Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

6 thg 9, 2010

Miếng pho-mát trong bẫy chuột


Có hai món quà triệu đô đã được nói tới trong chỉ hai tuần qua. Món thứ nhất là khối mô hình quy hoạch chung thủ đô trị giá hơn 3 triệu USD được đối tác "tặng không" cho Việt Nam. Và món quà thứ hai, còn to hơn, là những đồng Yên mà Nhật Bản "cho không" để lập dự án ĐSCT.

Trên trang thông tin chính thức Chinhphu.vn có những dòng như sau: Vừa qua, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật (vốn ODA không hoàn lại) của Chính phủ Nhật Bản để lập dự án đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang thuộc dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM ...
“Trên cơ sở nghiên cứu này, Chính phủ sẽ xem xét có nên đầu tư xây dựng hay không. Tôi xin khẳng định, không có ràng buộc nào giữa việc nghiên cứu dự án và đầu tư dự án, cũng không có cam kết chọn nhà đầu tư hay công nghệ của Nhật Bản”, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định
Tại cuộc họp báo Chính phủ trước đó, Bộ trưởng Dũng còn nói không chớp mắt rằng: "Tôi khẳng định, đến nay Chính phủ chưa có chủ trương hay kế hoạch nào xây dựng đường sắt cao tốc".
Thông tin tế nhị "con số chi phí triển khai dự án nghiên cứu là 70 tỷ đồng" cũng được Bộ trưởng xuất sắc bác bỏ khi ông kiêu hãnh nhắc tới khoản "cho không" từ Nhật Bản dưới danh nghĩa ODA không hoàn lại.


Thế nhé. Là cho không, là tiền chùa, là từ trên trời rơi xuống. Các vị mỗi năm đóng được mấy đồng tiền thuế, cả ngày ngồi cắm mặt tầm nhìn không quá 25 phân chiều cao cái màn hình chưa chi đã lo mất tiền thuế.

Bản tin trên Tuổi trẻ và TTXVN trước đó 1 ngày trích lời Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản, ông Hồ Đức Việt trong buổi làm việc với TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai về công tác thu hút, thực trạng và hiệu quả các dự án có vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và vốn ODA của Nhật Bản, nhấn mạnh phải: "tiếp tục kêu gọi đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam". Ông cũng đề nghị ba địa phương nghiên cứu những hình thức đầu tư mới, lĩnh vực đầu tư mới trong kêu gọi vốn ODA Nhật Bản...và "Không nên sợ vay vốn".

Dường như việc cho không, tặng không đang được nhấn mạnh quá nhiều dù "cho không" hoàn toàn không phải là Việt Nam có thể "nhận không".

Trước hết xin nói đến "món quà" mô hình. Với diện tích khoảng 2000 m2, và chiều cao mô hình có chỗ tới 30m, nó to và cao đến mức muốn xem người ta chỉ còn mỗi một cách là cưỡi trực thăng, hoặc trèo lên mái Trung tâm Hội nghị quốc gia thì mới có thể nhìn được. Và mặc dù Bộ Xây dựng đã xin Thủ tướng miễn thuế nhập khẩu và giá trị gia tăng...nhưng cái giá của mô hình cũng vẫn là con số hơn 3 triệu USD.
Quà này là loại không thể không nhận vì đối tác đã chót làm theo đề nghị của phía Việt Nam. Và nhận rồi thì chỉ có mỗi tác dụng... tốn đất bởi cho đến giờ mô hình vẫn y như cũ với một "Trung tâm hành chính" ở Ba Vì và tất nhiên, cả Trục Tâm linh. Bộ Xây dựng giải thích đây là món quà tài trợ bởi Công ty Tinh Vũ- Thượng Hải - Trung Quốc: 350.000 USD và Công ty Posco: 2,8 triệu USD. Vì sao Tinh Vũ cũng như Posco không tài trợ cho đồng bào Mù Căng Chải. Chịu. Hay họ tài trợ "vì tình yêu Hà Nội" nhỉ?

Trong cuốn: “Lời thú tội của một sát thủ kinh tế” John Perkins đã nói tới những gói viện trợ không hoàn lại, tức là những món quà cho không, như một thứ "mồi thơm bẫy cá ngao", cũng với những thuộc tính của các khoản vay ODA như lãi suất thấp, thời hạn vay kéo dài hàng chục năm...để dẫn tới khoản vay chính thức, tức là để móc lưỡi câu vào cổ con cá ngao.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Lương Hải Khôi dẫn lời các học giả Nhật Bản đặt câu hỏi: “ODA viện trợ cho ai?" . Và câu trả lời: Nó viện trợ cho... tư bản Nhật. Bởi đằng sau những lời lẽ ngoại giao mỹ miều về cái gọi là hỗ trợ phát triển chính thức, ODA chính là một thứ vũ khí kinh tế đặc biệt lợi hại, mà cuốn sách “ODA- vì cuộc sống của người Nhật Bản” đã khái quát bằng câu: Ngày xưa chúng ta dùng chiến tranh, ngày nay chúng ta dùng ODA.

Trường hợp "Viện trợ Nhôm" mà Sumi Kazuo, một Giáo sư trường Đại học Yokohama viết trong cuốn “Sự thật viện trợ ODA” có lẽ là một ví dụ điển hình cho vấn đề lợi ích trong các khoản vay ODA. Giữa những năm 70 của thế kỷ XX, ngành sản xuất nhôm của Nhật bắt đầu gặp khó khăn. Chính phủ Nhật lập tức xây dựng dự án viện trợ ODA cho Indonesia trong lĩnh vực khai thác nguyên liệu SX nhôm trên đảo Sumatra. Mục đích của nó không chỉ là “hợp tác quốc tế”, mà còn là nhằm “đầu tư để xác lập thế trận bảo vệ có tính chiến lược đối với nguyên liệu nhôm của đất nước chúng ta”. Và như những phân tích của Sumi Kazuo, Mấu chốt của binh pháp ODA nằm ở quá trình thuyết phục "con mồi" trong đó có việc tạo ra và duy trì một “nhu cầu viện trợ giả tạo”, hướng đến “lợi nhuận cho doanh nghiệp Nhật Bản”, và “ đưa ô nhiễm của Nhật Bản ra nước ngoài”.
Riêng đối với dự án ĐSCT ở Việt Nam, theo Nguyễn Lương Hải Khôi, thì JICA (Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản) tiến hành nghiên cứu dự án Vitranss 2 từ 11/ 2007 đến 8/2009, trong đó đề xuất xây dựng hệ thống tàu siêu tốc Shinkansen của Nhật Bản nối Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mà như nhiều nhà khoa học Việt Nam đã chỉ ra, nhu cầu sử dụng thì được khuếch đại và năng lực hiện có và sẽ có thì bị hạ thấp.

ODA không phải là “tiền chùa” khi con nợ bị ràng buộc phải sử dụng công nghệ, máy móc, thiết bị của chủ nợ. Con nợ phải miễn thuế nhập khẩu cho hàng hóa phải mua từ chủ nợ, phải nhận một phần vốn vay ở dạng hiện vật , phải chịu sự biến động của tỷ giá, phải trả thù lao cho chuyên gia của quốc gia chủ nợ cao ngất ngưởng so trên bình diện thị trường lao động quốc tế. Rồi con nợ phải chấp nhận dỡ bỏ dần hàng rào thuế quan bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ và bảng thuế xuất nhập khẩu hàng hoá của nước tài trợ. Rồi con nợ phải từng bước mở cửa thị trường bảo hộ cho những danh mục hàng hoá mới của chủ nợ, phải cho phép chủ nợ đầu tư vào những lĩnh vực hạn chế, có khả năng sinh lời cao như Bưu chính - Viễn thông, bảo hiểm....

TS Dương Đức Ưng, cố vấn cao cấp - nguyên vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Bộ Kế hoạch và đầu tư nói trên Tuổi trẻ: Khi một nước đem tiền thuế của dân đi cho hoặc cho vay với lãi suất rất ưu đãi thì nó phải hàm chứa mục tiêu chính trị, có thể trần trụi, kiểu “cây gậy và củ cà rốt” trước đây hoặc nhẹ nhàng hơn tùy vào tình hình thế giới và tiềm lực của nước nhận viện trợ...ODA đến, nước nhận viện trợ cũng phải có vốn đối ứng để cùng thực thi dự án. Vì vậy, trong dự án ODA ở VN bao giờ cũng có tiền thuế của người dân VN. Nên nó hoàn toàn không phải “bình sữa ngọt” từ bên ngoài đưa vào. Và trong nhiều trường hợp dùng vốn ODA còn đắt hơn cả vốn trong nước, chưa kể đến việc giải ngân ODA thường rất chậm.

ODA thường xuất phát từ nhu cầu của nước cho vay trước và trong khi các quan chức Chính phủ của quốc gia con nợ say sưa nói về "Chiến lược nợ" thì thực chất cái chiến lược này đã nằm trong "chiến lược cho vay" của chủ nợ. Trong việc lập dự án ĐSCT, “Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản”, đã thành lập “Việt Nam quốc Đạo lộ Quan dân Nghiên cứu Hội” (tức“Hội nghiên cứu của Nhà nước và Doanh nghiệp tư nhân về Giao thông Việt Nam”). Hội nghiên cứu này bắt đầu làm việc từ 9/2008, hai năm trước khi Dự án được đệ trình trước QH.
Như vậy từ việc "Tư vấn Nhật" trước khi QH phủ quyết cho đến ODA không hoàn lại của Nhật mà Chính phủ vừa chấp nhận cho thấy con đường được vẽ trong các dự án trước và sau đây chỉ để dành cho những con tàu cao tốc của Nhật, với công nghệ Nhật, thứ công nghệ từ năm 50 của thế kỷ XX vẫn chỉ tồn tại trong nội địa và hiện đang cần xuất khẩu.

ODA không hề dễ nuốt mà đời cha có nuốt trôi thì đời con, đời cháu cho dù có "thông minh hơn chúng ta" cũng sẽ phải è lưng trả nợ. Rõ ràng bên ngoài mùi thơm của miếng mồi ODA, bên trong khuôn mặt nhân hậu của nữ văn sĩ Ichiyo Higuchi trên đồng 5.000 Yên Nhật, người từng viết một cách cảm thông về những mảnh đời phụ nữ bất hạnh trong thế kỷ 19, là sự sắc lạnh của những mũi kiếm samurai, là sự khốn khổ của dân chúng ở các quốc gia con nợ. Bởi cũng rất rõ ràng, lợi ích của những khoản cho không, những khoản vay mượn hôm nay hoàn toàn không thuộc về dân chúng, với tư cách là những người trả nợ. Chẳng phải đã có câu rằng: "Miếng pho-mát cho không là miếng pho-mát trong bẫy chuột" đó sao.

Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=3945

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét