Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

20 thg 3, 2010

Nghịch lý tàu to luồng nhỏ hay Gọt chân cho vừa giầy

Chỉ còn hơn chục ngày nữa, sau nhiều lần lỗi hẹn Kho nổi chứa xuất dầu FSO5 “hàng khủng” của ngành cơ khí, đóng tàu Việt Nam - trọng tải 150.000 DWT sẽ được TCT CNTT Nam Triệu/Vinashin trả cho “khổ chủ” - Tập đoàn Dầu khí JV Vietsopetro và TCT CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC).


Việc đưa được công trình đồ sộ này ra đến phao số 0 và sau 02 tháng an toàn tại khu vực neo của mỏ Bạch Hổ sẽ trở thành kỳ tích bởi luồng Phà Rừng - Bạch Đằng - Nam Triệu vừa hẹp vừa cạn.

“Kỳ tích” FSO5
FSO5 hay Kho nổi chứa xuất dầu được khởi công đóng mới vào giữa năm 2007, chính thức được hạ thủy vào 14/1/2009. FSO5 là loại tàu một boong, không tự hành dạng khí động học, đáy đôi, thân mạn kép.
Tàu dài 276.14m, rộng 46,4m, cao 24m, tổng dung tích các két chứa 173.796 m3. Đây là sản phẩm đặc chủng lớn nhất do ngành đóng tàu nước ta chế tạo từ trước đến nay, cũng là công trình hiện đại nhất, lần đầu tiên được đóng tại Việt Nam.

Kho có thể trữ và xuất cho khách mua dầu thương phẩm với lưu lượng khoảng 3.500-5.000 m3/giờ; xử lý nước vỉa (nước lẫn dầu) với công suất tối đa 2.400 m3/ngày đêm. Ngoài ra, FSO5 còn có tác dụng thu gom và trung dụng khí tách ra trong quá trình xử lý và trữ dầu với công suất 2.000 m3/giờ. Tàu do CT thiết kế Sinus Ltd (Ba Lan) thiết kế, đăng kiểm ABS (Mỹ) và VR (Việt Nam) giám sát thi công và phân cấp. Theo hợp đồng, dự kiến sau 17 tháng thi công, FS05 sẽ chính thức đi vào hoạt động vào tháng 5/2008.
Tuy nhiên, không giống với mong đợi, niềm tự hào của ngành đóng tàu Việt Nam lỗi hẹn bàn giao nhiều lần. Tháng 5/2008 tàu đã không thể được bàn giao, lời hẹn thứ 2 tháng 7/2009 cũng đã... được thay đổi.

Mặc cho “khổ chủ” PTSC liên tục “cầu cứu” các cấp các ngành. Theo PTSC sự lỗi hẹn này gây thiệt hại về vật chất lên đến hàng chục triệu USD do đơn vị phải vay ngân hàng để trả theo hợp đồng. Kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị này trong năm 2008, 2009 vì thế cũng bị... vạ lây.
Cuối cùng FSO5 cũng đã hoàn tất. Những người thợ đóng tàu Vinashin thở phào vì trút được gánh nặng. Thế nhưng đến lúc trả được “hàng” thì những người trong cuộc mới... té ngửa vì không biết đưa kho nổi này ra khỏi luồng để trả cho PTSC bằng cách nào?

“Gọt chân cho vừa giày”
FSO5 như đã nói, có quy mô đồ sộ. Do vậy, để di chuyển được nó đòi hỏi luồng hàng hải phải sâu và rộng. Trong 2000m đầu tiên của đoạn luồng Phà Rừng phải đảm bảo độ sâu tối thiểu -2m, chiều rộng 120m. Đoạn còn lại ra đến phao số 0: trong khoảng cách 120m giữa luồng phải đảm bảo độ sâu tối thiểu -2m.

Các cơ quan chức năng đã phải vào cuộc như nới rộng luồng, nạo vét, bạt bớt luồng để tạo bán kính rộng hơn... tạo điều kiện tốt nhất để có thể đưa FSO5 ra khơi. Mọi công việc sẽ được hoàn thành trước 1 hoặc 2 ngày FSO5 chính thức di chuyển. Tất nhiên, với một nỗ lực và tiền của không hề nhỏ!

Với thắc mắc của nhiều người trước khi thiết kế, đóng mới FSO5 tại Nasico, Vinashin có nghĩ đến phương án sau khi hoàn thành sẽ đưa công trình ra khỏi luồng bằng cách nào, một lãnh đạo của Tập đoàn dè dặt: Trước đó, Vinashin đã có phương án... tạm thời.

Cũng theo thông tin từ Tập đoàn Kinh tế Vinashin, hiện Nasico đã có phương án chính thức và cụ thể về việc di chuyển FSO5. Phương án này do Viện Khoa học Công nghệ Hàng hải (Trường Đại học Hàng hải) giúp đỡ thiết kế, Tập đoàn Vinashin phê duyệt và đang chờ kết quả thẩm định của Cục Hàng hải VN.
Theo đó, việc đưa FSO5 ra phao số 0 chính thức vào lúc 5h sáng ngày 30/3/2010 sẽ được tiến hành thành 2 “đỏ”. Đầu tiên, kho nổi sẽ được kéo từ cầu tàu Nam Triệu ra luồng mất khoảng 30 phút.

Sau đó, gần 6h sáng sẽ kéo về cầu cảng PTSC Đình Vũ, dự kiến vào khoảng buổi trưa tàu sẽ cập bến. Đợi con nước, sáng hôm sau sẽ được lai dắt tiếp ra phao số 0 luồng Hải Phòng. Tốc độ di chuyển của tàu sẽ ở khoảng 2 hải lý/giờ. Tiếp đó sẽ đưa về Vũng Tàu và khoảng 2 tháng sau sẽ hoạt động chính thức.
Nói thì đơn giản như vậy nhưng đưa được FSO5 về đích an toàn có thể coi như kỳ tích thứ hai. Tuy nhiên, chúng tôi được biết, phương án di chuyển chính thức FSO5 đến nay vẫn còn nhiều bất cập, nguy cơ rủi ro vẫn rất cao.

Giá như Vinashin không tự đặt mình vào tình trạng “tiền... đóng tầu, hậu... sửa luồng” như hiện tại thì đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc. Dù sao mọi người vẫn đang cầu mong đến giờ G mưa thuận gió hòa...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét