Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

8 thg 7, 2010

Thiếu điện: chậm tiến độ xây nhà máy hay do chậm cải tổ?


Việc cắt điện tràn lan đang gây ra những thiệt hại lớn cho nền kinh tế và cuộc sống của người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hạn hán và việc xây dựng các nhà máy điện bị chậm tiến độ là những lý do được tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu ra để giải thích cho tình trạng thiếu điện hiện nay. Tuy nhiên, đây vẫn không phải nguyên nhân gốc.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nó chỉ là hệ quả tất yếu của cơ chế độc quyền và chừng nào độc quyền còn tồn tại thì Việt Nam còn thiếu điện

Khúc xương nhiệt điện than
Tháng 8-2008, EVN tuyên bố trả lại cho Chính phủ 13 dự án nguồn điện và tất cả đều là nhiệt điện chạy bằng than có công suất lớn. Nguyên nhân, theo giải thích của EVN, là do tập đoàn này thiếu vốn đầu tư và những dự án trên được quy hoạch phải sử dụng những công nghệ mới mà EVN chưa có kinh nghiệm để thực hiện!

Rõ ràng cái cớ này không đủ sức thuyết phục, vì nếu những dự án trên không phải nhiệt điện chạy bằng than, mà là thủy điện thì có lẽ EVN đã chẳng chịu nhường cho những nhà đầu tư khác.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết giá thành điện sản xuất từ các nhà máy chạy bằng than hiện nay tối thiểu cũng đến 5 cent (đô la Mỹ)/kWh/giờ. Trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân ở Việt Nam hiện chỉ khoảng 5,5 cent (đô la Mỹ), tương đương với giá thành cộng với chi phí tổn thất trong quá trình truyền tải và phân phối.
Hơn nữa, đây mới là giá thành được tính trên cơ sở giá than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, bằng chưa tới một nửa so với mặt bằng giá xuất khẩu. Nếu đặt trường hợp phải nhập khẩu than với giá gấp gần 2,5 lần (bao gồm phí vận chuyển) so với than trong nước hiện nay, thì chắc chắn không công ty nào dám đầu tư vào nhiệt điện chạy than.

Chính vì vậy, nhiệt điện không thu hút được vốn đầu tư của khu vực tư nhân, trong khi đây lại là con đường duy nhất để đáp ứng nhu cầu điện đang tăng mạnh của quốc gia. Đến nay, mới chỉ có một số doanh nghiệp nhà nước bỏ vốn vào lĩnh vực này, trong đó hầu hết là những dự án của tập đoàn Than và Khoáng sản (TKV) và tập đoàn Dầu khí (PVN), vốn là những doanh nghiệp có lợi thế nhờ nắm trong tay nguồn cung cấp than và khí đốt lớn. Riêng khu vực tư nhân, tuy số lượng dự án đăng ký đầu tư nhiều, nhưng đến nay tất cả chỉ là dự án trên giấy.

Như vậy, dù thu hút được một số nhà đầu tư khác ngoài EVN, nhưng trách nhiệm phát triển nguồn điện để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đến nay chủ yếu vẫn thuộc về Nhà nước (tư nhân chỉ tham gia thủy điện, nhưng quy mô không đáng kể).
Rõ ràng, đây là trách nhiệm mà Nhà nước không thể gánh vác một mình, nên thiếu điện là điều tất yếu và chừng nào khu vực tư nhân còn đứng ngoài cuộc, thì Việt Nam còn bị thiếu điện dài dài, người dân và cộng đồng doanh nghiệp còn phải chịu cảnh chờ được cung cấp điện theo kiểu chia khẩu phần như hiện nay.

Nguồn gốc ở cơ chế độc quyền
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, muốn giải quyết được vấn đề thiếu điện, cần phải xác định nguồn gốc đích thực gây nên tình trạng này và theo ông, đó là cơ chế độc quyền.

Từ hàng chục năm nay Việt Nam bị vướng vào vòng luẩn quẩn giữa giá điện và việc phát triển nguồn điện. Nếu không tăng giá, thì không thu hút được đầu tư vào nguồn điện, dẫn đến thiếu điện. Nhưng nếu tăng giá, sẽ bị người dân, cộng đồng doanh nghiệp phản ứng và ảnh hưởng đến sức phát triển của nền kinh tế.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng, cho rằng vấn đề đáng chú ý trong cái vòng luẩn quẩn này chính là ở chỗ Việt Nam chưa có thị trường điện đích thực. Ông nói thẳng: “Thị trường điện hiện nay chỉ là thị trường giả tạo, do cả lĩnh vực truyền tải và phân phối đều nằm trong tay EVN và mọi doanh nghiệp sản xuất điện đều phải bán hàng thông qua EVN”.
Tình trạng độc quyền này làm cho chi phí sản xuất và phân phối điện trở nên thiếu minh bạch và có lẽ đây là điều làm cho người tiêu dùng và doanh nghiệp không dễ chấp nhận khi ngành điện đề xuất tăng giá bán.

Hiện nay, chi phí ở khâu sản xuất điện có vẻ là rõ ràng nhất, do ngoài EVN, còn có một số doanh nghiệp nhà nước khác tham gia. Mặc dù vậy, mức giá thành sản xuất 5 cent (đô la Mỹ)/kWh đối với nhiệt điện than của các doanh nghiệp sản xuất điện công bố cũng chưa hẳn đã đáng tin cậy, khi mà Trung Quốc có thể bán điện cho EVN với giá dưới 5 cent (đô la Mỹ)/kWh, cho dù họ phải nhập khẩu than của Việt Nam với giá cao gấp đôi so với giá than cung cấp cho các nhà máy điện.

Đầu năm ngoái, khi Bộ Công Thương đề xuất đề án cải tổ ngành điện, Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào xác nhận, bộ không thể nắm bắt riêng rẽ chi phí của các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối. Vì vậy, người tiêu dùng không biết giá điện mình đang mua có phù hợp hay chưa, có phải cõng quá nhiều chi phí quản lý không?

Cần tách EVN thành nhiều công ty độc lập
Theo ông Nguyễn Thành Sơn, điều cần làm trước tiên để giải tỏa tình trạng thiếu điện, không phải ở vấn đề tăng giá, mà phải hình thành cho được một thị trường điện đích thực, có cạnh tranh, nghĩa là phải có nhiều người bán và nhiều người mua. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải chia nhỏ EVN thành nhiều công ty độc lập. Theo đó, Nhà nước sẽ nắm quyền kiểm soát hệ thống truyền tải điện, còn EVN chỉ đóng vai trò như nhà sản xuất và phân phối như những công ty khác cùng ngành.

Để cho quá trình thị trường hóa ngành điện được nhanh chóng, trước đây Ngân hàng Thế giới còn đề nghị tách các điện lực địa phương của EVN thành nhiều công ty độc lập. Làm như vậy, những công ty này có thể chủ động mua điện từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, thông qua lưới truyền tải của Nhà nước, để đáp ứng nhu cầu của địa phương, đồng thời nhà đầu tư nguồn điện cũng có nhiều khách hàng để chọn lựa hơn, thay vì chỉ bán cho một mình EVN như hiện nay.

Ông Trần Viết Ngãi khẳng định: “Nếu Nhà nước kiểm soát mạng lưới truyền tải và các công ty điện có thể thương lượng, bán hàng trực tiếp cho các công ty phân phối ở địa phương thì quá tốt và điều này sẽ khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào các dự án nhiệt điện”.
Bên cạnh việc cải tổ ngành điện, theo ông Ngãi, Chính phủ cũng cần cải tổ lại cơ chế về giá cả.
Ông cho rằng, cơ chế một mặt bằng giá chung như hiện nay là không thích hợp. Cần phải cho các công ty phân phối quyền chủ động về giá cả theo cơ chế thị trường.
Với cơ chế này, các công ty phân phối có thể thương lượng bán điện với giá cao hơn cho một số đối tượng khách hàng hoặc khu vực, nhất là ở những khu vực có mức sống cao và người dân có nhu cầu được cung cấp điện ổn định với chất lượng cao. Tất nhiên, Nhà nước vẫn kiểm soát để tránh các công ty thao túng giá cả.
Đồng thời, Chính phủ cũng phải nhanh chóng tách vấn đề trợ giúp xã hội ra khỏi giá điện và xây dựng một cơ chế hỗ trợ khác cho người nghèo. Hiện nay, chính sách bao cấp giá đang được áp dụng cho 50 kWh đầu tiên của điện sinh hoạt. Đây là cơ chế cào bằng và không hợp lý, vì áp dụng cho mọi người dân, trong khi lẽ ra chỉ nên áp dụng cho những đối tượng cần trợ giúp.

Việc cải tổ ngành điện không đồng nghĩa với giá điện sẽ giảm, mà ngược lại giá có thể tăng khi mà mọi chi phí đều được tính đúng, tính đủ và Nhà nước không còn bao cấp một phần giá theo kiểu cào bằng như hiện nay nữa. Tuy nhiên, cuộc cải cách này chắc chắn sẽ góp phần làm cho chi phí đầu vào của ngành điện trở nên minh bạch hơn. Quan trọng hơn, một môi trường cạnh tranh đúng nghĩa sẽ giúp người tiêu dùng được cung cấp dịch vụ tốt với giá cả sát với thực tế, mà thị trường dịch vụ viễn thông là một ví dụ điển hình. Đồng thời cũng tạo cơ hội thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào phát triển nguồn và mạng lưới phân phối.

Cơ cấu ngành công nghiệp cũng có vấn đề
“Mức tiêu thụ điện của toàn tỉnh Thái Bình với 1,8 triệu dân chỉ hơn 2 triệu kWh/ngày, trong đó chỉ riêng Công ty Thép Đông Hưng đóng trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hết gần một nửa với 0,9 triệu kWh/ngày”.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn nêu ra ví dụ điển hình trên để cho thấy bản thân ngành công nghiệp Việt Nam đang có vấn đề nghiêm trọng về tiêu thụ năng lượng. Theo ông, việc phát triển quá nhanh những ngành có mức tiêu thụ điện năng lớn trong thời gian gần đây, như luyện cán thép, nhôm… đang gây ra gánh nặng cho nền kinh tế Việt Nam về an ninh năng lượng.

Có thể thấy, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã quá dễ dàng chấp nhận những dự án đầu tư nước ngoài có nhu cầu tiêu thụ điện lớn. Hơn nữa, việc quản lý công nghệ, thiết bị nhập khẩu còn nhiều bất cập, đã không ngăn chặn được tình trạng để cho máy móc, công nghệ rẻ tiền nhưng tiêu thụ rất nhiều năng lượng nhập vào Việt Nam.

Theo ông Sơn, việc điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo hướng hạn chế dần việc phát triển những ngành tiêu hao quá nhiều năng lượng cũng rất cấp bách. Nếu chạy theo giải quyết nhu cầu khổng lồ này, Việt Nam sẽ khó đảm bảo an ninh năng lượng cho nền kinh tế, nhất là khi các nguồn năng lượng trong nước như than, dầu khí đang dần cạn kiệt và thủy điện thì đã gần đạt ngưỡng tối đa.

Trở lại vấn đề cải tổ ngành điện. Đây không phải đề xuất mới. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã chỉ ra độc quyền là yếu tố chính cản trở sự phát triển thị trường điện Việt Nam. Thậm chí, Bộ Công Thương, cơ quan quản lý nhà nước của ngành điện, đã sớm nhìn ra vấn đề và có đề xuất lên Chính phủ từ cuối 2008. Tuy nhiên, trước phản ứng của EVN, đề án này đến nay đã bị rơi vào quên lãng.

Tôi có cảm giác EVN quá mạnh, ngay cả cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công Thương cũng không làm gì được!”, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói. Ông cho rằng, đợt cắt điện lần này đã gây ra những tác hại to lớn về kinh tế và xã hội cho Việt Nam, nên Chính phủ cần có sự quan tâm và giải thích. Theo ông, Chính phủ nên sớm có biện pháp để nhanh chóng đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng thiếu điện vốn đã tồn tại từ hàng chục năm nay.


Tiền nào của đó!
Nếu hai nhà máy nhiệt điện Hải Phòng và Quảng Ninh (gồm tám tổ máy phát điện), với tổng công suất 2.400 megawatt được xây dựng, đưa vào vận hành đúng tiến độ và không gặp trục trặc kỹ thuật, thì Việt Nam đã không phải gánh chịu tình trạng thiếu điện trầm trọng như hiện nay.

Cả hai dự án này đều được khởi công từ năm 2005-2007 và dự kiến sẽ lần lượt đưa vào vận hành trong tháng 7-2010. Tuy nhiên, đến nay chỉ hoàn thành được hai tổ máy phát điện của Hải Phòng 1 và Quảng Ninh 1 với tổng công suất 600 megawatt, nhưng vận hành thử chưa được bao lâu thì gặp sự cố kỹ thuật và hiện vẫn chưa hoạt động trở lại được.
Điều đáng nói là cả hai dự án này đều do các công ty Trung Quốc làm tổng thầu và theo nhận xét của đại diện chủ đầu tư, thì đây là những nhà thầu chưa có kinh nghiệm thi công tại Việt Nam.


Tấn Đức
Nguồn :http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/dautu/36926/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét