Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

29 thg 3, 2010

CÁI NHÌN KHÁC NHAU XUNG QUANH MỘT VẤN ĐÈ

BÀI THỨ NHẤT
Phật xá lợi và những chiếc xe đời mới đắt tiền

Một chiếc chuyên cơ của hãng Hàng không Quốc gia bay trong ngày khứ hồi Việt Nam - Ấn Độ để chở 3 viên Ngọc xá lợi Phật. Đoàn đi gồm khoảng 100 nhà sư, phật tử, nhiều nhà báo, có cả nhà sử học.
Về đến phi trường Nội Bài, 3 viên xá lợi được chở tới Bái Đính (chùa Bái Đính mới, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) bằng 3 chiếc xe đời mới đắt tiền (2 chiếc Lincoln Crystal và 1 chiếc Limousine Hummer).

Đức Phật dạy: Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là thiếu hiểu biết
Đọc cái đoạn này, những người bình thường thì cho rằng đây là một sự kiện văn hóa, những Phật tử thì cho rằng duyên. Những người biết thì bảo, cái sự kiện rước xá lợi Phật đắt đỏ, lãng phí, tốn kém nêu trên nếu soi bằng giáo lý nhà Phật thì không đúng, không sai nhưng nó là biểu hiện của vô minh. Thiện ác còn chả có nữa là sai đúng. Nhưng vô minh.
Kinh Kim Cương bảo: vô minh giống như tấm gương bị bẩn, phải lau sạch đi, không những thế phải đập cả cái gương đi. Gương sạch mới thấy Tâm, thấy tính, kiến tính thành Phật. Thế mà cuối cùng cũng không còn tâm nữa, không chấp vào tâm nữa mới đến được bờ bên kia huống hồ lại chấp vào chùa to, tượng to, chấp vào xá lợi, cho dù là xá lợi của Đức Thích Ca.

Xá lợi được đưa về Việt Nam bằng chuyên cơ của Vietnam Airlines và được đưa về chùa Bái Đính tại Ninh Bình bằng xe hơi đắt tiền. Ảnh: dantri.com.vn

Người ta cho xá lợi thì mình nhận, mang về xây tháp (nhỏ thôi) đặt vào cho bà con xa gần chiêu bái. Thế là đủ duyên rồi. Bày vẽ đưa rước linh đình, tốn tiền cho dù là tiền công đức cũng là lãng phí công đức. Không biết tiền thuê chuyên cơ và thuê 3 xe hơi hạng sang tổng cộng là bao nhiêu? Ai bỏ ra? Nếu giả sử đây là tiền của mấy vị nào đó cung tiến thì cũng không được hay lắm bởi vì tham quá. Tham phúc quá. Tham phúc cũng là tham.

Buổi lễ đón xá lợi thì tổ chức linh đình, ồn ào, có cả mấy cô văn công bận áo dài cải biên hở cả nách mầu mỡ gà vừa gõ trống vừa nhún nhẩy. Liệu có cần thiết phải làm vậy không? Việc xây chùa to, đúc tượng to, tổ chức sự kiện to là ý tốt nhưng lại xa rời Phật pháp.

Lịch sử Thiền Tông có một câu chuyện thế này: Một nhà tu hành đã đi khắp chốn cao sơn lưu thủy mong tìm được thày chỉ giáo cho mình con đường đốn ngộ, thế rồi một ngày trên một đỉnh núi tuyết phủ dầy, ông ta gặp một thiền sư.
Vị thiền sư đang chẻ củi chuẩn bị nấu cơm, nhà sư cất lời hỏi thiền sư: Phật ở đâu? Thiền sư im lặng bỏ vào trong lều vung rìu bổ đôi bức tượng Phật bằng gỗ trên bàn thờ.
Nhà sư hỏi: Ông bổ tượng làm gì?
Thiền sư đáp: Để tìm xá lợi.
Nhà sư: Tượng gỗ làm gì có xá lợi.
Khi câu hỏi này cất lên cũng chính là lúc nhà sư đốn ngộ. Hay nói cách khác thiền sư đã dùng một công án rất đặc biệt để khai thị cho nhà sư.

Chùa hay tượng hay xá lợi hay xá lợi tâm cũng chỉ là Pháp thôi. Phật tức tâm, tâm tức Phật. Nếu còn cơ duyên, một ngày nào đó, chùa Bái Đính được tặng 3 viên xá lợi Phật nữa thì mong các vị biết đó vẫn chỉ là một pháp nữa.
Tác giả: Hoạ sỹ Lê Thiết Cương
Nguồn :
http://tuanvietnam.net/2010-03-18-phat-xa-loi-va-nhung-chiec-xe-doi-moi-dat-tien


BÀI THU HAI
Sư đôi co với Sĩ
Họa sĩ Lê Thiết Cương vừa qua có trên Vietnamnet một bài viết thắc mắc sao việc đón tiếp xá lị Phật tổ chức linh đình tốn kém, huy động những chiếc xe bạc tỉ làm cuộc đón rình rang, long trọng.

Thiết tưởng nhà Phật là giản dị, từ bi. Nghe thấy điều đúng thì tiếp thu, không đúng cũng nên từ bi , hỉ xả . Lấy cái tâm độ lượng để thuyết phục chúng sinh.Nhưng Phật pháp bây giờ cũng phải có những chuyển biến , phù hợp với xã hội.
Phải vận dụng, sáng tạo chủ nghĩa xã hội, đấu tranh giai cấp vào trong Phật Pháp. Bởi thế cho nên sư Trí Không xắn tay múa bút nhảy lên trang Phattuvietnam phang lại họa sĩ LTC
Thế là Sư chiến nhau với Sĩ

Việc huy động xe cộ đắt tiền chưa biết là nên hay không nên. Người đọc còn đang phân vân thì Sư nhảy vào chiến Sĩ. Chợ búa như thường. Có điều là chơi nhau đầu tiên theo kiểu dùng những câu chuyện Thiền.Sư Trí Không giở câu chuyện Thiền móc máy Sĩ
http://daitangkinhvietnam.com/nghien-cuu-phat-hoc/httpdaitangkinhvietnamorgnghien-cuu-phat-hoc125-chan-hung-phat-giaohtml/3682-phat-xa-loi-va-nhung-chiec-xe-doi-moi-dat-tien.html?start=1''

Có hai thiền sư đi ngang một khe suối. Khe suối đó khá sâu và trên bờ có một thiếu nữ đang có nhu cầu muốn được qua suối nhưng lại sợ suối sâu và dòng nước chảy xiết đó.
Một Thiền sư hăng hái nói với cô thiếu nữ: hãy ngồi lên lưng để tôi cõng cô qua suối. Sau khi Thiền sư cõng cô gái đó quá suối thì cả hai anh em tiếp tục chuyến đi của mình.
Một ngày trôi qua, hai thiền sư trẻ đã về đến liêu cốc của mình và dường như không thể im lặng hơn được nữa, thiền sư không cõng cô gái lôi thiền sư cõng cô gái ra chất vấn: hôm nay huynh đã phạm giới.
Tại sao huynh dám cõng một cô gái trên lưng trong khi giới luật không cho phép điều đó.Lúc này thiền sư cõng cô gái mới bừng tỉnh: vậy sao? Nhưng huynh đã để cô gái đó bên bờ suối rồi, sao đệ còn cõng cô gái đó về tận chùa vậy?”

Buổi lễ đón rước đã xong, chiếc xe đắt tiền cũng đã về chỗ của nó, sao Họa sỹ còn ngồi trên đó lâu quá mà chưa xuống vậy?''
Ý sư Trí Không là chuyện xong rồi, nói làm gì nữa. Như thế là móc máy , chơi xấu.
Các đệ tử nghe Trí Không nói thế , thích lắm. Thích cái uyên bác của Trí Không chửi LTC.Thế giờ ai hỏi Trí Không rằng.- Bài viết của LTC thiên hạ cũng đọc rồi, sao TK còn ngồi đọc làm gì ?
He, tóm lại là chiến thế thì chiến cả ngày. Kiểu sắc là không, không là sắc. Còn gà đẻ ra quả trứng, quả trứng đẻ ra con gà, đêm trước ngày, ngày trước đêm.Hóa ra cái mà đệ tử Trí Không ca tụng sư là vậy, vì sư áp dụng một kiểu lý lẽ trời ơi đất hỡi, cãi nhau đến mùa hoa khoai lang chưa xong.
Buồn cười nhất là Trí Không bao biện cho việc xa hoa tốn kém chỉ là bên ngoài. Quan trọng là cái tâm nọ, ý kia bên trong. Sư cho rằng quan niệm nhà Phật thì xe cộ đắt tiền kia chỉ là huyễn thôi. Bàn làm cái gì ?
Theo như chủ thuyết sắc như không của sư , sao sư không coi bài viết của LTC là huyễn nốt đi cho rồi, lại còn đăng đàn chiến lại làm cái gì cơ chứ.

Sau thì hết thiền với pháp quay ra đời thực Sư đem việc vẽ tranh của LTC ra hỏi là ai mang tranh chùi cầu tiêu thì sao?
Sư mà chơi tay bo, thẳng thắn,lên mạng viết bài những thứ cầu tiêu, cứt đái đem ra hết đúng là chỉ có thời này mới có.Cái này mới là cái đáng nể của sư Trí Không,, cần thì lột áo cà sa chơi tới bến luôn.
Kể ra Trí Không cũng thẳng thắn khi dùng tên hiệu. Chứ thâm như sư khác á, sư sai lũ đệ tử hiệu Linh Nhi, Diệu Hiền, Minh Đạo...gì đó ra viết bài phang lại mới là cao thủ.
Tóm lại lý luận của Sư trước diễn biến ngày càng xa hoa của các Sư là- Tiền là vô nghĩa.Nên các sư tiêu không cần nghĩ ngợi, cốt ở cái tâm mà.

Một khi tâm sáng thì tiêu thế chứ tiêu nữa cũng chả là cái đinh gì.Tiền đã vô nghĩa rồi thì huy động tốn kém làm gì, sao không nghĩ thế mà hạn chế xa hoa. Người ta góp ý thì giẫy nảy nên làm mình làm mẩy, bĩu môi chê thiên hạ thấp kém chỉ nhìn vật chất tầm thường. Lại còn cay cú nhắn nhủ là chuyển bài mình viết tới Tuần VNN đến họa sĩ LTC nữa.

Chắc Sư Trí Không muốn ăn thua đến cùng đây.Mình mà là bọn Tuần Việt Nam Net, đưa luôn bài cầu tiêu và tiền là vô nghĩa của sư Trí Không lên báo. Cho thiên hạ tự ngẫm nghĩ về cách đối đáp, hành xử mang tính cao đẹp của Trí Không sư.

Sư chiến Sĩ phần 2
Bây giờ thì thật sự là Sư chiến Sĩ. Không cần đôi co làm gì nữa.
Hôm nay đại đức Thích Minh Thắng Ủy Viên ban văn hóa Phật Giáo Việt Nam đăng đàn tiếp sức cho Trí Không chơi LTC cho ra nhẽ thì thôi.
http://www.tuanvietnam.net/2010-03-24-ruoc-xa-loi-cua-duc-phat-cua-trao-va-cach-nhan

Không chơi trò cầu tiêu, cứt đái như Trí Không. Bằng một thủ đoạn cao cường hơn, xứng tầm với bản lĩnh chính trị của một nhà sư mà chức danh nghe đầy hàm chính trị, đại đức ( đức to)

TMT phủ đầu luôn việc đón xa lị rềnh rang, tốn kém đó là ‘’ thể diện quốc gia’’ là ‘’ quan hệ ngoại giao’’. Sợ chừng ấy chưa đủ cho LTC ngán hẳn, TMT bồi thêm lý do rất rõ ràng là nhà nước Việt Nam giao cho giáo hội PGVN đứng ra tổ chức sự kiện này.
Rõ ràng đây là chuyện chính trị, quốc gia đại sự nhé họa sĩ LTC.TMT còn đưa tên PCT nước Nguyễn Thị Doan ra là người móc nối việc đưa xá lị về trong chuyến thăm và làm việc tại Ấn Độ.
Đã là sự kiện chính trị thì là vấn đề khác đi rồi đấy.Thường thì cái mũ ‘’ chính trị’’ chỉ được báo công an, quân đội, sài gòn giải phóng…đem đi úp người khác. Xem TMT dùng chiêu úp mũ này cũng điệu nghệ không kém gì các chuyên gia kia.

Thực ra xem kỹ thì nhà nước VN giao cho GHPGVN đón rước xá lị. Chứ không nói rõ là phải đón tiếp trọng thể thế nào. Ngày nay chính bản thân nhà nước còn đang hô hào không dùng xe công đi lễ chùa, không lễ lạt tốn kém, ban hành quyết định này nọ để hạn chế việc lãng phí trong nghi lễ

Nhà nước giao cho GHPGVN đón là phải, chả lẽ nhà nước bỏ tiền, công sức ra đón hộ cho à ? Hay muốn đội nghi lễ quốc gia bồng súng chào rồi quân nhạc cử quốc ca. Như thế khác nào đây là nhà nước Phật Giáo.

TMT thật ngoa ngôn hay biết lợi dụng hình ảnh này nọ. Tuy ai cũng hiểu GHPGVN với nhà nước VN gắn bó mật thiết thế nào. Nhưng nhà nước đâu dại gì chường mặt để bà con dị nghị là can thiệp sâu vào tôn giáo. Việc cố lôi kéo sự việc dính tới nhà nước Việt Nam, dính tới chính trị, quan hệ quốc tế của Thích Minh Thắng thật ra là một trò cáo mượn oai hùm.

Lẽ ra các vị trong ban tôn giáo chính phủ phải lên tiếng đính chính vụ này, không kẻo nhân dân nghĩ nhà nước tiếp tay cho Phật Giáo mặc sức đi quyên tiền Phật Tử để tiêu gì thì tiêu. Trong khi các tổ chức, các nhân muốn quyên tiền làm từ thiện còn bị hạn chế, xét hỏi bởi nhiều thứ, mà để GHPGVN ngang nhiên đi nhận tiền rồi bảo tiền thiên hạ cúng dường, muốn tiêu gì thì tiêu quả là chướng vô cùng.
Dừng lại cũng là một trong những điều nên làm.Một vị sư đăng đàn văng này nọ đã là không hay. Tiếp đến một vị sư ỷ thế chính trị để bao biện, hăm dọa nữa lại càng không hay chút nào.Giá như sau bài của LTC, có vị cao tăng nào đó đứng ra nói kiểu chung chung là có gì sơ suất xin lĩnh ý. Thiên hạ ai cũng vui mà phần trọng các sư không hề giảm.

Lái Gió này cũng từng có lần chỉ trích một đại đức trụ trì ngôi chùa tiếng tăm nhất nhì nước Việt.
Vị đại đức đó mời Lái Gió tới một ngôi chùa nhỏ, ông không nói nhiều. Ông pha trà hỏi thăm gia đình rồi nói- Tôi không nói chuyện đã qua, dù sao tôi cũng có những khuyết điểm như người thường. Cũng vì chuyện ấy mà có duyên chúng ta gặp nhau. Anh cũng con nhà Phật, tôi cũng người nhà Phật. Có gì chúng ta bảo ban nhau.Một vị đại đức tiếng tăm gấp ngàn lần Thích Minh Thắng, quen thân cỡ UVBCT mà khiêm nhường trước lời kẻ vô danh tiểu tốt trong thiên hạ như vậy. Không biết Thích Minh Thắng có rút ra được điều gì chăng ?

Khó lắm, sư cũng muốn loại sư. Đại đức cũng dăm bảy đường đại đức.Cứ dùng kinh sách để phân trần, đôi co với người thế tục. Tưởng là mình uyên thâm lắm, biết đâu đánh mất đi cái Đức của người nhà Phật.
Đón rước xá lị thật long trọng là mong muốn của bất kỳ Phật Tử nào. Mình có tiền mình tiêu hoang phí gì cũng được. Nhưng có ai góp ý thì cũng nên cân nhắc tiếp thu. Lý lẽ tôi có tiền tôi tiêu đến trọc phú cũng không cãi vậy huống chi những người xưng là ‘’ bần tăng’’. Nhất là lôi kéo sang chuyện chính trị, thể diện quốc gia, quan hệ quốc tế để bao biện cho việc tôn giáo xa hoa nữa càng không nên.Thể diện quốc gia đang cần 150 triệu chuộc ngư dân về ngày hôm nay đây này.
http://vietnamnet.vn/xahoi/doisong/201003/Tau-ca-lai-bi-bat-giu-tau-doi-tien-chuoc-900804/
Chứ không phải là 100 nghìn đô để hoang phí rồi bao biện đủ kiểu.
Nguồn :http://nguoibuongio.multiply.com/journal/item/426

BÀI THU BA
Thư của một Phật tử gửi Đại đức Thích Thanh Thắng

9 viên ngọc xá lợi Phật lưu giữ trong 3 tháp lưu ly.

Là một Phật tử nhỏ bé, nhưng tôi cũng hiểu được rằng: Phật tại tâm chứ không tại chùa.

Kính thưa Đại đức,
Tôi là một Phật tử như hàng triệu triệu Phật tử trên trái đất này. Tôi cũng là một trong những người theo dõi bằng lòng thành kính của mình với sự kiện rước Phật xá lợi vừa qua. Đấy quả thật là một sự kiện tâm linh lớn lao cho những Phật tử Việt Nam nói riêng và cho văn hoá của đất nước nói chung.

Rồi tôi đọc bài của ông Lê Thiết Cương. Tôi không hiểu gì nhiều về giáo lý nhà Phật. Trong bài, ông Lê Thiết Cương có đề cập đến một điều mà có thể gọi là sự phô trương. Tôi thấy sự phô trương dù ở hình thức nào cũng không đúng với tinh thần của những người tu hành.

Đến nay, tôi lại đọc bài của Đại đức trao đổi lại ông Lê Thiết Cương. Tôi không dám bàn luận những gì liên quan đến giáo lý nhà Phật. Tôi chỉ băn khoăn một vài điều trong bài viết của Đại đức.
Không biết thì phải hỏi, chưa rõ thì phải thưa. Với ý thức đó, tôi viết thư này tới Đại đức để bầy tỏ những ý nghĩ chân thành của mình. Nếu có gì chưa phải mong Đại đức chỉ giáo.

Điều thứ nhất: Trong bài viết của mình, Đại đức có trích một đoạn trong một bài báo:"Thượng tọa Thích Huyền Diệu cho biết ông đã nói với mọi người rằng với những bảo vật quý này, chỉ có thể rước bằng một chuyến bay trang trọng, không ngờ nay đã thành hiện thực".
Tôi không hiểu ý của Đại đức trích đoạn viết này có ý gì sâu xa nữa không? Nhưng với văn bản đoạn trích đó, tôi hiểu theo hai nghĩa.
Một, đoạn trích nói vậy có nghĩa là Thượng toạ Thích Huyền Diệu đã TIÊN TRI đúng việc Phật xá lợi được đưa về Việt Nam bằng cách nào. Nếu như thế thì có gì mà chúng ta phải kêu lên “không ngờ nay đã thành hiện thực”. Vì điều ấy ai mà chẳng biết. Việc chuyển bảo vật này bằng máy bay chỉ trở thành lời tiên tri của Thượng toạ khi Thượng toạ nói về điều ấy ở thời điểm nhân loại chưa có máy bay mà thôi.

Hai, với phương tiện di chuyển ngày nay và với khoảng cách từ Ấn Độ về Việt Nam thì ai cũng biết dùng máy bay là thuận tiện nhất. Nhưng người ta vẫn có thể rước Phật xá lợi về Việt Nam bằng những con đường khác chứ đâu “chỉ có thể rước bằng một chuyến máy bay trang trọng”. Mà cái trang trọng và linh thiêng nhất là hướng tâm trí trong sáng của mình tới những điều kỳ diệu chứ đâu bằng việc dùng một phương tiện vật chất.

Việc rước Phật xá lợi về Việt Nam có thể bằng nhiều cách. Nhưng với điều kiện hiện nay thì chúng ta rước bằng máy bay là hợp lý. Còn nếu dùng một chuyên cơ riêng thì có cần thiết đến như thế không? Với số tiền còn lại, các nhà tu hành sẽ dùng vào những việc kỳ diệu không kém mà tôi sẽ xin thưa ở một phần sau.

Tôi xin nói thêm, trên báo có dẫn lời của Thượng tọa Thích Huyền Diệu luôn miệng nhắc hai từ “kỳ diệu”: "Đây quả là điều kỳ diệu. Xưa Đường Tăng mất sáu năm để đến được đất Phật, nay các vị thực hiện điều đó chỉ trong vài giờ đồng hồ bằng cả một chuyến bay riêng".

Xin thưa, điều kỳ diệu mà Thượng tọa Thích Huyền Diệu nói đến chỉ là điều kỳ diệu của khoa học kỹ thuật mà thôi chứ không thể ghép bất cứ điều kỳ diệu nào thuộc Tâm linh vào việc rút ngắn thời gian vận chuyển.
Tôi cũng vô cùng băn khoăn khi Thượng tọa so sánh chuyến đi của Đường Tăng sang Tây Trúc lấy kinh và chuyến chuyên cơ rước Phật xá lợi về Việt nam. Với ngu ý của một người dân bình thường, tôi thấy hai việc này không giống nhau.
Con đường của Đường Tăng là con đường đi tìm chân kinh. Đó là con đường đi tìm chân lý của nhân loại. Còn con đường đi rước Phật xá lợi là rước một báu vật như người ta rước một bức tượng từ ngôi chùa này đến ngôi chùa khác.
Tôi nghĩ như vậy, xin các nhà tu hành, các Phật tử và mọi người thấy có đúng không?

Điều thứ hai: Trong bài viết của Đại đức có câu: “Nhiều khi muôn bài thuyết pháp cũng không bằng việc tỏ bày một hình thức để cho người khác khởi niềm tin kính hướng thiện”.
Tôi đồng ý với câu nói này của Đại đức. Nhưng hình thức mà Đại đức đang bàn đến hay lấy làm ví dụ liệu có phải như vậy không? Sự cầu kỳ, diêm dúa, phung phí cũng là một loại của hình thức. Sự giản dị, sâu sắc mà tôn nghiêm cũng là một loại của hình thức. Hành động nào cũng có hình thức của nó nhưng bản chất chứa đựng sau hình thức đó nhiều lúc lại ngược nhau. Cầu kỳ, phung phí khác với tôn nghiêm, vĩ đại.


Ông cha ta có câu: thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa. Hồi còn trẻ, tôi nghĩ đó là một câu nói nôm na về việc tu dưỡng của con người. Nhưng lớn lên, tôi giật mình khi nhận ra đó là một triết lý cao sâu khôn cùng được trình bày vô cùng giản dị trong hình thức của ngôn ngữ. Là một Phật tử nhỏ bé, nhưng tôi cũng hiểu được rằng: Phật tại tâm chứ không tại chùa.

Cố nhà thơ Thế Mạc, người cùng quê tôi, thường xuyên ăn chay, đọc kinh Phật mà không ít các vị tu hành ở vùng đó đều biết đến có viết một câu thơ mà tôi không nhớ từng chữ. Tôi chỉ xin diễn lại ý của câu thơ này. Đó là ngôi chùa bị phá đi rồi nhưng sự linh thiêng của Đức Phật vẫn trùm phủ xuống đời sống con người.

Điều thứ ba : Đại đức viết: “Với chi phí 100.000 USD = 1,9 tỉ đồng (hoàn toàn do phật tử tự nguyện cúng dường), không bằng 30 phút bắn pháo hoa đêm giao thừa xuân Canh Dần ở Hà Nội (5 tỷ đồng)”.

Kính thưa Đại đức, so sánh này của Đại đức làm cho tôi ngạc nhiên. Phép so sánh này vẫn là phép so sánh về hình thức. Chỉ khác, hình thức ở đây được số hóa khoản tiền mà chúng ta dùng vào hai việc khác nhau. Nếu chúng ta so sánh như vậy, thì tôi xin thô thiển đưa ra một phép so sánh nhỏ.

Trước khi đưa ra phép so sánh của mình, chúng ta cùng nhau đọc một đoạn viết trên báo Dân Trí: “Bố mẹ nhốt con trong nhà để đi tìm cái ăn, mấy ngày sau mới đưa được củ mài về, con đã lả gần chết. Đói, không có củ thì vặt tạm lá rừng, lá nào sâu ăn được mình cũng ăn được… Chuyện về cái đói ở Pác Củng kể cả ngày không hết.

Đã nhiều tháng nay, người dân thôn Pác Củng, xã Thượng Nông, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang phải kéo nhau đổ dồn lên núi tìm củ mài, củ sắn, rau rừng để cầm cự với cái đói tấn công người dân suốt 10 tháng qua.

Thôn Pác Củng có trên dưới 30 em nhỏ. Ngay đầu thôn, một ngôi nhà sàn dựng tạm làm lớp học cho các em. Vào những ngày bình thường, các em sáng đến lớp, chiều đi đào củ trên rừng. Nhưng vào những ngày này các em bỏ cả học để đi kiếm cái ăn.

Cách đây chừng 5 năm, ngay đến đường vào Pác Củng cũng không có. Năm 2006, nhờ một tổ chức nhân đạo, con đường mòn vào Pác Củng mới được mở. Khi những cơn đói đang chập chờn mỗi ngày, người dân Pác Củng không còn thời gian để mơ về ánh điện, trẻ con Pác Củng không dám nghĩ tới tương lai.

Kính thưa Đại đức, năm 2009, ông Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết thu nhập hàng tháng trên một đầu người ở Thái Bình là 30.000 đồng. Chỉ khi được mùa mới lên khoảng 50.000 đồng. Nghĩa là, để một đứa trẻ có thể sống và đến trường được thì chỉ cần khoảng 40.000 đồng mỗi tháng cho các em. Số tiền cho một con người được sống, được học hành để có tương lai ít hơn biết bao nhiêu lần so với một đêm bắn pháo hoa và so với một lễ rước???

Tất nhiên, số tiền gần 2 tỷ đồng kia là của một Phật tử thực tâm chứ không phải tiền thuế của nhân dân. Và số tiền đó đã thuộc quyền sở hữu của những người tu hành như Đại đức – những đệ tử của Đức Phật. Mà con đường của Đức Phật là con đường cứu khổ, cứu nạn. Giá như một nhà sư, một thượng tọa vv…nào đó nói với Phật tử thành tâm kia: “Chúng ta cám ơn lòng thành tâm kính Phật của con. Nhưng chúng ta muốn chỉ xử dụng một phần số tiền đó để rước Phật xá lợi về. Phần còn lại chúng ta giúp đỡ những đứa trẻ bất hạnh trên thế gian như sự dạy bảo và lòng mong ước của Đức Phật”.

Kính thưa Đại đức, tôi tin rằng: người Phật tử kia sẽ rất hạnh phúc khi được làm vậy. Bởi người đó, tôi tin, đến với Phật bằng lòng chân thành. Khi những đứa trẻ sống trong đói khát và không có tương lai bỗng đi qua cơn đói khát đó và được đến trường thì đó hoàn toàn là một phép thiêng có thật mà Đức Phật ban cho chúng thông qua những đệ tử của mình.

Với tôi, đến tận bây giờ, cho dù ai nói gì thì hình ảnh Đức Phật trong tâm khảm tôi chỉ duy nhất là hình ảnh về một người áo vải phong phanh, chân trần đi qua thế gian để ban lòng từ bi vô tận cho những sinh linh bất hạnh.
Bởi thế, với mệnh giá của một đồng ai cũng mua được một giá trị vật chất có thể coi như nhau. Nhưng một đồng của nhà tu hành đặt vào bàn tay của kẻ ngèo đói và bất hạnh mang theo cả một biển từ bi. Đấy là một hạt giống của tình thương yêu vô bờ và của sự khai mở vô biên gieo xuống lòng người. Đấy không gì khác ngoài con đường của Đức Phật và các đệ tử của Ngài.

Kính thưa Đại đức,
Năm nay tôi đã 75 tuổi và về hưu 15 năm nay rồi. Tôi thường ăn chay vào ngày mồng Một và ngày Rằm hàng tháng. Tôi không mấy khi đi chùa. Nhưng tôi luôn tâm niệm không làm điều ác và luôn tìm cách giúp đỡ người hoạn nạn, khó khăn. Tôi đã giành dụm một phần tiền lương ít ỏi của mình và giấu tên gửi tiền nuôi một đứa trẻ mồ côi cha mẹ. Đấy là sự thể hiện vụng về nhưng chân thành của tôi đối với Đức Phật.

Thực lòng tôi không dám luận bàn về việc tổ chức rước Phật xá lợi về đất nước mình phải làm như thế nào. Nếu các nhà tu hành thấy không còn cách nào khác là phải dùng cả chuyên cơ và nhiều phí tổn như thế mới thể hiện được lòng tôn kính đối với những báu vật ấy và không xúc phạm đến lòng từ bi vô bờ của Đức Phật thì tôi hoàn toàn đồng ý.

Thư tôi viết chỉ là nói lên những băn khoăn nhỏ bé của mình. Có thể, lá thư thô lược này không đáng để Đại đức phải mất thời gian đọc nó. Nếu có gì làm Đại đức phật lòng, xin mong Ngài lượng thứ.
Nam mô A di đà phật

Phật tử Lê Minh Hiếu
Nguồn :
http://tuanvietnam.net/2010-03-28-thu-cua-mot-phat-tu-gui-dai-duc-thich-thanh-thang-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét