏ hay lúa cổ có thể chỉ là dốt nhưng rất có thể là sự không trung thực. Nếu là không trung thực thì sự nguy hiểm ở chỗ công chúng bình thường không dễ nhận ra ngay. Từ đó thấy vấn đề đạo đức khoa học cần phải đặt ra một cách sòng phẳng để nó vừa làm bệ phóng cho thiên tài, vừa không gây hậu quả cho xã hội.

Mới đây thôi, khi đang hân hoan vì giải thưởng của Ngô Bảo Châu, khi còn tranh cãi nơi nào có công đào tạo nên thiên tài thì vị GS trẻ này lại tỏ ra hết sức điềm đạm. Anh nói: “Môi trường khoa học lành mạnh là điều kiện tiên quyết” và đó “chính là nơi học thuật và đạo đức trong học thuật luôn được xếp vị trí đầu tiên”.

Khi sự giả dối tấn công tháp ngà khoa học thì chẳng còn chỗ cho lòng tốt, nói chi thiên tài!

Nguồn :http://butlong.multiply.com/journal/item/673/673

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét