24 thg 7, 2010
Thế lực nào làm công lý biến dạng?
Vụ án mua dâm nữ sinh tại trường trung học Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, trong đó có chủ tịch tỉnh mua dâm trẻ vị thành niên và cưỡng dâm với tình tiết tăng nặng là có tổ chức, liên tục phát sinh các diễn biến mới.
Mời quý vị theo dõi Trân Văn tổng hợp và tường trình thêm các diễn biến mới nhất liên quan đến vụ án này…
Bức con, ép mẹ, gài luật sư
Hồi đầu tháng này, sau khi Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN công bố kết luận về 45 trường hợp có dấu hiệu
vi phạm kỷ luật của Đảng CSVN, trong đó có trường hợp của ông Nguyễn Trường Tô – vừa là Chủ tịch tỉnh Hà Giang, vừa là một trong những nghi can liên quan tới vụ án xảy ra tại trường trung học Việt Lâm, huyện Vị Xuyên – báo chí Việt Nam mới quay trở lại để đào xới thêm các tình tiết có liên quan đến vụ án mang những dấu hiệu của một oan án
Kết quả của cuộc đào xới ấy làm bật ra nhiều vấn đề đáng ngại. Chẳng hạn, lý do ông Nguyễn Trường Tô bị Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN đề nghị tước bỏ các chức vụ trong Đảng, cách chức chủ tịch tỉnh, bãi nhiệm tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh là vì một bộ ảnh chụp ông trần truồng. Bộ ảnh này được Công an Hà Giang tìm thấy trong điện thoại di động của một cô gái mại dâm từ năm 2006 nhưng mãi tới gần đây, trước kỳ Đại hội Đảng mới được công bố.
Theo báo chí Việt Nam, ông Nguyễn Trường Tô, chủ tịch tỉnh Hà Giang đang có mâu thuẫn với ông Nguyễn Bình Vận, Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang mà nguyên nhân là do chức vụ Bí thư Tỉnh ủy sẽ vào tay ai ở kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang sắp đến.
Trong khi Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN đề nghị kỷ luật ông Tô, vì bộ ảnh chụp ông trần truồng, do Công an Hà Giang phát hiện cách nay khoảng bốn năm thì ông Tô tố cáo Giám đốc Công an tỉnh cũng sa đọa về đạo đức, “quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ”.
Điểm đáng nói là sau khi cuộc đối đầu này trở thành quyết liệt trong tháng 5, có liên quan đến Giám đốc Công an tỉnh thì sang tháng 6, cuộc điều tra lại vụ án xảy ra ở trường trung học Việt Lâm do Công an tỉnh Hà Giang tiến hành, bắt đầu chuyển biến theo hướng hoàn toàn không bình thường.
Mẹ của hai nữ sinh đang bị xem là bị can của vụ án được Công an tỉnh Hà Giang sắp xếp để cho gặp con gái lần đầu tiên, không phải vì nhân đạo mà chỉ nhằm hợp thức hóa điều mà Công an tỉnh Hà Giang cho là “mong muốn” của con gái họ.
Theo đó, con gái họ không cần luật sư nữa. Khoảng mười ngày sau, một nữ sinh lớp 9, được xem là một trong những nhân chứng của vụ án đột nhiên mất tích.
Trong loạt bài trước cũng về vụ án này, qúy vị đã nghe bà Nguyễn Thị Thơm – mẹ của nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Thúy, kể về những gì mà Công an tỉnh Hà Giang đã làm hồi trung tuần tháng 6.
Lần này, mời quý vị theo dõi luật sư Trần Đình Triển – người tình nguyện bào chữa miễn phí cho hai nữ sinh đang là bị can của vụ án kể về việc ông đến Hà Giang hôm 15 tháng 7, sau khi hai nữ sinh và mẹ của các em phải làm động tác “từ chối luật sư”.
Luật sư Triển là một trong những người góp phần phanh phui sự dính líu của những quan chức tỉnh Hà Giang đối với chuyện “mua dâm trẻ vị thành niên” và “cưỡng dâm” có tổ chức, đồng thời chứng minh hệ thống bảo vệ pháp luật ở huyện Vị Xuyên đã vi phạm pháp luật như thế nào, nhằm che đậy các sai phạm đó. Ông kể:
“Tôi đã làm việc với Cơ quan Cảnh sát Điều tra. Nếu mà không chuyển về trung ương điều tra thì nó lại như cũ thôi. Đến bây giờ thì chưa thấy động tĩnh gì để khởi tố những người trong danh sách đó và cũng chưa hề có việc xử lý những người mà trước đây làm sai lệch hồ sơ vụ án. Còn một đứa bé trong nhóm các cháu đi khỏi nhà và đến nay chưa thấy về nhà.
Tình trạng hai đứa bé thì đã có văn bản gửi cơ quan điều tra từ chối tôi làm luật sư. Tôi đã làm việc với ông Vi Anh Tuấn và Phó Văn phòng Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Hà Giang, cùng với ông Quỳnh là Kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.
Giấy chứng nhận bào chữa của tôi đang có hiệu lực, chưa bị thu hồi nên tôi đề nghị với điều tra viên cùng với Viện Kiểm sát vào trại tạm giam gặp cháu Thúy và cháu Hằng, hỏi xem nguyên nhân như thế nào mà lại từ chối luật sư bào chữa để làm biên bản công khai trước nhân dân.
Đấy là việc làm rất khách quan, tránh trường hợp trước đây, ở cấp sơ thẩm, các cháu cũng làm văn bản từ chối luật sư nhưng tại tòa, các cháu đều công bố là bị bắt ép. Các chú công an đọc cho và phải viết theo lời của các chú ấy.
Đề nghị đó của tôi đã bị ông Vi Anh Tuấn từ chối. Tôi nói rằng, như vậy đã đủ căn cứ là ở trong trại, hai cháu tiếp tục bị điều tra viên bức ép để phải viết từ chối luật sư. Nếu không, không có lý do gì mà lại từ chối tôi với điều tra viên, kiểm sát viên cùng gặp các cháu để hỏi cả.Tôi đề nghị lập biên bản thì ông Vi Anh Tuấn với một điều tra viên viết một dòng thì để lại vài ba chữ và bốn, năm chữ chưa viết. Tôi đã khóa chặt văn bản ấy và tôi viết thêm vào đó ý kiến của tôi. Tôi đề nghị photo làm ba bản, tôi một bản, cơ quan điều tra cầm một bản, Viện Kiểm sát cầm một bản thì ông Vi Anh Tuấn từ chốivà nói rằng không thể photo cho luật sư được. Tôi tuyên bố, nếu vậy, tôi không ký vào văn bản này và điều đó thể hiện rằng, Cơ quan Điều tra ngang nhiên vi phạm pháp luật và tôi sẽ có ý kiến.
Họ có đề xuất là để cho Cơ quan Điều tra và Viện Kiểm sát vào trại tạm giam gặp các cháu. Nếu các cháu đồng ý gặp luật sư thì khi đó mới cho luật sư vào. Tôi bảo là nếu như vậy thì tôi trả lời luôn là các cháu sẽ viết văn bản rằng không đồng ý.
Tôi về thì mẹ của hai cháu nhờ tôi làm văn bản gửi các cấp về việc cơ quan Công an mời họ lên để ép họ ký vào biên bản không mời luật sư nhưng tôi bảo là các chị phải tự viết lấy chứ không người ta lại bảo là luật sư xúi các chị. Còn tôi sẽ gửi văn bản, sẽ kiến nghị, yêu cầu phải rút lên trung ương, còn nếu không thì hoãn lại. Tình hình nó phức tạp như thế đấy anh ạ!”
Những lỗ kim cho… voi
Trân Văn: Thưa LS Triển, luật Việt Nam có quy định, nếu bị can, bị cáo mà dưới 18 tuổi thì phải có luật sư. Còn những trường hợp mà bị can, bị cáo phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi nhưng tiến trình tố tụng bắt đầu khi bị can, bị cáo đã đủ 18 tuổi rồi thì sao?
LS Trần Đình Triển: Đấy! Bây giờ chính cơ quan tiến hành tố tụng đang lợi dụng điều đó của luật pháp.
Đối với các bị can, bị cáo mà họ phạm tội khi họ dưới 18 tuổi thì người giám hộ có quyền thay mặt họ để quyết định các vấn đề, ví dụ như mời luật sư. Hay là các cháu có quyền mời luật sư với ý kiến của người giám hộ.
Thế nhưng bây giờ các cháu đã trên 18 tuổi thì đó là quyền của cả các cháu nữa. Vì luật không nói rõ điều đó, do đó, cơ quan điều tra đang lợi dụng sự mập mờ đó để tước đi quyền mời luật sư của người giám hộ là mẹ các cháu…
Ngoài những dấu hiệu bất thường từ phía Công an tỉnh Hà Giang, luật sư Trần Đình Triển còn nhận được thông tin là hôm 9 tháng 7, ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo Tổng biên tập một số tờ báo, yêu cầu ngừng thông tin về những việc liên quan đến ông Nguyễn Trường Tô. Luật sư Triển đã làm một văn bản gửi đến nhiều nơi, đề nghị ông Tô Huy Rứa trả lời. Ông Tô Huy Rứa và Ban Tuyên giáo Trung ương phản ứng ra sao? Mời quý vị đón theo dõi bài kế tiếp…
♦
Trong bài trước, luật sư Trần Đình Triển kể về cách hành xử bất thường của Công an tỉnh Hà Giang và khả năng sự thật có thể bị biến dạng đối với tất cả các thành phần có liên quan tới vụ án xảy ra tại trường trung học Việt Lâm, huyện Vị Xuyên.
Mặt khác, sau một thời gian ngắn tiếp tục đào xới các diễn biến có liên quan đến vụ án này, báo chí Việt Nam đã đồng loạt im lặng, sau khi có tin ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ra lệnh cho hệ thống truyền thông ngưng đưa thông tin về ông Nguyễn Trường Tô. Đây cũng là lý do để luật sư Trần Đình Triển gửi công văn đề nghị ông Tô Huy Rứa trả lời. Các diễn biến sau đó ra sao? Trân Văn tường thuật tiếp.…
Không cấm nhưng hệ thống truyền thông tắt tiếng
Công văn của Văn phòng Luật sư Vì Dân, gửi ông Tô Huy Rứa đề ngày 11 tháng 7. Sau đó thì sao? Ban Tuyên giáo Trung ương phản ứng thế nào?
Sáng 20 tháng 7, luật sư Trần Đình Triển cho biết:
"Theo tôi được biết, văn bản về giao ban thứ ba hàng tuần của Bộ Thông tin Truyền thông và Ban Tuyên giáo với các báo thì không đề cập đến việc cấm đưa thông tin về vụ Nguyễn Trường Tô nữa. Theo tôi biết thì các báo đang rất vui mừng về thông tin đó.
Tôi biết là tại cuộc họp giao ban thì có nói đến việc đó nhưng khi thành văn bản chính thức thì không có chuyện cấm đưa thông tin về vụ ông Nguyễn Trường Tô. Nếu nhìn nhận một cách khách quan về vụ án này thì không nên ngăn cản. Phòng chống tội phạm có lợi cho pháp luật, có lợi chung về mặt dư luận.
Tôi tin rằng ai cũng vậy cả thôi. Trong khi chỉ đạo thì cũng có những lúc sai, có những lúc đúng nhưng mà khi dư luận lên tiếng rồi thì có thể rút lại ý kiến của mình. Đó là chuyện bình thường trong công việc hàng ngày thôi anh!"
Trưa 20 tháng 7, chúng tôi đã liên lạc với Ban Tuyên giáo Trung ương nhưng chỉ có thể gặp thư ký của ông Tô Huy Rứa.
Trân Văn: Thưa anh Đức phải không ạ?
Thư ký ông Rứa: Dạ vâng!
Trân Văn: Thưa anh, tôi có thể gặp ông Tô Huy Rứa được không ạ?
Thư ký ông Rứa: Xin lỗi anh ở đâu đấy ạ?
Trân Văn: Dạ thưa anh, tôi ở Đài Á Châu Tự Do.
Thư ký ông Rứa: Anh ơi thủ trưởng đi nghỉ trưa rồi anh ạ!
Trân Văn: Vậy lúc nào thì tôi có thể gọi lại cho ông?
Thư ký ông Rứa: Thủ trưởng đi nghỉ trưa rồi anh ạ!
Trân Văn: Thưa anh, cho đến bữa nay, văn bản của ông Trần Đình Triển, luật sư Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân đã đến Ban Tuyên giáo Trung ương chưa?
Thư ký ông Rứa: Anh ơi, văn phòng có gửi, đồng chí Trưởng Ban có ủy quyền trả lời anh Triển rồi đấy anh ạ!
Trân Văn: Anh có thể cho tôi biết nội dung thư trả lời không ạ?
Thư ký ông Rứa: Công văn đã gửi rồi, còn tôi, tôi vừa đi dự Đại hội về xong, tôi không nhớ chính xác đâu anh ạ. Tôi đang ăn trưa anh nhá. Chắc là, các anh quan tâm thì các anh cũng sẽ có thôi bởi vì đã có một cái công văn của anh Chánh Văn phòng trả lời rồi anh ạ. Vậy anh nhá!
Trân Văn: Dạ rồi. Cám ơn anh Đức
Đến sáng 21 tháng 7, chúng tôi liên lạc lại với luật sư Trần Đình Triển và ông thông báo:
"Chiều hôm qua thì tôi đã nhận được văn bản trả lời của Chánh Văn phòng Ban Tuyên giáo Trung ương. Nội dung thì rất tốt. Tôi có thể cung cấp nội dung cơ bản. Ban Tuyên giáo Trung ương trả lời Văn phòng Luật sư Vì Dân là đồng chí Tô Huy Rứa, cũng như Ban Tuyên giáo Trung ương không có lệnh và không ngăn cấm báo chí đưa thông tin về vụ việc của ông Nguyễn Trường Tô.
Văn phòng Luật sư Vì Dân cũng chỉ mong muốn như vậy, bởi vì mọi sự việc cần phải đưa ra ánh sáng để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, đồng thời để làm trong sạch bộ máy của nhà nước và tránh sự oan sai. Với cách làm như thế, chúng tôi rất trân trọng đối với Ban Tuyên giáo Trung ương và cá nhân ông Tô Huy Rứa."
Đó là những thông tin mới nhất từ luật sư Trần Đình Triển về phản ứng của Ban Tuyên giáo Trung ương. Tuy nhiên, sau khi Ban Tuyên giáo Trung ương có văn bản trả lời Văn phòng Luật sư Vì Dân với nội dung như thế, liệu báo chí Việt Nam sẽ lại tiếp tục lên tiếng? Vào lúc này có lẽ rất khó xác định là có hay không.
Dẫn dắt dư luận và "thế lực thù địch, phản động" Đến đây, có lẽ cũng nên nhắc lại một chút về những tuyên bố của ông Nguyễn Trường Tô với Đài Á Châu Tự Do, hồi giữa tháng 2 năm nay.
Vào thời điểm đó, ông Tô đã khẳng định: "Bây giờ nếu tôi là người như vậy thì tôi cũng rất khó điều chỉnh dư luận… và dư luận đúng hay sai thì đương nhiên là nó cũng đều có ý đồ cả, có mục đích cả. Thế còn để dẫn dắt dư luận thì điều ấy, đến giờ phút này đã là người trong cuộc thì cũng rất khó dẫn dắt, đúng không ạ? Bắt buộc phải có cơ quan khác xem xét, công bố và dẫn dắt dư luận. Thậm chí có thể dẫn dắt còn phản cảm. Có lẽ anh hiểu điều đó?"
Ông Tô còn giải thích thêm về những cơ quan mà ông tin sẽ giải oan cho ông:
"Để cho cơ quan điều tra và những người có chức năng, có đủ thẩm quyền để công bố thì nó hay hơn. Thế còn đã nói đến vấn đề chính trị thì cũng không thể nói như thế nào được, nhưng mà tôi chỉ nói một điều không là không. Nhưng có dư luận như vậy thì cũng không thể nói như thế nào được. Tốt nhất là để người khác người ta thanh minh, chứng minh."
Một vài nhà báo Việt Nam cho biết lý do chính khiến hệ thống truyền thông ở Việt Nam đột ngột im lặng, ngưng đào xới, tìm kiếm sự thật về vụ án xảy ra ở trường trung học Việt Lâm là vì lãnh đạo Đảng không muốn các thế lực thù địch, phản động lợi dụng.
Đây là lý do khiến chúng tôi quyết định hỏi thêm quan điểm của luật sư Trần Đình Triển về thế lực thù địch, phản động:
"Tôi quan niệm thế này, bây giờ chúng ta cần phải xem xét lại thế nào là phản động, thế nào là thù địch. Đừng nên cả vú lấp miệng em. Người ta vì tiêu chí độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam thì đấy không phải là thù địch! Thứ hai là tất cả người ta tập trung vì nhân dân Việt Nam đoàn kết, giàu có, văn minh, trí tuệ và hạnh phúc. Tôi cho rằng, mục tiêu của người ta như vậy thì không phải là phản động.
Chứ còn nếu chúng ta nêu mục tiêu như vậy nhưng việc làm chúng ta lại khác, ý thức chúng ta khác thì đấy chính là phản động, phải không ạ?
Chúng ta phải nhìn nhận lại. Đừng đánh giá một cách rất là ồ ạt hay là không ưng nhau rồi tự kết luận cho nhau là phản động hay là chống lại chính quyền, quan điểm của tôi như vậy. Cần phải xem động cơ, mục đích, tiêu chí của người ta với hành động của người ta là thế nào để chúng ta đánh giá việc đó. Như thế mới là khách quan."
Thế còn quan điểm của Đảng CSVN về �thế lực thù địch, phản động� nói chung và trong vụ án này nói riêng thì sao?
Chúng tôi đã gọi ông Đào Duy Quát, cựu Phó Ban Tuyên giáo Trung ương và nay đang là Tổng Biên tập báo điện tử Đảng CSVN:Ông Đào Duy Quát:
AlôTrân Văn: Thưa ông Đào Duy Quát ạ?
Ông Đào Duy Quát: Ai đấy?
Trân Văn: Thưa ông, tôi là Trân Văn ở Đài Á Châu Tự Do.
Ông Đào Duy Quát: Tôi nghe không rõ gì cả…
Trân Văn: Tôi nghe ông rất rõ ông ạ! Thưa ông, tôi muốn hỏi thăm ông một số vấn đề có liên quan đến quan điểm của Đảng CSVN về "thế lực thù địch, phản động", ông nghe được không ạ?
Ông Đào Duy Quát: Không! Không nghe được!
Vì ông Quát không nghe được, nên ý định nhờ ông giúp nhận diện những "thế lực thù địch, phản động", đang khiến công chúng mất niềm tin như Đảng và Nhà nước lo ngại chưa thực hiện được.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Which-force-do-justice-deformation-Part-1-TrVan-07212010213606.html
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnam/xa-hoi/Which-force-do-justice-deformation-part2-Tvan-07222010135840.html
Trân Văn, thông tín viên RFA
2010-07-21
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét