Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

12 thg 9, 2010

Sáng kiến úp sọt


"Chưa bao giờ Hà Nội lại xảy ra ùn tắc nghiêm trọng, ùn tắc một cách rộng khắp như trong ba ngày vừa qua. Cứ đến giờ cao điểm là người dân như bị "thập diện mai phục". VOV giao thông chưa có thống kê chính xác nhưng mỗi trong ba ngày qua có thường xuyên trên 30 điểm ùn tắc nghiêm trọng"- BTV Quang Tuyến của kênh VOV giao thông nói.

Toàn bộ các tuyến đường từ trung tâm ra ngoại vi đều tắc. Ngã tư Cầu Dậu tắc nghẽn từ 16h30 đến 20h. Ngã tư Chùa Bộc- Thái Hà ùn tắc suốt 3 tiếng đồng hồ. Nhưng nghiêm trọng nhất là vụ ùn tắc tại giao lộ Khuất Duy Tiến- Nguyễn Trãi, vụ ùn tắc kéo dài trong suốt 5 tiếng, với độ dài ùn tắc 2-3 km, nơi không thể tồn tại "văn hóa" giao thông dưới cái nắng 38oC oi ả của Hà Nội và ngay cả 15 CSGT, gần bằng con số đó thanh tra giao thông, tức tất cả lực lượng có thể huy động vẫn không làm giảm dù chỉ tí chút ùn tắc.

Giao thông ở Hà Nội giờ đã ngạy cảm tới mức: Ở Cầu Dậu, chỉ một chiếc hố ga mất nắp, một chiếc xe sập bẫy, thế là ùn tắc xảy ra. Ở đường Xuân Thủy, một chiếc xe bus chết máy khi quay đầu, cả tuyến giao thông quan trọng kẹt cứng.
Và ở ngã tư huyết mạch Khuất Duy Tiến- Nguyễn Trãi, chỉ một "sáng kiến" của những người ăn lương nhà nước chỉ để làm mỗi việc phân luồng, thế là cả chục ngàn dân chúng khốn khổ. Đêm ngày 7-9, Ban quản lý dự án Thăng Long bất ngờ đánh úp dân chúng bằng cách mang phân cách cứng phân cách luồng giao thông và mở rộng vòng xuyến để tách làn xe. Vụ đánh úp này được một trung tá CSGT nói là ngay cả CSGT cũng không kịp trở tay. Nói ngắn gọn là trước đây toàn bộ mặt bằng ngã 4 này cho phép xe lưu thông (trừ bùng binh ở giữa) thì sau "sáng kiến" diện tích giao thông bị thu hẹp với một đảo giao thông to tổ bố, dồn ép dân chúng trong lớp lớp những chiếc barie tạo thành những nút thắt cổ chai, và đây chính là nguyên nhân gây ra vụ ùn tắc khốn khổ nói trên.
Mặc dù VOV giao thông sáng 8-9 đã liên tục khuyến cáo "dân chúng" ngưng thời gian khởi hành, tìm tuyến mới nhưng vì công chức không thể trễ giờ đến công sở, học sinh không thể bỏ học, vì nhân dân không có cánh để có thể bay và những phương tiện đã chót dính ùn tắc không thể quay đầu cho nên 15 chứ đến 150 cảnh sát có được huy động thì cũng không có cách gì giải tỏa ùn tắc. Nguyên nhân của 3 ngày đỉnh điểm ùn tắc vừa qua, đặc biệt là sự kiện ùn tắc ngã Tư Khuất Duy Tiến trong ngày 8-9, xét cho cùng, cũng vẫn lại là sáng kiến tổ chức, phân luồng giao thông của những nhà quản lý. Nhưng điều nguy hiểm hơn là những sáng kiến này là một phần của đồ án thiết kế, lại đã được Bộ GTVT phê duyệt, y như sáng kiến bịt, rồi lại tháo bịt các ngã tư. Có người nói không ngoa rằng giao thông thủ đô, bình thường vẫn tắc, nhưng chỉ "lên cơn động kinh" mỗi khi các nhà quản lý giao thông bỗng nhiên có sáng kiến mới.

Người ta đã nói quá nhiều về "văn hóa giao thông" dành cho dân chúng, tuy nhiên, trong những vụ ùn tắc nghiêm trọng vừa qua, khi một ngã tư mới mở to nhất thủ đô, đẹp nhất thủ đô, xây dựng tốn kém nhất thủ đô trở thành một điểm ùn tắc kỷ lục chỉ sau một "sáng kiến úp sọt" thì liệu vấn đề cấp bách cho giao thông thủ đô là vấn đề "văn hóa giao thông" của dân chúng? Hay là năng lực, tầm nhìn, là trình độ của những quan chức chỉ có mỗi một việc là tổ chức, hoạch định giao thông?

Có lời than giờ đây dân Thủ đô sáng sáng chiều chiều đi làm mà còn quá là đi đánh giặc. Trong đám "loạn quân" hôm qua, có người đã nói rất mỉa mai rằng chắc Hà Nội chắc muốn lập kỷ lục tắc đường chào mừng 1000 năm Thăng Long.
Nhưng đây chắc chắn không phải là những vụ ùn tắc duy nhất, cũng không phải là những vụ ùn tắc cuối cùng.

Với bình quân 30 điểm ùn tắc trong những giờ cao điểm, Hà Nội đang "ghi nhận hiệu quả" của những sáng kiến phân luồng giao thông trong 3 ngày qua. Từ 1-10, theo một "sáng kiến" khác, hàng loạt các tuyến giao thông huyết mạch, trong đó có hai tuyến rất đông phương tiện và Hàng Bài và Bà Triệu, sẽ bị cấm phương tiện hoàn toàn. Thậm chí trong vào ngày 10-10, các tuyến mang tính chất trục dọc để vào thủ đô như Nguyễn Thái Học- Hoàng Hoa Thám, Thụy Khuê...cũng xe cấm xe toàn bộ. Thậm chí Hà Nội đang nghiên cứu để cấm ô tô ra vào nội thành trong ngày đại lễ. Rõ ràng, Thủ đô đang đứng trước hiểm họa tắc đường còn nghiêm trọng hơn trong chính những ngày thượng thọ ngàn tuổi.

"Đã có thông báo chính thức về việc sẽ không có việc nghỉ làm trong những ngày diễn ra đại lễ. Nếu Hà Nội muốn cấm ô tô trong những ngày đại lễ thì chắc chắn phải có quyết định sớm để các cơ quan, công sở, đơn vị bố trí phương tiện, nếu không làm sớm thì mức độ hỗn loạn về giao thông là khó tưởng tượng được"- BTV Quang Tuyến nói.
Dân chúng, đặc biệt là người dân Thủ đô, những người đã đóng thuế trả lương cho các quan chức ngành giao thông, đóng thuế để các vị có tiền triển khai các "sáng kiến" giờ chỉ có một nguyện vọng là các vị đừng có sáng kiến nữa, đừng mang dân chúng ra mà thí điểm để rồi một câu xin lỗi cũng không thể nói ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét