Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

10 thg 10, 2010

Ngàn năm có một


Ấn tượng của mình ngay sau khi lễ diễu binh bắt đầu là hôm nay, bỗng dưng bác Triết nói khôn thật, chém đâu ra đấy, có văn thơ, có khí phách, lại chẳng quá dài. Nghe lọt lắm.
Nhìn kỹ lại thì thấy cụ đọc, chứ không chém vo như mọi bận. Sau sang nhà chị Beo mới biết hóa ra bài phát biểu là do cụ Vũ Khiêu thảo ra. Thảo nào. Có câu: "Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, ấy mới là biết vậy", lần sau, mình tự răn bản thân rằng phải cẩn trọng khi chém gió, nhất là mỗi lúc... chém vo.
Mẹ sư cái thần khẩu, lúc chém cho bàn dân nghe thì sướng thật đấy nhưng vớ vẩn hại các cái phàm như chơi. Không biết các vĩ nhân chém xong, nhất là chém vo, có bao giờ xem lại, nghe lại những lời mình chém không nhỉ?!

Cái màn diễu binh năm nay có một đặc điểm là nó quá nhạt, và quá cũ. Vẫn như thông lệ, khối Hồng kỳ trương cờ Đảng dẫn đầu, mới đến Quốc kỳ, sau rốt là cờ đuổi ma. Nhớ lại chuyện thứ bậc cờ, hồi xưa, chả có đứa đã trưng cả cờ búa liềm với cờ sao vàng treo ở cổng Bộ Tư Pháp lên mà chửi rằng đến ngay cái bộ làm nhiệm vụ hướng dẫn dân chúng làm theo pháp luật còn treo cờ lung tung xòe ra thế thì chả trách...
Sau chuyện cờ quạt, đến chuyện Vua Lý cung tay bái các bậc quan khách trên lễ đài. Loạn thật, sao tiền nhân phải lậy bái hậu nhân nhỉ. Nghĩ mãi mới ra: Hóa ra cái tay Quốc Anh- chèo quên khuấy mất mình đang là vua Lý mặc Hoàng bào. Mình mà là bác Nguyễn Quang Lập, thế nào cũng viết được một cái đặt tít đại loại như: Mịa cái thằng Vua Lý.

Thê thảm nhất là khi cái xe đòn của VCCI đi qua lễ đài. Vợ mình xem, bảo: Sao cụ Gióng cả người ngợm ngựa nghẽo, là do VTV giới thiệu thế, nom lại như đồ hàng mã tháng bảy thế kia nhỉ.
Đúng là quân đàn bà không hiểu gì về sự cao siêu của nghệ thuật. Mình muốn nói với nàng không phải là Con cháu ngày càng mất dạy đâu. Bởi sau khi bị gắn tim để thành một pho tượng quái thai trong lịch sử ngành nắn bóp, cụ Gióng nay trở thành một dị nhân đầu lo như cót thóc, mặt mũi phì nộn, cưỡi trên một con vật có 4 chân miệng hớp hớp không khí. Kinh nhất là cái khúc mía được giới thiệu là Tre đằng ngà. Nó ngắn ngủn, tròn trục, được cụ cầm ngang trán. Cầm thế thì quất thế quái nào được giặc Ân nhỉ, không khéo quất luôn vào trán mình chứ chả chơi. Hay như thế mới là logíc nhỉ.

Rất nhiều cụ hỏi mình: Này, tao nghe nói mình có cái gì Sukhôi với Kilo rồi cơ mà, sao vẫn mấy cái máy bay cứu trợ thế kia. Mình bảo hòa bình rồi cụ ơi, đánh nhau với ai mà phải tàu bay xe tăng. Chuyện ở Hoàng Sa hở, thì đó là xích mích kiểu hàng xóm láng giềng thôi. Các cụ nhà mình vẫn hiếu chiến thật.
Nhưng không trưng hàng là đúng thôi. Chả phải bác Triết bảo VN muốn làm bạn, làm đối tác tin cậy với tất cả các nước đó sao (So với thời cụ Kiệt, thế là đã thêm được 4 chữ "đối tác tin cậy" để xác định rõ mục tiêu chịu nhục để phát triển kinh tế rồi còn gì). Vả lại mấy cái Mic, hay T54, hay tàu ngầm bắp chuối giờ Nga đưa vào bảo tàng hết rồi, đẩy xuống biển hết rồi, cho ra Siberi nấu đông hết rồi, mình giở ra rõ dơ, mới cả nhỡ nó chết máy một cái thì thôi đấy. Đến pháp hoa nhập ngoại đời 2010 còn nổ tùm lum huống chi mấy cái vũ khí từ thời thế chiến.

Đại lễ, dẫu sao cũng đã mang lại niềm vui cho nhiều người, nhiều như những nổi buồn mà nhiều người khác phải chịu. Ở khu mình, các cụ mặc áo dài, complet cà vạt đi tập trung từ 3h sáng, cười phe phé như Liên xô được mùa lúa mì, chả mệt mỏi gì sất. Các cụ hưu trí khác không được đi thì cứ hộ khẩu Hà Nội là lĩnh 100k "an ủi" đủ tiền làm mấy chốc bia không người lái.
Các cụ nhà quê cũng đã lên từ hai ba hôm nay, cứ xe căng hải lang thang từ Cầu Giấy vào Bờ Hồ để đi xem đại lễ. Nhưng Đại lễ dành cho ai đó chứ đâu phải cho dân chúng. "Đến Nguyễn Thái Học- Kim Mã là bọn rằn ri súng ống nó đuổi hết về". Một cụ 69 tuổi ở Thái Bình lên kể lể. Cụ này đã mang chiếu "nhập cung" từ đêm trước. Đến 2h sáng, các cụ được mời trở ra. Đến 6h sáng, cụ lại đòi vào vì nhưng cuối cùng vì không có hộ khẩu nên không được vào. Cụ này là con một cụ 92 tuổi.

Cụ 92 tuổi già lắm, phải chống gậy nhưng cũng quyết đi vì "ngàn năm mới có một lần", vì "Lên HN mà ở nhà xem Tivi thì lên làm máu L gì". Câu chửi này lâu lắm mình mới được nghe. Kiểu chửi dẻo và thú vị thế này cũng mới lần đầu được thấy.
Nhân chuyện xe căng hải mới nói là lời hứa 150 chiếc bus miễn phí chở dân vào nội thành xem lễ âu cũng chỉ là lời hứa. Cũng có thể bọn tài xế nó tự nhủ cái quân muốn đi bus miễn phí rõ là phường vô lương tâm chăng.

Nhưng ngàn năm có một nên giờ ở Hà Nội sự bất lương bùng như một nạn dịch và hiển hiện trong những chiếc máy chém. Một chai la Vie, một phần tất yếu của...mồ hôi, được bán với giá 10 ngàn ngay bên vỉa hè Kim Mã. Một cân bún ở chợ Nghĩa Tân bán với giá 30 ngàn đồng "ai không mua thì biến". Thịt cá, rau quả đến 9h sáng đã hết veo, lối mua bán cấp tập y như hồi Hà Nội lụt. Nhưng giặc cướp nhất là đám xe ôm, taxi và bọn trông xe. Bác nào móng chân vàng không cẩn thận hỏi giá, không cẩn thận mặc cả là bị chọc tiết không thương tiếc.

Mình vừa viết mấy chữ vớ vẩn này vừa nhìn ra cửa sổ. Mới đầu gìơ chiều mà dân tình già trẻ lớn bé lôi thôi lếch thếch kéo nhau chật đường xuống Mỹ Đình.
Thấy mấy cụ bàn rằng bỏ bắn pháo hoa là đúng quá rồi (chỉ cần bắn ở Mỹ Đình là đủ) dân miền Trung chết la liệt thế mình ngoài này ăn chơi nhảy múa sao đành. Bạn mình, Trung Tuyến VOV giao thông làm thơ trên đài rằng: Thành ủy Hà Nội được lòng dân bởi nếu được hỏi thì chắc 100% người Hà Nội sẽ cùng đồng ý bỏ bắn pháo hoa. Nhưng các cụ, chính các cụ nhá chửi đồng rằng cũng là câu chuyện mị dân mà thôi. Nó nổ bố hết rồi thì mới nhân chuyện bỏ bắn pháo hoa. Lại hỏi mình: Nếu không bị vụ nổ pháo hoa thì có bỏ bắn không? Bỏ thì đem pháo hoa đi ủng hộ miền Trung à. Nói rồi hăm hở bước tiếp vì tối nay....Mỹ Đình có bắn pháo hoa. Lạ thật

Nhưng mình biết chỉ tí nữa các cụ lại thất thểu quay về, lại càm ràm "máu L" thôi. 1,5 triệu đồng một vé để vào Mỹ Đình, đến mình, lương đủ đóng thuế thu nhập cao, còn chả dám mơ, huống chi các cụ nhằm đít trâu quanh năm đố dám bỏ ra đến cả tấn thóc chỉ để hưởng sướng con mắt.

Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=4546

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét