Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

19 thg 7, 2010

Rau vô tâm


Nhiều tài liệu nói rau muống đã được người Trung Quốc trồng để ăn từ khoảng thế kỷ thứ 3.
Sách Phong Thần Diễn Nghĩa chép chuyện Đắc Kỷ muốn hại Tỷ Can nên đã bày mưu giả ốm.
Trụ Vương mê muội bèn cho đòi Tể tướng Tỷ Can đến để moi "Trái tim tẩm phòng" của ông, vì cho rằng đó là trái tim có 7 lỗ như cọng sen, có thể dùng làm thuốc.
Tỷ Can, theo lời dặn của Khương Tử Nha, đã đốt uống đạo phù để mổ bụng không chết, vì thế tuy đã mất trái tim nhưng vẫn còn đủ sức để quay ngựa về nhà. Dọc đường Tỷ Can gặp một người đàn bà bán rau, rao rằng "Ai mua rau vô tâm không?".
Tỷ Can lấy làm lạ, quên lời Khương Tử Nha dặn phải nín lời cho đến khi về tới nhà, bèn hỏi: Rau vô tâm là giống gì.
"Nếu trống ruột thì sống. Người vô tâm thì chết tức thời".
- Nghe xong câu này, Tể tướng Tỷ Can la lên một tiếng té ngựa chết tức thì.


Rau vô tâm, loại rau không có ruột, chính là rau muống.
Câu chuyện rau vô tâm trong Phong Thần là để nói đến sự tàn ác, bạo ngược của Trụ Vương, chỉ vì nghe lời một người đàn bà mà ra tay giết hại chú ruột, vị tể tướng đương triều, người dám nói những lời trực ngôn.
Còn giờ đây, ở Việt Nam, chỉ có những người vô tư, vô tâm mới dám ăn rau muống, được tẩm độc từ những kẻ vô lương tâm khác.

Nhưng đã không một phản ứng. Không một cái mông nào được nhấc khỏi chiếc ghế quan liêu. Thậm chí không một mảy may xúc động sau khi báo chí suốt tuần qua kêu ra rả xung quanh câu chuyện rau muống độc.
Có tới 4-5 loại hóa chất, từ dầu thải của xe máy, nước rửa chén, rồi thì "viên độc", "viên mo" được phun tẩm lên những ngọn rau muống.
Phun ngay khi cây rau còn chưa kịp lớn. Và tẩm độc ngay trước khi trao nó cho những người vẫn coi nhau là đồng bào.
Có cảm giác như chất độc này còn chưa kịp khô ngấm chất độc khác đã lại được tẩm lên những cọng rau thoạt trông nu nú ngoan ngoãn xếp hàng trông có vẻ thích mắt.

Nguy hiểm nhất là cái ác nằm cả trong một cọng rau vừa rẻ, vừa hiền, vừa truyền thống. Rau muống siêu tốc, trông siêu ngon nhưng ăn vào thì siêu độc. Bởi ghê rợn nhất trong câu chuyện rau độc chính là sự độc ác khi những nông dân trồng rau, tưởng như sẵn bản tính hiền lương, trồng riêng cho mình, cho gia đình, cho "đồng nghiệp" một luống rau, để "ăn riêng". Còn lại kệ tất.

Người trồng rau thản nhiên "đánh thuốc", rồi sử dụng hóa chất để cây rau "tăng vọt" mỗi ngày tới 10 cm. Rồi, ngay trước khi cắt đem bán ngoài chợ lại tiếp tục "đánh trắng" bằng thuốc độc. Có người nói "Sự nguy hiểm không nằm ở chiếc dao chặt đá xù xì mà nằm trong sự mỏng sớt của lưỡi dao lam".
Nguy hiểm nhất là khi chất độc được ngụy trang dưới vai áo bạc trắng mồ hôi của những người tự nhận mình là nông dân có lương tâm với khuôn mặt thoạt trông thì lương thiện đến ngơ ngác. Đấy, đã bảo khi cái ác núp dưới một khuôn mặt ngây thơ đến lương thiện thì đó là cái ác đáng sợ nhất.

Có người viết: Nếu có một cuộc bình chọn "Quốc rau", có lẽ người dân Việt Nam, không cần phải tranh cãi gì cả, sẽ bình chọn cho rau muống.
Rau muống, loại rau truyền thống của người Việt, được đánh giá là loại rau, loại thực phẩm ngon miệng thanh nhiệt giải độc, có tác dụng từ nhuận tràng, chữa rôm sảy, mụn nhọt cho đến chữa bội nhiễm ngoài ra, đái tháo đường, quai bị... Nhưng bây giờ, loại rau được gọi là "Nhân sâm của người nghèo" đó đang ngập tràn những chất độc.

Cách đây chưa lâu, 8 người dân ở quận Phú Nhuận- TP HCM đã phải nhập viện trong tình trạng miệng nôn trôn tháo, ngộ độc nặng nề sau khi ăn phải rau muống độc. Những chẩn đoán y tế sau đó cho thấy nguyên nhân ngộ độc có thể vì dư lượng thuốc trừ sâu quá lớn trong rau muống. Sự vụ đó nhanh chóng rơi vào quên lãng vì dường như trong thời buổi cái gì cũng có độc thời nay, con số 8 người bị ngộ độc là quá bé nhỏ. Vả lại, cũng ít người quan tâm đến rau muống, thứ rau dù là phổ thông trong mỗi bữa ăn các gia đình nhưng lại quá rẻ, rẻ đến mức các nhà quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nghĩ rằng người trồng chẳng buồn bón phân phun thuốc làm gì cho...đội chi phí. Rau muống, vì vậy, cũng "miễn nhiễm" trong các đợt kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm lâu lâu lại diễn ra.

Cách đây một tuần, dư luận xôn xao khi cơ quan y tế Nam Định phát hiện vi khuẩn tả có trong những cây nước đá. Tại chính nơi phát hiện, xã Trực Thái, đã có tới 26 ca tiêu chảy, trong đó có 7 trường hợp tả. Trường hợp tả do dính vi khuẩn trong nước đá hoàn toàn có thể hiểu là do "Không biết".
Người sản xuất không biết vi khuẩn tả có thể sống trong nước đá. Người dùng càng không biết, chỉ vì cho rằng lạnh đến dưới 0oC thì người còn chết huống hồ vi khuẩn. Không biết, vì chưa ai nói cho dân chúng biết nước đá cũng có thể nhiễm khuẩn tả.
Tuy nhiên "trường hợp rau muống" thì những người trồng rau biết rất rõ trong rau có độc và không thể ăn nổi. Ăn sao được khi mà những thứ chất độc họ phun tẩm cho rau có thể ngay lập tức làm thối da thối thịt nếu đụng chạm trực tiếp. Câu chuyện càng đáng sợ hơn ở khía cạnh chép miệng của các nhà quản lý trước thứ thực phẩm hầu như chỉ dành cho người nghèo mà thậm chí đã thành thuật ngữ "Mớ rau con cá". Nhưng một mớ rau 5 ngàn đồng mà cũng được làm ra bằng cách phun tẩm chất độc thì còn có cái gì mà người ta không thể làm, không thể đầu độc đồng bào mình?!
Phải chăng cũng chỉ vì mấy đồng bạc còi lợi nhuận đó mà chúng ta đang phải chứng kiến một xã hội man dợ, nơi những đồng bào, bằng thủ đoạn, bằng sự thâm độc ngọt ngào đang từ từ đẩy nhau vào...viện K! hoặc thậm chí, đẩy thẳng ra Văn Điển! Và các quan chức. Họ khoanh tay chỉ bởi đó là loài cỏ chỉ dành cho dân nghèo?

Rau muống không có tội. Sự ghê sợ, tẩy chay của ngay cả những người nghèo nhất đối với rau rỗng ruột, không bởi chúng là loại rau vô tâm, mà bởi sự vô lương tâm của những người làm ra chúng. Và sự dửng dưng của những người được coi là cha mẹ của dân.

Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=2922



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét