Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

13 thg 9, 2010

ĐOẠN TUYỆT CON ĐƯỜNG ĐỐI THOẠI CUỐI CÙNG GIỮA NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN




Thông tư 04/2010/TT-TTCP ban hành ngày 26/8/2010 của Thanh tra Chính phủ về việc “Quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo” được áp dụng. Như các văn bản pháp luật nói chung, văn bản này cũng bao gồm các nội dung, nhưng nội dung phản ánh mục đích của việc ban hành thông tư này là ở:
Điều 8. Đơn khiếu nại có họ tên, chữ ký của nhiều người
Đơn khiếu nại có họ, tên, chữ ký của nhiều người thì cán bộ xử lý đơn đề xuất Thủ trưởng cơ quan chuyển trả đơn và toàn bộ tài liệu kèm theo (nếu có) cho người gửi đơn và hướng dẫn người khiếu nại,viết đơn khiếu nại riêng của từng người, gửi đến cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc trả lại đơn được thực hiện theo mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này.

Trong bài viết này, tôi không có mục đích chứng minh và phân tích tính vi hiến, vi phạm pháp luật của thông tư 04/20010/TT-TTCP. Vì đã có và sẽ có nhiều người chỉ rõ hoặc khiếu nại về tính chất bất hợp pháp của hành vi ban hành văn bản này.

Hiện tại, trong ý thức, trong tâm khảm của nhân dân đã mất lòng tin vào Đảng và Nhà nước rồi. Những đoàn người dân oan, bất bình khiếu kiện đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân, ở khắp các địa phương trong toàn quốc, đối mọi vấn đề liên quan đến đời sống, xã hội của đất nước đã chứng minh điều này. Trước đây, phương tiện đối thoại duy nhất giữa nhân dân và nhà nước chỉ còn là pháp luật, chứ không phải ứng xử với nhau bằng tâm, bằng lý nữa (tức lòng tin và lý lẽ phải, trái). Nhưng bằng Thông tư 04/2010/TT-TTCP Đảng và Nhà nước đã đoạn tuyệt con đường đối thoại cuối cùng này với nhân dân.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 97/2009/QĐ-TTg ngày 24/07/2009 về việc “Ban hành danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ”, được coi là quyết định “bịt mồm” trí thức thì nay Thông tư 04/2010/TT-TTCP sẽ là thông tư “bịt mồm” nhân dân, tiếp sau đây sẽ là “luật” gì nữa? Điều này đã chứng tỏ đó là những hành động có hệ thống, chứ không cá biệt, không ngẫu nhiên. Âu đó cũng là câu trả lời đích đáng cho nhân dân về những lời hứa của Đảng và Nhà nước.

Thông tư này sẽ hạn chế, ngăn cản và trong thực tế là triệt tiêu quyền khiếu nại, tố cáo hợp pháp của nhân dân. Nó gần như đồng nghĩa kết thúc thời hạn thi hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Ngoài ra nó còn triệt tiêu quyền khiếu nại, tố cáo ngoài tố tụng hình sự của nhân dân.

Nó phản ánh một tư tưởng, một lối hành xử bất bình đẳng, mang bản chất của tư tưởng Khổng giáo, lối hành xử của nhà nước phong kiến. Phân chia xã hội ra làm 02 loại, loại quân tử và loại tiểu nhân (quân tử, tiểu nhân không phải theo nghĩa xấu, tốt mà theo khái niệm của Khổng giáo). Quân tử là nhà nước, tiểu nhân là nhân dân; nhà nước có quyền áp đặt luật lệ cho nhân dân mà không cần giải thích, nhân dân có thân phận phải chấp hành.
Thời đại đó nay, đã lỗi thời, nhân dân không chấp nhận lối hành xử đó. Lối trị nước, trị dân bằng đạo giáo của kẻ cầm quyền không thể thay thế cho “pháp trị”, tức quản lý xã hội, nhà nước trên cở sở pháp luật, dân quyền. Thông tư không thể tùy tiện hạn chế dân quyền, thu hẹp hiến pháp, đứng trên luật, vượt qua nghị định.

Thông tư này sẽ góp phần vào “thành tích” chia rẽ nhân dân, đi ngược đạo lý truyền thống tình làng, nghĩa xóm của người Việt Nam: “sớm lửa tắt đèn có nhau” thành “đèn nhà ai nhà ấy rạng”; “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” thành “phận ai người ấy chịu”.
Nếu một mai nước có giặc dã thì tinh thần đoàn kết, tinh thần tập thể trong nhân dân có dễ lấy lại được không. Với lý lẽ này, thì đây rõ là hành vi phản động, hại nước hại dân, diễn biến hòa bình, thù trong chính là đây. Chính vì truyền thống tình làng, nghĩa xóm mà trong lịch sử nước nhiều lần mất, nhưng làng không mất nên đã giữ cho dân tộc Việt Nam thống nhất còn trường tồn đến ngày hôm nay. Kẻ nào âm mưu phá vỡ truyền thống này sẽ phải đối diện với sức mạnh đã được thử thách trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Giải quyết tốt, giải quyết triệt để khiếu nại, tố cáo của nhân dân làm cho pháp luật được thượng tôn trong đời sống xã hội. Trả lại công bằng cho nhân dân, giảm đi oan ức, bức xúc trong xã hội; làm cho nhân dân gần nhà nước, tiến tới tin tưởng nhà nước. Nếu không như vậy hậu quả sẽ là ngược lại dân xa nhà nước, dân không tin nhà nước.

Thông qua kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo nó phản ánh bản chất của chế độ, bản chất của nhà nước, nhà nước đó vì dân đến đâu, hoặc nó cho nhân dân biết nhà nước đó có phải của dân không. Tình trạng khiếu nại, tố cáo của nhân dân nó kết quả của cách điều hành, quản lý xã hội của nhà nước chứ nó không phải là nguyên nhân gây nên bất ổn xã hội. Nó là biểu hiện của căn bệnh ung thư chết người, là kết quả chứ không phải là nguyên nhân, nếu che đậy nó đi, ngăn cản không cho nó bộc lộ thì nó sẽ ăn vào não vào tủy mà không báo trước.

Rồi đây, các sai phạm được bao che, được bảo vệ, không bị xử lý; các “quan lại” nhà nước sẽ càng hoành hành trắng trợn hơn, bất chấp nhân dân hơn. Nhân dân sẽ bị coi thường, nếu không tuân phục sẽ bị đối xử thẳng cánh bằng bạo lực. Đội ngũ dân oan, đi khiếu nại, tố cáo sẽ không được giảm bớt mà sẽ tăng lên chóng. Nhưng nhân dân sẽ không còn phải khổ công học cách viết đơn nữa, vì đơn khiếu nại, tố cáo không còn là công cụ nữa. Trụ sở tiếp dân từ địa phương đến trung ương rồi đây sẽ vắng dân; nó sẽ làm nhàn cho “quan”; chức năng nhận đơn sẽ được thay bằng chức năng trả lại đơn. “Bút, nghiên nuốt hờn đành gác lại”, không bất lực, nhân dân không được cách này sẽ dùng cách khác. Kết cục bất công, oan ức của nhân dân vẫn còn nguyên đấy, đã không được giải tỏa sẽ lại càng được nhân lên, dồn nén đến lúc “tức nước vỡ bờ”, khi đó sẽ không còn pháp luật nào để giải quyết nữa.

Phải chăng cái gì đến nó sẽ đến, thông tư này có mặt trái, nhưng nó cũng có mặt “tích cực” của nó, làm cho xã hội thối rữa nhanh hơn. Thúc đẩy xã hội sớm đi đến cái điểm bộc lộ rõ cái bản chất của nó; rút ngắn thời gian phí phạm của xã hội vì ảo tưởng, vì huyễn hoặc. Nó giúp cho nhân dân ngày càng thấy rõ cái thân phận, cái địa vị của mình, nhân dân tỉnh ngộ.

Nhân dân sẽ nhận ra một chân lý thực tế là khát vọng của nhân dân phải do chính nhân dân giành lấy, không ai là người ban phát và đem đến cho mình cả.

Hà Nội 09/9/2010
H. Đ. S.
Nguồn :http://boxitvn.blogspot.com/2010/09/thong-tu-042010tt-ttcp-oan-tuyet-con.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét