Nói lén sau lưng.
Chẳng biết từ bao giờ mình sinh tật nói lén.
Có khi đó là biểu hiện tuổi già. Ai bảo càng già càng “chín”, mình không nghĩ thế.
Già rồi, cảm giác không gian, thời gian cho đến các giác quan, “cơ quan đoàn thể” đều xuống cấp, không thể tự tin, mạnh dạn như lúc đôi mươi. Già ngã xuống khó đứng dậy hơn, nên tại sao càng già càng phải cẩn thận. Đang đi muốn đứng lại cũng phải từ từ giảm tốc độ, lựa chỗ phẳng phiu tí, đang đứng muốn ngồi xuống cũng không nên “phịch” một cái, đang nằm muốn đứng dậy thì “kỳ công” hơn, phải nghiêng người sang bên phải, chống cùi chỏ, sau là chống bàn tay xuống giường và ngồi dậy cũng…từ từ.
Ấy là mới đi, đứng, ngồi thôi nhé. Cười nói càng phải để ý. Không được cười to hết cỡ, coi chừng đột quỵ. Không được nói to hết cỡ, coi chừng đột quỵ. Không được buồn quá (bạn nhậu quy tiên), hay vui quá (dù trúng số độc đắc), coi chừng…đột quỵ. Cái gì cũng có thể…đột quỵ.
Mà đột quỵ thì là gì ? Mấy anh “Háng-Ziệc” này mà suy luận thì có mà cả ngày. Đột là bất ngờ, không chuẩn bị trước. Quỵ ? Có vẻ như quỳ xuống, kiểu “quỵ lụy” ấy mà. Tức là đang đứng, tự nhiên quỳ xuống bất ngờ. Và…nằm luôn !
Khi ấy, có thể “Sống” sẽ mất “S” mà thành chữ “ống” : Ăn ống, thở ống, đái ống…
Khổ lắm.
Nhất quyết không để “đột quỵ”, chẳng thà “đột tử”.
Có người bảo rượu bia cũng dễ “quỵ”, mình bớt năm sáu phần. (Bảy chai còn ba chai).
Sách bảo tắm đêm dễ “quỵ”, nếu trễ quá bảy giờ tối mình…khỏi tắm! (He he)
Báo “Người cao tuổi” bảo vụ “kia” tùy sức, nhưng đừng quá nhiều. Mình không nghe, mình làm gì đã được xếp hàng “cao tuổi” ?. Còn lâu nhá !
Tóm lại, thà hy sinh chứ không chịu “quỵ”.
Ấy, cũng vì tránh “quỵ” mà mấy bữa rày mình “nhịn sướng” vụ cậu Bảo Châu mang vinh quang về cho…nước Pháp.
Châu có thành tựu lớn trong Toán học của thế giới. Chuyện này có chứng nhận của Đại hội toán học thế giới nhé. Cái giải thưởng Field ấy thiệt 100%. Không thể mua được kiểu “Tiến sỹ = 17 000 + không tiếng Anh+ không đi học…” của các quan chức ta theo chương trình quấc gia về đào tạo gì gì đó.
Toán học là chính xác lắm, bà bác mình không biết chữ, ( Năm nay gần 90, hồi phong trào bình dân học vụ phải chịu ở nhà không được vô chợ vì không tài nào đọc được cái chữ i, tờ dán cổng chợ để được cho vô). Thế mà mới đây còn dặn dò mình phải cẩn thận con ạ, “Sai con toán bán con tru” đó. ( Quê mình con tru là quý nhất rồi, có một con tru rưỡi là bị quy địa chủ, chết chắc.) Giải Field làm sao trao sai được, bán cả ngàn con tru ấy chớ, bác hè.
Bảo Châu – lại là từ “Háng – ziệc”. Có lẽ là châu báu, quý giá lắm.
Quý chứ, anh 100% Việt. Ngô Quyền người Việt thì Bảo Châu người Việt. Mà giả như Châu không Việt, mà là Hàn, là Nhật, là Indoniesia... thì ta vẫn quý chứ, như thể ta hò hét cổ vũ cho đội Hàn Quốc, Nhật, kể cà Iran...chỉ vì "nó" là Châu Á đó thôi ?.
Bảo Châu này Việt 100%, thế thì người Việt phải tự hào, phải sung sướng, phải nhảy cẫng lên vì có một món Châu báu 100% Made in Việt Nam chứ.
Định nhảy, nhưng sợ “quỵ” bèn từ từ ngồi xuống xem toàn quốc nhảy.
Chữ nghĩa nhảy tóe loe tè le trên báo chí : Chiến công sánh ngang “ Điện biên phủ” ! ( Cụ Võ và các Liệt sĩ, thương binh, dân công hỏa tuyến ơi, “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm…” xin từ từ, đừng giận mà “quỵ”, chúng nó quen thói “tâng” rồi, chứ làm sao mà sánh được, có một Điện biên phủ duy nhất của lịch sử, chứ Field riêng năm nay đã 4 người giơ tay lấy giải rồi)
Trung tâm hội nghị quốc gia 4000 người đi xem Châu. Thủ tướng xúc động, hồ hởi, mặt mày hớn hở như vừa gả con. Xúc động quá nên đọc cái “diễn & văn” có phần lập bập. Hết một đoạn, chuyển giọng sang phần khác, đọc được vài chữ, liếc xuống, chết mẹ, sót cái “Thưa các quý vị”, lại phải “thưa các quý vị” rồi đọc lại.
Ấy, làm đến thủ tướng rồi mà khổ thế, văn bản có “thưa các quý vị” mà đọc thiếu, về nhà cái thằng viết nó cằn nhằn, nhức đầu rồi “quỵ”. Thôi cứ từ dư đến thừa cho chắc ăn. Ví dụ đoạn ".. các bậc thầy...", anh thêm chữ "cô" vào nữa là thừa, "bậc thầy" là bậc thầy, trong đó đã bao hàm "cô" rồi anh ạ. Nhưng cẩn thận thế là đúng anh ạ, tuy dáng anh đi còn “xung” hơn Bảo Châu, nhưng nói thật là cũng già rồi, dễ "quỵ".
Bảo Châu chưa nhiều tuổi nhưng sớm già, dáng đi lừ khừ, không nhanh không chậm không vội. Cái dân Toán nó thế, vội là không được. 15 năm liền đeo đuổi có mỗi bài toán “Có bán Bò Dê”, có cần vội vàng gì đâu?. Xứ Tây nó thế, không ai bắt phải “Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, huy động sức mạnh chính trị, hoàn thành A trước ngày N để chào mừng XYZ ” như ta.
Bảo Châu cũng từ tốn mà điểm lại các bước đi của mình trên con đường toán học thầm lặng mà chông gai. Vinh quang thì rõ rồi, nhưng tấm huy chương vinh quang ấy còn lấp lánh hơn bởi có những giọt nước mắt, giọt mồ hôi người cha người mẹ lo toan cho Châu vào cái buổi cơm cao gạo kém, những năm bao cấp nhọc nhằn.
Châu đi Pháp đúng vào thời trong nước rất khổ. May cho Châu. Nhìn ảnh Châu thời “Vàng” Olimpic toán ấy hom hem, gầy gò…
Thủ tướng bảo : Vinh quang thuộc về Việt Nam .
Mình nghĩ thủ tướng hơi “bóc ngắn cắn dài”, thậm chí không bóc nhưng đòi cắn.
Vào những năm 80 ấy, vừa bước ra khỏi cuôc chiến này thì đã cận kề những cuộc chiến khác : Tây Nam, Biên giới Bắc, Fulro Tây Nguyên, các cuộc “cải tạo tư sản”, các chính sách ngăn sông cấm chợ, hợp tác hóa…đã làm cho một cường quốc nông nghiệp như Việt Nam suýt chết…đói.
Đành rằng là bị nọ bị kia, tại trong, vì ngoài….nhiều lắm, nhưng rõ ràng là “khéo ăn thì no”, tức là chúng ta đã không “khéo”. Ngô Bảo Châu cũng như bọn trẻ bọn mình ăn độn mãn tính. Mình nghĩ, nếu được nuôi tốt hơn chắc người Việt còn xuất sắc bội phần. Tư chất và truyền thống gia đình đã giúp Châu có bước đi ban đầu tốt, và trong khoa học tự nhiên, cái “ban đầu” ấy cực kỳ quan trọng. Chúng ta có thể có J.K.Rowling vụt bừng sáng với Harry Potter kiếm bộn tiền nhưng không thể có giải Field theo kiểu ấy.
Thành quả của Châu rõ như bài toán lớp một, 1 + 1 = 2.
Khi sang Pháp, Châu “nhỉnh” hơn vài bạn cùng trang lứa, sau 20 năm, Châu vượt lên đỉnh. Các bạn Châu giờ ra sao ? Họ mãi mãi chỉ dừng lại ở 1. Châu được +1 để bằng 2.
Đó, thủ tướng ạ, ôm Châu nhưng hãy xem các bạn Châu họ nghĩ thế nào rồi hẵng “Vinh quang này thuộc về…”, rồi “ Niềm tự hào cho Toán học Việt Nam…” này nọ.
Mình phục Châu quá đi chứ. Cái dáng đi chậm rãi bước lên, chậm rãi bước về không giơ tay vẫy hướng này hướng khác, không điệu bộ cúi ngẩng, ngẩng cúi với cử tọa, không có những “khoảng dừng” trong phát biểu để chờ vỗ tay, hay tự vỗ tay “mồi”. Không ghé bắt tay hàng ghế Bộ này, ôm hôn hàng ghế Ban kia.Không “tranh thủ” chuyện riêng với VIP khi có dịp ngồi kề vai….
Nhìn Châu, một người làm khoa học 38 tuổi, cư xử rất khiêm tốn với những người hâm mộ. Mà lại đủ kiêu hãnh với các quan chức, những kẻ muốn nhân dịp này “chứng tỏ quan tâm đến học vấn” , tỏ vẻ biết “trọng hiền tài”, ngược với lối đối xử quá thô lỗ lâu nay với các trí thức khác quan điểm.
Không có chuyện Châu "luyện công" 15 năm để tận hôm nay mang ra làm quà mừng cho cái gọi là 1000 năm tốn kém và hão huyền đâu. Là "ta" hay nhận vơ thế cho nó thêm phần phù phiếm. cái "nghìn năm" ấy nuôi ai mập thì chả cần thiên tài như Châu cũng thấy.
Châu nhấn mạnh sự "tự do tuyệt đối", thứ mà nhiều nơi đang rất thiếu. Châu chỉ trang trọng nhắc đến những người Thầy cụ thể, có tên tuổi cụ thể, không chung chung "Ơn E, ơn F...".
Đại phú Tuần Châu tặng biệt thự. Châu từ chối. Rất khôn. Bởi các biệt thự ở Tuần Châu cũng được mang ra tặng quan tham, tặng gái chân dài… Châu về ở chung với những hàng xóm ấy được chăng, bán đi được chăng ? Mà, ngoài “biệt thự” ra thì gã ấy có gì khác nữa để tặng nhỉ ?
Mình thấy nhiều và học được nhiều qua chàng hậu sinh Châu Ngô Bảo này. Và qua mấy ngày nhe xem đọc cũng muốn bật ra vài điều khen chê, hay dở.
Nhưng già rồi, "bật" cái gì cũng phải “chừng mực”, theo lời bác sĩ, sách báo…chứ không thì sẽ bị “đột quỵ”.
Đột quỵ ? Chẳng thà “đột tử” còn hơn.
Thế nên đợi Châu đi rồi, “trở về Mỹ” rồi ( Mỹ cũng “về”, Việt Nam cũng “về”, Pháp cũng “về” là sao nhỉ VTV ?”.). Cả thủ tướng cũng bớt “tưng bừng” rồi, mình mới dám nói lén sau lưng mấy lời nhè nhẹ như thế này nhân lúc rảnh, chờ công nhân họp lãnh tiền 2/9.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét