Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

22 thg 3, 2010

Nhân đạo với một người hay nhân đạo với muôn dân?



Đồng bào nghèo ở những vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, vùng thiên tai trông vào những phần quà cứu trợ dù vô cùng nhỏ bé ít ỏi.Ảnh minh họa, nguồn VNN.


Nếu luật pháp “nhân đạo” với một cán bộ phạm tội mà lại là một cán bộ có vị trí thì nghĩa là không nhân đạo với muôn dân.



Mới đây, báo chí đưa tin bà Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Đồng Nai đã cùng ê-kíp của mình biển thủ hàng trăm triệu đồng. Đây là số tiền để trợ giúp những người ngèo khổ. Bên cạnh đó, bà ta còn bỏ mốc gần 10 tấn gạo trong kho do các nhà hảo tâm đóng góp mà không cấp cho người ngèo đang sống trong cơn đói.


Hành động nói trên gọi là gì? Tất nhiên phải gọi là vô nhân đạo chứ chẳng còn cách gọi nào khác. Hội Chữ thập đỏ là một tổ chức nhân đạo nhưng lại làm những việc vô nhân đạo bởi những cá nhân như bà Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Đồng Nai. Nhiều năm trước đây, một cán bộ lãnh đạo của Thành đoàn Hà Nội còn biển thủ cả tiền nhân đạo mà những người hảo tâm trong xã hội giành những đứa trẻ bất hạnh.


Đấy là những người có những hành động vô nhân đạo trực tiếp với những số phận thiệt thòi, nhưng còn có những người lợi dụng những hoạt động nhân đạo để quảng cáo cho cá nhân hoặc tổ chức của họ. Nghe nói, cho đến bây giờ, có những doanh nhân mua SIM đẹp với giá cả tỷ đồng nhưng rồi chẳng thấy tiền đâu.


Hành động mua SIM đẹp với giá tiền như thế trong những buổi truyền hình nhân đạo trực tiếp chẳng qua là cách quảng cáo trực tiếp cho họ mà thôi. Có những doanh nhân khi được kêu gọi giúp đỡ cho những đứa trẻ mồ côi hay những đứa trẻ nhiễm HIV thì hỏi luôn: "Có truyền hình trực tiếp không?". Nếu không có truyền hình trực tiếp là lòng tốt tự nhiên biến mất.

Nếu liệt kê những cá nhân lãnh đạo của những tổ chức mang tính xã hội hay nhân đạo nhưng lại hành động vô nhân đạo thì cũng không ít. Nhưng chúng ta phải kể đến những cán bộ nhà nước làm công tác quản lý kiểu như ông Huỳnh Ngọc Sỹ nữa chứ. Những ông cán bộ kiểu này không làm trong một tổ chức có tên gọi liên quan đến hai chữ nhân đạo, nhưng lại liên quan đến lợi ích của nhân dân và vận mệnh của đất nước.

Đó là những cán bộ lợi dụng quyền chức để tham ô tài sản của nhân dân, của nhà nước. Thế nhưng, hình phạt đối với những cán bộ này lâu nay chưa đúng với tội của họ. Tại sao những người ăn cắp tiền hay hàng hoá mà các nhà hảo tâm giúp đỡ người ngèo khó lại không bị xử như là một tội phạm? Chúng ta có án tử hình nhưng chưa có án tử hình cho những kẻ tham ô, tham nhũng. Những kẻ tham ô, tham nhũng không trực tiếp giết người nhưng gián tiếp giết chết số phận của nhiều con người bằng một cách khác và đẩy đất nước vào ngèo đói, chậm tiến và suy đồi.

Những kẻ giết người cướp của không thể làm cho đất nước suy yếu và mất lòng tin của nhân dân đối với chính quyền, nhưng những cán bộ có vị trí cướp tiền của nhân dân để mua sắm nhiều biệt thự, đất đai và để cho con cháu những cán bộ đó sống vương giả công khai trước xã hội chắc chắn là những kẻ làm đất nước suy yếu và làm cho muôn dân mất lòng tin vào chính quyền.

Không một người Việt Nam nào quên được câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải thức trắng một đêm để ký vào bản án cao nhất đối với một cán bộ cao cấp phạm tội tham ô. Sự nghiêm minh của người lãnh đạo tối cao Hồ Chí Minh đã làm nên thời đại vàng son của những người Cộng sản chân chính. Đó là những người Cộng sản yêu thương nhân dân, đất nước bằng những hành động cụ thể.

Chuyện những cán bộ ăn cắp tiền cứu trợ của người dân mà báo chí nêu ra trong mấy năm gần đây không phải là ít. Nhưng hình như cuối cùng, những kẻ vô nhân đạo ấy cũng chỉ bị kiểm điểm hay cảnh cáo gì gì đó mà thôi. Tính nghiêm minh trong việc thực thi luật pháp ngay lập tức cần phải xem xét lại.

Nếu luật pháp "nhân đạo" với một cán bộ phạm tội mà lại là một cán bộ có vị trí thì nghĩa là không nhân đạo với muôn dân. Và khi nhân dân bị bỏ quên hay phản bội thì hậu quả thế nào các vị đều biết cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét