" Qua cơn lận đận mới hiểu tận lòng nhau”
( Trần Hoàn-Phỏng dân ca Nghệ Tĩnh)
Thấy điều gì qua chuỗi sự kiện Thăng Long ngàn năm, lũ lụt trăm năm ở miền Trung vừa qua ?
Nhiều. Nhưng có lẽ nổi lên một cảm giác là Đảng đang trở thành một Đảng đối lập và Chính phủ đang là một chính phủ của thiểu số.
Đối lập với ai ? Với nhân dân.
Biểu lộ ra là sự chuyên quyền, độc đoán khoác áo “quyết tâm chính trị” trong chuyện phải làm bằng được những gì muốn làm, bất chấp dư luận, bất chấp tâm tư nguyện vọng của rất đông đồng bào, nhân sỹ…trong cả nước.
Thiết nghĩ, tổ chức một lễ hội nào đó, ngoài việc dùng rất nhiều tiền của của nhân dân, nó còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt thường ngày của họ.
Trong thời gian lễ hội còn phải huy động nhiều nhân lực, quân đội, học sinh, công nhân…tập dượt cả mấy tháng trời, nếu tính ra công lao động, dù chỉ với mức tối thiểu thì hàng triệu ngày công đã phải bỏ ra để làm cái chuyện đào tạo một người chưa được đào tạo, không có năng khiếu thành một người nghệ sỹ múa loàng xoàng, để rồi sau lễ thì ai về việc nấy.
Rồi vô vàn những phiền nhiễu, trễ nải…trong rất nhiều việc thiết thực liên quan đến cuộc sống hàng ngày, mà người ta sẽ có một câu bào chữa rất “linh” : Dạ, bác thông cảm, bọn cháu phải lo đại lễ, bác chờ sang tháng mười một quay lại. ( Sau đó sẽ là câu : Dạ, bác thông cảm, bọn cháu phải chờ xong đại hội, năm sau bác quay lại cháu ưu tiên…) Mới nghỉ thêm thứ Bảy mà nhiều nơi ùn ứ giải quyết việc dân không hết, nay cả mấy tháng trời… Dân có việc gì chắc khổ lắm, mà khổ không kêu được mới đau.
Vật giá có vì Đại lễ mà tăng không, có ảnh hưởng đến cán cân tài chính, có đẩy nhanh lạm phát không ? Có ! Bao nhiêu, như thế nào xin nhờ các chuyên gia trong ngành.
Ảnh hưởng sâu rộng như thế mà không ai hỏi ý kiến dân. Tại sao không trưng cầu dân ý ? Cứ thử đưa đề cương, dự toán…của đại lễ ra rồi làm một cuộc thăm dò ?
Đảng không dám, chính phủ không dám thăm dò, vì dân sẽ bảo : Không nên làm, chỉ cần một ngày chủ nhật nào đó có mít tinh, có hoa, có ca múa trên đường phố, có một chặp pháo hoa…là đủ.
Người Hà Nội càng “No”. Vốn tinh tế, đoan trang “cái giá cắn đôi”, ăn lấy thơm lấy thảo, coi nồi, coi hướng… Nay bắt ăn hùng hục, gặm sồn sột, húp soàn soạt, cỗ ú ụ ngập mặt cả chục ngày, nó “sái” với văn hóa lâu đời của người kinh kỳ nho nhã. Chưa kể là nhà bà con xa trong khu Tư đang có chuyện rất buồn.
Tóm lại, sẽ là “No”.
. Kỳ họp phụ huynh vừa rồi ở lớp nọTrong “Hà Nội Mới” vừa rồi có chị kia viết là đã hỏi và được trả lời rằng ai cũng “rất vinh dự tự hào” khi được tham gia diễu binh diễu hành dù tập luyện gian khổ mệt nhọc. Than ôi, ông cố nội mấy người ấy sống dậy cũng không dám nói khác đi một khi đang đứng trong hàng quân đồng loạt xin đổi gíao viên chủ nhiệm vì cô này dữ đòn và hay mạt sát trò. Là con cái họ về khóc với cha mẹ thôi, chứ giữa lớp vẫn phải “cô giáo em hiền như cô Tấm”.
Chị cũng “thăm dò” đấy, nhưng là theo thói xu nịnh, xu thời, đáng khinh lắm.
Đảng, chính phủ thử thăm dò rộng rãi, đừng trù dập người có ý kiến khác xem sao ! Thiết nghĩ trong ba chuyện lễ hội, ăn uống nhậu nhẹt này có “Yes” hay “No” thì uy tín đảng, chính phủ cũng chẳng sứt mẻ gì, mà cũng chẳng bọn phản động nào dựa vào đó, lồng ghép vào đó cái gì “bất lợi” cho sự nghiệp cách mạng được. Lại còn được tiếng “dân chủ” sâu rộng, điểm số lên ào ào ấy chứ.
Hay là, biết sẽ gặp “No”, nên bảo nhau thôi hỏi dân mà làm gì. Bày ra hỏi, không làm theo thì mang tiếng độc đoán, làm theo thì “Đói” cả bè sao.
Cũng chị Hà Nội Mới kia viết “ Đất nước ta chưa giàu, điều kiện chưa dư giả…”. Trời ạ, là người cầm bút, chị đừng có lập lờ câu chữ. Đất nước ta nghèo, nghèo lắm chị ơi. Nghèo như chị Dậu vậy đó. Cạn kiệt hết rồi. Mang con đi bán làm người ở, làm cu ly khắp thế giới. Có ở lại trong nước thì cũng làm thuê, làm cu ly cho tư bản ngoại quốc. Con gái mang gả cho đủ loại què cụt tâm thần. Vay nợ nếu bắt trả ngay vốn, lãi thì bán hết lãnh thổ đi chưa chắc đủ đó chị ! Đảng, chính phủ muốn làm thì làm, chứ mình người dân, mình phải nhìn bằng mắt người dân chị ạ.
Đang ca múa đàn hát thì xảy ra lũ lụt ở miền Trung.
Trôi nhà, chết người, lúa ngô gà lợn mất trắng. Cả một dải khu Bốn chìm trong tang tóc, khổ đau trong cơn lũ trăm năm mới có.
Không cần phân tích dài dòng, cứ theo đạo lý thông thường của con người ngàn đời nay thì đáng ra lễ hội, chiêng trống, mọi trò vui…phải ngưng lại, phải thu gọn lại. Dân tộc ta thiên tai địch họa đeo đẳng cả ngàn năm nay, chuyện chia xẻ, cảm thông, chuyện máu chảy ruột mềm…nó thành truyền thống rồi, không ai nuốt nổi miếng ngon, cất nổi câu hát khi đồng bào đang gặp cơn hoạn nạn. Người nào cũng thế, người Hà Nội càng thế. Thời nào cũng thế.
Vậy mà sao thời này, đảng và chính phủ không làm cái chuyện thuận theo đạo lý dân tộc như thế ? Muốn chứng tỏ ta đây không cần theo ai cả, ta là một là riêng, là duy nhất, là kiên định, là “quyết tâm chính trị”. Ta có “đạo đức” riêng của ta ?
Hãy thử làm một cuộc thăm dò bỏ túi chừng chục ngàn người đang tươi cười đi quanh Hồ Gươm kia rằng nếu bây giờ tắt đèn, dẹp sân khấu…vì miền Trung đang hoạn nạn có được không. Bảo đảm 99% sẽ nói : “Cần phải làm như vậy. Không vui lúc này thì vui lúc khác. Đó là đạo lý làm người”. 1% ấy sẽ là các quan tham, những kẻ cơ hội đang kiếm ăn, chặt chém nhờ lễ hội.
Tại sao không hỏi dân chuyện ấy ? Sợ phải “ngưng” sao ? Không lẽ đảng là đảng đối lập (với nhân dân), là chính phủ của thiểu số nào đó ?
Cứ “Lễ” !
Thế là ai chết cứ chết.
Ai bắn cứ bắn.
Ai khóc cứ khóc
Ai cười cứ cười.
Cuối cùng thì một Phó Thủ tướng vào chia mì gói, chia buồn...
Chủ tịch nước đâu ? Trong những thảm họa của nhân dân, chuyện sống chết...người ta không cần Thủ tướng bằng Chủ tịch nước. Không vô tình mà quyền cho "miễn chết" được giao cho Chủ tịch nước. Dân cần thấy chủ tịch, cần nghe chủ tịch.
Thế mà Chủ tịch thừa thời gian, thừa tim mang đi gắn cho ngựa, thiếu thời gian đến với lương dân. Có cảm giác là chính bác hơi thiếu cái Tâm, cũng là Tim, đối với con dân, bác ạ.
Sẽ có lập luận về Đại Lễ : Quốc hội đã thông qua từ lâu rồi kia !
Chuyện trong chăn có rận, ai xa lạ gì đâu. Ai cũng hiểu cách lãnh đạo kiểu thời chiến, tuy có mất dân chủ, có độc đoán chuyên quyền thật đấy, nhưng nhờ vậy mà con thuyền cách mạng vượt qua được những thời khắc ngặt nghèo, hiểm nguy. Nước sôi lửa bỏng, thù trong giặc ngoài, chỉ có nhất hô bá ứng, không được bàn cãi gì cả. Quốc hội ta nay chưa hoàn toàn là đại diện cho nhân dân mọi tầng lớp, lại vẫn quen “đồng thuận”theo kiểu “nhất hô bá ứng” thời xa xưa, nên không chắc rằng cứ Quốc hội thông qua là dân “thông suốt” cả đâu. Thời chiến mới cần như thế. (Mà, trong lịch sử thì thời chiến cũng từng có một Hội nghị Diên Hồng )
Thời nay đã khác nhiều, hòa bình rồi, không lẽ nhân dân đang từ “sức mạnh vô địch” bỗng hóa thành “đối tượng” đáng nghi, cần “xử lý” của cách mạng hết ?
Vậy thì, sao không thử hỏi ý kiến nhân dân ? “Cá” hãy hỏi “nước” một lần xem.Hãy bỏ phiếu kín, không ghi danh, không dọa dẫm trù dập, không đặt “chỉ tiêu” phần trăm đồng thuận cho cơ quan, tổ dân phố…(các vị quan nha ấy lắm chiêu hù lắm) để một lần được nghe dân biểu lộ sự thèm muốn hay sự ngán ngẩm trước bữa tiệc “ngàn năm” lê thê mà hoang phí kia.
Lê thê quá. Lễ Quốc khánh ( sinh nhật Nước) cũng có một ngày. Tết âm lịch vài ngày. Tết thống nhất 30/4 một ngày. Thế mà cái năm chuyển nhà ( không phải ngày chuyển nhà, vì làm sai ngày ta, đúng ngày Tàu) của một thời vua (chẳng phải sinh nhật gì, vì thành Đại La có trước đó lâu rồi, chẳng qua là “nâng cấp” từ đô thị loại hai lên loại một vậy thôi ) thì rùm beng mười năm chuẩn bị, mười ngày nhậu nhẹt chúc tụng hát múa hội họp bắn nổ…tiền đổ ra là kỷ lục thế giới đối với một lễ kỷ niệm “giời ơi”.
Nhân dân trong bao nhiêu năm quen “một lòng theo sự dẫn dắt”, nghĩ phận “gái góa” không dám bàn “chuyện triều đình”, có xót công xót của, có bất bình thì cũng thở dài cái “sượt” : “Chuyện của “mấy ổng”, họ muốn làm gì thì làm”. coi như “xui xẻo” khi phải làm dân của mấy ổng.
Đảng, chính phủ chắc nghĩ dân đa số dốt nát, hỏi han thêm rách việc, tinh hoa trí tuệ dân tộc nằm đây cả rồi, ta làm thay dân luôn đi, việc gì phải Diên với chả Hồng.
Thêm nữa, dù là chuyện ăn chơi nhảy múa vô thưởng vô phạt thật đây, nhưng được hỏi một lần thì dân quen đi, sinh “hư”, mai mốt gặp chuyện như bauxite, như bán rừng cho Tàu, như rót tiền dân cho Vinashin mang ra biển đổ…cũng đòi “hỏi” thì làm sao dám đưa sự “đồng thuận” giả tạo ra bàn dân thiên hạ được.
Dân là dân.
Ta là Ta.
*
* *
Lại thấy qua đó :
Đảng ta thật kiên cường, kiên quyết, kiên định.
Chính phủ ta thật kiên trung với đảng.
Tốt !
Hy vọng sắp tới, tắt đèn hạ màn rồi thì trong những chuyện “nóng bỏng” như chống xa hoa lãng phí, chống tha hóa, chống tham nhũng, chống bọn xâm lấn biển đảo…đảng và chính phủ cũng thể hiện được những phẩm chất quý báu ấy.
Được như thế quả thật nhân dân sẽ rất vui vẻ, rất tự hào mà kết thành một khối đại đoàn kết, sẵn sàng “Bá ứng” khi có “Nhất hô”.
Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/nguyendinhdong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét