25 thg 10, 2010
Hai lý do cần phải đóng cửa dự án alumina
LTS: Sau thảm họa bùn đỏ tại Hungary, vấn đề bô-xít Tây Nguyên một lần nữa lại nóng lên trong dư luận xã hội và ngay tại nghị trường, với các ý kiến trái chiều xung quanh hiệu quả kinh tế và tính an toàn của dự án.
Trước những ý kiến tranh luận nhiều chiều những ngày qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho hay, Chính phủ sẽ lắng nghe để thảo luận thêm nhằm đi đến quyết sách cuối cùng trong vấn đề này.
Nhằm cung cấp thêm một góc nhìn tham khảo để Đảng, Chính phủ có những thông tin tham chiếu trước khi đưa ra một quyết định đúng đắn về số phận 2 dự án quan trọng đã được Đảng cho phép thí điểm này,
Trước đây, chúng tôi có dịp trình bày 10 lý do không nên triển khai các dự án bauxite trên Tây Nguyên. Tuy nhiên, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã có ý kiến kết luận và chỉ đạo triển khai thử nghiệm. Đây là việc làm cần thiết. Khác với ý kiến của ông bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng không cần thí điểm, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc thử nghiệm này.
Đến nay, sau hai năm triển khai thí điểm, mặc dù chưa xong 100% nhưng, cũng rất may, trong quá trình thí điểm chúng ta đã có đủ thông tin để đưa ra kết luận. Sau đây chúng tôi xin trình bày 2 lý do nên dừng thí điểm để đóng cửa dự án:
Nguy cơ từ công nghệ thải bùn đỏ
Vấn đề vỡ đập hồ bùn đỏ chứa chất thải độc hại của nhà máy alumina ở Hungary vừa qua không phải là duy nhất. Trên thế giới đã xảy ra rất nhiều vụ vỡ các đập chắn của các bể/hồ chứa chất thải của các cơ sở công nghiệp. Tính đến nay đã có hàng trăm vụ vỡ đập đã được thống kê, chỉ có điều các hồ bùn thải đó không chứa nhiều chất độc hại như hồ bùn đỏ.
Tháng 8 năm 2005, cũng đã xảy ra sự cố chất thải của một xí nghiệp alumina của Ucraina. Nhưng vì khi đó, TKV chưa triển khai thử nghiệm các dự án bauxite nên dư luận cũng không quan tâm.
Sự cố ở Ucraina khi đó cũng không kém phần sôi nổi, đã làm cho nước sông Dnhép đổi sang màu đỏ. Tổng thống Victor Iusenko đã phải can thiệp, yêu cầu thay đổi công nghệ thải bùn đỏ, còn trên các phương tiện thông tin đại chúng người ta gọi bùn đỏ là "khủng bố đỏ" ("красного террора") v.v.
Nhân sự cố ở Hungary, trên báo điện tử có người nói "ta theo mô hình của Brazil và Úc chứ không theo mô hình của Hungary", hay "công nghệ xử lý bùn đỏ của Việt Nam và công nghệ của Hungary khác nhau hoàn toàn". Nói như vậy là ngụy biện hoặc người nói chẳng hiểu gì. Thực chất là ta đang áp dụng công nghệ thải "ướt" tức là rất giống với công nghệ Hungary đã và đang áp dụng hàng chục năm nay. So với Hungary, nguy cơ bùn đỏ phá huỷ và gây thương vong ở Việt Nam còn cao hơn hàng trăm lần.
Vấn đề là công nghệ thải "khô" hay "ướt" chứ không phải công nghệ "xử lý". Hầu hết các nước đều thải theo công nghệ "khô" và bể bùn của họ ở gần bờ biển chứ không phải treo trên độ cao hàng vài trăm mét so với mặt nước biển như những bể bùn đỏ "đã được thẩm định rất cẩn thận" của TKV.
Chỉ những dự án (được xây dựng cách đây hàng chục năm) áp dụng công nghệ thải bùn đỏ lạc hậu (giống như công nghệ của TKV đang áp dụng ở trên Tây Nguyên) mới có bùn đỏ dưới dạng chất lỏng còn chứa nhiều hoá chất cực kỳ độc hại (như ở Hungary). Nếu áp dụng công nghệ thải "khô" như của các nước thì tính độc hại của bùn đỏ giảm đi rất đáng kể.
Giải pháp chia hồ chứa bùn đỏ theo thiết kế rộng hàng trăm hecta thành các lô nhỏ chỉ là mánh khoé giảm vốn đầu tư ban đầu của nhà thầu mà thôi. Nếu trong 5ha đó mà vẫn là bùn đỏ ở dạng ướt thì vẫn nguy hiểm như nhau.
Bình thường một hồ chứa bùn đỏ phải có chi phí đầu tư rất lớn. Ví dụ, hồ chứa bùn đỏ của dự án Aughinish ở Irland xây dựng 2008-2010 với diện tích 103ha nhưng chi phí đầu tư là 60 triệu U$ (khoảng 40 tr.Euro); hay hồ bùn đỏ của dự án Eurallumina ở Ý có chi phí cải tạo mở rộng lên tới 81,5 tr.U$ (54,3 tr.Euro).
Tại sao bùn đỏ thải ra dưới dạng "ướt" thì rất độc hại còn bùn đỏ thải ra dưới dạng khô thì ít độc hại. Trong bùn đỏ thải ra ngoài từ các nhà máy alumina có hai loại chất độc hại và nguy hiểm là lượng hoá chất (xút) dư thừa từ khâu sản xuất và các kim loại nặng được loại ra từ khoáng vật bauxite.
Khi thải bằng công nghệ "ướt", cả hai loại chất độc hại nằm trong cả hai pha: rắn và lỏng của hỗn hợp bùn đỏ khi mới được bơm ra hồ chứa. Pha lỏng nguy hiểm hơn rất nhiều vì chứa các hoá chất độc hại (đối với môi sinh), nhưng rất đắt tiền (đối với công nghệ tuyển alumina), vì vậy công nghệ thải "ướt" yêu cầu phải bơm trở lại nhà máy phần pha lỏng từ hồ chứa để tái sử dụng.
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, sau khi được thải ra hồ, trước khi kịp bơm về nhà máy, bùn đỏ sẽ phân pha theo thời gian, các chất rắn chìm xuống dưới, nhưng đồng thời các thành phần cỡ hạt nhỏ và siêu mịn chứa các kim loại nặng rất độc hại của pha rắn cũng bị tách ra. Vì vậy, mặc dù có bơm tuần hoàn phần chất lỏng về nhà máy để tái sử dụng thì phần chất rắn còn lại ngoài hồ chứa cũng bị phân ly theo cỡ hạt.
Điều này làm cho bùn đỏ ở thể rắn từ chỗ lẽ ra ít nguy hiểm lại trở thành nguy hiểm hơn. Các kim loại nặng sẽ lẫn vào thành phần cỡ hạt siêu mịn chìm xuống dưới và xâm nhập vào nước ngầm. Khi gặp nước mưa, hồ chứa bùn đỏ của TKV sẽ vẫn trở nên độc hại vì còn kim loại nặng có nguy cơ bị rửa trôi theo.
Trong trường hợp thải bằng công nghệ "khô", các chất hoá học độc hại chủ yếu đã được giữ lại tuần hoàn ngay trong nhà máy, không bị thải ra ngoài, còn bùn đỏ thải ra ngoài chỉ chứa chất độc hại chủ yếu là kim loại nặng. Với thành phần bùn đỏ "khô", các kim loại nặng này bị giam giữ hoà lẫn trong cả khối chất rắn, sau một thời gian, sẽ xảy ra các liên kết hoá lý tạo ra các khoáng vật mới gần như "trơ" đối với nước mưa, vì vậy sẽ trở nên an toàn hơn nhiều.
Chính vì những "zích zắc" đó, với những tiến bộ của KHKT, trên thế giới đã từ lâu người ta giải quyết vấn đề "xử lý" bùn đỏ ngay trong dây truyền công nghệ của nhà máy trước khi thải ra ngoài. Tức là, tất cả những gì TKV đang làm để "xử lý" bùn đỏ sau khi thải ra ngoài (ở trong một thung lũng nào đó), thì thế giới với công nghệ tiên tiến, họ xử lý ngay trong nhà máy, chỉ thải ra ngoài bùn đỏ dưới dạng khô (như cát) ít độc hại, có thể chất cao như núi (giảm chi phí, giảm diện tích chiếm đất) và sau một thời gian, các thành phần khoáng vật còn sót lại trong bùn đỏ "khô" này cũng sẽ liên kết lại với nhau trở thành "trơ", nếu có gặp nước mưa cũng vô hại.
Còn các đập để ngăn giữ các đóng bùn đỏ khô này rất đơn giản và không bao giờ bị vỡ. Chính vì điều này mà như chúng tôi đã nhiều lần nhắc đến, ngay cả các nước có khí hậu nhiệt đới, mưa nhiều như trên Tây Nguyên của VN người ta cũng đã và đang áp dụng công nghệ thải bùn đỏ "khô".
Trong ngành alumina-nhôm, công nghệ đã được kiểm chứng hàng trăm năm nay là công nghệ chuyển hoá quặng bauxite thành alummina- công nghệ Bayer là công nghệ cơ bản, chứ không phải công nghệ thải bùn đỏ là công nghệ phụ. Thực chất lịch sử phát triển của ngành alumina-nhôm trên thế giới là lịch sử phát triển của công nghệ phụ xử lý bùn đỏ này.
Chúng tôi xin khẳng định lại một lần nữa, công nghệ thải bùn đỏ của các dự án trên Tây Nguyên là công nghệ "ướt", lạc hậu, có nguy cơ cao giống hoàn toàn như của Hungary. Nếu chúng ta cứ cố tình cho rằng "đã được thẩm định rất cẩn thận" vẫn tiếp tục cho áp dụng công nghệ thải bùn "ướt" thì có sang Hungary cũng chỉ tốn tiền thuế của dân còn nguy cơ vẫn tồn tại như nhau.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng, với rất nhiều lý do, tốt nhất là đóng cửa dự án như kiến nghị của các nhà trí thức, còn nếu không đóng cửa được vì lý do nào đó thì tối thiểu cũng phải yêu cầu chủ đầu tư là TKV chuyển công nghệ thải bùn đỏ từ "ướt" sang "khô". Đây là giải pháp đơn giản nhất, hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật cũng như về mặt kinh tế.
Rủi ro về kinh tế
Ngoài vấn đề bùn đỏ, đối với dự án alumina của TKV trên Tây Nguyên, vấn đề nhãn tiền trước mắt là rủi ro về kinh tế của dự án. Bùn đỏ có rủi ro thì cũng phải vài ba năm nữa mới xảy ra sự cố, khi đó, nhiều người trong số những người có chức có quyền về bauxite của TKV cũng đã "hạ cánh an toàn".
Nếu nhìn về vùng than Quảng Ninh, thì chúng ta không thể tin được vào những lời hứa của các quan chức của TKV về bảo vệ môi trường hay an toàn lao động.
Tạm bỏ qua các cam kết của TKV về bùn đỏ, chúng ta đã có thể xem xét đánh giá những cam kết của TKV trước khi thử nghiệm về hiệu quả kinh tế-tài chính và hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án.
Về hiệu quả kinh tế-tài chính: Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế tài chính của dự án. Đối với một dự án khai thác chế biến khoáng sản (vì không có khoản mục nguyên liệu chính đầu vào như đa số các dự án sản xuất khác) yếu tố giá bán (đầu ra) quyết định rất cơ bản hiệu quả kinh tế của dự án. Trong cơ chế thị trường, giá bán hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm.
Mặc dù cũng mang tiếng là làm ra được kim loại đồng, nhưng, với công nghệ lạc hậu và mặc dù tiêu hao điện năng cao hơn rất nhiều so với mức bình thường, nhà máy Đồng Sinh Quyền của TKV chỉ cho ra sản phẩm với chất lượng chỉ đạt "3 số 9" (99,9%) trong khi thế giới người ta phải làm ra tới "4 số 9" (99,99%). Giá bán trên thị trường của 1 tấn đồng "4 số 9" cao hơn của "3 số 9" hàng nghìn đô la. Những khách hàng mua đồng "3 số 9" của TKV về bỏ ra thêm khoảng vài trăm đô la nữa để biến thành "4 số 9" rồi bán và thu lãi hàng ngìn đô la/tấn. Trong khi hiện nay, dự án đồng Sinh Quyền này của TKV đang phải xin Chính phủ cho phép xuất khẩu cả quặng đồng thô, nếu không thì thua lỗ nặng.
Đối với alumina cũng vậy. Không thiếu gì khách hàng sẵn sàng mua vì alumina có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Vấn đề là họ mua với giá như thế nào? điều kiện như thế nào? hay nói đúng hơn ta có loại sản phẩm chất lượng như thế nào để bán?
Các sản phẩm alumina có chất lượng khác nhau sẽ có giá trị sử dụng rất khác nhau và suy ra giá bán sẽ rất khác nhau. Vì vậy, hiệu quả kinh tế của dự án sẽ phụ thuộc trực tiếp vào chất lượng cụ thể của alumina.
Ở đây, liên quan đến việc TKV thường hay ưa nhập các công nghệ lạc hậu (như công nghệ thải bùn đỏ và công nghệ luyện đồng nêu trên là những ví dụ sinh động), vấn đề đặt ra là phải quan tâm rất cơ bản đến chất lượng sản phẩm. Với trình độ quản lý dự án của TKV như từ trước đến nay, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để nghi ngại rằng chất lượng sản phẩm alumina của TKV sẽ không có gì hứa hẹn hơn so với chất lượng của kim loại đồng Sinh Quyền.
Yêu cầu về chất lượng của alumina rất nghiêm ngặt và cao hơn so với đồng thỏi Sinh Quyền (vì alumina thực chất là một nguyên liệu hoá chất, giống như mì chính, còn đồng thỏi là kim loại). Sản phẩm alumina có nhiều loại: loại chất lượng tốt dùng để luyện ra nhôm kim loại (gọi là alumina luyện kim) có giá trị cao; các loại alumina có chất lượng kém hơn được dùng cho các mục đích khác (không để luyện kim). Chất lượng của alumina (thường có hai dạng biến thể α-Al2O3 và γ-Al2O3) được đánh giá thông qua các chỉ tiêu như: hàm lượng Al2O3 (độ tinh khiết càng cao càng tốt, nhưng không nhỏ hơn 98%), thành phần cỡ hạt (cỡ hạt bình quân 80-100 micronmet, nhưng thành phần cỡ hạt loại nhỏ hơn -45mcm phải thấp hơn 10%), tỷ trọng bề mặt (không lớn hơn 35m2/g); độ ẩm càng thấp càng tốt (nhưng không được lớn hơn 0,5%); các tạp chất càng ít càng tốt (nhưng P2O5 không lớn hơn 0,002%; Fe2O3 không lớn hơn 0,08%; TiO2+V2O5+Cr2O3+MnO không lớn hơn 0,1%).
Hiện nay, trong quá trình thử nghiệm, dự án đã có thiết kế và chủ đầu tư đã có cam kết của nhà thầu về chất lượng sản phẩm. Vì vậy, đã quá muộn để TKV công khai các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm theo cam kết của nhà thầu để người đóng thuế tin vào lời hứa "năm ăn, năm thua" của TKV.
Nếu chất lượng sản phẩm alumina đến tay người tiêu dùng mà không đạt các mức tối thiểu như nêu trên thì nên đóng cửa dự án càng sớm càng tốt và khỏi cần quan tâm tới bùn đỏ (chuyển công nghệ thải "khô").
Vấn đề thứ hai liên quan (hay có ảnh hưởng trực tiếp) đến hiệu quả kinh tế của dự án là chi phí vận chuyển alumina từ Tây Nguyên xuống tới cảng biển. Đến nay, sau một thời gian triển khai chúng ta cũng đã có đủ thông tin để tính đúng tính đủ được rồi. Với cung độ vận chuyển hàng trăm cây số và với khối lượng vận chuyển hàng trăm nghìn tấn (hai thông số cơ bản của bài toán vận tải) TKV (là một "cao thủ" trong ngành khai thác khoáng sản), thừa hiểu chỉ những người không biết gì mới tổ chức vận tải bằng ôtô (với bất cứ tải trọng nào).
Còn việc xây dựng một tuyến đường sắt chạy cắt ngang đông-tây trên cung độ 200km nhưng với chênh lệch độ cao tới gần 800m thì chắc chỉ có người hoang đường mới dám nghĩ tới. Riêng về vận tải, chúng ta có thể kéo màn kết thúc vở diễn ở đây.
Về hiệu quả kinh tế-xã hội: Khác xa so với cách đây 1-2 năm, thay vì người đứng đầu khẳng định tính khả thi về kinh tế của dự án alumina, nay các ban "tham mưu" của TKV đang "dọn đường" dư luận cho việc giảm lỗ của dự án bằng cách xin miễn thuế. Rất may là lãnh đạo TKV với ý thức chính trị cao nên không đề cập đến việc xin miễn thuế.
Một dự án sản xuất kinh doanh mà cứ mong được miễn hay giảm thuế (dù là bất cứ thuế gì theo qui định của luật) thì còn gọi gì là có hiệu quả kinh tế-xã hội (đóng góp hay thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương). Đây dứt khoát không phải là cách hành xử của một tập đoàn kinh tế nhà nước. Đây chỉ là cách hành xử của một nhóm lợi ích, nhất là của các cổ đông của dự án.
Điều đáng mừng là đã có người (lãnh đạo địa phương) thấy trước được cái nguy cơ "phá hỏng đường" của việc vận chuyển liên quan đến các dự án alumina. Đóng góp ngân sách và thúc đẩy phát triển kinh tế thì chưa thấy đâu, nhưng nguy cơ ô nhiễm môi trường và phá hỏng hệ thống đường bộ đã hiện hữu.
Kết luận
Vấn đề bùn đỏ nằm ở bản chất công nghệ thải "khô" (xử lý hoá chất độc hại bằng dây truyền công nghệ trong nhà máy trước khi thải ra ngoài), hay "ướt" (thải cả hoá chất độc hại cùng với bùn đỏ ra ngoài rồi mới xử lý). Công nghệ của TKV là công nghệ thải bùn đỏ "ướt", rẻ tiền, lạc hậu, hoàn toàn giống như của Hungary. TKV không nên phí tiền đóng thuế của dân để sang đó vì sẽ chẳng học được gì và cũng chẳng cần sang đó cũng đã có thể rút ra bài học rồi là đừng bao giờ áp dụng công nghệ thải "ướt". Còn nếu chỉ để xem đập bãi thải bị vỡ ra sao thì chúng tôi có thể cung cấp cho TKV khoảng gần 100 địa chỉ những nơi có đập bãi thải bị vỡ, kể cả ở ngay ở VN và ở trong TKV.
Chúng tôi cho rằng việc thử nghiệm hiện nay đã cho phép có câu trả lời, và câu trả lời cho câu hỏi "có nên đóng cửa nhà máy alumina hay không?" hoàn toàn nằm ở phía "sân" của TKV, đó là: nếu vẫn duy trì công nghệ thải bùn đỏ "ướt" như đang làm thì nên sớm đóng cửa, và/hoặc nếu chất lượng alumina chỉ đạt dưới 98%Al2O3 thì cũng nên đóng cửa sớm.
Còn nếu trong tương lai, chúng ta vẫn không thể không bán tài nguyên đi để tăng GDP thì nên đưa các nhà máy alumina xuống gần biển (giống như các nước vẫn làm và như COMECON đã khuyên chúng ta) và dứt khoát phải áp dụng công nghệ thải bùn "khô". Ngoài ra, chúng tôi cũng sẵn lòng tham mưu cho các chủ đầu tư phương án vận tải quặng bauxite từ Tây Nguyên xuống bờ biển khả thi nhất và hiệu quả nhất.
Tác giả: Nguyễn Thành Sơn
Nguồn :http://www.tuanvietnam.net/2010-10-23-hai-ly-do-cho-phep-dong-cua-du-an-alumina
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét