Nếu tư duy của Kiến trúc sư Thảo có thể vẽ được ra giấy thì nó sẽ là hình ảnh của một đoạn đồ thị thoắt ẩn, thoắt hiện, lúc xỉu, khi cương, trước thẳng, sau cong, và liên tục no oh yes.
Thật khó phân định những gì đang diễn ra khi vị kiến trúc sư, Chủ tịch Thành phố thay đổi quan điểm xoành xoạch trong chỉ vài tháng qua, thay đổi đến mức quay ngoắt, đến mức khó có thể nói là ông bị ép, ông sợ, hay ông có chủ kiến đủ để phân định những ý kiến, những quan điểm của mình là đang nói về cái gì và vì sao lại nói thế.
Dân chúng thủ đô "một ngàn năm văn hiến và anh hùng", các nhà khoa học, các lão thành cách mạng, thậm chí cả các quan chức Bộ Xây dựng (có lúc tưởng như không cùng một ruộc), và tất nhiên, cả “nhân dân TP HCM” nữa- đang đóng vai những khán giả xem gánh xiếc có tên là “Hội đồng thẩm định nhà nước” mà diễn viên chính là Nguyễn Thế Thảo chơi trò ảo thuật.
Nào, chúng ta cùng đoán: Trong cái hũ này có gì không? Có thì nó là cái gì? Cái gì đó nó sẽ thế nào? Hôm nay nó thế nào rồi nhưng mai nó còn thế nào nữa? Và bao giờ thì cái thế nào nó sẽ thế nào? Các vị cứ nói dã bọt mép đi, nhưng các vị sẽ không biết được đâu, vì đây là ảo thuật, là xiếc thú, trông vậy mà chẳng phải vậy, tưởng người mà lại là bò như chơi đấy thôi.
Quãng tháng 6, khi đồ án quy hoạch thủ đô được đưa ra bàn trước Quốc hội, trục tâm linh đã mau mắn được đổi tên thành trục Thăng Long. Bấy giờ, Chủ tịch Thảo mỉm cười xoa tay nói trên diễn đàn QH: Trục Thăng Long là trục không gian kết nối giữa trung tâm Ba Đình với Ba Vì. Hà Nội hiện có 7 trục, nhưng để tạo nên một trục không gian kiến trúc có những điểm nhấn và nổi bật của quy hoạch kiến trúc thì chưa có. Quy hoạch trục Thăng Long là điều kiện và cơ hội để tạo được quỹ đất thực hiện mục tiêu đó..
Thế rồi trong văn bản gửi....
Thế rồi, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 17-8, Chủ tịch Thảo lại khẳng định: Khi đã không xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia mới tại Ba Vì thì việc xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì không có ý nghĩa về công năng và về kinh tế xã hội. (Bởi) Nếu trục Hồ Tây - Ba Vì được hình thành như tư vấn đề xuất, sẽ có nguy cơ không chỉ phá vỡ ý tưởng hành lang xanh, còn tạo cơ hội cho sự ra đời các khu đô thị bám hai bên hệ trục.
Thế rồi chỉ ba tuần sau khi phản bác, Hà Nội lại có văn bản và văn bản này vẫn do Chủ tịch Thảo ký "thể hiện quan điểm" rằng: Đây là trục cảnh quan, hỗ trợ liên kết các không gian lớn Ba Đình - Hồ Tây - Ba Vì...
Ơ, thế còn ý nghĩa, còn công năng? Thế còn nguy cơ? Không nhẽ chỉ trong 3 tuần, những thứ đó bỗng dưng biến mất?
Rất nhiều báo đã đưa thừa hai chữ "Bất ngờ". Những cái tít đó vào tay Tại hạ, dứt khoát sẽ phải sửa thành: Không hề bất ngờ, Hà Nội lại thay đổi quan điểm về trục tâm linh. Bởi vì sao ư? Bởi vì nếu ngay trong ngày thứ hai đầu tuần tới đây, Hà Nội lại, không hề bất ngờ, thay đổi quan điểm, cho rằng trục Thăng Long, hay đường Hồ Tây- Ba Vì nên thẳng như trong đồ án ban đầu, vì như thế mới đảm bảo ý nghĩa tâm linh như những trục tâm linh ở Nga, ở Trung Quốc...thì liệu người dân sẽ còn bất ngờ? sẽ còn ngạc nhiên? sẽ còn đủ bình tĩnh và độ lượng để bĩu môi trước mấy cái trò khỉ này?
Một xã hội mà những điều bất ngờ chẳng làm ai ngạc nhiên thì rõ ràng đó là một xã hội thiếu niềm tin, một xã hội loạn. Các cụ nói cấm có sai câu nào về câu chuyện "Miệng quan". Và dù rất hiếm, đôi khi người dân cũng nhìn thấy được chuyện cong thẳng trong tư duy của các vị chỉ giỏi mỉm cười bí ẩn. Thấy cả được sự trắng đen trong tâm các vị nữa.
Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=4162
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét