SGTT - Mặc dù đã có nhiều tiếng nói từ Quốc hội đề nghị hạn chế xuất khẩu khoáng sản, và chính Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tại kỳ họp Quốc hội cuối năm trước cũng đã yêu cầu “chấm dứt xuất khẩu tài nguyên thô” nhưng khoáng sản vẫn được tiếp tục xuất khẩu với số lượng lớn, bất chấp thực tế nhiều loại trong số đó đã dần trở nên khan hiếm.
Như Sài Gòn Tiếp Thị đã đưa tin, từ cuối năm 2009, bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Thủ tướng cho xuất khẩu thêm 400.000 tấn tinh quặng sắt, 84.000 tấn tinh quặng magnetit, 18.000 tấn mangan, 44.000 tấn kẽm… Đến đầu năm nay, hậu quả của tình trạng xuất khẩu số lượng lớn các loại tinh quặng khoáng sản kéo dài trong nhiều năm đã bộc lộ rõ.
Theo ông Phạm Chí Cường, chủ tịch hiệp hội Thép Việt Nam, một số doanh nghiệp sản xuất thép, đang có các dự án luyện thép lò cao quy mô lớn, vừa qua đã đồng loạt gửi nhiều văn bản đến bộ Công thương và hiệp hội Thép bày tỏ ý kiến phản đối việc cho phép xuất khẩu quặng sắt và nhiều loại khoáng sản khác. Theo các doanh nghiệp này, số lượng tinh quặng sắt xuất khẩu năm 2009 thực tế nhiều hơn báo cáo của tổng cục Hải quan 600.000 tấn.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, lượng tinh quặng sắt nhập từ Việt Nam là 1,81 triệu tấn do họ thống kê cả số lượng hàng xuất theo đường tiểu ngạch, trốn thuế từ Việt Nam sang. Ông Cường cho biết, hiệp hội Thép Việt Nam cũng đã có văn bản đề nghị chấm dứt xuất khẩu quặng sắt để dành nguồn quặng này cho các nhà máy trong nước khai thác lâu dài.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất thép, ông Huang Tony, tổng giám đốc công ty cổ phần thép Đình Vũ cho biết, chỉ tính nhu cầu quặng sắt của ba công ty sản xuất thép trong nước (có đơn kiến nghị) trong đó có công ty của ông thì mỗi năm, lượng tinh quặng sắt cần là hơn 2 triệu tấn. Ông cho rằng, nếu vẫn tiếp tục xuất khẩu quặng sắt, có nguy cơ các dự án luyện thép lò cao đã được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng sẽ phải đắp chiếu do không có nguyên liệu để hoạt động, bởi việc nhập khẩu nguyên liệu ngày càng đắt đỏ, khó khăn.
Nhưng chưa hết, mới đây nhất, vào ngày 27.2, tổng công ty Khoáng sản Việt Nam (trực thuộc tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam – TKV) lại đề nghị cho xuất khẩu 20.000 tấn tinh quặng đồng quy khô với lý do là để ổn định tình hình tài chính, duy trì sản xuất của tổ hợp khai thác Sin Quyền (Lào Cai)… Và TKV đã đề nghị bộ Công thương xem xét, kiến nghị Chính phủ chấp thuận đề nghị của tổng công ty Khoáng sản
Nếu tiếp tục đà này, có thể năm nay lượng tinh quặng khoáng sản xuất khẩu: đồng, sắt, kẽm, mangan… sẽ vượt xa năm 2009. Theo số liệu của tổng cục Hải quan, không kể than, dầu mỏ, năm 2009, số lượng quặng và khoáng sản xuất khẩu lên tới 2,15 triệu tấn, đạt kim ngạch gần 135 triệu USD. Nước nhập khẩu nhiều nhất các nguồn quặng này của Việt Nam vẫn là Trung Quốc. Chỉ trong năm ngoái, Trung Quốc nhập 1,67 triệu tấn các loại trong đó có 1,2 triệu tấn tinh quặng sắt của Việt Nam, trị giá 103 triệu USD. Còn trong hai tháng đầu năm nay, theo số liệu của bộ Công thương, riêng xuất khẩu than đá, quặng và một số loại khoáng sản khác (chưa tính dầu thô) đã lên tới khoảng 2 triệu tấn, trị giá 89 triệu USD.
Riêng nguồn khoáng sản được xuất khẩu lớn nhất trong nhiều năm qua là than thì năm nay có giảm xuống chút ít. Sau khi đã xuất khẩu 24 triệu tấn than trong năm 2009, năm nay TKV đề nghị xuất khẩu 18 triệu tấn và dự tính tiếp tục giảm vào năm 2011 để đến năm 2013 và 2014 chỉ còn xuất khẩu 3 – 4 triệu tấn than/năm.
Nhưng đáng nói, chính ông Trần Xuân Hoà, tại cuộc gặp của Thủ tướng với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cuối tuần trước đã đề nghị Chính phủ cho phép ngay từ năm nay thí điểm việc nhập than cho một số hộ sản xuất trong nước bởi trong những năm tới, việc nhập khẩu than sẽ trở nên rất khó khăn.
Biết trước việc phải nhập than từ năm 2013 trở đi sẽ khó khăn như vậy mà TKV vẫn đề nghị và bộ Công thương vẫn cho phép xuất khẩu than với số lượng lớn như vậy thì đây chỉ có thể hiểu là việc làm cạn kiệt tài nguyên của đất nước.
Còn nhớ, từ tháng 6.2008, bộ Công thương đã ban hành thông tư hướng dẫn số 08/2008/TT-BCT trong đó quy định rõ: kể từ 30.9.2008, khoáng sản khai thác được phải ưu tiên cho chế biến sâu trong nước; nếu xin phép xuất khẩu phải đạt tiêu chuẩn, hàm lượng chế biến cao. Nhưng, với việc tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho xuất khẩu khoáng sản, tinh quặng như vậy, rõ ràng bộ Công thương đã làm trái với các thông tư, quy định do chính mình ban hành. Phải chăng do sức ép phải đạt thành tích xuất khẩu, đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP mà bộ Công thương đi ngược lại chính chủ trương của mình và lợi ích lâu dài của nền kinh tế? Nếu cứ viện những lý do cũ như khai thác dư thừa, trong nước chưa có cơ sở chế biến sâu, thiếu vốn đầu tư… để kéo dài việc xuất khẩu tài nguyên thô từ năm này qua năm khác thì đó là cách giải thích khó lòng thuyết phục được ai.
Tác giả : Mạnh Quân
Nguồn :http://www.sgtt.com.vn/detail23.aspx?newsid=64233&fld=HTMG/2010/0314/64233
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét