Một bản tin trên báo SGGP ngày 07/03/2010 có đoạn:
“Sửa đổi Điều 6 của Luật Doanh nghiệp theo hướng quy định bắt buộc việc thành lập và hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp”. Đó là ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại văn bản Kết luận số 64-KL/TƯ “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”.
Là một người có hơn 10 năm làm chủ doanh nghiệp, tôi thực sự cảm thấy sốc khi đọc bản tin này. Xin có vài ý kiến như sau:
Quan điểm giai cấp ?
Dù cho rằng Pháp luật phải có tính giai cấp, thì không thể giải thích việc sửa đổi Luật doanh nghiệp như trên nhằm phục vụ cho lợi ích của giai cấp nào. Trong tình thế xã hội hiện nay thật khó để trả lời rằng giai cấp thống trị hiện giờ này là ai và các doanh nghiệp VN nằm trong nhóm giai cấp nào mặc dù quan điểm Mác xít cho rằng họ là giai cấp bóc lột.
Có lẽ không ai dám nói một cách đơn giản rằng chính 3 triệu Đảng viên là giai cấp thống trị trên gần 90 triệu dân Việt nam. Nhưng với quan điểm rằng chính quyền là của dân thì phải hiểu rằng 90 triệu dân ta đều cùng thuộc về giai cấp thống trị, trong đó khoảng 460.000 doanh nghiệp hiện nay đang đóng góp phần chính yếu cho ngân sách quốc gia và trả lương cho hàng chục triệu người.
Có quan điểm cho rằng Pháp luật ra đời không ngoài mục đích đáp ứng sự đòi hỏi khách quan của xã hội, của quy luật tự nhiên. Đây cũng là quan điểm phổ biến của các quốc gia tiên tiến rằng Luật phải xuất phát từ Luật của tự nhiên.
Tôi từng nghe một biên tập viên chương trình "vấn đề hôm nay" của VTV phát biểu rằng "hãy để cho cuộc sống đi vào chính sách của Đảng thay vì để cho chính sách của Đảng đi vào cuộc sống". Câu nói đó muốn thức tỉnh một số người có lối suy nghĩ ngược với quy luật khách quan, đó là thói quen cưỡng ép quan điểm của mình lên trên những sự đòi hỏi thực tế của Xã hội...
Những phiền toái cho doanh nghiệp và cả cho nhà nước
Trở lại với việc sửa Luật doanh nghiệp rằng bắt buộc phải thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong lòng danh nghiệp sẽ khiến phát sinh một số công việc mà họ không thực sự thấy cần thiết. Người quản lý doanh nghiệp sẽ rất bối rối vì khó mà phân định được vai trò của cái tổ chức bên trong doanh nghiệp này sẽ phải dưới quyền của ai ?
Nghe qua thì đơn giản nhưng thực tế thì việc tổ chức sẽ rất phức tạp. Nhà doanh nghiệp nào cũng biết rằng chi phí quản lý là một chi phí quan trọng. Tiết giảm chi phí quản lý luôn là bài toán khó đối với mọi doanh nghiệp. Câu hỏi đặt ra là khi chi phí quản lý phát sinh thì ai là người gánh chịu ?
Ngoài ra các doanh nghiệp về cơ bản đều có tôn chỉ mục đích chính là lợi nhuận, ngược lại họ phải tuân thủ nhiều tầng Pháp Luật còn chồng chéo nhau cùng với những biến động thị trường khó lường như giá cả, lạm phát, giảm phát... đã là một sức nặng đáng kể, khiến nhà doanh nghiệp luôn phải chiến đấu trên thương trường để tồn tại và có lợi nhuận.
Hơn nữa nếu việc sửa Luật doanh nghiệp theo hướng trên mà thành công thì ắt phải có một trình tự thủ tục cho việc đăng ký, báo cáo và kiểm tra xem danh nghiệp đã thực hiện điều bắt buộc đó như thế nào. Bộ máy của cơ quan nhà nước sẽ tự nhiên phình ra thêm một số phòng ban và vô số giấy tờ lưu trữ cho 460.000 doanh nghiệp trong cả nước. Chi phí quản lý nhà nước ấy cũng từ tiền thuế của doanh nghiệp và người dân đóng góp. Có cái gì đó lòng vòng như kiểu "lấy mỡ nó rán nó".
Chưa kể đến việc "bắt buộc việc thành lập và hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng..." có thể ảnh hưởng đến quyền tự do lập hội đã ghi trong Hiến Pháp, bởi lẽ quyền tự do lập hội cũng đồng nghĩa với ý chí tự do của chủ thể không bị bắt buộc phải tham gia vào hội, hay phải thành lập hội.
Đã có ý kiến lo ngại rằng nếu "bắt buộc thành lập cơ sở Đảng" thì liệu doanh nghiệp có phải đi mượn "thẻ Đảng" đưa vào thành phần nhân viên để đối phó với quy định sửa đổi này ? Hy vọng tình thế không đến nỗi đó.
Lý do chính trị chưa hẳn là lý do tốt
Vậy thì việc sửa đổi Luật mà BBT Trung ương Đảng đề xuất nhắm đến lợi ích nào ?
Bản tin có đoạn "Đến nay, cả nước mới có 1,22% doanh nghiệp tư nhân xây dựng được tổ chức Đảng; 10% doanh nghiệp hình thành tổ chức công đoàn; 2% doanh nghiệp có tổ chức Đoàn TNCS và mới có… 9 doanh nghiệp thành lập chi hội phụ nữ".
Hóa ra lý do khiến BBT TW Đảng thấy "cần thiết khách quan" là vì "có quá ít doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể". Đó chỉ là một sự "cần thiết khách quan" về chính trị.
Có thể thấy rằng Đảng đã tạo quá nhiều điều kiện cho các Đảng bộ hoạt động và ngay trong nội bộ doanh nghiệp hiện nay vẫn có chi bộ Đảng (nếu muốn), đâu thể nói rằng doanh nghiệp đang cản trở hoạt động của Đảng. Liệu có đến mức cần thiết phải bắt buộc thành lập tổ chức Đảng ngay trong doanh nghiệp hay không ?
Còn các tổ chức đoàn thể khác nếu hoạt động yếu kém, chỉ có hình thức mà thiếu thực chất thì do chính họ chứ nào phải lỗi do doanh nghiệp thờ ơ mà ra.
Bấy nay tôi đọc báo thấy nhiều ý kiến nêu rằng không gian cho xã hội dân sự vẫn chưa được mở rộng, quyền tự do lập hội vẫn là một khung cửa hẹp. Nguyên nhân chính vẫn là do sự xét duyệt quá khắt khe của cơ quan nhà nước, đâu phải do sức sống của xã hội ta quá yếu ớt.
Như vậy vấn đề chính mà Ban Bí thư TW Đảng muốn sửa Luật đó là lý do chính trị, chứ không phải vì sự cần thiết khách quan của doanh nghiệp và đòi hỏi về phát triển kinh tế mà ra.
Với những phân tích nêu trên rõ ràng việc sửa luật này mang nặng Đảng tính, đó là ý Đảng chứ chưa hẳn là ý muốn của dân. Vì thế khả năng được Quốc hội thông qua là rất hy hữu. Tôi tin là thế.
Anhbasg
Nguồn :http://anhbasg.multiply.com/journal/item/1308
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét