Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

12 thg 9, 2010

Bộ Y tế bị nhiễm…”cúm A”



Hồi còn đi học phổ thông, tôi cứ nghĩ, lãnh đạo không bao giờ sai, thầy cô giáo không bao giờ biết nói dối, làm bác sỹ thì không thể ốm.
Sau này lớn lên tôi hiểu là lãnh đạo cũng là con người nên có thể sai. Thầy mải chơi tennis, sợ bị vợ mắng, cũng có thể nói dối rằng, thầy bận lắm ở trường.
Bác sỹ cũng ốm đau như ai và họ còn dễ nhiễm bệnh hơn người thường, vì bác sỹ chỉ gặp người ốm. Kẻ khỏe mạnh thì tìm bác sỹ làm chi.



Gần đây có chuyện bộ Y tế bị “nhiễm”…H5N1 hay còn gọi là cúm A. Họ nhiễm không phải do tiếp xúc với bệnh nhân mà do dùng quá nhiều thuốc, nhiều tới mức bị nhờn thuốc.
Cúm gà xảy ra lâu rồi, chẳng ai nhớ. Nhưng hệ lụy còn đến tận hôm nay. Báo chí gần đây cho hay Bộ Y tế đã không xác định đúng diễn biến của dịch cúm A H5N1, dẫn đến việc đề xuất dự trữ 30 triệu viên thuốc, tương đương 3 triệu liều cho 3 triệu người. Sau đó, chính phủ điều chỉnh xuống còn 20 triệu viên.
Người ta còn nhớ, trong khoảng 3 năm 2003 đến 2005, có 91 trường hợp mắc bệnh.
Dự án dự trữ thuốc phòng chống dịch cúm Tamilflu được cho là đã bỏ ra 562 tỷ đồng để bốn công ty trong nước sản xuất. Hiện trong kho của Bộ Y tế có 10 triệu viên đã hết hạn dùng.
Các công ty tham gia dự án, khi mua nguyên liệu từ Ấn Độ, đã báo cáo cho Bộ Y tế rằng giá nguyên liệu tăng cao so với đề xuất ban đầu. Sau đó, họ nhận “lại quả” hơn 6 triệu đôla từ nhà cung cấp nguyên liệu nhưng không thông báo lại cho Bộ Y tế.
Bây giờ vụ Tamiflu này bung ra làm không ít người đang lên “cơn sốt” với “triệu chứng” nguy hơn H5N1.
Dân VN ta coi cúm gà như trò trẻ con. Gà bị toi vẫn cho vào nồi nước sôi là chết hết mọi loại vi trùng. Đĩa thịt gà có hơi bị thâm chút cũng chẳng sao. Tiêu ớt, muối rang, lá chanh thì chả có loại H5N1 nào đáng sợ.
Đại dịch H5N1 được cho là bị thổi phồng với mục đích để cho các hãng dược bán thuốc. Đục nước béo cò, một số công ty trong nước đã tìm cách hưởng lợi từ vụ “cúm ảo” này.
Thú thật mà nói, không riêng gì Việt Nam ta, nhiều nước trên thế giới đều mắc bẫy H5N, kể cả Mỹ. Các kho dự trữ Tamiflu đều đầy ắp thuốc mà không thấy cúm gà ở đâu.

Nhưng trục lợi theo kiểu mua nguyên liệu giá cao, lấy tiền lại quả tới 120 tỷ đồng, chẳng cần biết thuốc có thiết thực tới đâu, thì quả thật, những người quản lý đã làm cả quốc gia đói nghèo này phát sốt.
Chỉ vì món lợi 120 tỷ (6 triệu đô la) cho túi riêng mà người ta đang tâm vứt đi gần 600 tỷ. Đó là nguyên tắc “lạ nhưng quen”, muốn ăn thì phải phá.


Còn nhớ ông Bộ trưởng khi nhậm chức đã hứa, sau 2 năm sẽ giải quyết dứt điểm vấn nạn “bệnh nhân chia giường”. Thời ông làm chủ tịch Hà Nội thì ngoài phố đã có cảnh xe máy chia đường.
Tới nay đã hết nhiệm kỳ 4 năm, lời thề cá trê chui ống. Vấn nạn chia giường không thuyên giảm mà có triệu chứng nặng hơn. Bây giờ ông “dính chấu” Tamiflu thì bệnh nhân tiếp tục “chia giường” để đợi nhiệm kỳ sau.

Hôm nay 20 triệu liều Tamiflu chẳng cần cho ai. Số bệnh nhân chết vì cúm A trong mấy năm chỉ tương đương với số người chết vì tai nạn giao thông trong ba ngày tại Việt Nam. Một sự “sốt sắng” vô cùng lãng phí khi người ta chi mấy chục triệu đô la sản xuất thuốc rồi …vứt đi.
Có lẽ 10 triệu liều Tamiflu hết hạn đã giúp người ta tìm ra ở Bộ Y tế đang có một dịch “cúm A” khác, hay còn gọi là cúm “ăn”.

Đó là quốc nạn tham ô lãng phí, muốn ăn thì phải phá, nguy hiểm hơn nhiều so với H5N1. Nó không chỉ lây lan ở Bộ Y tế này mà thành đại dịch, xảy ra mọi nơi mọi chỗ, không có phương thuốc nào hữu hiệu để chữa trị.
Dịch “cúm A” có nguồn gốc từ Bộ Y tế không giết ai ngay lập tức như H5N1, nhưng nó đang giết dần mòn lòng tin của nhân dân vào y đức quốc gia.

Hiệu Minh. 8-9-2010
Nguồn :http://hieuminh.org/2010/09/08/bo-y-te-bi-nhiem-cum-a/

1 nhận xét:

  1. Đúng là muốn ăn thì phải phá, đó chính là bản lĩnh lãnh đạo của các cựu lãnh đạo Vinashin.
    Thảo nào hồi ấy bất cứ ai bước chân vào bệnh viện nhiệt đới, qua phòng khám rởm đều bị phán là mắc cúm H5N1. Lại khổ cho những "con cừu" thôi.

    Trả lờiXóa