8 thg 7, 2010
Ai chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ Vinashin?
Vinashin đã vỡ nợ chưa?
Trả lời câu hỏi của một tờ báo về khả năng Vinashin có lâm vào tình trạng vỡ nợ nếu không được giải cứu, Tổng giám đốc điều hành của Vinashin ông Trần Quang Vũ khẳng định: “Chúng tôi gặp khó khăn nhưng chúng tôi không thể vỡ nợ được. Bởi thực ra, Vinashin không phải mất tài sản mà tài sản của chúng tôi vẫn ở các dự án, là đất, là những con tàu đóng dở” (người viết nhấn mạnh).
Thật buồn cho câu hỏi và càng đáng buồn hơn vì câu trả lời của “doanh nhân” lớn, CEO của một tập đoàn một thời lừng lẫy. Nếu lãnh đạo cấp cao vẫn tư duy theo kiểu đó, sau tái cơ cấu lần này Vinashin sẽ lại vỡ nợ trong tương lai không xa.
Vinashin đã thực sự vỡ nợ từ lâu rồi.
Một doanh nghiệp không có khả năng trả nợ gốc và lãi khi đến hạn là doanh nghiệp lâm vào trạng thái vỡ nợ, hay phá sản.
Điều 3 của Luật Phá sản quy định, “Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”. Tài sản của doanh nghiệp có thể lớn hơn công nợ nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn có thể bị phá sản.
Theo báo cáo giám sát của Quốc hội “tổng số nợ quá hạn của Vinashin đến hết năm 2008 cũng lên tới 3.812 tỉ đồng, chiếm trên 91% tổng số nợ quá hạn của các tập đoàn năm 2008”.
Nói cách khác năm 2008 Vinashin đã lâm vào tình trạng không trả được nợ đến hạn, tức là lâm vào tình trạng vỡ nợ hay phá sản (chỉ có điều chưa chủ nợ nào buộc Vinashin tuyên bố phá sản theo luật. Vinashin còn nợ Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC) 1.835 tỉ đồng trong đó nợ quá hạn hơn 1.300 tỉ đồng).
Chỉ qua 2 con số trên cũng thấy Vinashin đã thực sự vỡ nợ sau hai năm thành lập. Chính vì thế mà năm 2009, đã có lúc Chính phủ phải can thiệp để tái cơ cấu Vinashin.
Chính phủ có ưu ái Vinashin?
Ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, phủ nhận: “Nói Chính phủ ưu ái Vinashin là không đúng. Phát triển công nghiệp chế tạo, trong đó có đóng tàu, là một trọng điểm của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế biển. Đã là trọng điểm thì có hỗ trợ, và Chính phủ có cơ chế hỗ trợ”.
Theo từ điển tiếng Việt (Trung tâm từ điển học, 2009), ưu ái có nghĩa là “yêu thương và lo lắng cho”. Chẳng lẽ Chính phủ không yêu thương, không lo lắng cho Vinashin?
Chính phủ đi vay 750 triệu đô la Mỹ cho Vinashin dùng,
Chính phủ yêu cầu các ngân hàng khoanh nợ cho Vinashin từ gần một năm nay, nợ quá hạn của Vinashin không được coi là quá hạn và bất chấp những quy định về tín dụng của Ngân hàng Nhà nước,
Chính phủ yêu cầu các ngân hàng tiếp tục cho Vinashin vay (đấy là sự can thiệp vi phạm các quy định hiện hành).
Từ tháng 10-2009, Thủ tướng đã có Quyết định 1596/QĐ-TTg về các giải pháp thực hiện tái cơ cấu tài chính đối với Vinashin,
Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản số 357/NHNN-TD.m ngày 17-7-2009 về khoanh và cơ cấu lại các khoản nợ cũ của Vinashin.
Nay lại tái cơ cấu một lần nữa và Chính phủ tiếp tục phát hành trái phiếu và cho tập đoàn này vay lại để thực hiện các dự án cấp thiết và cơ cấu lại nợ trong nước đã đến hạn.
Đấy mới chỉ là nói đến một phần vốn mà chính phủ lo cho Vinashin. Đấy chẳng lẽ không là sự ưu ái?
Vinashin có cơ man nào là đất từ Quảng Ninh đến Cà Mau, cứ đến tỉnh nào là đều “xin” được đất. Có công ty nào trong bốn năm trời làm được như vậy? Đấy chẳng lẽ không là sự ưu ái?
Còn có thể kể ra nhiều bằng chứng khác (như quyết định của Chính phủ bắt Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước “ôm” khoản đầu tư vào Bảo Việt của Vinashin giúp giảm cả ngàn tỉ đồng lỗ từ năm ngoái) về sự ưu ái mà Chính phủ dành cho Vinashin.
Có thể nói Chính phủ đã “quá ưu ái” Vinashin và chính sự nuông chiều này đã làm mềm ràng buộc ngân sách và là một trong vài nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của Vinashin.
Ai chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ Vinashin?
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, những sai phạm của ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Vinashin “trong huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn của Nhà nước là do thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội.
Các khoản nợ của Vinashin rất lớn, mất khả năng thanh toán”. Ông chủ tịch còn để xảy ra xung đột lợi ích khi bổ nhiệm người thân giữ các trọng trách lớn mà luật pháp nghiêm cấm. Các lãnh đạo khác của Vinashin cũng đang tiến hành kiểm điểm trách nhiệm và một số có thể bị truy cứu trách nhiệm. Sự thiếu hiểu biết của họ dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng.
Nhưng ngoài những người trực tiếp này còn những ai cũng phải chịu trách nhiệm? Đấy mới là vấn đề chính.
Khi “bán lại” cổ phần Bảo Việt cho SCIC Vinashin lấy giá gốc (cao hơn khoảng 2 lần giá thị trường) và giảm được khoản lỗ cả ngàn tỉ đồng; còn tái cơ cấu lần này với việc “bán lại” các tài sản mà chủ yếu là đất kiếm được với giá rẻ nay chắc sẽ được chuyển nhượng với giá “quy định của Nhà nước mới đây” cao gấp nhiều lần, chắc chắn trên sổ sách Vinashin sẽ lấy lại được “cân đối”, thậm chí có lời và có thể khỏa lấp các khoản thất thoát khó ai có thể biết là bao nhiêu. (Tổng công ty Dầu khí Việt Nam cứu Vinashin thực ra một phần cũng là để “siết nợ”).
Cách “cứu vớt” doanh nghiệp kiểu này sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu cho các doanh nghiệp nhà nước và càng làm cho ràng buộc ngân sách của chúng mềm hơn và sẽ có những hậu quả khôn lường.
Cần rút ra bài học nghiêm túc từ sự đổ vỡ của Vinashin và thay đổi tư duy một cách triệt để nhằm cải tổ các doanh nghiệp nhà nước.
Nguyễn Quang A
Nguồn :http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/sukien/37253/
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét