Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

7 thg 3, 2010

VÌ SAO NGƯỜI TRUNG QUỐC “MÁU “ THUÊ RỪNG VIỆT NAM ?

Trong lịch sử dựng nước và bảo vệ đất nước, rừng đối với dân tộc Việt Nam có một vị trí vô cùng trọng yếu không chỉ bởi đây là nơi cung cấp lâm thổ sản mà còn là cái nôi để nhiều triều đại sinh cơ lập nghiệp, gây dựng cơ đồ chống lại các thế lực ngoại bang lớn mạnh hơn mình nhiều lần...

Trong cuộc họp báo chiều ngày 3/3/2010, ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng tuyên bố với báo giới:” Việc đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đều tuân thủ theo các quy định của pháp luật."
Nước ta đất chật người đông, giải quyết việc làm và đảm bảo thu nhập cho dân là vấn đề rất quan trọng. Các địa phương cần tính toán chặt chẽ với các dự án đầu tư, nhất là ở những vùng liên quan đến an ninh quốc phòng", ông Phúc nói.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lưu ý, đây là lý do để yêu cầu lãnh đạo các tỉnh phải xem xét từng dự án.Liên quan đến
các kiến nghị của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, ông Phúc cho biết, Chính phủ đã họp cả ngày hôm qua để thảo luận và sẽ tiếp tục họp vào ngày mai để thống nhất biện pháp giải quyết.
"Cái chính là phải thực hiện đúng pháp luật. Còn điều chỉnh thế nào, cấp mới ra sao đều phải tính toán cụ thể, chi tiết", ông Phúc cho hay…”

Cho đến hôm nay đã hết ngày 4/3 và sau hai ngày thảo luận của Chính phủ, chưa thấy một mẩu tin nào được thông tin cho báo chí về các biện pháp giải quyết của Chính phủ về việc 10 tỉnh cho phép người Trung Quốc thuê 305.354 ha rừng khiến cho dư luận không khỏi không lo lắng?
Liệu Chính phủ rỗi sẽ hợp thức chuyện này không, coi như chuyện đã rồi không? Trong tuyên bố với báo giới, ông Nguyễn Xuân Phúc đã hé lộ ra hướng này:” Cái chính là phải thực hiện đúng pháp luật. Còn điều chỉnh thế nào, cấp mới ra sao đều phải tính toán cụ thể, chi tiết…”

Như vậy Chính phủ sẽ điều chỉnh giống như các đại biểu Quốc hội tham gia sửa chữa các lỗi chính tả, các dấu chấm dấu phấy khi thông qua một văn bản luật là một ứng xử rất có khả năng sẽ xảy ra đối với vụ việc động trời này không ?

Đứng về mặt luật pháp thì cho đến nay chưa có một văn bản pháp luật nào quy định cấm không cho phép các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư thuê đất rừng để trồng rừng. Như vậy nếu như ông Nguyễn Xuân Phúc nói thì 10 tỉnh đã cho thuê kia họ đâu có làm sai pháp luật ? Do vậy, khi họ không vi phạm thì việc xử lý họ cũng lại căn cứ theo pháp luật hiện hành chứ không thể nghe theo áp lực dư luận được. Đó là kịch bản của các giải pháp xử lý mà rất có khả năng Chính phủ đã suy nghĩ tính toán trong 2 ngày qua chăng?

Đài BBC đã tỏ ra nhanh nhạy về vấn đề này hơn so với báo giới Việt Nam, mới đây Đài đã có cuộc phỏng vấn ông Dean Wu, người Đài Loan, Tổng giám đốc InnovGreen Việt Nam. Xin trích nguyên văn một vài đoạn quan trọng của buổi phỏng vấn:

BBC: Trước tiên chúng tôi xin hỏi thẳng, công ty của ông có khai thác rừng đầu nguồn ở Việt Nam, thí dụ như Lạng Sơn hay bất cứ nơi nào khác hay không ạ?

Ông Dean Wu: Chúng tôi không bao giờ đụng tới rừng đầu nguồn hay bất kỳ cái gì khác mà không có sự chuẩn thuận của chính quyền. Báo chí viết về các dự án của chúng tôi nhưng không hề cho chúng tôi cơ hội giải thích.
Chúng tôi cũng không hề mua đất, mà chỉ được thuê đất trồng rừng thôi. Chúng tôi không lấy đất canh tác của nông dân và cũng không lợi dụng sức lao động của nông dân mà không trả tiền họ. Tuy nhiên, chúng tôi thuê nhân công qua một số nhà thầu, và có thể nhà thầu không trả tiền công đúng hạn.
Việc này chúng tôi sẽ chấn chỉnh.

BBC: Thưa ông, công ty của ông trồng loại cây gì ở Lạng Sơn?

Ông Dean Wu: Chúng tôi trồng bạch đàn, là loại cây rất phổ biến tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

BBC: Chúng tôi muốn hỏi ông về địa điểm của các dự án. InnovGreen có dự án ở nhiều nơi, như Lạng Sơn, Kon Tum, Quảng Ninh vv..., được cho là các tỉnh xung yếu. Tại sao InnovGreen lại chọn các nơi đó để lập dự án?

Ông Dean Wu: Thực ra chúng tôi có được chọn đâu. Chúng tôi chỉ được phép đầu tư vào một số vị trí nhất định. Thí dụ, chúng tôi không muốn lập dự án ở những nơi biên giới xa xôi mà muốn những địa điểm gần cảng biển, thuận tiện cho việc vận chuyển.
Thế nhưng Nhà nước chỉ cho phép chúng tôi đầu tư vào các địa điểm mà theo tôi nghĩ nhiều nhà đầu tư trong nước không muốn nhận.

BBC: Một trong các quan ngại là quá trình thực hiện dự án quá dài - 50 năm. Liệu phía Việt Nam có thể kiểm tra kiểm soát chặt chẽ được hoạt động của phía nước ngoài trong thời gian dài như thế hay không?

Ông Dean Wu: 50 năm quả là rất dài. Chúng tôi muốn tạo dựng một mô hình mà các bên đều có lợi. Chúng tôi không làm điều gì sai để có thể ảnh hưởng tới uy tín của ông Chủ tịch công ty Steve Chang.

BBC: Một câu hỏi ngoài lề đôi chút, ông là người ở đâu ạ?

Ông Dean Wu: Tôi là người Đài Loan.

BBC: InnovGreen có mang lao động nước ngoài vào các dự án ở Việt Nam hay không, thưa ông?

Ông Dean Wu: Công ty chúng tôi có 350 nhân viên, thì chỉ có 26 người là người nước ngoài làm công việc quản lý và chuyên gia. Chúng tôi không sử dụng nhân công nước ngoài, như nhân công Trung Quốc.
Trong đó 23 chuyên gia, nhân viên kỹ thuật Đài Loan và Trung Quốc đang làm việc tại các tỉnh.
Chúng tôi không có kế hoạch mang nhân công nước ngoài vào Việt Nam”…


Căn cứ vào các ý kiến trả lời của ông Dean Wu, những ý kiến rất kín kẽ và chắc chắn ý kiến này đồng thời cũng đã được trình bày với các cơ quan chức năng của Việt Nam; vậy dư luận trong những ngày qua liệu có quá lo xa trong đó bao gồm ý kiến của cả hai vị tướng về chuyện cho người Trung Quốc thuê hàng ngàn ha đất rừng?

Với những lập luận của ông Dean Wu và cách giải thích của một vị đại diện cho UBND tỉnh Lạng Sơn thì quả thật các nhà hành chính vốn dĩ quen hành xử theo kiểu dò luật, “ tầm chương trích cú “ các văn bản pháp luật sẽ rung đùi mà cho rằng: Họ đã không vi phạm pháp luật, họ đã chưa làm gì làm tổn hại đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, đến an ninh quốc gia.

Trước hết chúng tôi muốn thưa lại với Chính phủ và các cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ về việc này mấy ý kiến sau đây:

1/ Hiện nay, mặc dù Nhà nước có rất nhiều cố gắng, song hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta vẫn có nhiều điểm bất cập so với hiện tình phát triển kinh tế-xã hội-an ninh quốc phòng của đất nước. Do vậy, nếu ai đó chỉ căn cứ vào những văn bản pháp luật hiện hành để giải thích những việc làm của mình chưa vi phạm pháp luật, chưa làm tổn hại tới quyền lợi quốc gia mà không căn cứ vào tình hình thực tế phát triển kinh tế-xã hội-an ninh quốc phòng là một cách trả lời thiếu trách nhiệm.
Bởi bất cứ một nền hành chính của bất cứ quốc gia có nền luật pháp tiên tiến nhất, bao giờ luật pháp cũng chạy đuổi theo thực tế cuộc sống chứ hiếm khi đặt ra trước khi thực tế cuộc sống diễn ra!
Luật pháp đã đi sau, các cơ quan áp dụng lại đi sau nữa, lại quna liêu, tác trách, luôn tự coi đó mình đã hoàn thành nhiệm vụ; thái độ đó là không được phép, là nguy.

2/ Bất cứ một nền luật pháp của bất cứ quốc gia nào cũng đều phải dựa trên một nguyên lý: đó là các nguyên tắc ứng xử, kiến tạo nên lẽ sống còn đối với một quốc gia, của dân tộc đó. Trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của chúng ta: rừng trở thành cái nôi để dựng nghiệp và bảo vệ sự nghiệp kiến tạo đất nước.
Nhà nước sơ khai Vạn Xuân, cuộc khởi nghĩa giành độc lập của Mai Hắc Đế, Ngô Vương Quyền, Nhà Đinh, nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần, nhà Hậu Lê, nhà Nguyễn Tây Sơn và cả thời đại Hồ Chí Minh đều dựa vào thể hiếm trở của sông, của núi, của rừng để vừa sinh cơ lập nghiệp, vừa để tự bảo vệ mình và chống lại các thế lực thù địch mạnh hơn mình nhiều lần: " Rừng nuôi bộ đội, rừng vây quân thù...-Thơ Tố Hữu.
Đó là một nguyên lý, một định đề sống còn của dân tộc Việt, của quốc gia Đại Việt đã được xác lập hàng ngàn năm nay chứ không phải mới được xác lập trong dăm bữa nửa tháng nay. Không phải ngẫu nhiên mà người Việt Nam khi nói tới quốc gia mình thường hay sử dụng hình tượng “ sơn hà, xã tắc “ liên kết với nhau. Xã tắc: chính thể của một chính quyền bao giờ cũng phải liên kết với Sơn Hà ( Núi –Sông) thì mới vững bền, mới bảo vệ được mình; một chính thể nào, một Chính phủ nào không tự đặt mình gắn kế với Sơn-Hà của đất nước này thì chính thể đó sẽ không có sức sống lâu bền. Đó là một nguyên lý, một định đề có tính lịch sử.
Không phải ngẫu nhiên mà năm 2006, ông Hồ Cẩm Đào nói trực tiếp với ông Nguyễn Tấn Dũng câu: do Trung Quốc và Việt Nam có Sơn Hà liên thông nên có điều kiện hợp tác toàn diện với nhau đó sao?

3/ Một dấu hỏi cuối cùng: chúng ta có cả một Dự án 327, nhà nước cấp giống, cấp gạo cho dân, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với các dự án trồng rừng mà dân vẫn không mặn mà, phấn khởi lắm với việc trồng rừng? Vậy thì những nhà doanh nghiệp từ Đài Loan, Hồn Kông, Trung Quốc mang tiền của sang để trồng rừng, để rồi ngồi chờ hàng chục năm sau mới có kết quả? Họ có quá yêu cái đất nước này hơn cả Chính phủ Việt Nam không? Họ có quan tâm tới dân nghèo Việt Nam đang thiếu công ăn việc làm hơn cả Chính phủ Việt Nam không ? Tại sao họ lại quan tâm tới dân nghèo ở miền rừng rú của ta, trong khi ngư dân ta ra biển thì họ dùng lực lượng hải quân chính quy đánh cho ngư dân ta sặc gạch ra ?
Họ thu lợi cái gì ở những cái dự án này ?


Tại sao họ lại hành xử trái với các nguyên tắc, quy luật giá trị của thị trường, chợ búa đến vậy ?

Tại sao họ lại máu thuê rừng của Việt Nam để trồng bạch đàn đến vậy? Hy vọng những bộ óc ngu tối nhất cũng nhận ra rằng: người ta đổ tiền, đổ của ra để mưu cầu, nuôi cấy một dã tâm hiểm độc nào đó. Còn họ mang tiến đến để cưu mang dân nghèo Việt Nam ở những nơi khỉ ho cò gáy thì đừng có mà nằm mơ ?

Việc người ta có tuyên bố những câu đại loại như:“50 năm quả là rất dài. Chúng tôi muốn tạo dựng một mô hình mà các bên đều có lợi. Chúng tôi không làm điều gì sai để có thể ảnh hưởng tới uy tín của ông Chủ tịch công ty Steve Chang…”
Đó thật sự chỉ là những lời ngụy trá đường mật mà thôi !

P.V.Đ
Nguồn :
http://vn.360plus.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=4082&prev=4098&next=4067

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét