Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

8 thg 3, 2010

Hàng trăm gia đình khánh kiệt, quân đội vô can?


Hôm 4 tháng 3, hàng trăm người dân ngụ tại các tỉnh Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã đổ về thành phố Vinh, biểu tình trước Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Vì sao, mời quý vị theo dõi Trân Văn tường trình...

Chết vì uất

Các biểu ngữ được những người biểu tình trương ra trước cổng Bộ Tư lệnh Quân khu 4, hôm 4 tháng 3, cho thấy, một đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh quân khu này là Sư đoàn 324, có Bộ Chỉ huy đặt tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng trăm quân nhân trong sư đoàn, cũng như thân nhân của họ.

Theo những người biểu tình, suốt từ đầu năm 2006 đến đầu năm 2009, một thượng tá tên là Đặng Đình Tiến, Tham mưu phó Sư đoàn 324 đã cùng bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Giám đốc Công ty giới thiệu việc làm Bắc Miền Trung, có trụ sở đặt tại thành phố Vinh, thuộc tỉnh Nghệ An, đến các trung đoàn, tiểu đoàn của Sư đoàn 324 để phổ biến chủ trương mới của Bộ Quốc phòng. Đó là, quân đội sẽ đưa những quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự đi lao động tại Hàn Quốc.

Ông Tiến và bà Hoa đã tổ chức nhiều buổi tư vấn cho cả quân nhân, lẫn thân nhân của các quân nhân về việc thực hiện chủ trương đó. Theo kế hoạch phối hợp giữa Sư đoàn 324 và Công ty giới thiệu việc làm Bắc Miền Trung, nếu muốn đi lao động tại Hàn Quốc, mỗi quân nhân sẽ phải đóng khoảng 120 triệu đồng. Sau khi nộp tiền, các quân nhân sẽ được rời đơn vị để đi học nghề, học Hàn ngữ rồi sẽ được cho xuất ngũ để lên đường.

Đến nay, có ít nhất 104 gia đình quân nhân ở bốn tỉnh: Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã dốc hết vốn liếng, rồi thế chấp nhà đất, vay mượn thêm giấy tờ nhà, đất của người khác, thậm chí vay nóng, chấp nhận trả lãi cao để con, em của mình được sang Hàn Quốc làm thuê.
Một vài nạn nhân cho biết, có gia đình mượn tới 11 bộ giấy tờ nhà, đất của gia tộc, của hàng xóm để thế chấp, gom cho đủ 120 triệu đồng.
Tuy nhiên sau khi đã học nghề, học Hàn ngữ, không quân nhân nào trong số này được xuất ngoại, đi làm thuê ở nước ngoài. Các gia đình ngập trong nợ, chưa kể lãi chồng lãi.

Giờ chót, kế hoạch đưa những quân nhân của Sư đoàn 324 đi lao động tại Hàn Quốc theo chủ trương của Bộ Quốc phòng mang đầy đủ dấu hiệu của một vụ lừa đảo.

Tuyệt vọng, có người như ông Hoàng Văn Ngôn, ngụ ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đột tử. Con trai ông Ngôn là anh Hoàng Văn Thiện, 23 tuổi, cựu quân nhân của Sư đoàn 324, kể: “Khi được nghe tư vấn tại đơn vị, tôi điện thoại về cho ba và ba đã đi vay tiền. Vừa vay ngân hàng, vừa vay lãi suất cao của những người trong làng...
Ngày 6 tháng 5 năm 2009, tôi từ ngoài Vinh vào thông báo lại cho ba biết sự việc thì ba không nói gì cả... Sau đó khoảng 9, 10 giờ, tôi đang ngủ thì nghe mẹ gọi là xuống mà... qua với bố mà... tôi qua thì... một lúc sau bố đi...”

Ai chịu trách nhiệm?
Sau khi bà Nguyễn Thị Kim Hoa và Thượng tá Đặng Đình Tiến không thực hiện điều họ từng hứa, các nạn nhân đã yêu cầu Công an tỉnh Nghệ An can thiệp, song công an từ chối điều tra vì không có thẩm quyền can dự vào những vụ việc liên quan đến quân đội.

Những quân nhân từng đóng tiền để được đi làm thuê ở Hàn Quốc và thân nhân của họ, yêu cầu Sư đoàn 324 giải quyết nhưng Bộ Chỉ huy sư đoàn này làm ngơ.
Đơn kêu cứu liên tục được gửi tới Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Thậm chí gửi cả tỉnh ủy, UBND các tỉnh: Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đề nghị giúp đỡ trước khi hàng trăm gia đình mất sạch nhà cửa, đất đai,... song tất cả đều im lặng.

Biểu tình đã từng nổ ra vài lần ở huyện Triệu Xuân, tỉnh Thanh Hóa, nơi Sư đoàn 324 đặt Bộ Chỉ huy và đến ngày 4 tháng 3, biểu tình bùng phát trước Bộ Tư lệnh Quân khu 4.

Ông Nguyễn Văn Triều, ngụ tại xã Tây Thành, huyện Diên Thành, tỉnh Nghệ An, cha của một quân nhân từng đóng tiền với hy vọng được đi làm thuê ở Hàn Quốc kể về cuộc biểu tình mới xảy ra:

“Hôm nay, đoàn chúng tôi vào 8 người, của 4 tỉnh, đòi cho gặp được Tư lệnh. Chúng tôi có ba vấn đề. Một là đề nghị Quân khu 4 phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong vụ lừa đảo này. Hai là phải giải quyết trả tiền lại cho dân trên tổng số là 104 hộ. Thứ ba là phê bình thái độ vô trách nhiệm, đối xử với dân oan tiếp đón không nồng nhiệt nhưng hắn thoái thác.
Chiều nay, chúng tôi yêu cầu dứt khoát các anh phải cho chúng tôi gặp tư lệnh. Nó không cho thì chúng tôi bực, cho nên biểu tình. Cuối cùng là gặp được tư lệnh, tham mưu trưởng và thanh tra, rồi giám đốc công an.
Hắn có lập biên bản và trả lời với dân là hắn có sai và dân cũng có cái sai nhưng mà cái sai của dân là thông cảm. Hắn nói là nói qua loa, đại khái thế thôi nhưng mà hắn vẫn có biên bản, chữ ký và bảy, tám ý kiến của dân đề xuất. Hắn ký và hắn đã đóng dấu, gửi cho bốn tỉnh là bốn bản.”

Tại sao một câu chuyện, có vẻ như chỉ liên quan đến một vài sĩ quan quân đội, hoặc xa hơn là liên quan đến bộ chỉ huy một sư đoàn lại trở thành vấn đề mà bộ tư lệnh một quân khu phải chịu trách nhiệm? Các nạn nhân dựa vào đâu để đưa ra đòi hỏi mạnh mẽ như vậy?
Đến nay, kế hoạch đưa những quân nhân của Sư đoàn 324, thuộc Quân khu 4 đi lao động tại Hàn Quốc đã có đầy đủ dấu hiệu của một vụ lừa đảo ngoạn mục, không chỉ vì tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt lên tới hàng chục tỷ đồng, mà còn vì vụ lừa đảo đó xảy ra công khai, trong phạm vi một sư đoàn.

Vụ lừa đảo này không chỉ đẩy hàng trăm gia đình đến chỗ khánh kiệt mà còn có khả năng liên lụy tới hàng trăm gia đình khác, đồng thời có thể tạo ra những xáo trộn trong sinh hoạt xã hội ở nhiều địa phương thuộc bốn tỉnh: Quảng Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Bởi vì, không chỉ dốc hết vốn liếng, rồi thế chấp nhà, đất, gia đình của nhiều quân nhân còn mượn giấy tờ nhà, đất của người khác, thậm chí vay nóng, chấp nhận trả lãi cao để con, em của họ được sang Hàn Quốc làm thuê. Không ít gia đình mượn năm, bảy, thậm chí hàng chục bộ giấy tờ nhà, đất trong gia tộc, của hàng xóm để thế chấp, gom cho đủ 120 triệu đồng lệ phí.

Tại sao các nạn nhân và thân nhân của họ lại tin vào kế hoạch này?
Một số người cho rằng, sở dĩ họ không nghi ngại, vì kế hoạch đó được một thượng tá, tham mưu phó của một sư đoàn phổ biến và cả vì kế hoạch này được thực hiện công khai, trong một thời gian dài.

Đóng tiền xuất ngũ sớm?
Chúng tôi đã trao đổi với anh Hoàng Văn Thiện, 23 tuổi, cựu quân nhân Sư đoàn 324, đồng thời cũng là một nạn nhân. Anh Thiện nhập ngũ tháng 3 năm 2007 và chỉ 14, 15 tháng sau đã được phép ra ngoài đi học nghề, học Hàn ngữ...
Trân Văn: Thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự tại Việt Nam là bao lâu?
Anh Hoàng Văn Thiện: Là 18 tháng.

Trân Văn: Như anh chỉ mới thi hành nghĩa vụ quân sự được 14, 15 tháng thôi mà vẫn được cho đi học... Có trường hợp nào ngắn hơn không?
Anh Hoàng Văn Thiện: Dạ có! Có nhiều trường hợp chỉ mới nhập ngũ 5 hay 7 tháng đã được về đi học rồi mà. Đóng tiền xong, có giấy phép là được về học. Nơi học là trường Trung cấp nghề số 4 của Bộ Quốc phòng, tại Nghệ An.

Trân Văn: Thế rồi sau khi họ học xong và chuyện đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc bị trục trặc thì họ có phải quay trở lại đơn vị không hay họ được ra quân luôn?
Anh Hoàng Văn Thiện: Họ được ra quân luôn.

Trân Văn: Được ra quân luôn và cũng được coi như đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự?
Anh Hoàng Văn Thiện: Dạ, có như thế.

Trân Văn: Như vậy là họ được cấp quyết định xuất ngũ luôn?
Anh Hoàng Văn Thiện: Dạ! Vì đã đóng tiền vào rồi thì được ra quân đi học. Khi chúng tôi nhận quyết định đi học thì chúng tôi còn ba tháng nữa là ra quân, cho nên là sau ba tháng đi học, chúng tôi quay lại và nhận quyết định ra quân luôn ạ.

Trân Văn: Còn những trường hợp mới chỉ nhập ngũ 5 hay 7 tháng?
Anh Hoàng Văn Thiện: Những trường hợp đó thì tôi chưa tìm hiểu rõ lắm. Hình như cũng ra quân luôn đấy! Nhưng mà nhận quyết định ra quân, chắc là muộn hơn thì phải.

Trân Văn: Anh ở trong quân đội chừng đó thời gian, theo anh, nếu mà không đóng tiền đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, liệu là các anh có được xuất ngũ sớm như vậy không?
Anh Hoàng Văn Thiện: Chắc chắn là không! Nếu như mà không đóng tiền và đăng ký đi học thì sẽ không được ra quân sớm. Phải đủ 18 tháng mới có quyết định ra quân ạ!

Sai phạm cá nhân?
Sau khi các nạn nhân và thân nhân của họ liên tục yêu cầu Bộ Chi huy của Sư đoàn 324 phải điều tra, xác định trách nhiệm, đồng thời giải quyết hậu qủa, cuối tháng 11 năm ngoái, Đại tá Vũ Văn Việt, Chỉ huy trưởng Sư đoàn 324 gửi một lá thư cho các nạn nhân. Trong thư, ông Việt giải thích rằng, việc Thượng tá Đặng Đình Tiến, Tham mưu phó của ông Việt, phối hợp với bà Nguyễn Thị Kim Hoa, thực hiện kế hoạch tuyển quân nhân đi lao động tại Hàn Quốc, là chuyện cá nhân. Do đó ông Tiến phải tự chịu trách nhiệm.
Ông Tiến có thể đưa bà Hoa đến các đơn vị trong sư đoàn, ra lệnh cho các bộ phận thuộc Bộ Chỉ huy sư đoàn, các trung đoàn, tiểu đoàn tập hợp quân nhân để phổ biến kế hoạch, mà sau này được cho là chuyện riêng của ông ta?
Quân đội nhân dân Việt Nam đã đổi mới tới mức, có thể chấp nhận để các sĩ quan cho phép hàng trăm quân nhân, sau khi đóng một khoản tiền, được rời đơn vị đi học nghề, học ngoại ngữ trong nhiều tháng, học xong được cho xuất ngũ để xuất ngoại, bất kể thời gian tại ngũ chưa đủ hạn định?

Chúng tôi đã thử nêu một số thắc mắc tương tự với anh Hoàng Văn Thiện...

Trân Văn: Sau một thời gian sống trong quân đội, với hiểu biết của anh về quân đội. Theo anh, nếu như không có chủ trương chung, với tư cách cá nhân, ông Tiến và bà Hoa có thể làm công việc, tuyển những quân nhân đang tại ngũ để đưa họ đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc được không?
Anh Hoàng Văn Thiện: Nếu như mà không có chủ trương nào ở bên trên, của Bộ Quốc phòng hay là gì đấy về việc đi xuất khẩu lao động thì cá nhân ông Tiến và bà Hoa không thể làm được gì hết.
Tôi nghĩ là có chủ trương thì họ mới làm được. Không có chủ trương thì họ không bao giờ dám làm như vậy

Trân Văn: Anh dựa vào điều gì để đưa ra nhận định đó?
Anh Hoàng Văn Thiện: Nói tóm lại là trong quân đội Việt Nam thì phải phục tùng mệnh lệnh của cấp trên. Ông Tiến thì chưa là cái gì cả. Chỉ mới là tham mưu sư đoàn, không thể một mình tự quyết định như vậy được. Tôi nghĩ là cái này có liên quan đến cấp trên rất là nhiều. Không thể riêng một mình ông Tiến có thể ra quyết định về việc cho quân nhân tại ngũ về đi học được. Tôi nghĩ là như vậy.
Thân nhân của các nạn nhân cũng nghĩ như thế. Ông Nguyễn Văn Triều, ngụ tại xã Tây Thành, huyện Diên Thành, tỉnh Nghệ An, kể về cuộc gặp giữa đại diện các nạn nhân với Tư lệnh Quân khu 4 vào ngày 4 tháng 3...

Trân Văn: Đến nay, ông Đặng Đình Tiến ra sao?
Anh Nguyễn Văn Triều: Ông Đặng Đình Tiến... Hắn nói là hiện nay kêu “thằng” cũng được! Chúng tôi đã bắt giam và chúng tôi đã truy được bốn suất đất của hắn. Tạm thời đình chỉ không sang tên, đổi chủ. Hiện nay chúng tôi đang phỏng tỏa tám ngân hàng từ Sài Gòn đến Hà Nội. Đồng thời chúng tôi mới thu được 20 triệu. Hắn nói như vậy.
Tuy nhiên ông Triều không hài lòng. Ông bảo: “Riêng gia đình tôi là mất 12 chỉ, 12 chỉ vàng và còn phải vay 5 sổ đỏ để mà thế chấp... Gia đình đi năm lần, bảy lượt, đơn này rồi đơn khác, kêu cứu, kêu oan, đủ hình thức nhưng hắn không thèm trả. Số tiền đó là hắn chia chác. Thằng quân khu ăn một mảnh, thẳng sư đoàn ăn một miếng rồi, cho nên bây giờ cách của cái quân này là hắn muốn là thí quân tốt. Tức là cho cái thằng Đặng Đình Tiến, thượng tá ra để hầu Toà thế thôi. Còn số tiền của dân là hắn thủ tiêu. Theo dân chúng tôi kết luận là Quân khu 4 có thủ đoạn, âm mưu như thế ạ!”


Quân đội có nên “làm kinh tế”?
Liệu Bộ Chỉ huy Sư đoàn 324, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 có phải chịu trách nhiệm về hậu quả của vụ lừa đảo này và ngoài Thượng tá Đặng Đình Tiến, có còn sĩ quan nào phải chịu trách nhiệm cá nhân? Vào lúc này, không ai có thể trả lời những câu hỏi đó. Tuy nhiên, theo một số người, chuyện đưa quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự đi làm thuê ở nước ngoài không phải là điều mà Thượng tá Đặng Đình Tiến và bà Nguyễn Thị Kim Hoa tự nghĩ ra.
Cách nay khoảng một tháng, tờ Quân dội nhân dân loan báo: Bộ Quốc phòng đang chỉ đạo các doanh nghiệp và các trường dạy nghề trong quân đội tuyển chọn, đào tạo 4.000 quân nhân xuất ngũ đi làm việc tại Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Cũng theo tờ Quân đội nhân dân: Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội được giao nhiệm vụ cho vay số quân nhân xuất ngũ này vay chi phí đi lao động và thực hiện chuyển tiền trả lương của người lao động gửi về cho người thân của họ tại quê nhà.

Tại sao Việt Nam đã có Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội mà Bộ Quốc phòng còn phải lo chuyện này, thậm chí phải lo cả đến việc giao cho ngân hàng nào đứng ra cho vay chi phí, chuyển trả tiền lương?

Kể từ thập niên 1990, đã có khá nhiều ý kiến cho rằng, quân đội nên tập trung vào quốc phòng và đừng bận tâm đến những vấn đề khác, đặc biệt là làm kinh tế. Đầu năm 2007, trả lời thắc mắc của báo giới về chuyện quân đội có nên làm kinh tế, ông Lê Khả Phiêu, cựu Tổng Bí thư Đảng CSVN, từng cho rằng: Thời điểm từ năm 1975 đến 1990 thì việc này là cần thiết. Nhưng nếu cứ kéo dài đến thời điểm này rõ ràng là không còn phù hợp nữa. Vì quân đội hay công an cũng thế thôi, đều có nhiệm vụ chính trị rất rõ ràng là phải tập trung bảo đảm an ninh quốc gia.

Tuy nhiên quân đội vẫn làm kinh tế, vẫn nhận làm rất nhiều chuyện, kể cả chuyện đưa quân nhân xuất ngũ đi làm thuê ở nước ngoài.


Nguonf :http://www.viet-studies.info/kinhte/QuanDoiVoCan.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét