Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

1 thg 7, 2010

CỔNG CHÀO HN: HOANG TƯỞNG - TÙY TIỆN?


" Đặt ra là "xây cổng chào để làm gì?"
Còn 100 ngày nữa đã đến đại lễ kỷ niệm mới đưa ra ý tưởng xây 5 cổng chào, rồi nếu không xây cổng chào thì làm bãi đỗ xe... Và chắc gì chỗ đó lại cần bãi đỗ xe nhỉ?
Nếu không làm bãi đỗ xe thì có thể làm thêm cái gì đó, cho ai đây?"- GS TS Nguyễn Quang Ngọc nói về ý tưởng xây 5 cổng chào, mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long
.


Cổng chào Pháp Vân - Cầu Giẽ.

LTS: Tuần qua, liên tục những thông tin về cổng chào Hà Nội được cập nhật, thay đổi. Bắt đầu từ 22/6 là thông tin Hà Nội sẽ xây dựng 5 cổng chào do 5 doanh nghiệp tặng toàn bộ hoặc đóng góp một phần, tổng trị giá là 50 tỷ đồng.
Ngày 25/6, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định tại cuộc giao ban của lãnh đạo thành phố với các quận huyện rằng thành phố sẽ không làm ngay các cổng chào vĩnh cửu, mà làm các cổng chào tạm, kinh phí xây dựng vừa phải, không phải là 50 tỷ đồng.
Đến 29/6, UBND Hà Nội đã chấp thuận phương án lắp dựng cổng chào tại 4 cửa ngõ vào thủ đô, riêng cổng chào tại quốc lộ 5 đi Hải Phòng chưa được phê duyệt, các công trình sẽ hoàn thành trước ngày 2/9.

Tuần Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hà Nội xung quanh câu chuyện này.

Sự tưởng tượng... chẳng đâu vào đâu cả!
GS bình luận gì về việc Hà Nội đưa ra ý tưởng xây dựng 5 cổng chào ở QL 1 (tuyến Hà Nội - Lạng Sơn), đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường Láng - Hòa Lạc, QL 1 (tuyến Pháp Vân - Cầu giẽ) và QL 5?

GS Nguyễn Quang Ngọc: - Câu hỏi đầu tiên phải đặt ra là "xây cổng chào để làm gì?". Nếu như xây cổng chào để phục vụ một sự kiện, cụ thể ở đây là đón khách trong nước và quốc tế đến tham dự Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nghĩa là đến hết Đại lễ thì cũng không cần cổng chào nữa.
Thường cổng chào kiểu đó gắn với sinh hoạt văn hóa của các làng xã, thậm chí làng có sẵn cổng rồi, khi có lễ thì trang hoàng thành cổng chào, nhiều khi chỉ cần trương băng rôn nối hai trục của cổng để chào đón khách đến với làng.

Nếu Hà Nội dự định xây cổng chào như thế thì cần phải bàn kỹ để xây cho đúng với ý nghĩa, tinh thần của đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Làm được công trình nghệ thuật thực sự thì tốt quá, nhưng dù nghệ thuật hay không cũng phải mang tính biểu trưng cao, gắn với sự phát triển của Thăng Long-Hà Nội theo tinh thần đây là thành phố văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, được khởi dựng từ sự kiện định đô Thăng Long của vua Lý Thái Tổ.
Chỉ cần xây một cổng chào, sẽ giống một biểu tượng kỷ niệm hơn là một cổng thực tế để đón khách đi ra đi vào. Nghĩa là phải khai thác tính biểu trưng của nó chứ không phải khai thác giá trị sử dụng của nó.

Muốn làm một cổng chào như thế sẽ cần trao đổi kỹ để có một đề bài chuẩn xác cho người thiết kế có cơ sở phóng tác.

Xem ra GS không đồng tình với những hình tượng mà Hà Nội đã chọn cho cổng chào như trống đồng, chim lạc, rồng thời Lý (riêng hình tượng bãi cọc Bạch Đằng chưa được Hà Nội phê duyệt)

- Tôi thấy đó là sự tưởng tượng... chẳng đâu vào đâu cả.
Bãi cọc Bạch Đằng là để chặn quân thù, gây thêm chướng ngại vật để tiêu diệt quân xâm lược, trương cái đó ra có phải không cho người vào Hà Nội à? May mà Hà Nội chưa phê duyệt.
Nhưng ngay cả những hình tượng đã được phê duyệt, tôi cũng thấy không mấy thuyết phục.
Trống đồng đúng là một biểu tượng của cội nguồn văn hóa Việt, nhưng liệu có phải là biểu tượng của nghìn năm Thăng Long không?
Cả chim Lạc cũng thế. Cổng ở hướng Hà Nội - Lạng Sơn, giáp với Bắc Ninh, có lẽ vì liên tưởng đến 8 vị vua triều Lý nên làm 8 con rồng chăng?.
Nếu đúng như vậy thì tội cho các vị vua nhà Lý thật. Các vị dựng nên Kinh thành Thăng Long làm gì để nghìn năm sau phải đứng ở chốn đầu đường thế này?
Hình tượng nghệ thuật gì mà kỳ cục vậy?
Trong khi đó ai mà chẳng biết Thăng Long là Rồng Bay (chuyện kể rằng đúng vào ngày này nghìn năm trước, khi Lý Công Uẩn mới từ Hoa Lư ra, lúc thuyền vừa cập bến, đang đậu ở dưới thành Đại La, có Rồng Vàng hiện lên trên thuyền ngự mới đổi gọi là thành Thăng Long). Thăng Long vừa là biểu tượng mở đầu, vừa là đặc trưng đầy đủ của một thiên niên kỷ phát triển và thăng hoa của Thủ đô ta, của dân tộc Việt Nam ta.


Cổng chào trục đường Hà Nội - Lạng Sơn.
Tại sao cụ Lý Công Uẩn nghĩ ra biểu tượng Rồng Bay đẹp là thế, chuẩn đến thế, mà nghìn năm sau chúng ta lại chỉ nghĩ ra hình ảnh Rồng Chầu?
Chưa kể, qua cách chuẩn bị vừa rồi, tôi cảm giác mục đích của việc xây 5 hay 4 cổng chào cũng lờ mờ, không rõ ràng.
Có phải xây cổng chào chỉ để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội không? hay xây dựng chúng như những cổng chính của thành phố Hà Nội? Gọi là cổng đô thị nhưng đô thị ở đây cũng nửa thành phố nửa làng quê, bởi cách xây dựng cổng chào này khiến ta hình dung đến cổng làng nhiều hơn.
Nếu cổng chào được xây dựng không phải chỉ cho đại lễ kỷ niệm thì theo tôi không nên xây.

Cổng chào chỉ chào những người... đi bộ?
GS có thể giải thích lý do?

- Thứ nhất, Hà Nội chưa có một quy hoạch đô thị hoàn chỉnh. Hà Nội đã được mở rộng từ 1/8/2008, giờ ta xây cổng chào cho toàn bộ thành phố Hà Nội trực thuộc trung ương, hay xây cổng chào cho riêng đô thị trung tâm của Thủ đô Hà Nội.
Nếu xây cổng chào chỉ cho đô thị trung tâm Hà Nội, thì không lẽ lại gạt cái phần mới được tích hợp vào Hà Nội ra à? Có tự mâu thuẫn với chính sách không? Hay bây giờ cứ xây, đến khi làm xong quy hoạch Hà Nội, thấy không phù hợp lại "bốc" đi chỗ khác?

Bởi nếu hiểu cổng chào theo nghĩa của cổng làng, thì phải xây sát với chỗ địa đầu, nơi tiếp giáp của thành phố Hà Nội với các địa phương khác, nghĩa là phải đưa ra tận mép ngoài cùng của cả thành phố trực thuộc trung ương rộng lớn chứ, mà như thế sẽ cần nhiều cổng lắm. Đằng này lại xây ở những địa điểm mà theo tôi, chưa chứng minh được tính lôgic và hợp lý của chúng: Chỗ thì ở nơi tiếp giáp với Bắc Ninh hiện nay như cổng trên quốc lộ 1A, chỗ cũng nằm ở nơi tiếp giáp nhưng là tiếp giáp giữa Hà Nội và Hà Tây trước ngày 1 tháng 8 năm 2008 (cổng chào trên đường Láng - Hòa Lạc).

- Thứ hai, tại sao lại là 5 cổng chào? Nếu thuyết minh rằng chọn 5 đường giao thông đường bộ quan trọng nhất, thì xin thưa rằng trong thực tế còn nhiều đường khác có ý nghĩa lịch sử quan trọng hơn nhiều. Như trục đường QL 6 về đường Nguyễn Trãi chắc chắn có ý nghĩa hơn đường Láng - Hòa Lạc, bởi đó là con đường thượng đạo, chứng kiến lịch sử hình thành và phát triển của Hà Nội, sao lại bị lãng quên? Rồi đường lên Sơn Tây nữa chứ?
Đấy là mới kể đường bộ, còn đường thủy thì sao? Nếu kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thì con đường quan trọng nhất đến Thăng Long phải là theo đường thủy, theo sông Hồng, sông Tô, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu... chứ? Còn đường sắt, đường hàng không, bao nhiêu lối vào Hà Nội, không lẽ cổng chào chỉ chào những người... đi bộ? Mà cả đi bộ, nếu muốn được chào đón thì phải đi đúng những đường đã được chọn, chứ đi đường khác thì sẽ không được chào sao?

Tôi vừa thấy trên báo hôm nay có đưa ra một cách lập luận mới là xây 5 cổng chào này để ghi dấu con đường Nam tiến mở mang bờ cõi của tổ tiên ta (cổng tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ), nơi phát tích của nhà Lý (cổng trên đường 1A), cửa ngõ giao lưu quốc tế (đường Thăng Long-Nội Bài), hướng về dẫy núi Ba Vì, nơi "in đậm dấu ấn lịch sử của dân tộc" (cổng trên đường Hòa Lạc) và cổng trên quốc lộ 5 hướng ra Biển Đông "với những chiến công giữ nước lẫy lừng trong lịch sử". Đây, xét cho cùng cũng vẫn chỉ là lý lẽ của những người xây cổng thôi, còn muốn thể hiện tính chất biểu trưng của mỗi tuyến đường thì cần phải bàn thảo một cách thật sự khoa học và nghiêm túc.


Cổng chào trục đường Hà Nội - Hải Phòng.



Nói tóm lại, ý tưởng xây dựng 5 cổng chào dù có được giải thích như thế nào chăng nữa thì cũng chỉ làm mới thêm cho cái kiểu tư duy cổng làng mà thôi. Đành rằng văn hóa đô thị Thăng Long-Hà Nội có phần rất quan trọng là tích hợp và nhào luyện từ tinh hoa cả văn hóa xóm làng xứ Đông, xứ Đoài, xứ Nam, xứ Bắc, nhưng mô hình phát triển của đô thị Hà Nội thì quyết không phải là phóng đại cái làng xứ nọ, xứ kia mà thành được.


Đây là kiểu làm tùy tiện!
Vậy theo GS, Hà Nội không cần cổng chào?

- Để xây "vĩnh cửu", theo tư duy đô thị hiện đại thì càng chỉ nên xây một "cổng chào" có tính chất biểu trưng cho thủ đô Hà Nội, kiểu Paris (Pháp) có Khải Hoàn Môn, ngay như Viêng Chăn (Lào) cũng có cổng mang tính chất biểu trưng rất đẹp, có ý nghĩa, thể hiện tấm lòng đón chào tất cả mọi người đến với thành phố, dù quốc tịch nào, dù đi theo tuyến đường nào, hướng nào, bằng phương tiện gì... Nếu theo tư duy đó thì không cần phải xây dựng ở nơi "địa đầu" theo kiểu "cổng chào" truyền thống.



GS bình luận thế nào về ý kiến của đại diện VP Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long (trên VNExpress), rằng nếu không xây dựng cổng chào ở toàn bộ 5 khu vực thì khu đất trống sẽ được sử dụng làm điểm dừng đỗ của phương tiện giao thông, nên việc giải phóng mặt bằng vẫn tiến hành?


- Đây là kiểu làm tùy tiện. Còn 100 ngày nữa đã đến đại lễ kỷ niệm mới đưa ra ý tưởng xây cổng chào, rồi nếu không xây cổng chào thì làm bãi đỗ xe... Và chắc gì chỗ đó lại cần bãi đỗ xe nhỉ? Nếu không làm bãi đỗ xe thì có thể làm thêm cái gì đó, cho ai đây?


Hoàn toàn không nên giải phóng mặt bằng 5 chỗ, rồi lập luận rằng chỉ làm cổng tạm thôi. Thế là tham nhũng mặt bằng của dân rồi đấy. Không có cổng chào theo tôi cũng không sao, còn nếu đã giải phóng mặt bằng trên quy mô lớn rồi thì phải tính chuyện lâu dài, xây công trình có giá trị biểu trưng cao và để lại lâu dài cho con cháu. Không nên giăng ra làm hàng loạt những công trình "tạm", những công trình "rởm", vừa tiêu tốn quá nhiều tiền của của dân, vừa không làm đẹp hơn, trái lại còn làm nhem nhuốc thêm diện mạo Thủ đô.

Nguồn: Tuần Việt Nam.

Lời bàn thêm:

- Còn 100 ngày nữa là đến Đại lễ Thăng Long - Hà Nội. Hà Nội đang tanh bành, ngổn ngang. Ngổn ngang trong các công trình xây dựng. Ngổn ngang trong cách thức tổ chức lễ lạt và quảng bá hình ảnh. Ngổn ngang trong lòng người!

- 100 ngày nữa, phải quyết xây bằng được mấy cái cổng chào để đón khách và mừng Thăng Long - Hà Nội 1000 tuổi. Vui gì mà mừng?

- Sau 1000 năm, con cháu không vinh danh cho Lý Thái Tổ, lại định bác bỏ Người bằng việc định dời TT HC QG về vùng núi Ba Vì "sơn cùng thủy tận".

- Dù là số tiền mấy chục tỷ đồng xây dựng cổng chào không phải là của ngân sách thành phố, mà là của các doanh nghiệp, nhưng đó có phải là tiền của dân không?
Và các doanh nghiệp "thò" ra mấy chục tỷ để xây cổng chào liệu thành phố có phải "thò" cái gì ra cho họ không? (Cho dù họ đã cam kết không đặt logo như mấy doanh nghiệp đòi hỏi đối với Con đường Gốm sứ dọc đê sông Hồng).

- Lại còn có ý kiến rằng, cứ xây thử, rồi nếu OK thì xây vĩnh cửu. Chúng ta còn định thử đến bao giờ nữa? Hãy xem việc "thử" lát đường quanh Hồ Gươm! Hãy xem việc dự tính chôn hiện vật gửi lại 1000 năm sau!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét