Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

17 thg 3, 2010

Xin đừng bật đèn xanh cho tiêu cực

Hám tiền" và "mê quyền" xét cho cùng cũng là một thôi và xem ra ở cái vế thứ hai này, khát vọng còn cháy bỏng hơn nhiều. Điều này giải thích tại sao lễ Khai ấn đền Trần lại có lắm người háo hức đến thế" - GS. Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nộị

>>
Đừng biến tín ngưỡng thành cuồng si




Ông Nguyễn Quang Ngọc. Ảnh: Khánh Linh
Lễ khai ấn không phải lễ... thưởng công
- Thưa GS, lễ Khai ấn đền Trần có nguồn gốc từ đâu?
Lễ Khai ấn là tục lệ cổ mở đầu ngày làm việc chính thức đầu tiên của triều đình trong một năm mới. Thời đó ta ăn Tết không chỉ trong 3, 4 ngày, mà còn tham gia lễ hội, du xuân... kéo dài đến tận rằm tháng giêng. Kết thúc năm cũ là nghi lễ đóng ấn, và lễ khai ấn vào rằm tháng giêng khi triều đình chính thức trở lại với các công việc hành chính.
Sở dĩ nghi lễ này gắn với đền Trần bởi vùng Tức Mặc chính là kinh đô thứ hai của đất nước dưới triều Trần, nơi Thái thượng hoàng (sau một thời gian làm vua, muốn bồi dưỡng thế hệ trẻ nên giao lại ngai vàng cho con) lui về Tức Mặc nhưng vẫn cùng với vị vua trẻ mới nối ngôi tiếp tục điều hành công việc của đất nước.
Lễ khai ấn tổ chức ở đây để Thái thượng hoàng - người vẫn giữ quyền hành cao nhất - chứng kiến, cả triều đình cùng hy vọng một năm mới nhiều thuận lợi và thành công

- Chứ không phải lễ khai ấn còn là dịp mừng chiến thắng quân Nguyên Mông, nơi quan quân được thăng chức, được ban thưởng?
Nói là mừng thắng trận thì phải biết cụ thể là trận thắng nào. Trận thứ nhất ta thắng lớn vào ngày 24 tháng Chạp năm 1257 (tức 29 tháng 1 năm 1258), trận thứ hai ta thắng to vào ngày 20 tháng 5 (tức 24 tháng 6) năm 1285, con trận thứ ba ta đại thắng ở Bạch Đằng vào ngày 8 tháng 3 (tức 9 tháng 4) năm 1288. Những ngày này cả âm dương lịch đều không có liên quan gì đến Rằm tháng Giêng phải không?
Người ta cũng có thể nghĩ rằng lễ mừng thắng trận sẽ được tổ chức sau ngày chiến thắng một ít ngày. Nếu tính như thế thì hai chiến thắng lần 2 và lần 3 (một vào tháng 5 năm 1285, một vào tháng 3 năm 1288), sau Rằm tháng Giêng đến mấy tháng, chắc chắn không thể tính vào đây được. Chỉ còn chiến thắng lần thứ nhất vào 24 tháng Chạp (1257) và được vua Trần Thái Tông tổ chức lễ mừng công ngay khi trở về kinh đô Thăng Long vào ngày mồng một Tết (1258). Sự kiện này nếu được lấy làm kỷ niệm thì cũng không có liên quan gì đến ngày Rằm tháng Giêng tại Thiên Trường.
Nói như thế để biết rằng lễ Khai ấn ở đền Trần vốn không phải là lễ mừng thắng trận hay thưởng công của vua Trần sau đại thắng quân Mông - Nguyên, mà chỉ đơn giản là nghi lễ đánh dấu ngày đầu tiên triều đình chính thức trở lại làm việc sau một thời gian nghỉ Tết dài, ngày mở đầu làm việc hanh thông và hiệu quả, hứa hẹn một năm làm việc thành công.
Cần nói thêm là triều đình nhà Trần cũng chú trọng sự đơn giản, tiết kiệm. Lễ khai ấn chỉ tổ chức lớn vào những năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu, tức là 3 năm mới tổ chức lớn một lần thôi, chứ không phải năm nào cũng đại lễ cả đâu!

- Các triều đại sau này có thực hành nghi lễ Khai ấn không, thưa GS?
Tôi không thấy sử ghi chép. Có thể dự đoán các triều đại sau vẫn có, nhưng tổ chức dưới hình thức khác chăng? Đời Trần do có hai kinh đô, trong đó Tức Mặc khiêm nhường hơn nhưng lại là nơi quyết định, nơi Thái thượng hoàng có thể gọi vua về dạy dỗ, chấn chỉnh.
Từ một nghi lễ của triều đình, sau này lễ Khai ấn đã thành phong tục truyền thống của địa phương. Theo đó, 7 làng ở khu vực xung quanh Tức Mặc (làng Vọc, làng Lốc, làng Hậu Bồi, làng Bảo Lộc, làng Kênh, Làng Bái và làng Tức Mặc) rước kiệu các vị thần trở về tụ họp ở đền Thượng để tế các vua Trần. Nghi lễ Khai ấn được tổ chức rất trang nghiêm tại sân đền Thượng. Như thế, theo truyền thống thì chỉ có 7 làng tham gia lễ Khai ấn đền Trần, chứ không phải cả tỉnh Nam Định, càng không phải cả nước như bây giờ. Chỉ là lễ xin chức, xin tiền?
Ta bảo tồn, đổi mới, phát huy giá trị của các thuần phong mỹ tục cổ truyền phục vụ cho cuộc sống hiện đại thì hết sức có ý nghĩa, nhưng để các nghi lễ, phong tục truyền thống bị biến dạng thành lễ cầu xin chức tước; rồi người tứ xứ đổ về, chen chúc, dẫm đạp, giầy xéo lên nhau, tranh cướp nhau, nhiều khi cái dồn toàn bộ sức bình sinh ra để cướp được ấy lại chỉ là của dởm!. Các bậc đế vương anh hùng của một thời "hào khí Đông A" làm nên "non sông muôn thuở vững âu vàng" có bao giờ tưởng tượng ra con cháu họ ở đầu thế kỷ XXI lại đến đận này không?


- Lễ hội đầu năm rất nhiều, tại sao lễ Khai ấn lại bị lạm dụng đến mức ấy?
Từ khi chúng ta xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, có hai loại lễ hội phát triển đột khởi, trở thành có quy mô cực lớn. Đó là lễ hội xin tiền và lễ hội cầu quyền.
Trước tiên là lễ hội xin tiền. Như bà chúa Kho tương truyền là người giữ kho quân lương phục vụ kháng chiến chống Mông-Nguyên thời Trần. Sau này có nguồn cho là bà chúa thời Lý, nhưng theo tôi là thời Trần. Từ người giữ kho quân lương, giờ lại thành bà chúa quản lý tài lộc cả trên trời dưới biển, ai muốn ăn ra làm nên thì đầu năm đến "vay" bà, rồi cuối năm đến "trả".
Đã vay thì phải trả, trả rồi lại tiếp tục vay, chưa giàu thì xin được giàu, giàu rồi thì muốn giàu thêm nữa, muốn thu hết của cải xã hội về cho riêng mình. Rồi không chỉ xin bà chúa Kho mà xin rất nhiều bà chúa khác, đến đâu cũng chỉ xin tiền và xin giàu thôi. Ai mà chẳng thích giàu nhỉ, nhưng phải là giàu bằng tài năng, công sức của mình, chứ chỉ đi xin thôi mà thành giàu, thì xem ra quá viển vông.
Cầu tài vẫn chưa đủ đâu, phải có chức cao lộc hậu mới là mục đích cao sang của cuộc đời. Người ta thực tin cứ có chức là có tiền, càng chức to càng nhiều tiền, lại còn là danh dự của bản thân, gia đình, dòng họ, quê hương... nữa chứ. Chỉ có tiền thì đôi khi cũng bị coi thường là trọc phú, là "ít" văn hóa, nên không ít người khi đã có tiền rồi thì tính chuyện "đầu tư" cho chức, vì có chức là có quyền và có quyền thì sẽ có nhiều tiền hơn.
Thậm chí nhiều người thực tin hướng đầu tư này là "phát triển nhanh và bền vững" và "hiệu quả rất cao" nữa kia. Vậy thì "hám tiền" và "mê quyền" xét cho cùng cũng là một thôi và xem ra ở cái vế thứ hai này, khát vọng còn cháy bỏng hơn nhiều. Điều này giải thích tại sao lễ Khai ấn đền Trần lại có lắm người háo hức đến thế.
Nếu muốn trở thành có vai trò, vị thế thì hãy phấn đấu, làm việc hết mình để chứng minh khả năng của bản thân. Chức vụ sẽ rất vinh quang nếu phản ánh đúng tài năng, đức độ, cống hiến, trình độ của chính mình. Nếu chức vụ mà xin được thật thì dù có được ngồi chễm chệ trên ngôi cao cũng chỉ là thứ bố thí mà thôi, nào có vinh quang gì.


Cả nước "vào cầu", toàn dân "đánh quả"?

- Có người lý giải người dân đổ xô đến lễ hội vì tâm lý xã hội hoang mang, còn quan chức đến lễ hội vì sao?
Theo tôi, quan chức đến lễ Khai ấn đền Trần vì nhiều lý do, trong đó có chuyện hiểu nhầm đây là lễ hội của chức tước. Tôi thấy lạ là những lễ hội bị biến tướng như thế, nhưng ngành văn hóa-du lịch lại không bày tỏ chính kiến. Hình như chính họ còn muốn khai thác tâm lý cần chức, cần tiền của xã hội để kéo "cả nước vào cầu, toàn dân đánh quả" thì phải?
Người dân dù ở tầng lớp nào, nếu đến lễ hội với mục đích xin chức, xin tiền thì đa phần sẽ thất vọng. Không lẽ tất cả đều được lên chức, tất cả sáng mai ngủ dậy là có một đống tiền. Cuối cùng thì cũng đành phải tự an ủi mình rằng "không được cái nọ thì được cái kia"; các cụ đời xưa còn nói "tả tơi xem hội" cơ mà. Đến cả cái "tả tơi" này mà cũng còn phải mua bằng tiền thật nữa đấy!
Lỗi lớn nhất, theo tôi, thuộc về những cơ quan tham mưu, những người tư vấn cho các lãnh đạo. Nếu có những tư vấn chính xác, lãnh đạo sẽ quyết định đúng việc có nên đến lễ hội này hay có thể từ chối lời mời đến lễ hội kia. Nếu lễ hội tổ chức theo phong tục truyền thống, có ý nghĩa khuyến khích động viên phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, thì lãnh đạo cần phải đến chứ? Đằng này, có khi chính những người tư vấn lại giải thích sai về lễ Khai ấn là lễ phong chức, phong thưởng không chừng?


- Vậy là theo GS, câu chuyện lễ Khai ấn đền Trần có thể chấn chỉnh từ đâu?
Trách nhiệm đầu tiên thuộc về các các cơ quan văn hóa và cơ quan du lịch (nay đã về dưới mái nhà chung). Trước hết là phụ trách văn hóa của tỉnh, sau là văn hóa trung ương. Họ phải chịu trách nhiệm về sự được - mất của các lễ hội. Họ phải biết dựa vào lực lượng làm chuyên môn chân chính để chấn chỉnh ngay những lệch lạc trong tổ chức hoạt động lễ hội.
Các nhà lãnh đạo phải biết khai thác và sử dụng những người làm chuyên môn thực sự để có những quyết định đúng. Việc làm của lãnh đạo dù lớn hay nhỏ cũng đều tác động đến người dân. Như câu chuyện cụ thể của đền Trần, nếu tổ chức đúng như nghi lễ mở đầu một năm làm việc mới với những hy vọng tốt đẹp, thuận hoà, hanh thông thì rất cần đến sự có mặt của các nhà lãnh đạo. Nhưng nếu chỉ là xin chức, xin quyền thì có lẽ các vị không nên tới, vì chắc gì đã được, mà lại không khỏi gây ra tâm lý hoài nghi, với cái nhìn phản cảm của dân chúng về ngay cái chức vụ và địa vị mà các vị đang nắm giữ.
Trong xã hội Việt Nam truyền thống, lễ hội là trung tâm và là đỉnh cao của sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Đến với lễ hội dường như mọi mong muốn của con người đều được thoả mãn, mọi tài năng của con người đều được bộc lộ, con người được sống hết mình, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn... Lễ hội là sự thăng hoa làm quên đi tất cả mọi lo toan vất vả của cuộc sống đời thường.
Đành rằng xã hội đã thay đổi, nhưng lễ hội truyền thống với các giá trị của nó vẫn rất cần cho con người và cộng đồng. Tùy tiện thay đổi lễ hội theo mục tiêu kiếm tiền và kiếm quyền sẽ gây ra tổn hại không thể lường hết được cho chính lễ hội, cho cả văn hoá và con người Việt Nam. Xin đừng bật đèn xanh cho tiêu cực.


Khánh Linh
Nguồn :
http://www.tuanvietnam.net/2010-03-16-xin-dung-bat-den-xanh-cho-tieu-cuc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét