Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

5 thg 10, 2010

TÍNH SỔ ĐẠI LỄ THĂNG LONG


1. Xây dựng 5 cổng chào.
Cuối cùng HN không có cổng chào mừng Đại lễ, những cổng chào kết tinh của tinh thần Thăng Long linh thiêng và hào hoa. Không có cổng chào vì lãnh đạo Tp ham có cổng chào lớn, hoành tráng và muốn có những 5 cái cổng đón khách.
Vì ham lớn nên phải nhận tiền của doanh nghiệp theo phương thức xã hội hóa Đại lễ. Vì ham nhiều nên các nhà thiết kế không biết phải chọn gì làm biểu tượng, nên dẫn đến loạn biểu tượng.
Lãnh đạo HN nghĩ đến cổng chào đón khách quá muộn, nên việc họ muốn Lớn và Nhiều không thực hiện được. Kết quả là dư luận đùng đùng nổi giận, khiến phải thôi dựng cổng chào. Nhưng vì lúc đó làm gấp, nên đất ở nơi cổng chào đã đền bù giải tỏa và đã biến bờ xôi ruộng mật thành cục bê - tông.
Ôi thôi! Những nơi ấy không làm cổng chào thì lãnh đạo HN có trả lại đất đai như cũ cho dân.
Không làm cổng chào, vậy số tiền 50 tỷ đồng mà các doanh nghiệp góp xây cổng chào, thành phố HN có trả lại cho họ không? Nếu không trả lại, thì tiền ấy đi đâu rồi? Tiêu vào việc gì rồi?

2. Lát đá Hồ Gươm.
Đá lát quanh Hồ Gươm còn tốt, còn đẹp. Bỗng dưng một ngày, HN cho bóc lên lát lại. Phải là đá từ Xứ Thanh - là quê hương của Vua Lê Thái Tổ. Phải là đá xanh, phẳng lỳ thì mới đẹp. Đừng sợ trơn ngã, vì những hôm trời mưa thì ai ra Hồ Gươm làm gì!
Dân lại phản đối. Báo chí lại làm ầm lên.Bác Nguyễn Thế Thảo - dân Kiến trúc sư, Chủ tịch Tp HN bảo: Chúng tôi chỉ lát thử đến thế thôi. Thôi! Không thử nữa!

3. Chôn hiện vật gửi nghìn năm sau nữa.
Chuẩn bị Đại lễ Thăng Long, để thêm phần ý nghĩa và để lưu danh với hậu thế, cho hậu thế biết mình là người biết trước biết sau, ngành Văn hóa HN chấp nhận để 1 vài doanh nghiệp xây một khu mộ mừng Đại lễ.
Hàn Quốc giúp quan tài và công nghệ. Nhưng dân chúng thì tranh cãi về việc chọn cái gì làm thi hài
. Cuối cùng lại thôi. May mà thôi đấy! Chứ nếu không thì ông Phạm Quang Long - GĐ Sở lưu danh muôn đời với cái khu mộ đó!

4. Đúc Tim cho tượng đài Thánh Gióng.
Cái này ta phải xin 1 cái Kỷ lục Ghi -net. Đây là lần đầu tiên trên thế giới người đời yểm tâm, hô thần nhập tượng cho thể loại tượng đài.
Người nào dâng kế sách đúc tượng đài Thánh Gióng thì quả thậm ngu. Thánh Gióng là một anh hùng. Ông chỉ biết mỗi việc đánh giặc. Giặc đến, cần người đánh giặc thì ông mới vụt lớn dậy. Giặc tan, ông thấy mình xong việc, bèn bay về trời. Nay con cháu ông kéo áo níu ông ở lại.
Ông tồn tại trong tâm thức dân gian trong mỗi con người. Mỗi người có riêng một hình tượng cho mình, lung linh huyền ảo.

5. Tượng Lý Thái Tổ
Tp Hà Nội phải có tượng đài Lý Công Uẩn. Các nhà điêu khắc vào cuộc. Nhưng họ không đủ hiểu biết về trang phục đời Lý nên các nhà sử học phải vào cuộc. Họ bắt đầu vẽ ra hình tượng Lý Công Uẩn từ trong tưởng tượng của họ. Kết quả, tượng Lý Công Uẩn cứ sau mỗi lần góp ý thì lại càng giống một ông vua Tàu.
Lúc làm tượng, cũng đã có sự va chạm nhau về bản quyền. HN và Bắc Ninh cách nhau vài chục cây số, đành phải có 2 tượng đài Lý Công Uẩn, trông rất giống nhau vì họ cùng được hội đồng các nhà sử học góp ý.
Cả hai tượng Lý Công Uẩn ở HN và Bắc Ninh đều không được yểm tâm và đúc tim, hoặc hô thần nhập tượng.

6. Phim mừng Đại Lễ cuối cùng không có.
Đại lễ Thăng Long mà dân chúng được xem phim về lịch sử hào hùng của cha ông ta trong trường kỳ lịch sử thì tuyệt vời!
Vì có những cái lợi sau đây:
1-Dân chúng không phải đọc sách mà cũng hiểu lịch sử qua những hình ảnh sống động về truyền thống anh hùng và sáng tạo của tổ tiên;
2- Bù lại thời gian dài nhân dân phải xem phim Tàu quá lâu, vậy nay là dịp cân bằng lại, coi như sự chuộc lỗi của các Đài TH và các nhà làm phim VN;
3- Suốt dịp Đại lễ, các tầng lớn nhân dân cứ nằm lỳ trong các rạp say sưa xem hết tập này đến tập khác, hết phim này đến phim khác không ai ra đường đi lại lung tung thì bớt áp lực giao thông cho HN trong suốt dịp Đại lễ.v.v.
Nhưng phim Lý Công Uẩn (Nhà nước) đã lần lượt trải qua:
- Tranh cãi về kịch bản
- Tranh cãi về Đạo diễn
- Tranh cãi về trang phục và ma - két cảnh quay
- Tranh cãi về kinh phí (100 hay 150 hay 200 tỷ)
Kết quả: Không làm nữa.
Phim Khát vọng Thăng Long (Nhà nước) thì đang dấy lên chuyện kiện tụng về bản quyền.
Phim "Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long" thì như thế nào, xin không nói nữa! Chư vị đã biết cả rồi!

7. Trùng tu - Trùng tu - Đại Trùng tu
1. Tháp nước Hàng Đậu có tuổi đời cả trăm năm. Tháp nằm giữa ngã tư đường, mà lặng lẽ và không ai để ý gì. Một ngôi tháp biết tự giấu mình giữa đô thị. Bỗng một ngày người ta phát hiện ra nó. Có lẽ đầu têu việc phát hiện này là báo Thể thao & Văn hóa.
Thế là có chuyện. Phải trùng tu cho nó! Tiền thì rất sẵn. Nhưng trùng tu kiểu gì thì kiểu, phải làm cho nó khác xưa đi, để người đi đường biết là nó đã được đầu tư trùng tu. Lúc đầu các nhà trùng tu định tô cho nó màu xanh. May mà dư luận lên tiếng. Nhưng nghe đồn việc trùng tu nó đã tốn đến mấy chục tỷ.

2. Việc trùng tu ở Đình Kim Liên (HN), chùa Vân Hồ (HN), đình Mông Phụ (Sơn Tây), đình Thụy Phiêu (Ba Vì), đền Và (Sơn Tây) ...dù nhà nước (TW hay HN) hay tư nhân thì cũng đã cho thấy việc dễ dãi của những người làm công tác văn hóa. Cá biệt, có một số công trình trùng tu được xem là bức tử di tích (Đền Và)....
3. Việc quét vôi vàng, tô son trát phấn cho phố cổ cũng là việc duy ý chí và vì thế dân chưa đồng thuận.

8. Con đường gốm sứ.
Hôm nay, con đường gốm sứ ven Sông Hồng được trao Danh hiệu Kỷ lục Ghi - net.
Đây là ý tưởng sáng tạo của Nữ họa sĩ - nhà báo Nguyễn Thu Thủy (báo HN Mới). Tôi đã từng cảnh báo rằng: Con đường Gốm sứ đã ...đi lạc đường. Rất nhiều báo chí và các nhà chuyên môn lên tiếng về nó.
Nhưng thôi, không nói nữa, dù sao nó cũng đã đến được đích Đại lễ.

9. Quy hoạch chung HN đến 2030 tầm nhìn 2050.
Cái này là kinh nhất.
Trước hết vì những người đề xuất Dự án này rất vô chính trị và vô văn hóa. Kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long có trọng tâm tôn vinh vương triều Lý và Đức Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) - người có tầm nhìn xa rộng về sự hưng vượng của non sông. Vậy là kỷ niệm Đại lễ, người ta dời Thủ đô lên Ba Vì - như là một lời phản bác và quay lưng với lịch sử cha ông.
Thứ hai: Quy hoạch Chung HN được coi là Ý chí của Quyền lực của Bộ Xây Dựng nên nó không phải là ý chí của nhân dân, nó không là kết tinh của ý chí nhân dân thông qua giới trí thức tinh hoa. Kết quả là hiện nay nó vấp phải sự phản đối quyết liệt. Càng phản đối, Đồ án Quy hoạch HN càng đổi màu như một con kỳ nhông.
Những "chuyên gia bắt ma" thì gọi "Trung tâm HCQG và Trục Thăng Long" một cách chính xác rằng: Đó là Khu nghỉ dưỡng quốc gia và Con đường bất động sản.

10. Xác lập các hiện vật khủng mừng Thăng Long và Hội chứng một ngàn.
Đại lễ Thăng Long là dịp các nhà đua nhau hiến dâng lễ vật. Hội chứng 1000 xuất hiện:
- Rùa gốm khổng lồ
- Tảng ngọc thạch khổng lồ khắc bài Thiên đô chiếu
- Thiên đô chiếu khổng lồ
- Rùa Thần Kim Quy khổng lồ làm bằng 120 kg chả mực.
- v.v.

Tại sao Đại lễ Thăng Long lại vậy?

Nguồn :
http://nguyenxuandien.blogspot.com/2010/10/tinh-so-ai-le-thang-long-1.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét