Có thể coi đoạn mở đầu Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi trong là một đúc kết, một định đề lịch sử tiên liệu trước về sự lâm nguy của vận nước, cơ hội cho ngoại bang đến gây hấn đối với đất nước ta trong hết thảy mọi thời kỳ:
Nhân họ Hồ chính sự phiền hà
Để trong nước lòng dân oán hận
Quân cuồng Minh thừa cơ gây loạn
Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi…
Sự xâm lấn của ngoại bang đối với đất nước ta bao giờ cũng nhân cớ từ sự rối ren về chính trị của một triều đại nào đó khiến cho lòng dân oán hận; một bộ phận tách ra thường là trong đám cung đình, “con cha cháu ông”, vì quyền lợi ích kỷ đã chạy đi liên kết với ngoại bang để bán nước cầu vinh cho bản thân mình.
Triều Trần, dòng tộc nhà Trần bên cạnh những anh hùng hào kiệt như Trần Hưng Đạo: Bệ hạ muốn hàng xin hãy chém đầu tôi đi đã; như Trần Bình Trọng: Thà làm quỷ nước nam hơn làm vương đất bắc; như Trần Quốc Toản, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư thì lại này nòi ra Trần Ích Tắc…
Tương tự triều Lê bên cạnh những Lê Lợi, Lê Thánh Tông lại cũng nảy nói ra Lê Chiêu Thống ? Vậy Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống là ai và bước vào thế kỷ XXI này liệu đất nước ta còn tiếp tục nảy nòi ra những kẻ cam tâm “ rước voi về dày mồ mả tổ tiên không ???”
Trần Ích Tắc (1254-1329) là con của vua Trần Thái Tông, em vua Thánh Tông, chú của vua Nhân Tông nhà Trần nước Đại Việt, tước hiệu là Chiêu Quốc Vương, phong tháng 5 năm 1267.
Đại Việt Sử ký Toàn thư (ĐVSKTT) có viết Ích Tắc là con thứ của Thượng hoàng [Trần Thái Tông], thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo; từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như bọn Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu v.v . . . gồm 20 người, đều được dùng cho đời...Đến 15 tuổi, thông minh hơn người, làu thông kinh sử và các thuật, vẫn còn có ý tranh đoạt ngôi trưởng đích. Ích Tắc đã từng gửi thư riêng cho khách buôn ở Vân Đồn xin quân Nguyên xuống nam.”
Khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ hai (1285), ngày 15 tháng 3, Ích Tắc đem cả gia đình đi hàng giặc, được đưa về Trung Quốc và được Hốt Tất Liệt, vua nhà Nguyên, phong làm An Nam Quốc vương và chờ ngày đưa trở về nước. Sau khi quân Nguyên Mông đại bại, Trần Ích Tắc ở lại Ngạc Châu (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc) , giữ chức quan Hồ Quảng bình chương chính sự, gia phong tới Ngân Thanh vinh lộc đại phu rồi Kim tử quang lộc đại phu, nghi đồng tam tư và chết ở Trung Quốc mùa hè năm Thiên Lịch thứ 2 (1329) đời Nguyên Văn Tông, thọ 76 tuổi. Năm Chí Thuận thứ nhất (1330) được nhà Nguyên truy tặng tước Trung Ý vương
Lê Chiêu Thống tên húy là Duy Kỳ còn tên khác là Lê Duy Khiêm, cháu đích tôn của Lê Hiển Tông. Vào năm 1771 cha ông là Thái tử Lê Duy Vĩ do có hiềm khích với chúa Trịnh Sâm nên cả bốn cha con là Duy Vĩ, Duy Kỳ, Duy Trù và Duy Chi đều bị nhốt vào ngục Đề Lãnh.
Đến năm 1782, sau khi Trịnh Sâm mất, quân lính ở phủ Trịnh làm loạn đã mở cửa ngục đưa Duy Kỳ về, ép vua Lê Hiển Tông và chúa Trịnh Khải lập làm Hoàng Thái tôn.
Vào tháng 7 năm 1786, vua Lê Hiển Tông trước khi qua đời đã trăn trối truyền ngôi lại cho người cháu trưởng là Duy Kỳ. Lúc này nhà Trịnh đã bị Tây Sơn đánh đổ, Duy Kỳ được Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đưa lên ngôi với niên hiệu là Chiêu Thống. Nhưng sau khi Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Nhạc kéo quân về Phú Xuân thì nạn cát cứ ở Bắc Hà lại diễn ra, nạn đói hoành hành, nhân dân cực khổ. Trịnh Bồng là con cháu chúa Trịnh lại nổi lên, trở lại Thăng Long và tự lập mình thành Nguyên soái Án Đô Vương lấn át nhà vua như trước khiến triều đình rối ren. Lê Chiêu Thống kế vị Hiển Tông nhưng lại bất lực trong việc chống chọi với thế lực họ Trịnh.
Dựa vào thế lực của Nguyễn Hữu Chỉnh (trước là tướng của quận Việp Hoàng Ngũ Phúc, sau lại theo Tây Sơn), Chiêu Thống đánh bại quân Trịnh, đốt phá phủ chúa. Nguyễn Hữu Chỉnh nhân đó lộng quyền, chống lại Tây Sơn.
Cuối 1787, Nguyễn Huệ lại kéo quân ra Bắc dẹp loạn, chiêu tập các cựu thần văn võ nhà Lê, lấy Sùng Nhượng Công Lê Duy Cận làm giám quốc. Trước sự tấn công dữ dội của quân Tây Sơn, Nguyễn Hữu Chỉnh và Lê Chiêu Thống chạy sang Quảng Tây cầu viện Mãn Thanh.
Tướng Mãn Thanh là Tôn Sĩ Nghị vào tháng 11 năm 1788 đã dẫn 29 vạn quân ồ ạt tiến vào Thăng Long trước sự dẫn đường và nội ứng của tàn quân Lê Chiêu Thống. Nhà Thanh phong cho Chiêu Thống làm An Nam quốc vương. Kể từ đây, Chiêu Thống tin tưởng hoàn toàn vào nhà Thanh. Dù trở lại ngôi vua, Chiêu Thống thực sự chỉ là bù nhìn của quân Thanh. Việc chủ yếu của vua lúc đó là luận công những người hộ giá và trị tội những người theo Tây Sơn. Ngoài ra, việc trong ngoài đều trong tay Sĩ Nghị. Vì âm mưu được trả thù, báo oán một cách ti tiện của mình mà Lê Chiêu Thống đã dẫn giặc về nhà, trở thành một ông vua bán nước chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.
Mồng 5 tết năm Kỷ Dậu (1789), quân đội Tây Sơn do hoàng đế Quang Trung trực tiếp chỉ huy đã đánh tan 29 vạn quân Thanh ở gò Đống Đa giành lại độc lập cho Việt Nam. Lê Chiêu Thống đã cùng bầy tôi chạy theo tàn quân Thanh sang Trung Quốc. Sau 5 năm sống lưu vong trên đất khách, tháng 10 năm 1793, Lê Chiêu Thống chết ở Yên Kinh, thọ 28 tuổi, ở ngôi vua chưa được ba năm, kết thúc 354 năm trị vì của triều đại nhà Lê.
Qua số phận của hai kẻ bán nước, cầu vinh: một ông vua bù nhìn Lê Chiêu Thống nhờ bám vào ngoại bang mà có chút quyền hành; hai là Trần Ích Tắc, một thân vương tham vọng muốn ngoi lên ngai vàng không thành, bất mãn, quay sang liên kết với giặc. Cả hai kẻ phản phúc này đều có 2 điểm chung sau đây: Thuộc phe phái hoàng tộc ( con ông-cháu cha); hai là do cùng đường, do bất mãn, không còn chỗ dung thân trên mảnh đất Đại Việt nên đã quay sang làm tôi tớ cho giặc…
Còn ngày nay, nhiều kẻ không phải là do cùng đường như Lê Chiêu Thống, như Trần Ích Tắc; những kẻ không những không bị nhân dân bạc đãi, thậm chí còn nắm chức trọng quyền to, nhà cao, cửa rộng, ăn trên, ngồi trốc, bổng lộc ngập ngụa… nhưng do lòng tham vô đáy nên chúng đã có nhiều việc làm gây nên những hậu quả đe dọa đến an ninh, an toàn lãnh thổ quốc gia...
Vụ cho thuê trên 300.000 ha rừng trên 50 năm liệu có thể xếp vào loại hành vi rước “voi- rắn lạ…” về quê không? Những kẻ sử dụng quyền hành được nhân dân trao rồi đây sẽ phải trả lời trước công luận, trước chính quyền, trước Quốc hội, trước nhân dân vì sao dám làm những việc động trời trên. Nếu việc này không kịp thời được phát hiện và ngăn chặn triệt để thì: hậu quả của nó sẽ gây ra cho dân tộc này, đất nước này to gấp vạn lần so với những gì mà Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống từng làm ?!
Bởi đây không phải là hành vi của những kẻ cùng đường hay bị bạc đãi mà là: hành vi có tổ chức và nhân danh quyền lực nhà nước để thực thi ý chí cá nhân, nói theo cách nói của luật hình sự hiện đại!
P.L.T
Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=4167
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét