27 thg 10, 2010
Talawas đã làm xong nhiệm vụ lịch sử
9 năm! talawas đã sống lâu hơn mong muốn của những người căm ghét nó, và cả những người làm nó, mới vui chứ!
Dễ hiểu: Làm nên talawas là những cây bút chẳng có mưu mô, ý đồ gì, ngoài nỗi bức xúc phải nói ra những suy tư trăn trở về người Việt, văn hóa Việt, rồi từ đó đi đến chỗ không thể không nói về xã hội, chính trị. Không có nguồn nhân lực nào ngoài những cây bút tự nguyện chỉ lấy việc được nói thoải mái mà không bị bịt mồm, bóp méo mồm, chặn họng, đeo khẩu trang… như hàng mấy chục năm nay họ phải chịu, làm phần thưởng.
Không có nguồn tài chính nào ngoài tiền dành dụm của một số anh chị em suốt ngày đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm sống nơi đất khách. Không có thời gian nào ngoài những đêm thức nửa trắng hay toàn trắng. Thế thì họ phải kiệt sức thôi.
Chưa kể sự kiệt sức của những người luôn chịu áp lực của những buổi “làm việc” với an ninh, luôn đứng trước mối đe dọa không hề đùa đối với sinh mệnh (nghĩa bóng lẫn nghĩa đen) của bản thân, mà còn, và nhất là, sự an toàn của những người thân yêu nhất. Không có tổ chức chặt chẽ, họp hành, bàn thảo… nào ngoài sự trao đổi công khai qua mạng. (Đó là những điều an ninh Việt Nam bao giờ cũng quan tâm nhất trong các buổi “làm việc” với các thành viên talawas trong nước.) Cho nên khi kiệt sức thì bảo nhau: “Nghỉ thôi!”
Cho nên 9 năm ấy là một kỳ tích.
Có lẽ không nên so sánh, nhưng hãy cứ thử so sánh talawas với Nhân văn – Giai phẩm. Chỉ tồn tại 5 số báo, vài số tạp chí, trong thời gian chưa đầy 1 năm, trong hoàn cảnh ngôn luận chưa bị gông bằng cùm “xã hội chủ nghĩa” (vẫn còn “dân chủ nhân dân”), Nhân văn – Giai phẩm đã thành một chương đậm nét nhất của lịch sử cách mạng dân chủ do trí thức văn nghệ sĩ phát động, thách thức chế độ cộng sản toàn trị. Nhưng nó bị dập tắt một cách quyết liệt và tàn bạo, khiến cho ảnh hưởng của nó bị triệt tiêu trong mấy thế hệ. Rồi chính talawas lại là người phục hồi ảnh hưởng của vị tiền bối ấy với một hồ sơ hệ thống, đầy đủ nhất.
Trong khi Talawas đã ngày càng trờ thành diễn đàn cuốn hút giới cầm bút tâm huyết với vận mệnh đất nước cả trong lẫn ngoài nước, kéo dài suốt 9 năm, có thời kỳ không ít cây bút “chính thống” tên tuổi cũng đàng hoàng (và không phải không vui thích) xuất hiện trên đó.
Ảnh hưởng của talawas đối với đời sống văn hóa tư tưởng quốc nội có thể thấy được qua thái độ của an ninh Việt Nam đối với nó: từ chỗ để tự do đến chỗ chặn tường lửa, rồi đến chỗ quyết ngăn cản các thành viên trong nước tham gia nó. Họ nói rất rõ: Vấn đề của talawas không chỉ ở chỗ nó “phản động”, mà còn ở chỗ nó có những cây bút (mà họ phải thừa nhận là) “trung thực, uy tín” (với bạn đọc) tham gia tích cực. Cho nên rất nguy hiểm.
Vậy hôm nay an ninh có ăn mừng việc talawas “tự chết”? Phải chăng họ “bất chiến tự nhiên thành”?
Kẻ viết bài này từng nói với an ninh: “Các anh có dùng mọi cách đánh sập được talawas thì ngay lập tức sẽ có một ‘tala… oách’ ra đời! Là vì với chính sách bóp nghẹt thông tin hiện nay, người có lương tri tất phải tìm đến một diễn đàn tự do để giãi bày, phản biện. Lẽ ra trong nước phải có một talawas, để những người như tôi không phải gửi bài ra nước ngoài.”
Tôi nói câu ấy gần 3 năm trước. talawas chưa chết, thì đã có hơn một trang mạng mang phần nào tinh thần talawas ra đời trong nước. Kể cả một trang được coi là “chính thống” như VietNamNet, chẳng khối bài trên ấy mang tinh thần talawas đó sao? Rồi thì Bauxite VN xuất hiện, dũng mãnh, kiên cường, niềm tự hào của giới cầm bút không chịu mang gông quanh đầu và xiềng trên tay! Và cũng vô tư, “văn nghệ”, “tùy hứng” như talawas, mà trách nhiệm đóng góp vào những vấn đề sinh tử của đất nước thì ngày càng sáng rỡ. Vậy là lời mong ước “có một talawas trong nước” đã thành, và còn hơn thế nữa! Vậy thì talawas nhắm mắt được rồi, nó đã làm xong “nhiệm vụ lịch sử” của mình.
Giờ thì đến lúc an ninh Việt Nam phải lo đối phó không phải chỉ với sự phản biện, mà cả sự đối lập, không chỉ sự tập họp lỏng lẻo, mà có tổ chức. Con đường tới dân chủ tất yếu phải thế. Nhưng đó là chuyện của một thế hệ mới.
23/10/2010
Nguồn :http://webcache.googleusercontent.com
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét